Sông Đồng Nai ngày càng “rỗng ruột”
Hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Đồng Nai (đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai) đang đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất, nhà cửa do tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông. Không ít hộ dân điêu đứng vì nạn khai thác cát.
Bến thủy nội địa không phép vẫn ngang nhiên tồn tại dọc sông Đồng Nai thuộc địa bàn TP Biên Hòa.
Đất đai lẳng lặng “ra đi”
Chỉ tính riêng tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), hơn 30 hộ dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở bờ sông. Gần 200 hộ dân khác cũng bị đe dọa, sống trong hồi hộp, lo âu. Theo các hộ dân, mười năm trở lại đây, tại khu vực này, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị nước cuốn trôi. Kèm theo đó là hoa màu, nhà cửa của người dân ven bờ sông Lòng Tàu (thuộc hệ thống sông Đồng Nai) cũng cùng chung “số phận”. Điển hình, tại khu vực từ bến đò Phước Khánh đến giáp Nhà máy đóng tàu 76, chiều dài sạt lở khoảng 850 m, chiều rộng lên đến hàng trăm mét.
Càng nguy hiểm hơn khi đây lại chính là khu dân cư tập trung của toàn xã.
Địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp xem xét, tìm cách giải quyết, nhưng cho đến nay chỉ mới bố trí tái định cư hơn 14 hộ trong tổng số 34 hộ gia đình đã mất một phần hoặc toàn bộ đất ở do sạt lở gây ra.
Tình trạng sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở các địa phương khác nằm dọc sông Đồng Nai.
Điển hình như ở huyện Vĩnh Cửu, có nơi sạt lở hơn 10 m.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều đoạn bờ sông bị tụt thấp xuống, đất bị khoét sâu dựng đứng, có nơi cao đến 6 m. Có hộ dân tại xã Thiện Tân bị thiệt hại nặng vì hàng chục gốc bưởi bị “tụt” xuống sông. Căn nhà của hộ gia đình này trước đây cách bờ sông 60 m, nay chỉ còn cách 20 m. Tại TP Biên Hòa, nhiều hộ dân nằm ven sông Đồng Nai thuộc xã Hóa An, xã Hiệp Hòa, phường Bửu Long, phường Tân Vạn… nơm nớp lo âu. Nếu tình hình sạt lở cứ tiếp diễn như hiện nay thì nhiều diện tích đất đai, nhà cửa tiếp tục “đội nón” ra đi.
Khai thác cát trái phép vẫn diễn ra
Trước việc khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai trong nhiều năm liền làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng cuộc sống của người dân, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, trên thực tế, khai thác cát lậu vẫn diễn ra, nhất là vào ban đêm với hành vi ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, các đối tượng trộm cát thường sử dụng ghe hút trộm cát, nếu gặp các lực lượng chức năng thì nhấn chìm ghe, nhảy xuống sông tẩu thoát. Gần đây, chúng sử dụng máy công suất lớn để hút cát dưới sông rồi bơm thẳng lên ghe vận chuyển vào ban đêm. Khi bị phát hiện, bọn chúng liền tách phương tiện hút trộm cát khỏi phương tiện vận chuyển để bỏ chạy. Thậm chí, các chủ ghe hút trộm cát cử người canh gác, khi phát hiện lực lượng chức năng đi tuần tra, hoặc ra quân truy quét thì gọi điện thoại báo tin cho các đối tượng đang hút cát trộm chạy trốn.
Video đang HOT
Theo thống kê, trong năm 2014, các cơ quan chức năng đã bắt, xử lý 65 vụ khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép, tịch thu 59 ghe, hai sà-lan cùng nhiều tang vật khác. Tuy nhiên, do lợi nhuận thu được rất lớn nên các đối tượng này vẫn tìm mọi cách hoạt động, kể cả chống lại các lực lượng chức năng để hút cát trái phép.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, để tái diễn nạn khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai là do sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương chưa đồng bộ. Dọc sông Đồng Nai (đoạn thuộc TP Biên Hòa), hàng chục bến thủy nội địa không phép ngang nhiên tồn tại. Nhiều người dân ở đây cho rằng, chính những bến thủy nội địa này là điểm tiêu thụ cát lậu.
Qua kết quả kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh hoạt động bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng tại tám phường, xã của UBND thành phố Biên Hòa mới đây cho thấy, hiện trên địa bàn TP Biên Hòa có 41 bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó có 35 bến thủy nội địa không có giấy phép hoạt động. Đáng nói, trong số 35 bến này, có đến 17 bến vừa không có giấy phép hoạt động, vừa không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, địa phương gặp hàng loạt khó khăn và những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền. Chẳng hạn, để tránh bị kiểm tra, một số chủ bến thủy đóng cửa bến, không hoạt động trong thời gian đoàn đi kiểm tra, sau đó lại tiếp tục hoạt động. Nhiều bến thường mua cát, đá vào ban đêm bằng đường sông, ban ngày chỉ cho xe chở hàng từ bến đến nơi tiêu thụ. Khi tiến hành kiểm tra không có phương tiện thủy đang neo đậu tại bến, cho nên chủ bến không thừa nhận việc còn hoạt động bến thủy nội địa mà chỉ sử dụng bến bãi để trung chuyển hàng hóa bằng đường bộ, không sử dụng đường thủy.
Nếu các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, xử lý chủ phương tiện khai thác cát thì nạn hút trộm cát sông sẽ giảm. Cứ để tình trạng này xảy ra, thời gian tới sạt lở bờ sông tiếp tục diễn ra, người thiệt thòi cuối cùng vẫn thuộc về người dân.
Bà NGUYỄN THỊ HOÀNG (người dân xã Phước Khánh, Nhơn Trạch, Đồng Nai)
Các bến thủy nội địa không phép đã tồn tại nhiều năm nay rồi. Đây chính là nơi tiêu thụ cát lậu, cho nên cần kiên quyết dẹp bỏ ngay. Cử tri TP Biên Hòa đã kiến nghị nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Ông NGUYỄN VĂN AN (người dân phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai)
Theo_Báo Nhân Dân
Đôi vợ chồng hơn 40 năm sống ẩn dật như "người rừng"
Đứng trên quốc lộ 1A đoạn tránh Vinh nhìn ra phía xa xuống cánh đồng sâu sẽ thấy một lùm tre già cỗi um tùm. Ít ai biết trong khóm tre ấy có căn nhà của một đôi vợ chồng già đã sinh sống "ẩn dật" hơn 40 năm qua.
Từ quốc lộ 1A đến đoạn đường tránh Vinh thuộc địa bàn xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên giáp với phường Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) dễ dàng nhận thấy phía xa có một khóm tre lớn cao hàng chục mét nằm giữa cánh đồng. Để vào được đó, chúng tôi phải đi bộ hơn 200m trên bờ ruộng nhỏ, trơn trượt. Khóm tre đó là nơi trú ngụ của một đôi vợ chồng già suốt 40 năm nay.
Nằm lọt thỏm giữa khóm tre là một căn nhà xiêu vẹo, đổ nát. Sống trong căn nhà đó là ông Lê Lập Đức (80 tuổi) và bà Trương Thị Quy (57 tuổi). Hơn 40 năm qua ông bà cứ sống biệt lập với bên ngoài như thế.
Nhìn từ xa, ít ai biết trong khóm tre um tùm giữa cánh đồng kia có người sinh sống.
Đi đến sát mới biết giữa rặng tre dày kín có người sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Quy cho biết, ông bà không có sổ hộ khẩu, cũng chẳng biết thuộc địa bàn thành phố Vinh hay huyện Hưng Nguyên. Bà chỉ biết rằng bà lấy ông ở phường Bến Thủy, về đây sống đã hơn 40 năm, ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài.
Quê bà ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên. Bà bảo: "Hai vợ chồng đến với nhau muộn lắm, về sống ở đây khá lâu rồi và có được một đứa con muộn mằn. Con bé sinh năm 1997, nó đã đi làm. Nhiều lần tôi nói ông vào trong (về quê Hưng Nguyên - PV) sống nhưng ông không chịu. Ông không đi lẽ nào tôi lại đi? Rứa để ông ở lại đây ông chết đói thì sao?".
Hai ông bà sống với nhau đã 40 năm nhưng không đăng ký kết hôn, không sổ hộ khẩu, không CMND.
Cách đây hai năm, trong một lần chặt tre không may bị ngã, ông Đức bị thương tật. Cũng từ đó, ông phải làm bạn với chiếc giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào vợ con. Bà Quy hằng ngày lăn lộn với 3 sào ruộng, mùa được mùa mất cũng không đủ ăn. Thi thoảng bà lên đền ông Hoàng Mười gần đó nhờ lòng hảo tâm của những người đi cầu may.
Căn nhà ông bà sống ẩm thấp, mùi hôi nồng nặc. Nơi đây ông bà không có hàng xóm, chỉ làm bạn với lũ chim trời, chuột, dơi, muỗi và thậm chí cả rắn.
Trời nắng nhìn qua mái nhà cũng thấy mặt trời; trời mưa nước dột tứ bề. Sống ngay gần TP Vinh nhưng gần nửa thế kỷ nay ông bà chưa từng biết đến ánh sáng đèn điện. Giữa tiết trời hửng nắng, trong căn nhà ấy vẫn tối om như mực đổ.
"May mà có mấy cài đèn dầu, đèn cầy và cái nến thôi, nhưng đêm đến mới dám thắp...", bà Quy chia sẻ.
Bà Quy đi xin nước từ đền thờ ông Hoàng Mười cách đó chừng nửa cây số về để dùng. "Sang đền để xin nước, xin nến về thắp chứ ở đây không có nước, không có điện", bà Quy nói.
Trên chiếc chường ọp ẹp, ông Đức nằm như bất động, thi thoảng lại kêu rên vì đau. Hỏi ông sống ở đây lâu chưa, ông bảo "96 năm rồi". Bà Quy vội chen ngang: "Từ ngày ông bị bệnh đến nay không còn nhớ nữa, thi thoảng lại nói linh tinh vậy đó".
Bà Quy kể, trước đây khi chưa lấy bà, ông Đức đã sinh sống với chị gái trên mảnh đất hoang vu này. Người chị gái ấy đã mất từ lâu. Rồi đến khi lấy bà, sinh con đẻ cái, ông vẫn chỉ muốn gắn bó với mảnh đất hoang vu đó, không chịu đi đâu cả.
Hiện cuộc sống của ông Đức bà Quy như cuộc sống của "người rừng", không biết thuộc địa bàn nào? Không điện sáng, nước sạch. Không biết chẳng may có chuyện gì, biết kêu ai?
PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên. Ông Phạm Văn Kiện - Trưởng Công an xã, người nắm rõ nhất về cuộc sống của ông bà Đức - cho biết: "Nhiều lần chúng tôi đến khuyên gia đình ông bà chuyển về xã Hưng Lợi để sinh sống nhưng ông Đức không đồng ý. Hiện tại ông Đức, bà Quy vẫn chưa có sổ hộ khẩu thường trú nên mọi chế độ đối với ông bà xã chưa thể chu cấp. Với ông Đức, hiện nay cũng đã chụp ảnh để làm chứng minh nhân dân nhưng ông ấy cũng không lên để đi làm. Chúng tôi cũng đã nói với ông bà rất nhiều nhưng ông ấy cứ trốn tránh, mặc cảm. Ông Đức đã tự tách cuộc sống của gia đình mình ra khỏi cộng đồng".
Được biết người con gái duy nhất của ông bà cũng không sống cùng bố mẹ. "Nó ở với người bà con ở trong làng. Bỏ học đi làm thuê cho người ta ở Vinh", bà nói.
Bà Quy cho biết, ở đây nuôi gà nhanh lớn nhưng thường xuyên bị con nghiện đến ăn cắp, ban ngày bọn chúng cũng vào ăn trộm nhưng không làm được gì, không biết kêu ai.
Chiếc thuyền giá trị nhất trong căn nhà để phòng khi có mưa lũ, ông bà có cái mà thoát khỏi vùng trũng này.
Căn lều rách nát, ngổn ngang.
Nguyễn Phê
Theo Dantri
Trao thưởng cho người giao nộp 2 khẩu súng thần công UBND tỉnh Nghệ An đã trao thưởng cho anh Nguyễn Văn Bình (trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) - người đã phát hiện và giao nộp hai khẩu súng thần công cho bảo tàng tỉnh này. Hai khẩu súng thần công được phát hiện dưới sông Lam vào ngày 19/8/2012 Anh Nguyễn Văn Bình là người trục vớt và giao nộp...