Sự bùng cháy của Gen Z và cuộc “đổi pha” quyền lực tại Hollywood từ thế hệ đi trước
Gen Z, một thế hệ trẻ mới, đang sở hữu và tận dụng quyền lực khổng lồ của mình để thay đổi Hollywood nói riêng và xã hội nói chung.
Chiến thắng đầy thuyết phục của cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Hằng tại vòng chung kết năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vừa qua đã thu hút nhiều tranh cãi. Hành động ăn mừng của nữ thí sinh 17 tuổi bị không ít cư dân mạng coi là “ngông cuồng”, “tự mãn”. Cuộc chiến online nổ ra hướng mọi sự chú ý về một cuộc thi 20 năm tuổi với bao thế hệ thí sinh vốn bị coi là “mọt sách”, “khù khờ” lại có một quán quân mạnh bạo và cá tính như vậy. Bỗng nhiên, điều này khiến nhiều người nhận ra sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của một thế hệ mới, một “thế hệ vàng” có tên là Generation Z, hay gọi tắt là Gen Z.
Sự mạnh mẽ, cá tính và tài năng của Thu Hằng khiến nhiều người nhận ra sự “đổ bộ” của thế hệ Gen Z mới
Nhìn qua Hollywood, chúng ta cũng thấy rõ sự kiện “ sao đổi ngôi” này khi các gương mặt mới của thế hệ Z dường như đang “xâm chiếm” lấy ngành công nghiệp điện ảnh, thậm chí có thể khiến cả các diễn viên gạo cội đàn anh, đàn chị lép vế.
Bài viết này với góc nhìn về điện ảnh thế giới đưa ra nhận định về những tác động cũng như tầm quan trọng của Gen Z tới môn “nghệ thuật thứ 7″ nói riêng và từ đó là xã hội nói chung. Sự ảnh hưởng của Gen Z không chỉ dừng lại ở những diễn viên, người mẫu, ca sĩ… Thế hệ này với quyền lực mạnh mẽ của thời đại số trong tay đang kể câu chuyện của họ qua điện ảnh, đặt ra những vấn đề không ai nghĩ tới và dám thách thức, thay đổi “luật chơi” bấy lâu nay.
Những gương mặt Gen Z tài năng tiên phong cho sự “xâm lăng” của thế hệ mới
Nhìn qua những bom tấn Hollywood gần đây, chúng ta có thể thấy một vài gương mặt nổi tiếng mới ngày nào còn là con nít chạy loăng quăng giờ đã lớn phổng phao với tên tuổi thuộc hàng tốp đầu. Zendaya sinh năm 1996, chào sân khán giả với hình tượng cô bé mê nhảy nhót trong Shake It Up giờ trở thành nữ chiến binh oai hùng trong trailer Dune sắp ra mắt, trong khi Sophie Turner cùng tuổi nhỏ loắt choắt khi mới đóng Game of Thrones cũng thoát xác làm dị nhân quyền lực trong Dark Phoenix.
Một vài trong số rất nhiều những gương mặt Gen Z đang dần thống trị Hollywood: Zendaya, Sophie Turner, Tom Holland và Millie Bobby Brown
Cũng sinh năm 1996, Tom Holland đang khiến bao người mến mộ với sự thể hiện xuất sắc của mình trong loạt phim Spider-Man của vũ trụ Marvel. Millie Bobby Brown – cô bé 16 tuổi của Stranger Things cũng trở thành gương mặt nhất cử nhất động được báo giới quan tâm. Cô nàng cũng vừa ra mắt bộ phim riêng có tên Enola Holmes đang chễm chệ mức điểm chuyên môn 89% trên Rotten Tomatoes.
Những gương mặt tiêu biểu kể trên chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều những nghệ sĩ, diễn viên thuộc thế hệ Z với sự hiện diện đang dần thống trị Hollywood, không chỉ bởi những vai diễn non trẻ xoàng xĩnh mà ở cả năng lực thật sự được đánh giá cao.
Chiến thắng đánh dấu cột mốc mới trong lịch sử Emmy của Zendaya
Giải Emmy Primetime lần thứ 72 vừa diễn ra với chiến thắng của Zendaya tại hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong series chính kịch Euphoria – một bộ phim cũng kể về Gen Z của đài HBO. Thành tích của nữ diễn viên 24 tuổi còn làm nên lịch sử khi giúp cô trở thành người trẻ nhất từng nhận giải thưởng này, vượt qua những đối thủ còn lại đều là các bậc tiền bối là Sandra Oh hay Jennifer Aniston, ắt hẳn đánh dấu năng lực cũng như sự đổ bộ của Gen Z trong tương lai.
