“Soi” kinh tế Triều Tiên qua vệ tinh
Đối với một nước bí ẩn như Triều Tiên thì việc hiểu được điều gì đang thực sự xảy ra đòi hỏi phải cực kỳ sáng tạo. Các nhà nghiên cứu biết cách thu được thông tin đáng giá về nền kinh tế Triều Tiên thông qua các bức ảnh vệ tinh dễ dàng được tìm thấy trên mạng.
Phân tích Triều Tiên bằng cách đến thăm đất nước này là cực kỳ khó khăn vì người nước ngoài luôn bị giám sát chặt chẽ. Những sự kiện không thể lường trước có thể khiến mọi thứ đảo lộn hết cả, nhưng lý do chủ yếu vẫn là du khách khó có thể tiếp cận với những hoạt động của người dân Triều Tiên. Phân tích Triều Tiên qua số liệu công bố lại càng khó hơn, vì nước này không công khai ngân sách và hiếm khi tiết lộ số liệu kinh tế xã hội nào có ý nghĩa.
Phân tích kinh tế Triều Tiên đòi hỏi phải cực kỳ sáng tạo
Khi Trung Quốc và Nga chấm dứt bao cấp cho Triều Tiên vào những năm 1990, nền kinh tế chính thức sụp đổ, nạn đói hoành hành và thị trường truyền thống của nông dân mọc lên để bù lấp khoảng trống. Tầng lớp lãnh đạo của Triều Tiên vẫn khó chịu trước sự phát triển của những khu chợ này vì chúng hoạt động ngược lại với thể chế kinh tế của nhà nước, và hơn cả là do chợ phá vỡ sự độc quyền của chính phủ khi trở thành nơi lưu thông của hàng ngoại trái phép.
Tuy nhiên, chúng vẫn được phép tồn tại, vì đây là yếu tố kinh tế cần thiết cho người dân, và giờ đây còn làm nhiệm vụ tạo nguồn thu cho nhà nước.
Theo một cuộc khảo sát những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên năm 2011, 69% người trả lời nói rằng quá nửa thu nhập của họ là từ buôn bán ở chợ, thay vì nhận lương từ chính phủ hay các công ty nhà nước. Chỉ có 4% người trả lời cho biết thu nhập của họ không liên quan gì đến chợ búa.
Tuy nhiên, đa số đối tượng được khảo sát là người tị nạn từ các tỉnh đông bắc Triều Tiên. Vậy, dân số còn lại của đất nước thì sao? Hình ảnh vệ tinh cho thấy kết quả khảo sát trên có thể đúng trên phạm vi toàn quốc.
Ảnh vệ tinh cho thấy khu chợ Chaeha-dong ở Sinuiji, Triều Tiên, ngày càng rộng ra trong giai đoạn 2002-2011. Nhưng hình ảnh mới nhất vào tháng 10/2012 cho thấy khu chợ đã bị giải tỏa
Xương sống của nền kinh tế
Các nhà phân tích tìm ra hơn 300 khu chợ trên khắp Triều Tiên. Nhiều khu chợ có diện tích rộng hơn cả sân bóng đá. Ảnh chụp từ vệ tinh cũng cho thấy những khu chợ này đang ngày càng rộng ra.
Bằng cách phân tích cả những bức ảnh chụp trong quá khứ, có thể thấy rằng những khu chợ này hồi đầu năm 2000 vẫn còn nhỏ, nhưng ngày càng rộng ra xung quanh. Có thể ước tính số lượng người buôn bán tại một số khu chợ – từ đó ước tính tương đối quy mô của tầng lớp buôn bán địa phương.
Điều mà các chuyên gia phân tích nhìn ra là từ chỗ đứng ngoài lề của xã hội Triều Tiên hồi những năm 1990, chợ búa hiện nay đã trở thành xương sống của nền kinh tế tiêu dùng ở đất nước này. Phân tích ảnh vệ tinh cũng làm sáng tỏ khả năng áp dụng các quy tắc thị trường ở những khu vực ngoài thủ đô.
