Số người chết vì lũ “nghìn năm có một” ở Trung Quốc vọt lên 302
Giới chức Trung Quốc quyết định mở cuộc điều tra sau khi số người chết vì đợt mưa lũ “nghìn năm có một” ở tỉnh Hà Nam tăng vọt từ 99 lên 302 người.
Ô tô chất đống sau lũ ở Trịnh Châu, Hà Nam
Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngập trong nước lũ hôm 22/7 (Ảnh: Reuters).
Tại một cuộc họp báo chiều nay 2/8, giới chức tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc cho biết, số người chết trong đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng trước ở địa phương này đã tăng từ 99 người lên 302 người.
Số người thiệt mạng riêng ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam, là 292 người, trong đó có 14 người chết trong một toa tàu điện ngầm ngập nước, 39 người trong các hầm đậu xe, 6 người trong hầm đường bộ. Hiện tại vẫn còn 50 người mất tích, gồm 47 nạn nhân ở Trịnh Châu.
Tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vừa trải qua một đợt mưa lũ kỷ lục hồi cuối tháng 7. Trịnh Châu là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lượng mưa đo được trong 3 ngày ở đây lên tới hơn 600 mm, tương đương lượng mưa trung bình cả năm.
Theo giới chức Trung Quốc, đợt mưa lũ đã ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 13 triệu người, phá hủy gần 9.000 ngôi nhà, gây thiệt hại kinh tế hơn 114 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 18 tỷ USD). Các video, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, hàng loạt ô tô bị lũ cuốn trôi, một hầm đường bộ ở Trịnh Châu bị ngập lũ chỉ trong vòng 5 phút. Hàng nghìn nhân viên cứu hộ, trong đó có cả binh sĩ và lính cứu hỏa, đã được huy động để tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ tại Trịnh Châu.
Dư luận tỏ ra hoài nghi về sự minh bạch số liệu của chính quyền địa phương suốt thời gian qua bởi nhiều người vẫn đang đăng thông tin tìm kiếm người thân mất tích trong đợt mưa lũ. Những thiệt hại do mưa lũ gây ra cũng khiến dư luận bức xúc cho rằng chính quyền địa phương đã không cảnh báo kịp thời cho người dân tránh lũ hay ngừng các dịch vụ giao thông công cộng để đảm bảo an toàn, trong khi các nỗ lực cứu hộ chậm trễ.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm nay thông báo sẽ lập một tổ công tác điều tra thảm kịch lũ lụt ở Trịnh Châu và sẽ buộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm nếu bị phát hiện lơ là nhiệm vụ.
Những diễn biến liên quan đến mưa lũ ở Hà Nam cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây khi Đoàn thanh niên ở tỉnh Hà Nam bị cho là kêu gọi cộng đồng mạng ngăn một phóng viên của BBC đưa tin về tình hình mưa lũ. BBC sau đó kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hành động quấy rối phóng viên của hãng này khi đưa tin tại Hà Nam. Một phóng viên của hãng tin Deutsche Welle (Đức) cũng bị một nhóm người ở Trịnh Châu quấy rối khi tác nghiệp.
Tuy nhiên, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 29/7 gọi BBC là “hãng tin giả”, cáo buộc hãng tin này “công kích và bôi nhọ Trung Quốc, đi chệch khỏi tiêu chuẩn báo chí một cách nghiêm trọng”.
Cảnh khốn khổ của người Trung Quốc sau trận lũ "nghìn năm có một"
Nhiều người tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc rơi vào cảnh khốn cùng khi mất hết tài sản sau trận lũ kinh hoàng vào tuần trước.
Người Trung Quốc trắng tay sau thảm họa mưa lũ "nghìn năm có một"
Người dân ở Củng Nghĩa dọn đường sau trận lũ (Ảnh: SCMP).
Tuần trước, tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc đã trải qua đợt mưa lũ "nghìn năm có một" với sức tàn phá khủng khiếp. Theo giới chức địa phương, thảm họa này đã khiến ít nhất 71 người thiệt mạng, trong đó có 14 hành khách tử vong trong toa tàu điện ngầm ngập nước. Mưa lũ cũng phá hủy gần 9.000 ngôi nhà, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân.