Điện ảnh đang mở đường cho Gen Z và câu chuyện của họ
Nhân vật Kayla Day 13 tuổi trong bộ phim Eighth Grade không phải là một đứa thiếu niên hư hỏng, học đòi uống rượu hay hút thuốc. Thay vào đó, cô bé chọn làm vlogger trên YouTube, đăng tải những video về tầm quan trọng của việc sống đúng với bản thân mình (“Sống đúng với bản thân có thể rất khó, chẳng phải lúc nào mình cũng là mình hay sao?”, nhân vật đặt ra câu hỏi). Thế nhưng trái với cuộc sống nghe có vẻ êm đềm ấy, Kayla Day cũng là nạn nhân của sự cô lập, bị giày xéo bởi những suy nghĩ tự ti, nghi ngờ chính bản thân mình và thỉnh thoảng cũng gặp những cơn hoảng loạn. Câu chuyện của cô bé là một ví dụ cho vô vàn những trường hợp có thật, là tiếng thét đầy hoảng sợ của Gen Z trong một thế giới quá yên ổn ở phía ngoài và sự hủy hoại bắt đầu xuất hiện từ bên trong.
Nhân vật Kayla được thể hiện bởi diễn viên Elsie Fisher 17 tuổi, nhận về rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình
Khán giả Việt Nam hẳn cũng đã biết về những bộ phim gần đây như The End of The F***ing World hay I Am Not Okay With This của Netflix hướng đến đối tượng người trẻ. Những bộ phim này mô tả một thế hệ thanh thiếu niên lúc nào cũng cục súc, cáu bẳn với cái nhìn tăm tối về thế giới và tưởng như chỉ một cái chạm nhẹ cũng khiến họ nổ tung. Cũng chẳng sai, khi số liệu thống kê mà trang Guardian của Anh đưa ra cho thấy những thành viên của Gen Z có tỉ lệ trầm cảm cao hơn 2/3 lần so với người ở thế hệ millennial hồi còn ở độ tuổi tương đương.
Cảnh trong phim The End of The F***ing World
Vấn đề này cùng với sự xuất hiện của những bộ phim kể trên khiến các thế hệ lớn tuổi hơn (hay có thể gọi là người lớn) phải chú ý. Thật oái oăm, họ không hiểu tại sao lũ trẻ con bây giờ lúc nào cũng bực bội, cắm mặt vào điện thoại và sức khỏe thì ngày càng giảm sút trong một thế giới ô nhiễm và lũng loạn do thế hệ đi trước gây ra, nơi các tập đoàn công nghệ – được dẫn dắt bởi những ông bà già – đang đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đô để tìm cách khiến giới trẻ không thể rời mắt khỏi màn hình.
I Am Not Okay With This nhận được số điểm rất tích cực trên các nền tảng xếp hạng phim
Eighth Grade, The End of The F***ing World hay I Am Not Okay With This phản ánh căn bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu của các nhân vật trong khi vẫn sở hữu nét hài hước và duyên dáng nhất định. Những bộ phim như vậy đang dần thay đổi công thức thường thấy của các bộ phim tuổi mới lớn tự cổ chí kim và dám đưa ra góc nhìn thực tế hơn, thân thuộc hơn của thế hệ trẻ bây giờ.
Bởi lẽ người trẻ, hay Gen Z thời nay, dường như bất lực trước những mô típ hoàng tử công chúa, hay những chuẩn mực về ngoại hình, màu da và cả chuẩn mực về hạnh phúc, được vẽ lên bởi các bộ phim của thế hệ trước. Họ có những mối lo riêng, và điều đó bao gồm sức khỏe tâm lý, chất kích thích, chính trị, cơn nghiện của công nghệ và mạng xã hội (xem The Social Dilemma để biết thêm thông tin chi tiết!).
