Sông hồ Hà Nội bị bức tử – Kỳ 2: Truy tìm thủ phạm
Cơ quan chức năng chỉ rõ một trong những nguyên nhân chính khiến sông hồ Hà Nội bị ô nhiễm là do nước thải từ các khu chung cư, khu đô thị, khu tái định cư đang mọc lên ngày một nhiều.
Một loạt các khu chung cư đấu nối xả thẳng ra sông Tô Lịch – Ảnh: Nam Anh
Xả thải không xử lý
Khu đô thị (KĐT) Mỹ Đình 2 với sự xuất hiện của cả chục tòa nhà cao tầng với hàng ngàn hộ dân sinh sống nhưng không hề được thiết kế, xây dựng trạm xử lý nước thải tại chỗ. Vì thế, cả ngàn mét khối nước thải sinh hoạt của các hộ dân ở đây ngày đêm xả thẳng ra hệ thống kênh mương chung trong khu vực, sau đó chảy tới sông Nhuệ. Cách đó không xa, nước thải của toàn bộ 18 tòa nhà cao tầng thuộc khu tái định cư (KTĐC) Nam Trung Yên cũng được xả thẳng ra hệ thống mương chung của hai phường Yên Hòa và Trung Hòa (Q.Cầu Giấy), trước khi ra sông Tô Lịch. Từng được coi là KĐT kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn TP.Hà Nội, nhưng Linh Đàm cũng không hề có trạm xử lý nước thải tại chỗ. Và hơn chục năm qua, hàng triệu khối nước thải vẫn vô tư được xả thẳng ra sông Tô Lịch, hồ Linh Đàm.
Theo khảo sát của Thanh Niên, dọc sông Tô Lịch, đoạn chảy qua KĐT Linh Đàm hay ven hồ Linh Đàm xuất hiện nhiều miệng cống bê tông dẫn nước thải bốc mùi được đấu nối dẫn thẳng tới KĐT kiểu mẫu này. Ngoài Mỹ Đình 2, Linh Đàm còn có KĐT Văn Quán (được đưa vào sử dụng năm 2007), nhưng đến nay vẫn không có nhà máy hay trạm xử lý nước thải. Toàn bộ khối lượng nước thải sinh hoạt của hơn 1 vạn người dân sinh sống tại đây đều được xả thẳng ra hồ Văn Quán.
Ông Phú Minh, một người dân sinh sống tại P.Văn Quán (Q.Hà Đông) cho hay: “Trước đây, hồ Văn Quán nước trong và sạch, người dân thường dùng lưới và vó để bắt tôm, cá. Nhưng một thời gian không lâu sau khi KĐT Văn Quán được đưa vào sử dụng thì nước trong hồ này bắt đầu chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối”.
Không riêng gì hồ VănQuán, hay hồ Linh Đàm, mà một loạt những hồ khác trên địa bàn thủ đô như hồ Đền Lừ, hồ Mễ Trì, hồ Định Công… cũng đang bị “đầu độc”, ô nhiễm trầm trọng.
Vì… tiết kiệm chi phí !
Ngay cả những KĐT, khu chung cư (KCC) hiện đại, kiểu mẫu mới được đưa vào sử dụng cũng không được chủ đầu tư cho thiết kế xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đơn cử 3 tòa nhà cao tầng nằm trong quần thể KĐT mới Dịch Vọng (P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy), do Công ty CP Thanh Bình làm chủ đầu tư. Được biết, dù mới có một tòa nhà được đưa vào hoạt động, còn hai tòa đang trong giai đoạn hoàn thiện, bàn giao, nhưng KCC này không hề có trạm xử lý nước thải sinh hoạt. Trả lời Thanh Niên, ông Đinh Văn Thủy, cán bộ Phòng Tổ chức Công ty CP Thanh Bình, thừa nhận nước thải sinh hoạt của các tòa nhà này đều được xả thẳng vào hệ thống mương chảy qua P.Yên Hòa (Q.Cầu Giấy), sau đó đổ ra sông Tô Lịch.
Video đang HOT
Cùng nằm trong KĐT mới Dịch Vọng còn có nhiều ngôi nhà cao tầng do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm và Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư. Hiện đã có nhiều tòa nhà đi vào khai thác với cả ngàn hộ dân sinh sống và nhiều tòa nhà khác đang trong quá trình xây dựng, trong thời gian tới sẽ sớm tiến hành bàn giao. Tuy nhiên dù đã đổ hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các tòa nhà cao tầng, nhưng phía Hà Đô lại không hề tính tới phương án trạm xử lý nước thải sinh hoạt.
Một loạt các KCC mới nằm dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư cũng không hề được xây dựng trạm xử lý nước thải. Tương tự, khu nhà phức hợp The Manor (với gần 500 hộ) thuộc KĐT Mỹ Đình – Mễ Trì, dù được trang bị trạm xử lý nước thải trị giá cả chục tỉ đồng, nhưng nhiều năm qua, trung bình mỗi ngày 500 m3 nước thải vẫn đều đặn xả ra mương Cầu Quang (xã Mỹ Đình, H.Từ Liêm) rồi chảy tiếp tới sông Nhuệ.