Hình ảnh chợ Tongil ở Bình Nhưỡng chụp năm 2003
Video đang HOT
Trong nhiều trường hợp, khi Bình Nhưỡng ra lệnh đóng cửa khu chợ nào đó, có thể thấy hàng nghìn người đổ ra buôn bán tại các chợ tạm. Những khu chợ tự phát này cho thấy chính quyền thất bại đôi đường. Từ quan điểm ý thức hệ, người dân đang tham gia vào hoạt động mang tính tư bản tự định hướng. Từ quan điểm tài chính công, chợ tự phát cho thấy nhà nước đang mất đi một nguồn thu.
Bùng nổ ngành khai mỏ
Hình ảnh vệ tinh cũng làm sáng tỏ nền kinh tế Triều Tiên liên quan rất nhiều đến Trung Quốc.
Số liệu thống kê cho thấy thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên đạt hơn 5,6 tỷ USD (tăng 284% so với năm 2007), và xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt gần 2,5 tỷ USD năm 2011 (tăng 424% so với năm 2007), đa phần là do xuất khẩu than và sắt.
Các nhà phân tích cho rằng ít nhất 80 khu mỏ ở Triều Tiên được bắt đầu khai thác trong 7 năm qua
Hình ảnh vệ tinh về Triều Tiên không đầy đủ. Nhiều khu vực của đất nước không thể quan sát được và chỉ có hình ảnh cũ trước đây. Tuy nhiên, có thể phát hiện không dưới 80 dự án khai mỏ mới đang được triển khai ở Triều Tiên trong 7 năm qua. Những dự án này gồm cả mỏ được tiếp tục khai thác và mỏ mới được đào. Quy mô đầu tư vào các mỏ này đòi hỏi dòng vốn ngoại lớn, trong khi Triều Tiên thiếu tiềm lực tài chính và năng lực để tự khai thác các mỏ này. Hình ảnh vệ tinh còn là công cụ quan trọng để các tổ chức phi chính phủ và nhóm nhân quyền theo dõi thay đổi trong hệ thống nhà tù chính trị của Triều Tiên.
Năm 2003, Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên là tổ chức đầu tiên xuất bản báo cáo toàn diện về các nhà tù chính trị ở Triều Tiên. Sự tồn tại của những trại giam này được tổng kết từ thông tin do người trốn khỏi Triều Tiên cung cấp kết hợp với bản đồ vẽ tay, ảnh vệ tinh của các khu vực liên quan.
Từ năm 2003, Triều Tiên đang thực hiện nhiều thay đổi đối với hệ thống nhà tù. Lời khai của người chạy trốn và hình ảnh vệ tinh xác nhận Triều Tiên đã đóng cửa trại giam 22 ở Hoeryong và trại giam 18 ở Pukchang. Nhưng không thể có thông tin để khẳng định điều xảy ra với những nhà tù cũ này.
Ảnh vệ tinh trở thành nguồn thông tin mới và dễ tiếp cận cho những người muốn phân tích Triều Tiên. Bất kỳ ai có máy tính kết nối mạng đều có thể quan sát những ngóc ngách xa xôi nhất hoặc theo dõi các dự án bí mật của đất nước bí ẩn nhất thế giới.
Theo 24h
"Mổ xẻ" kinh tế Triều Tiên
Ở Triều Tiên, chợ đen là thị trường chính của người dân, với USD là đồng tiền được sử dụng phổ biến trong giao dịch. Người dân ở Bình Nhưỡng được coi là quý tộc, trong khi 1/4 dân số vẫn thiếu lương thực thường xuyên.
Hãng tin CNN (Mỹ) vừa trích số liệu từ hồ sơ của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và một số chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên để trả lời câu hỏi: Triều Tiên kiếm tiền từ đâu? Tuy nhiên, vì sự tiếp cận với Triều Tiên còn hạn chế và chính phủ cũng không công bố số liệu thống kê kinh tế chính thức từ những năm 1960 đến nay, nên độ tin cậy của những số liệu này chỉ là tương đối.