Trang Guardian nói về những câu chuyện của Gen Z như một “sự giải cứu mới cho điện ảnh và thế giới”
Nếu như thế hệ “Boomer” già cỗi từng lớn lên với những tác phẩm kinh điển như The Godfather, Gen X có Friends hay The Breakfast Club, “Millennial” đắm chìm trong Mean Girls, Harry Potter… thì Gen Z lại thiếu đi những tác phẩm gần gũi với họ, và thế hệ này chỉ quá quen thuộc với bản tin các cuộc xả súng trường học trên mạng xã hội hay những trào lưu mua vui ở TikTok.
Boooksmart cũng là một tác phẩm sáng giá của năm 2019 nói về Gen Z
Chính vì vậy, thật đáng ngưỡng mộ và đáng tuyên dương khi Gen Z đang mạnh mẽ giành lại ngôi thứ nhất và kể lại những câu chuyện thực sự đang xảy ra với thế hệ của họ, cho dù điều đó vẫn đòi hỏi sự giúp đỡ của các thế hệ lớn tuổi hơn.
Quyền lực của thế hệ Z trong công cuộc đổi mới “luật chơi”
Với sự đông đảo của các thành viên trong thế hệ Z, họ đóng góp một sự ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của các bộ phim lớn. Aladdin và The Lion King – các bom tấn chuyển thể gần đây của Disney chứng kiến số lượng khán giả độ tuổi dưới 24 chiếm đến 55% trong tuần mở màn, trong khi con số đó của Toy Story 4 lên đến 61%, theo trang The Hollywood Reporter.
Tin đưa từ The Hollywood Reporter trong năm 2019 cho thấy “Khán giả trẻ mang lại sự tích cực giữa mùa hè thất thu tại phòng vé”
Như vậy, có thể thấy tiếng nói của Gen Z rất quan trọng đối với các tập đoàn sản xuất phim khổng lồ. Và những người trẻ ấy biết cách để tận dụng lợi thế của mình. Là một thế hệ được coi là thức thời và không ngại cất tiếng nói, Gen Z luôn mạnh mẽ dẫn đầu những trào lưu, cuộc vận động cho các chủ đề nóng như bình đẳng giới, phân biệt sắc tộc, LGBTQ ,… để tạo áp lực cho Hollywood phải thay đổi.
Zendaya đã tỏa sáng với Rue – một nhân vật nghiện ngập được tạo nên bởi nhà sản xuất phim Euphoria. Cô chia sẻ một trong những lý do mình nhận được vai diễn này là do nhà sản xuất không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về màu da nhân vật
Zendaya, tự hào là một nữ nghệ sĩ người da đen, sử dụng nền tảng và sự nổi tiếng của mình để cất lên tiếng nói về bình đẳng giới, cũng như thúc đẩy cho sự hiện diện của người da đen trên màn ảnh, nhất là với phong trào Black Lives Matter sôi sục. “Mục tiêu lớn nhất của tôi là tạo ra thêm chỗ trống cho những người có màu da giống mình, bởi vì đối với rất nhiều nghệ sĩ da đen, họ không thiếu tài năng nhưng lại thiếu đi cơ hội”, cô chia sẻ khi nhắc đến vai diễn Rue của mình trong bộ phim Euphoria.
Bộ phim I Am Greta sẽ ra mắt vào ngày 13/11 trên nền tảng Hulu
Không nhất thiết phải là nghệ sĩ, diễn viên tài năng để có thể tạo nên sự khác biệt từ trong Hollywood. Hẳn nhiều người sẽ nhớ Greta Thunberg – một nhà vận động vì môi trường người Thụy Điển sinh năm 2003 khiến cả thế giới khuynh đảo với những thông điệp và sức ảnh hưởng của mình. Hulu – một trong những ông lớn trong mảng chiếu phim trực tuyến đã quyết định sản xuất riêng một bộ phim tài liệu về Greta mang tên I Am Greta, tập trung vào hành trình tạo ra sức ảnh hưởng tầm cỡ quốc tế của một cô bé 16, 17 tuổi. Greta cũng muốn sử dụng bộ phim để tiếp tục truyền bá cho điều mà bản thân quan tâm nhất: sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tương lai mà người trẻ sẽ phải gánh chịu nếu không chịu trở thành sự thay đổi.
Tờ Los Angeles Times đưa ra nhận định rằng điện ảnh ngày nay đang chuyển mình rất nhanh. Sự khác biệt trong gu thưởng thức phim cũng như cách mọi người thưởng thức phim khiến khoảng “sân chơi chung” của điện ảnh cho nhiều thế hệ khác nhau đang thu hẹp. Mỗi cá thể lại mong muốn được tìm thấy những bộ phim, chương trình ít-đại-trà, có nét tương đồng riêng và làm dấy lên sự đồng cảm trong thâm tâm. Và đây sẽ là cuộc chiến tương lai giữa các nhà sản xuất phim.
