Sony lạc quan về thị trường Việt Nam
Sony nhận thấy thị trường công nghệ trong năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn, tuy nhiên, nhà sản xuất đến từ Nhật Bản này tỏ ra lạc quan và đặt cược vào hai thị trường IT và di động tại Việt Nam.
Sony tập trung xây dựng trung tâm trải nghiệm riêng.
Ông Tomoyuki Haba, Giám đốc kinh doanh Sony Electronics Việt Nam, chia sẻ trong năm 2013, hãng sẽ đầu tư kinh doanh những mẫu máy tính VAIO thế hệ mới với màn hình cảm ứng, chạy trên hệ điều hành Windows 8. Nhà sản xuất này cũng tiết lộ do mới gia nhập thị trường smartphone sau khi mua lại 50% thị phần từ Sony Ericsson từ tháng 7/2012 vì thế hãng sẽ chỉ tập trung vào hai phân khúc thị trường tầm trung và tầm cao. “Sony sẽ tiếp tục tung ra thị trường smartphone cao cấp nhằm khẳng định thương hiệu và smartphone tầm trung để tranh giành thị phần từ các đối thủ. Điện thoại giá rẻ không nằm trong lộ trình tương lai gần của Sony”, ông Haba nhấn mạnh.
Đại diện Sony cũng cho biết hiện tại hãng chỉ sản xuất điện thoại chạy trên hệ điều hành Android. Hãng chưa có kế hoạch ra mắt điện thoại Windows Phone trong thời gian tới.
Về chiến lược kinh doanh trong năm tới, Sony cho biết hãng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng những trung tâm Sony Center tại Việt Nam nhằm tạo cơ hội cho người dùng trải nghiệm sản phẩm trước khi quyết định mua.
“Bên cạnh những gian hàng tại các trung tâm điện máy, Sony sẽ bắt tay cùng các đối tác để mở rộng các Sony Center, tạo không gian riêng biệt, giúp người dùng có nhiều cơ hội dùng thử sản phẩm”, Tomoyuki Haba chia sẻ với báo giới trong lễ khai trương Sony Center tại tầng 4 Vincom (191 Bà Triệu, Hà Nội)
Video đang HOT
Sony Center Vincom là trung tâm thứ 19 của Sony tại Việt Nam và là thứ 6 tại Hà Nội. Sony Center Vincom có tổng diện tích gần 200m2, trưng bày các sản phẩm, gồm máy ảnh Cyber-shot, máy ảnh ống kính rời NEX, Alpha, Handycam và TV Bravia, điện thoại Xperia và máy tính VAIO… Một số hình ảnh tại Sony Center Vincom:
Theo Khôi Linh
Dân Trí
Vì sao CEO của Sony "hạ cố" sang Việt Nam?
Vừa qua, một số tay máy đã "tóm" được hình ảnh của ông Kazuo Hirai, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí của chủ tịch kiêm CEO của Sony nhiều tháng trước đây để cứu vãn một con thuyền đang chìm của cả tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này. Vậy đâu là lí do khiến một nhân vật cỡ bự như ông Hirai lại đến Việt Nam?
Một chút thông tin về ông Kazuo Hirai
CEO người Nhật đầu tiên của Sony có khả năng nói sõi tiếng Anh nhờ chuyển đến sống tại Mỹ cùng với gia đình từ nhỏ.
Bắt đầu sự nghiệp với Sony Music, thành danh kể từ khi trở thành chủ tịch của Sony PlayStation và cứu vãn được con thuyền chìm của PS3.
Được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch và CEO của tập đoàn Sony vào ngày 1 tháng 4 năm 2012, gánh trọng trách phục hưng cho một mảng khổng lồ đang sụp đổ của tập đoàn là Sony Electronics (đồ điện tử tiêu dùng).
Là một trong những gương mặt quyền lực nhất của ngành công nghiệp giải trí thế giới.
Trong những năm gần đây, bất chấp việc kinh doanh của Sony trên toàn thế giới đang sa sút, doanh thu tại thị trường Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng. Thậm chí, theo nguồn tin từ nội bộ, trong 3 năm trở lại đây, doanh thu của Sony tăng đều đặn 50% mỗi năm. Tại thị trường Việt Nam, uy tín của thương hiệu Sony gần như bất khả chiến bại. Đối với các hộ gia đình tại Việt Nam, nếu nhắc đến TV Sony thì gần như không ai nghi ngờ gì về uy tín. Lòng tin mà người dùng dành cho thương hiệu này lớn hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh.
Không những thế, hai mặt hàng bán chạy nhất của Sony tại Việt Nam trong những năm vừa rồi là máy ảnh và laptop vẫn luôn giữ một vị trí nhất định trên thị trường. Dòng máy ảnh Cybershot và laptop VAIO từ lâu vẫn luôn được một bộ phận người dùng không nhỏ đánh giá cao và tin dùng. Thống kê của năm 2011 cho thấy máy ảnh là mặt hàng bán chạy thứ 2 của Sony, chỉ sau các loại TV.
Đến năm nay, vị trí này được thế chỗ bằng laptop VAIO. Thị phần của laptop do Sony sản phẩm tại Việt Nam đang đứng thứ 2, chỉ sau Asus. Thế nhưng, một chiếc laptop rẻ nhất của Sony là khoảng 16 triệu trong khi sản phẩm rẻ nhất của kẻ đang đứng đầu thị trường chỉ có giá bằng một nửa. Điều này giải thích vì sao doanh thu của laptop Sony lại đang đứng đầu thị trường Việt.
Những tiềm năng này giải thích vì sao một vị CEO của Sony lại thân chinh đến thăm thú thị trường của một quốc gia nhỏ như Việt Nam. Hiện tại, chưa có thông tin nào về thời điểm ông Kazuo Hirai sẽ rời Việt Nam. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Sony, việc ông Kazuo Hirai sang Việt Nam lần này cũng liên quan tới ý định vươn lên thống trị thị trường Việt Nam ở hai mảng laptop và điện thoại trong năm tới của tập đoàn này. Về laptop, đó là một ý định dễ hiểu. Trong mảng điện thoại, năm vừa rồi là thời điểm Sony trở lại với một loạt mẫu điện thoại Xperia. Đó là một thông tin báo hiệu cho nhiều bước đi tham vọng hơn của họ trong thời gian tới.
Theo Genk
Sony nói không với smartphone giá rẻ, không xây nhà máy ở Việt Nam, sẽ hợp tác với nhiều ứng dụng Việt Khác với chiến lược của hầu hết các NSX khác, Sony khẳng định sẽ bỏ qua thị trường smartphone giá rẻ, một thị trường định đánh giá là rất rộng lớn và tiềm năng trong tương lai gần. Đồng thời, tổng giám đốc Sony Việt Nam khẳng định giá sẽ không phải yếu tố Sony quan tâm nhiều trong chiến lược phát triển...