Theo số liệu thống kê của CIA, kinh tế của Triều Tiên là một trong những nền kinh tế "chịu sự kiểm soát của chính phủ nhiều nhất, ít giao lưu với bên ngoài nhất" và "có nhiều vấn đề kinh niên nhất".
Hai cậu bé bám vào xe buýt để đi qua cầu ở Bình Nhưỡng hôm 14/3
Hồ sơ trích nghiên cứu từ năm 1999 đến nay của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của Triều Tiên là 1.800 USD, tăng trưởng kinh tế 0,8%. Tuy nhiên, Liên hợp quốc ước tính thu nhập bình quân của Triều Tiên trong năm này là chỉ là 506USD và tăng trưởng -0,1%.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc nằm 2011 là 31.300 USD và tăng trưởng 3,6%.
Triều Tiên sản xuất gì?
Các ngành công nghiệp chính của Triều Tiên là: thiết bị quân sự, chế tạo máy, điện, hóa chất, khai mỏ, luyện kim, dệt, chế biến thực phẩm và du lịch.
Sản phẩm chủ lực của nước này là khoáng sản, sản phẩm luyện kim, vũ khí, dệt may, nông sản, thủy hải sản, dầu khí, than, máy và thiết bị...
Ước tính công nghiệp đóng góp gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội, theo sau là dịch vụ và nông nghiệp.
Ông Jang Jin-sung, Tổng biên tập trang tin chuyên về Triều Tiên New Focus International cho rằng đầu tư của Hàn Quốc mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Triều Tiên, bên cạnh nguồn thu nhập từ thương mại với Trung Quốc.
Số liệu của CIA nói rằng Trung Quốc chiếm tới 67,2% sản lượng xuất khẩu và 61,6% nhập khẩu của Triều Tiên trong năm 2011. Hàn Quốc chiếm 19,4% xuất khẩu và 20% nhập khẩu của nước này.
GS. Jim Hoare, ở Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc ĐH London (Anh) và cũng là người mở đại sứ quán của Anh tại Triều Tiên vào năm 2011, nói rằng trong gần chục năm qua Hàn Quốc là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng. Nhưng quan hệ này ngày càng xấu đi kể từ thời Tổng thống Lee Myung-bak. Trung Quốc thế chỗ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
"Hàng Trung Quốc tràn lan khắp Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm tới xe buýt hay bồn toilet", Hoare nói.
Người dân Triều Tiên lựa chọn hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc
Nhiều người thường nghĩ rằng Bắc Kinh cảm thấy an toàn hơn khi có chung biên giới với Triều Tiên thay vì đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo ông Jang, Trung Quốc chống lại Triều Tiên khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc đối với vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay.
Ông Jang cho rằng nguyên nhân là do Trung Quốc muốn để đáp trả nỗ lực khôi phục quyền lực quân đội đã mất dưới thời chú rể và dì của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tức ông Jang Song-taek và bà Kim Kyong-hui. Quân đội của Triều Tiên dưới thời Kim Jong-il từng khiến Trung Quốc đau đầu.
1/4 dân thiếu lương thực
Năm 2011, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) ước tính 1/4 dân số Triều Tiên, tức 6 triệu người, không đủ lương thực để ăn. Gần 1 triệu trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi. Unicef cho rằng Triều Tiên "dễ bị khủng hoảng lương thực vì tình trạng cô lập kinh tế và chính trị, cùng với biến đổi khí hậu".
Chương trình lương thực thế giới nói rằng Triều Tiên tiếp tục "đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng thực phẩm thiết yếu", khi cứ 3 trẻ em lại có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính hoặc quá thấp còi so với tuổi.
Mỹ ngừng trợ cấp lương thực cho Triều Tiên từ năm 2009 vì bị Triều Tiên phản đối, cùng với căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên và lo ngại những chuyến hàng việc trợ có thể không đến được với người nghèo.