Những bộ phim có vai chính là nữ giới, người da màu, châu Á,… đang dần xuất hiện nhiều hơn ở Hollywood
Sự xuất hiện của những tác phẩm điện ảnh với tư tưởng, tầm nhìn mới lạ như Crazy Rich Asian, Mulan hoặc sắp tới là Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings của Marvel với dàn diễn viên toàn là người châu Á, hay các bộ phim với nữ chính dẫn đầu như Captain Marvel, Wonder Woman, Star Wars: The Last Jedi… đánh dấu sự cập nhật tích cực của Hollywood trước những phong trào vận động về quyền bình đẳng. Tất cả tồn tại với sự đóng góp đấu tranh không nhỏ của Gen Z – thế hệ đại diện cho sự bình quyền và nắm giữ tương lai của thế giới mới.
Cách điện ảnh Hàn Quốc phục hồi nhanh giữa đại dịch
Hàn Quốc thuộc nhóm quốc gia có nền điện ảnh phát triển hàng đầu châu Á. Thành tích có được là nhờ sự đầu tư bài bản và có chiều sâu của chính phủ.
Đại dịch Covid-19 bùng phát để lại hậu quả nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nền công nghiệp điện ảnh. Việc hạn chế tụ tập nơi đông người một mặt khiến các đoàn phim phải tạm dừng sản xuất, rạp chiếu phim buộc phải đóng cửa. Mặt khác, dịch bệnh cũng tạo ra tâm lý ngần ngại nơi khán giả khi cân nhắc việc tới rạp xem phim.
Khi Hollywood, Bollywood và nhiều nền điện ảnh lớn mãi loay hoay với bài toán tìm thời điểm và kênh lý tưởng để phát hành phim mới, nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã bước đầu hồi phục bằng chùm phim ăn khách công phá phòng vé châu Á.
Chiến lược đầu tư bài bản và có chiều sâu
Năm 2020, Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho làm nên lịch sử khi trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên chiến thắng tại Oscar. Parasite cũng là bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải Phim xuất sắc.
Thành công là kết quả từ sự đầu tư bài bản và có chiều sâu của chính phủ và các công ty lớn vào ngành công nghiệp điện ảnh. Trong cuộc với phỏng vấn với Zing vào tháng 2, ông Jung Tae Sun, Tổng giám đốc CJ HK Entertainment, cho biết để bồi đắp nguồn nhân lực, Cục Điện ảnh Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Ông Jung Tae Sun, Tổng giám đốc CJ HK Entertainment. Ảnh: Bá Ngọc.
Đối tượng chính của các khóa học là đội ngũ hoạt động trong ngành điện ảnh, từ đạo diễn, diễn viên, biên kịch tới nhân viên hậu trường... Bên cạnh đó, các cá nhân ưu tú cũng được tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi tại kinh đô điện ảnh Hollywood và các quốc gia có nền điện ảnh phát triển khác.
Cùng với chính sách hỗ trợ của chính phủ là sự đầu tư về vốn từ nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc cho ngành điện ảnh. Theo lời ông Jung, các tập đoàn kinh tế không ngần ngại đầu tư số tiền lớn để sản xuất các phim bom tấn hay tác phẩm có đề tài hay và cách tiếp cận mới mẻ.
Đây không chỉ là bài toán kinh doanh - đầu tư vào đâu và đầu tư thế nào để mang lại hiệu quả. Sự đầu tư bài bản còn phản ánh tham vọng đưa điện ảnh Hàn Quốc sánh vai với các cường quốc điện ảnh lớn trên thế giới của các ông lớn ngành thương nghiệp.
Phim điện ảnh Hàn làm ra không chỉ trình chiếu phục vụ khán giả mà còn gửi đi tham dự cũng như tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ. Đây cũng là một cách để các nhà làm phim Hàn cọ xát và học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.
Nhờ vậy, trong hai thập kỷ qua, từ một nền điện ảnh nổi tiếng với những phim tình cảm hài nhẹ nhàng, Hàn Quốc đã ghi dấu ấn với bạn bè năm châu bằng những tác phẩm đa dạng trong đề tài cũng như phong cách thể hiện.