Trả lời về tình trạng trên, ông Trương Đức Tú – quản lý chính của The Manor, nói việc có đầu tư trạm xử lý nước thải mà không vận hành là… để tiết kiệm chi phí. Ông nói thêm: “Hiện chúng tôi đã cho vận hành lại trạm xử lý nước thải, tuy nhiên hiệu quả cũng như chất lượng nước sau xử lý vẫn chưa đạt chuẩn”.
Nộp phạt để tồn tại
Nằm ở cửa ngõ đông bắc Hà Nội, KĐT mới Việt Hưng (Q.Long Biên) với tổng diện tích lên tới 300 ha, do Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam làm chủ đầu tư, vừa đi vào khai thác được ít năm nhưng cũng không hề có trạm xử lý nước thải. Trung tá Nguyễn Xuân Quyến, Đội trưởng Đội 2 thuộc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP.Hà Nội, cho biết trước những hành vi kể trên, tháng 1.2012, đơn vị này đã lập biên bản xử phạt 120 triệu đồng đối với Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam.
Cũng trong năm 2012, PC49 còn kiểm tra, phát hiện hàng loạt các KĐT, KCC với lỗi, hành vi không xây dựng trạm xử lý nước thải và trực tiếp xả thải ra môi trường; xử phạt 50 triệu đồng đối với chủ đầu tư KĐT mới Mỹ Đình – Mễ Trì là Công ty CP đầu tư phát triển nhà đô thị và khu công nghiệp Sông Đà; xử phạt hơn 20 triệu đồng đối với Công ty CP VIMECO; lập biên bản xử phạt Công ty TNHH An Điền (19 Láng Hạ, Q.Ba Đình) 20 triệu đồng do xả thải nước sinh hoạt có chỉ số ô nhiễm vượt quá 5 lần cho phép ra môi trường…
Trong những lần kiểm tra, phát hiện việc xả thải ra môi trường của lực lượng chức năng, phía chủ đầu tư hay đơn vị quản lý đều có cam kết và đưa ra biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa đơn vị nào có động thái khắc phục, nước thải sinh hoạt vẫn vô tư được xả trực tiếp ra môi trường.
Theo TNO
'Phía tây Hà Nội sẽ còn úng ngập nhiều'
"Hà Nội mới thực hiện dự án thoát nước nội đô giới hạn từ sông Tô Lịch tới sông Hồng. Còn từ Tô Lịch đến sông Nhuệ, các khu đô thị dọc vành đai 3 vẫn phải úng ngập vài ngày khi mưa lớn", ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết.
- Mặc dù Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống thoát nước, tại sao có nơi vẫn bị úng ngập vài ngày khi mưa lớn?
- Hà Nội được bao bọc phía bắc là sông Hồng, tây nam là sông Nhuệ, có độ dốc thấp, nằm trong sông nên khả năng tiêu thoát nước hạn chế. Quy hoạch thoát nước năm 1995 do Nhật Bản xây dựng chia làm 2 lưu vực, từ sông Hồng đến sông Tô Lịch và từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ. Hà Nội mới thực hiện dự án thoát nước trong khu vực nội đô giới hạn từ sông Tô Lịch tới sông Hồng.
Thoát nước của 2 lưu vực là khác nhau. Khi mưa nhỏ, nước sẽ chảy theo 4 con sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu theo cửa đập Thanh Liệt xả ra sông Nhuệ. Trường hợp mưa lớn, mực nước sông Nhuệ cao lên do ngoại thành bơm tiêu vào thì phải đóng cửa đập Thanh Liệt lại và bơm cưỡng bức nước từ nội đô ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở.
Trước đây năm 1994 có trận mưa khoảng 220 mm, Hà Nội ngập đến 2 tuần. Dự án thoát nước giai đoạn 1 đã giúp Hà Nội cải thiện tình trạng úng ngập đáng kể, điển hình là trận mưa lịch sử năm 2008, nếu không có trạm bơm Yên Sở thì thành phố có thể ngập hàng tháng. Với trận mưa 290 mm cách đây mấy ngày, hầu hết nội đô đều rút nước trong vài giờ, chỉ có khu vực phía tây nằm ngoài phạm vi dự án bị úng ngập nặng vài ngày.
- Tại sao cơn mưa vừa qua cũng khiến trung tâm thành phố như hồ Gươm úng ngập nhiều giờ?
- Hoàn Kiếm là hồ cảnh quan, không tham gia điều hòa nước . Hồ này vì nhiều lý do nên chỉ nạo vét để chống ô nhiễm, chưa phải nạo vét để tiêu nước.Mưa lớn trong hơn 2 ngày lên đến 290 mm tùy khu vực, việc tiêu thoát của hồ Gươm phụ thuộc vào tuyến cống trong khu phố cổ, trục chính là Phan Chu Trinh, Lò Đúc .Hiện tuyến cống này rất hẹp, trong dự án đang làm có 2 cống hộp đường kính 2,6m, khi hoàn thành sẽ giải quyết tiêu thoát trong khu vực này.