Tháng 3/2012, Bình Nhưỡng đồng ý dừng một phần chương trình hạt nhân và tên lửa, để các chuyên gia vào giám sát chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy 240.000 tấn lương thực từ Mỹ.
Nhưng cũng trong tháng đó, Triều Tiên thông báo thử tên lửa và chấm dứt thỏa thuận trên.
Ông Hoare nói rằng mức sống của người dân ở Bình Nhưỡng cao hơn nhiều so với những khu vực còn lại của đất nước. Chế độ ăn của đa số người Triều Tiên chỉ có ngũ cốc và gạo, còn thịt và cá thì cực kỳ hiếm, ngay cả ở Bình Nhưỡng.
Chiếc xe buýt ở Bình Nhưỡng được ngụy trang trong thời gian Triều Tiên liên tục đe dọa sắp có chiến tranh
Kể từ khi Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân năm 2006, nhiều tài sản của các tổ chức làm ăn hoặc ủng hộ Triều Tiên đã bị đóng băng. Nghị quyết trừng phạt gần đây nhất cấm việc vận chuyển hàng hóa xa xỉ, như thuyền buồm và đồ trang sức cao cấp trang Triều Tiên để nhằm vào tầng lớp quý tộc Bình Nhưỡng.
Một số chuyên gia cho rằng "nền kinh tế nhân dân" ở Triều Tiên chủ yếu dựa trên thị trường đen kể từ khi đồng won của nước này bị mất giá trị.
Nạn đói vào những năm 1990 chia thị trường làm nhiều phần: nền kinh tế chính thức, kinh tế của người dân, kinh tế của quân đội và một nền kinh tế "để giữ cho sự lãnh đạo theo đúng phong cách họ đã lựa chọn".
Chủ yếu giao dịch bằng USD
Tháng 3/2013, nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cáo buộc Công ty Thương mại phát triển và khai mỏ Triều Tiên đóng vai trò chủ đạo trong các thương vụ xuất khẩu hàng hóa, thiết bị, mua bán vũ khí liên quan đến tên lửa và vũ khí thông thường.
Đầu tháng 4, Triều Tiên nằm trong nhóm 3 nước, cùng với Syria và Iran, bỏ phiếu phản đối hiệp định kiểm soát buôn bán vũ khí đầu tiên của Liên Hợp Quốc.
CIA cho rằng người dân Triều Tiên, bao gồm cả quan chức chính phủ, tham gia buôn bán trái phép ma túy. Khá nhiều người Triều Tiên hiện nay bị nghiện ma túy đá và thuốc phiện. Tuy nhiên, Triều Tiên phủ nhận dính líu tới buôn bán ma túy và vũ khí trái phép.
Đồng tiền chính thức hiện nay của Triều Tiên là đồng won, nhưng ông Jang cho rằng đồng won hiện nay có giá trị rất thấp, và người Triều Tiên sử dụng USD rất phổ biến, cả trên thị trường đen.
Bình Nhưỡng đã nỗ lực kéo giá trị đồng nội tệ nhưng vì USD được dùng rộng rãi trong thương mại. Giá trị của đồng USD tăng đều trong khi tiền won liên tục giảm giá trị.
Gần đây người Triều Tiên dùng đồng euro nhiều hơn vì lo ngại Mỹ sẽ bằng cách nào đó sẽ cắt nguồn USD. Ngoại tệ chảy vào Triều Tiên thông qua một số con đường như thương mại qua biên giới với Trung Quốc và du lịch. Các đại sứ quán nước ngoài ở đây cũng giao dịch bằng tiền USD.
Theo 24h
Phát hiện 26 tấn khoai tây TQ nhiễm độc Qua kiểm định, cơ quan chức năng đã phát hiện 26 tấn khoai tây nguồn gốc từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần cho phép. Ngày 15/6, toàn bộ 26 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần cho phép đã được lực lượng chức năng...