Hồi phục nhanh trong hoàn cảnh Covid-19
Ảnh hưởng của Covid-19 tới điện ảnh Hàn Quốc là không thể phủ nhận. Theo thống kê của Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc, chỉ có hơn 1,5 triệu vé xem phim được bán ra trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc vào tháng 5 - giảm 11,3 lần so với con số 17 triệu vé của tháng 1. Thế nhưng, đây vẫn là tín hiệu hồi phục so với 970.000 vé bán ra hồi tháng 4.
Hàn Quốc thuộc nhóm quốc gia có nền điện ảnh phục hồi với tốc độ nhanh giữa bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát. Từ nửa cuối tháng 6, rạp chiếu phim tại Hàn Quốc đã liên tiếp xuất hiện những kỷ lục phòng vé mới.
Peninsula là bộ phim mang hy vọng "hồi sinh" phòng vé châu Á giữa mùa dịch. Ảnh: Lotte Entertainment.
Bộ phim sinh tồn đề tài xác sống #Alive có sự góp mặt của Yoo Ah In và Park Shin Hye đại thắng khi ra rạp từ 24/6. Theo thống kê của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, bộ phim thu hút 204.071 lượt khán giả tới rạp trong ngày đầu ra mắt.
#Alive cũng là phim có lượt người xem trong ngày chiếu đầu tiên cao thứ hai tại Hàn Quốc 6 tháng đầu năm 2020, chỉ thua The Man Standing Next của Lee Byung Hun.
Chưa đầy một tháng sau, Peninsula - hậu truyện của tác phẩm ăn khách Train to Busan - ra mắt. Theo Korea Herald, Peninsula bán được 350.000 vé trong ngày đầu ra mắt tại quê nhà, trở thành phim có lượng vé bán ra trong ngày khởi chiếu cao nhất tại Hàn Quốc trong năm 2020.
Điều đáng nói, vào thời điểm nhạy cảm khi đại dịch chưa được kiểm soát, Peninsula đã xô đổ kỷ lục về lượng vé bán ra trong ngày khởi chiếu mà phim của Lee Byung Hun từng đạt được hồi đầu năm khi mọi hoạt động vẫn ở trạng thái bình thường.
Contents Panda hồi cuối tháng 7 đã thống kê doanh thu toàn cầu của Peninsula trong tuần đầu công chiếu là 20,82 triệu USD. Phim thu hút 3 triệu lượt khán giả tới rạp sau hai tuần. Theo thống kê của IMDb, con số doanh thu phòng vé toàn cầu của Peninsula hiện tại là 35,81 triệu USD với hơn 1 triệu USD từ thị trường Bắc Mỹ.
Deliver Us From Devil là tác phẩm nội địa cán mốc 2 triệu người xem nhanh nhất mùa phim hè 2020 tại Hàn Quốc. Ảnh: CJ Entertaiment.
Từ 29/7, chuỗi chiến thắng của phim Hàn tại phòng vé giữa đại dịch tiếp nối với Steel Rain 2: Summit. Hậu truyện của bộ phim Hàn ăn khách Steel Rain đã soán ngôi Peninsula, trở thành tựa phim ăn khách nhất tại phòng vé nội địa chỉ sau hai tuần ra mắt.
Tới 4/8, Steel Rain 2: Summit bán được tổng cộng 1,02 triệu vé, thu về 7,03 triệu USD. Theo thống kê của IMDb, doanh thu phòng vé toàn cầu của bộ phim hiện tại là 12,33 triệu USD.
Cuối tháng 8, bộ phim Deliver Us From Devil với sự góp mặt của tài tử Hwang Jung Min gây ấn tượng với 26,5 triệu USD doanh thu sau 11 ngày ra mắt. Trước đó, từ 5/8 tới 8/8, bộ phim đã mang về cho nhà sản xuất 10,6 triệu USD từ tiền bán vé.
Ngày 22/8, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc thông báo Deliver Us From Devil đã thu hút 4 triệu lượt khán giả tới rạp thưởng thức. Bộ phim cũng vượt mặt Peninsula, trở thành tác phẩm nội địa cán mốc 2 triệu người xem nhanh nhất mùa phim hè 2020 tại Hàn Quốc.