Khi cơn lũ qua đi, Ma Chengfeng mới thấy mình thật may mắn. Nếu chậm chân 2 phút và không kịp chạy ra khỏi nhà, có lẽ anh đã bị nước cuốn trôi.
Ma sống ở Củng Nghĩa, thành phố nhỏ cách thành phố Trịnh Châu - thủ phủ của tỉnh Hà Nam khoảng 80 km về phía tây.
Vào thứ Ba ngày 21/7, khi đang chìm trong giấc ngủ, Ma bất ngờ được vợ gọi dậy. Sau đó, cả 2 vợ chồng cùng 2 người con đã chạy sang nhà hàng xóm ở khu đất cao hơn.
Cuối tuần, Ma ngồi bên con đường bị lớp bùn dày bao phủ, nhìn chằm chằm về phía khu dân cư bị nước lũ cuốn trôi. Phía sau lưng Ma, ngôi nhà 2 tầng của gia đình anh đã trở thành đống gạch vụn, đồ đạc nát bươm và ngập rác.
"Cơn lũ đến quá đột ngột, nên không ai kịp chuẩn bị", Ma, 36 tuổi, nói, khi vợ anh đang bới nhặt trong đống đổ nát để tìm kiếm bất kể thứ gì còn giá trị.
"Bây giờ, tôi không có nơi nào để sống và tôi cũng không biết phải làm gì", Ma nói.
Cảnh tan hoang sau mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Khi nước lũ rút đi, những người sơ tán đang phải vật lộn để khôi phục lại cuộc sống của mình.
Trận lũ lịch sử khiến gần 1,4 triệu người phải đi sơ tán đến nơi cao hơn. Hơn 14.000 gia đình bị mất nhà cửa và hơn 900.000 ha đất nông nghiệp bị ngập.
Tại Củng Nghĩa, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 4 người đã thiệt mạng và 5 người khác vẫn mất tích.
Hà Nam là một trong những nơi có nguồn "lao động di cư" lớn nhất Trung Quốc - những người rời bỏ quê hương để tìm việc làm ở các khu vực khác. Ma là một trong số những lao động như vậy. Anh làm việc trong ngành xây dựng, nhưng nghỉ việc và trở lại Củng Nghĩa vào tháng trước.
"Tôi từng gửi tiền về nhà hàng tháng, khoảng 4.000 Nhân dân tệ (617 USD), nhưng bây giờ tôi không biết khi nào mới có thể quay lại thành phố để làm việc", Ma nói và tự hỏi anh sẽ chi trả tiền học cho các con như thế nào nếu không thể trở lại thành phố làm việc.
Những cây cầu bị sập sau trận lũ ở Củng Nghĩa (Ảnh: SCMP).
Sau trận lũ, xe cộ hư hỏng nằm chất đống trên đường. Các dịch vụ điện, điện thoại và nước sạch vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn vào cuối tuần.
Nhiều cây cầu đã bị hư hỏng, trong khi các nhân viên cứu trợ khẩn cấp vẫn đang căng mình để loại bỏ lớp phù sa do mưa lũ để lại.
Các tình nguyện viên và nhân viên của chính quyền địa phương cũng đã được huy động để phân phát đồ dùng cho người dân.
Ông Ma Xingzhong, 70 tuổi, chủ một cửa hàng chăn ga gối đệm, đã rơi nước mắt khi nhìn những chiếc ga trải giường và chăn ướt sũng trong đống đổ nát ở cửa hàng.
Ông Ma vừa chi 300.000 Nhân dân tệ để chữa bệnh và giờ đây, khoản lỗ kinh doanh của ông đã lên tới hơn 60.000 Nhân dân tệ.
"Thảm họa này sẽ khiến cuộc sống của tôi rất khó khăn", ông nói.
Trung Quốc cấp tập sơ tán dân sau trận lũ lịch sử Người dân vùng lũ đã được sơ tán bằng cầu phao, trong khi một cơn bão khác sắp đổ bộ vào đất liền Trung Quốc. Người dân vùng lũ Trung Quốc cấp tập sơ tán Máy xúc được huy động để sơ tán người dân ở Trịnh Châu, Trung Quốc (Ảnh: AFP). Hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt...