Trao thưởng cho người giao nộp 2 khẩu súng thần công
UBND tỉnh Nghệ An đã trao thưởng cho anh Nguyễn Văn Bình (trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) – người đã phát hiện và giao nộp hai khẩu súng thần công cho bảo tàng tỉnh này.
Hai khẩu súng thần công được phát hiện dưới sông Lam vào ngày 19/8/2012
Anh Nguyễn Văn Bình là người trục vớt và giao nộp hai khẩu súng thần công được phát hiện dưới sông Lam vào ngày 19/8/2012. Như Dân trí đưa tin, sáng ngày 19/8/2012, một số dân chài trong lúc chài lưới đánh bắt cá trên sông Lam thuộc địa phận xã Hưng Hòa (TP Vinh) – cách khu vực cầu Bến Thủy khoảng 500m thì thấy lưới mắc phải vật cứng, không thể di chuyển.
Sau khi lặn xuống kiểm tra gỡ lưới, người dân phát hiện một vật cứng bằng sắt, dài, quấn chặt lấy chiếc lưới. Mọi người cùng nhau tìm cách đưa vật lạ lên nhưng không được do thanh sắt quá nặng. Nhận được thông tin, anh Nguyễn Văn Bình – chuyên thu mua sắt vụn ở địa phương – đã thuê xà lan cùng đội lặn đến khu vực này để trục vớt thanh sắt.
Tuy nhiên, khi đưa lên khỏi mặt nước mọi người mới ngỡ ngàng khi “thanh sắt” đó chính là một khẩu súng thần công vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Sau đó, anh Bình nhận được thông tin, cách đó khoảng 5 ngày, một số dân chài lưới cũng đã phát hiện một khẩu súng tương tự gần khu vực này nhưng họ đã bán phế liệu nên anh Bình tìm mua lại.
Khẩu súng nhỏ hơn nặng gần 500kg vẫn còn khá nguyên vẹn khi được trục vớt lên bờ
Do nằm dưới nước lâu nên hai khẩu súng đều bị hoen rỉ, rêu bám đầy.Hai khẩu súng có hình trụ, lớn dần từ miệng đến chuôi súng, có 3 phần rõ rệt gồm nòng, bầu và chuôi. Ngay sau đó, anh Bình đã đem giao nộp cả hai khẩu súng thần công cho bảo tàng tỉnh Nghệ An để phục vụ công tác nghiên cứu.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Kiếm, PGĐ bảo tàng tỉnh Nghệ An cho biết, khẩu súng thứ nhất có chiều dài 3,7m, rộng 18cm, đường kính đầu súng 21cm, nặng trên 2 tấn. Khẩu súng thứ 2 có chiều dài 1,38m, đường kính gò súng 7,2cm, nặng gần 500kg.
Ba khẩu súng thần công đang được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Nghệ An
Các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam và Khảo cổ học dưới nước và đánh giá, 2 khẩu súng trên có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ thứ XIX. Các chuyên gia cũng nhận định, hai khẩu súng thần công có thể nằm trên con tàu chiến giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh hoặc trên con tàu buôn của thương lái Nhật Bản ở thế kỷ XVIII-XIX, bị đắm trên sông Lam. Qua thời gian, do dòng chảy thay đổi nên hai khẩu súng thần công này mới phát lộ ra.
Nguồn tin riêng của Dân trí từ bảo tàng tỉnh Nghệ An và anh Bình đều có nhận định, con tàu bị đắm vẫn đang nằm trên sông Lam nhưng rất khó khăn để trục vớt. “Nếu trục vớt được con tàu đắm đó thì chắc chắn sẽ có nhiều cổ vật bên trong, phục vụ cho việc nghiên cứu”, một chuyên gia nói.
Video đang HOT
Khẩu súng thần công lớn nặng trên 2 tấn là khẩu súng lớn nhất trong 7 khẩu súng thần công ở hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh
Phần gỗ trên khẩu súng thần công nghi nằm trên con tàu đắm dưới sông Lam
Được biết, khẩu súng thần công lớn mà ông Bình giao nộp cho bảo tàng tỉnh Nghệ An là khẩu súng lớn nhất trong số 7 khẩu súng thần công được người dân phát hiện và giao nộp đang được trưng bày tại bảo tàng 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Sau khi thành lập hội đồng thẩm định cổ vật đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa và giá trị kinh tế của hai khẩu súng thần công, ngày 25/9/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã trao thưởng cho anh Bình theo đúng quy định.
Nguyễn Duy – Lương Sơn
Theo Dantri
Ký ức không thể phôi phai của người lính không quân
Là một chiến sỹ phòng không tham gia trận đầu đánh thắng không quân Mỹ 5/8/1964, nửa thế kỷ đã đi qua, trong ký ức của người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên kỷ niệm về trận đánh.
Ký ức một thời mưa bom đạn lửa
Đó là những ký ức của đại tá về hưu Hoàng Thước - ở phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu.
Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, đại tá Hoàng Thước vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn khi nhớ lại những ngày 50 năm về trước. Ông nhớ lại thành Vinh khi đó lửa đạn mịt mù; nhớ quân và dân thành phố Vinh anh dũng kiên cường nã đạn vào giặc Mỹ.
Nhớ về quá khứ, ông không khỏi tự hào: Tại sao trong trận tập kích của không quân Mỹ ngày 5/8/1964, chúng ta với trang bị vũ khí, khí tài còn thô sơ lạc hậu, với lớp cán bộ chiến sỹ phòng không tuổi đời còn rất trẻ, mà vẫn đánh kiên cường, bắn rơi máy bay Mỹ?
"Chúng lợi dụng đánh vào ngày chủ nhật (5/8) giờ nghỉ trưa (12h25') để tạo bất ngờ. Từ ngoài biển địch bay thấp 50-100m, lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh để che giấu đội hình, hạn chế sự phát hiện của ra đa và mắt thường của quân ta. Nhưng chúng đã bị lực lượng không quân của ta đánh mãnh liệt tiêu diệt 2 máy bay trong trận buổi trưa hôm đó. Buổi chiều (16h30') chúng đánh chế áp trận địa pháo trung cao C138 (ở Xuân An - Nghi Xuân - Hà Tĩnh): Vì C138 ở phía trước đội hình chiến đấu, việc chi viện của các loại hỏa lực ở bắc sông Lam có khó khăn. Pháo tung cao đánh bay thấp hạn chế hiệu quả bắn thấp, C138 lại không có sung máy bảo vệ ...", đại tá Hoàng Thước nhớ lại.
Đai tá Hoàng Thước nhớ về những ngày xông pha trận đánh vẫn nhớ như in từng đồng đội của mình bị bom đạn bắn trúng mà lòng như cắt ra từng khúc.
Đầu 1964, quân và dân miền Bắc nói chung và lực lượng vũ trang thành phố nói riêng đã sẵn sàng chiến đấu về mọi mặt. Phong trào thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được dấy lên mạnh mẽ rộng khắp. Các đơn vị phòng không, phòng không hải quân và lực lượng dân quân tự vệ được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp cao, tổ chức biên chế các đơn vị được tăng cường đủ quân số, vĩ khí khí tài, đạn dược quân trang quân dụng được bổ sung, sửa chữa, đồng bộ ở trạng thái tốt nhất...
Trung đoàn phòng không 280 gồm 6 đại đội 3 trung đội với 21 khẩu 90 ly, 18 khẩu 57 ly, 6 khẩu 14 ly 5, 2 nòng 1 trung đội đèn chiếu. Đại tá Hoàng Thước cho biết: "Nhiệm vụ của trung đoàn phòng không 280 là hiệp đồng với lực lượng phòng không các tàu hải quân, lực lượng Phòng không tầm thấp của dân quân tự vệ, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn các mục tiêu: kho xăng dầu Hưng Hòa, cảng phà Bến Thủy, nhà máy điện, Sở chỉ huy quân khu 4... Lực lượng được bố trí phía Bắc sông Lam 5 đại đội 3 trung đội, 1 đại đội Nam sông Lam Nghi Xuân".
7h25 ngày 5/8 lệnh quân chủng phòng không trung đoàn 280 chuyển cấp 1 ra đa tình báo phát hiện 2 tốp máy bay, cự ly cách bờ biển Nghệ An - Hà Tĩnh 50-120km, 1 máy bay trinh sát chiến lực U2 bay dọc bờ biển Nghệ An - Hà Tĩnh rồi bay qua không phận TP.Vinh ở độ cao 20km. 10h36' địch đã ra xa, trung đoàn về cấp 2.
Đến 12h25' một tốp máy bay cường kính hải quân 8A4D, xuất kích từ tàu sân bay Ticon Đờrôga, vào biển cửa Sót bay thấp, vào đến cự ly 30km chúng tách thành 2 tốp (mỗi tốp 4 chiếc đội hình hàng dọc). Tốp 1 bay dọc khe nhà Trò (dãy Hồng Lĩnh) độ cao 200m phóng rốc két vào trận địa C138 ở Xuân An, bay vượt sông Lam đánh nhiều loạt rốc két vào kho xăng dầu Hưng Hòa. Tốp 2: 4A4D bay dọc Sông Lam vào đánh cảng Bến Thủy.
Ông Hoàng Thước tự hào: "Lúc đó, 6 súng máy 14ly5 trực chiến ở đỉnh phía Đông núi Quyết (tại TP Vinh) đã đón đánh tốp máy bay này và đây cũng là loạt đạn phòng không đầu tiên của quân và dân thành phố đánh trả máy bay địch".
Ông cũng kể rành rọt chi tiết từng trận đánh: Ở trận địa C138: 12h30' bộ đội đang ở vị trí cấp 2, trực ban trinh sát ở sở chỉ huy phát hiện "máy bay địch bay thấp hướng 34", cũng là lúc tốp 4 chiếc A4D bay thẳng vào trận địa bắn 2 loạt rốc két vào trung tâm trận địa pháo. Đồng thời tốp máy bay này bay sang kho xăng phóng nhiều loạt rốc két vào kho xăng Hưng Hòa kho bốc cháy chỉ ít giây sau đó.
Người lính già Hoàng Thước ôn lại những kỷ niệm xưa, ông bảo giờ nhân chứng sống phải ghi chép lại thật đầy đủ, chi tiết từng trận đánh để sau này con cháu theo đó mà làm gương, mà học hỏi.
Ông kể: "Hôm đó chính trị viên đại đội Trần Văn Liên, đại đội trưởng Nguyễn Văn Sa, trung đội trưởng pháo 1 Nguyễn Văn Ny, quản lý đại đội Nguyễn Đình Chi, pháo thủ Trần Văn Bửu và nhiều chiến sĩ khác, ngay trong chốc lát đã lao ra trận địa. Chính trị viên đứng lên và hô lớn "Tất cả về vị trí, nhanh chóng bắn, kiên quyết nổ súng bắn rơi máy bay địch". Dưới sự chỉ huy khẩn trương dứt khoát của đại đội trưởng, đại đội phó Trần Văn Do ở trung tâm trận địa đã phất cờ bắn 6 loạt vào các tốp máy bay địch đang quần thảo trên bầu trời thành phố (bắn bằng phần tử lắp sẵn) vì khí tài ra đa MCH đã tính toán được phần tử bắn nhưng toàn bộ dây điệu chuyền phân tử bị đứt do rốc két nên pháo phải bắn bằng phân tử lắp sẵn)".
Ở Đại đội 71 pháo 57 ly bảo vệ cảng Bến Thủy: Khi tốp 02: 4A4D bay dọc Sông Lam vào đánh cảng Bến Thủy. Đại đội trưởng Bùi Chí Mẹo, đã khẩn trương tổ chức, chủ động bắt mục tiêu, tính toán phần tử bắn, bắn nhiều loạt vào các tốp máy bay địch. Địch phát hiện hỏa lực rất có hiệu quả của đại đội C71; 2 chiếc A4D bổ nhào đánh bom phá vào trận địa, 2 quả bom rơi gần 1 khẩu pháo làm 5 pháo thủ bị thương, pháo bị vùi lấp hỏng nặng.
Nhưng lúc đó, khí thế quật cường, pháo thủ trẻ tiếp đạn Nguyễn Văn Minh mặc dù bị đất vùi lấp, nén nỗi đau anh tự bới đất đứng dậy, chủ động vác cả hòm đạn sang khẩu đội bạn tiếp tục chiến đấu.
"Đây là tấm gương chiến đấu dũng cảm của 1 chiến sĩ trẻ mới 17 tuổi đời như Nguyễn Văn Minh. Chiến sĩ Minh mới nhập ngũ nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau trận đánh chiến sĩ Nguyễn Văn Minh được đề nghị tặng Huân chương chiến công hạng 3, được ra Hà Nội báo cáo thành tích chiến đấu và vinh dự được gặp Bác Hồ", đại tá Hoàng Thước nhớ lại giây phút đồng đội bị bom vùi dập.
Trong trận chiến đấu này, quân và dân thành phố đã hiệp đồng chiến đấu tốt, bắn rơi 2 máy bay Mỹ (có 1 chiếc rơi cách bờ 10km). Sau trận chiến đấu Bộ tư lệnh Phòng không, Bộ tư lệnh QK4, thành Ủy và Chỉ huy Trung đoàn 280 đã kịp thời gửi thư khen ngợi động viên tinh thần phối hợp lực lượng giữa 3 thứ quân. Nổ súng đánh trả kịp thời bắn rơi 2 máy bay địch. Nhắc nhở các lực lượng Phòng không khẩn trương rút kinh nghiệm, bổ sung phương án chiến đấu, bổ sung quân số trang bị đạn dược, củng cố ngụy trang lồng sự, tổ chức trực ban trên mâm pháo để tiếp tục đánh thắng địch trong các trận tiếp theo.
Đồng đội ngã xuống cho ta bình yên hôm nay
Với đại tá Hoàng Thước, trong trận đánh thắng đầu tiên của quân và dân thành phố Vinh thời bấy giờ khi những chiến sĩ ngã xuống ông không bao giờ quên.
Đại tá Hoàng Thước nhớ lại trận đánh thứ 2 một cách chi tiết: 16h30' ngày 5/8/1964 địch chỉ đánh chế áp trận địa C138 Xuân An - Nghi Xuân do nó phát hiện C138, pháo trung cao, ở phía trước đội hình chiến đấu, khả năng bắn máy bay thấp... Nhận thấy lực lượng của ta có phần yếu đi, chúng điều máy bay 4A4D bay thấp đội hình hàng dọc, từ dãy Hồng Lĩnh và phóng rốc két, bắn đạn 20 vào trận địa, sau đó cất cao ngoặt nhanh ra biển cửa Hội.
Đại tá Hoàng Thước ôn lại những ngày bom đạn trong trận thắng đầu của quân và dân thành phố Vinh.
"Đại đội trưởng Nguyễn Văn Sa, nhanh chóng phán đoán đánh thủ đoạn chiến thuật cách đánh của địch, đã kịp thời chỉ thị cho các khẩu đội pháo: tổ chức dựng màn đạn trước hướng bổ nhào của địch. Lúc này địch dùng rốc két phóng loạt và 20 ly nổ mảnh để diệt sinh lực ta. Một số khẩu đội trưởng và pháo thủ bị thương và hy sinh. Ở khẩu đội 6 do thiếu pháo thủ quản lý đại đội Nguyễn Đình Chi vào thay pháo thủ số 1, lái xe Võ Bá Thứ thay pháo thủ tiếp đạn. Khẩu đội 4 pháo thủ 2 nạp đạn Phạm Đức Huynh một mình kiêm 2 số, anh nạp đạn liên tục 25-30 viên không nghỉ (1 quả đạn nặng 32kg) khi có 1 quả rốc két nổ gần hất và đồng chí Huynh ngã xuống, anh bị thương khá nặng vết thương vùng bụng, máu ra nhiều nhưng vẫn dấu đồng đội tiếp tục chiến đấu. Trận đấu kết thúc, đồng chí Huynh mới chịu để anh em đưa đi viện", đại tá Hoàng lau vội dòng nước mắt khi nhớ về đồng đội trúng đạn địch.
Trong khi đó, ở trung tâm trận địa 1 quả rốc két nổ gần làm sập hầm chỉ huy bắn, chiến sỹ thông tin Tống Trường Sơn bị thương, máu ra nhiều, anh vẫn nén đau, băng qua lửa đạn để nối dây thông tin đảm bảo cho Chỉ huy chiến đấu. Và đặc biệt là khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát anh được cấp trên cho về phép vì có việc gia đình. Cầm trên tay giấy phép và một ít quà của đơn vị gửi đang chuẩn bị về thì những loạt mưa bom của địch giáng xuống...
Đại tá Hoàng Thước trong cuộc sống đời thường hôm nay
Đại tá Hoàng Thước chia sẻ, đây là trận đầu thử lửa nhưng đã có nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, xứng đáng được lịch sử ghi danh. Đó là tấm gương chiến đấu dũng cảm của Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát 3 lần bị thương, tay vẫn cầm chặt lá cờ chỉ huy. Đó là Phạm Đức Huynh một mình kiêm nhiệm 2 số, quả đạn nặng hơn 30kg anh đã nạp liên tục 30-40 viên không nghỉ, 2 lần bị thương vẫn quyết không rời vị trí được phân công. Là chiến sĩ thông tin Tống Trường Sơn bị thương nặng vẫn băng qua làn đạn, nối dây thông tin đảm bảo thông tin thông suốt...
Trận đầu đánh thắng không quân Mỹ của quân và dân thành phố Vinh ngày 5/8/1964 đã được ghi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta như một biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là thắng lợi của ý chí nghị lực, trí thông minh, lòng dũng cảm của người chiến sĩ phòng không Việt Nam.
Nguyễn Duy
Theo dantri
Chuyện cứu kho xăng trong mưa bom bão đạn nửa thế kỷ trước Sau loạt bom của máy bay Mỹ, kho xăng dầu Vinh - Bến Thủy bốc cháy ngùn ngụt. Phải cứu kho xăng - cứu nguồn nhiên liệu cung ứng cho chiến trường miền Nam! Mệnh lệnh phát ra từ trái tim những người dân TP Vinh... Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vinh - Bến Thủy (Nghệ An) là một...