Sự thật, không phải tất cả tác phẩm thuộc chùm phim Hàn thành công rực rỡ thời gian qua đều có chất lượng nghệ thuật cao. Điển hình, dù được mệnh danh là bom tấn giúp phòng vé "hồi sinh" giữa mùa dịch, Peninsula đã gây thất vọng cho giới phê bình và khán giả. Bom tấn bị nhận xét là cái xác không hồn với nội dung khiên cưỡng, nhân vật không ấn tượng và cốt truyện phi lý, nhạt nhòa.
Tới tháng 9, #Alive được phát hành trực tuyến trên nền tảng Netflix. Trái với kỳ vọng của khán giả, bom tấn từng thu hút hơn 204 nghìn khán giả trong ngày công chiếu là một tác phẩm dài dòng với nhiều tình tiết phi lý.
Nhờ đâu điện ảnh Hàn nhanh chóng hồi phục?
Dù chóng nở, sớm tàn, không thể phủ nhận cả #Alive và Peninsula đã thành công trong việc thổi làn gió mới vào tình hình đìu hiu của phòng vé Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung giữa đại dịch. Tung ra các tựa phim kinh phí lớn giữa lúc phòng vé đìu hiu khán giả là một quyết định liều lĩnh của các nhà phát hành.
Tuy nhiên, sự liều lĩnh lại trở thành quyết định thức thời. Không phải cạnh tranh vất vả với các tựa phim Hollywood, lại vừa vặn thỏa mãn "cơn khát" các sản phẩm giải trí của khán giả sau thời gian dài chôn chân trong nhà để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các tựa phim Hàn ra mắt từ tháng 6 tới tháng 8 đều nhanh chóng gặt hái thành công.
Dù thành công ngày mới ra mắt, nhưng #Alive bị chê dở và nhạt khi phát hành trực tuyến. Ảnh: IMDb.
Đóng góp vào thành công chung của điện ảnh Hàn Quốc thời đại dịch không chỉ là sự thức thời của nhà phát hành hay lòng ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Thành công chung còn có sự đóng góp của những chính sách kịp thời của chính phủ trong việc tạo ra không gian thưởng thức nghệ thuật an toàn cho khán giả và san sẻ gánh nặng kinh tế với nhà đầu tư và hệ thống rạp chiếu.
Ngày 15/3, Yonhap đưa tin Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc ban hành bộ quy định chi tiết áp dụng cho các rạp chiếu phim và khán giả giữa đại dịch Covid-19. Trước đó, hồi tháng 2, chính quyền Hàn Quốc cũng đưa ra những biện pháp kích cầu ngành công nghiệp điện ảnh.
Theo The Hollywood Reporter, trung tâm của các chính sách này là quyết định miễn giảm cho hệ thống các rạp chiếu phim lớn khoản tiền đóng góp vào quỹ phát triển điện ảnh Hàn Quốc.
Luật hiện hành yêu cầu các rạp chiếu phim trích 3% doanh thu bán vé để ủng hộ quỹ phát triển điện ảnh của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc. Trung bình, mỗi năm quỹ này nhận tổng số tiền đóng góp khoảng 45 triệu USD. Quyết định miễn trừ được áp dụng từ tháng 2.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ dành cho nhà sản xuất và đơn vị phát hành. Cụ thể, sẽ có 20 bộ phim buộc phải hoãn hoặc hủy kế hoạch phát hành trong quý I vì dịch bệnh được chính phủ trợ cấp một phần kinh phí quảng bá.
Chính phủ cũng sẽ chọn ra 20 dự án phim khác buộc phải hoãn ghi hình vì dịch bệnh. Các đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất các phim này sẽ nhận được một khoản kinh phí hỗ trợ khi quay trở lại sản xuất.
Ở cấp độ cá thể, khoảng 400 nhà làm phim bị mất việc hoặc không tìm được dự án mới do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được chính phủ tạo điều kiện để tham gia các khóa đào tạo việc làm miễn phí.
EMMY 2020: "Bạn gái Nhện nhí" giật giải siêu to khổng lồ, HBO thắng lớn chấp mọi "đối thủ" Giải thưởng Emmy 2020 khép lại với thành công áp đảo của HBO, ngoài ra nữ diễn viên trẻ Zendaya cũng làm nên lịch sử với chiến thắng của mình. Giải thưởng Emmy lần thứ 72 dành cho các series truyền hình xuất sắc của nước Mỹ vừa diễn ra với nhiều cái tên mới được xướng lên, hạ gục các đàn anh...