Vành đai 3 Hà Nội luôn úng ngập khi mưa. Ảnh: PV
- Hà Nội đô thị hóa mạnh ở phía tây, tại sao không cải tạo hệ thống thoát nước tại đây?
- Khu vực Keangnam, Mỹ Đình dù là khu đô thị song trục thoát nước vẫn là trục tưới tiêu nông nghiệp, nằm ngoài dự án thoát nước của Hà Nội. Khu vực này có nhiều khu đô thị to đẹp song hệ thống thoát nước vẫn chưa được đầu tư, nên thường xuyên bị ngập khi mưa lớn.
Khu vực này đang xen kẹt giữa đô thị và nông nghiệp, theo quy hoạch thì cần có hệ thống thoát nước song cái chính là nguồn kinh phí như thế nào. Chúng tôi đã trình Chính phủ cho phép thực hiện dự án giải quyết tiêu thoát cho lưu vực sông Nhuệ, có thể dùng vốn dư của dự án thoát nước giai đoạn 2. Sơ bộ cần khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư, gia cố thân đê sông Nhuệ và các công trình đầu mối, kênh, cống nối vào khu đô thị, nâng cấp 4 trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông, Mễ Trì, Ba Xá.
Hiện nay Công ty thoát nước Hà Nội đã vay vốn nước ngoài đầu tư nâng cấp mấy trạm bơm song để thoát nước hiệu quả cần đồng bộ toàn bộ hệ thống. Bài bản nhất là cần đầu tư hạ tầng khu đô thị như: xử lý nước thải, thoát nước, đường sá... trước khi xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, chúng ta đã có khu Bắc Thăng Long Vân Trì được đầu tư đồng bộ đường, điện, thoát nước mưa, xử lý nước thải bằng vốn ODA song đô thị đó lại không phát triển.
- Ông khuyến cáo người dân khu vực nào sẽ bị úng ngập khi Hà Nội có mưa lớn?
- Trong phạm vi dự án từ sông Tô Lịch hắt vào nội đô thì không bị úng ngập vài ngày nữa mà chỉ mất vài giờ. Khu vực phía tây từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ, các khu đô thị dọc vành đai 3 sẽ vẫn bị úng ngập nhiều. Thực tế, chỉ những cơn mưa cường độ 50-70mm cũng khiến nhiều khu vực Mỹ Đình, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Xa La... bị ngập, bởi hệ thống thoát nước mới có trong các khu đô thị còn các trục chính tiêu nước ra sông vẫn còn khó khăn.
Mỗi người dân nên hiểu là đầu tư cho giáo dục, y tế cần nhiều, trong khi mưa lớn một năm chỉ mấy tháng. Các nước Anh, Mỹ, Pháp cũng bị ngập khi mưa lớn, Trung Quốc cũng có đầu tư nhiều song vẫn có úng ngập.
- Ông đánh giá ra sao về khả năng ngập úng nội đô Hà Nội sau năm 2015 khi dự án thoát nước kết thúc?
- Dự án thoát nước giai đoạn 1 với kinh phí 2.700 tỷ đồng, đã cải tạo 4 con sông, 6 hồ điều hòa trong đó có hồ Yên Sở 130 ha, có khả năng chứa 4 triệu m3 nước, xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 45 m3/giây, một số tuyến cống, cửa đập.
Dự án thoát nước giai đoạn 2 với tổng kinh phí gần 9.000 tỷ, nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90 m3/giây, nạo vét 13 hồ để tăng dung tích điều hòa. Hiện còn các hồ như Khương Trung 1, 2, Định Công, Phương Liệt, Tân Mai đang được giải phóng mặt bằng. Hạng mục quan trọng nữa là các tuyến kênh mương nối từ cống ra sông dài khoảng 20 km là các tuyến từ thời Pháp để lại. Qua thời gian, tuyến kênh mương bị bồi lấp, rác thải nên cần khơi thông.
Theo tôi, dự án thoát nước giai đoạn 2 hoàn thành năm 2015 sẽ có hiệu quả cao trong tiêu thoát cho nội đô. Tuy nhiên, nếu xác định đô thị mưa lúc nào thoát lúc đó thì rất khó, ngay khi thoát nước đô thị được hoàn thiện nếu không quản lý tốt vẫn bị úng ngập do người dân bỏ rác, lấn chiếm mương sông.
Đoàn Loan thực hiện
Theo VNE
Hà Nội xả nước sông Nhuệ 14h chiều 9/8, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tháo nước sông Nhuệ tại cống Thanh Liệt vào sông Tô Lịch trong khu vực nội thành nhằm hạ mực nước. Hơn 1.000 máy bơm trên toàn thành phố cũng được huy động để tiêu thoát úng ngập. Cống Thanh Liệt sau khi được mở. Ảnh: Nguyễn Thắng. Ảnh hưởng của bão Mangkhut,...