Sở GD&ĐT nói về đề thi gây ’sóng gió’ trên mạng
Kỳ thi học kỳ 2 của tỉnh Gia Lai đang gây “sóng gió” với môn Ngữ văn khi trích dẫn một đoạn trong bài viết “Thắp mình để sang xuân” của tác giả Đoàn Công Lê Huy.
Dư luận tranh cãi đề thi “rối rắm, làm khó học sinh”, bên cạnh ý kiến đề thi “hay, gợi mở”.
Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đây là đề thi chung toàn tỉnh Gia Lai cho kỳ thi học kỳ 2 khối 12, năm học 2015 – 2016. Ngày thi môn Ngữ Văn diễn ra vào ngày 5/5, cho 46 trường THPT.
Trước ngày thi, Sở GD&ĐT Gia Lai lập một hội đồng ra đề, thành viên là các giáo viên từ trước đến nay hay làm đề của một số trường được tập hợp về, gọi là đội ngũ cốt cán.
Đáp án của phần thi gây tranh cãi.
Video đang HOT
Thầy Lê Duy Định – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, mỗi một môn có 3 cán bộ ra đề (2 người ra đề, 1 người phản biện). Theo đó, hai cán bộ ra đề là cô Đinh Thị Như – Tổ trưởng tổ Văn trường PTDT Nội trú tỉnh, cô Hà Thị Hoài Phương – Tổ trưởng tổ Văn trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku) và người phản biện là thầy Đặng Văn Du – Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Pleiku (TP Pleiku). Người thẩm định cuối cùng là Chủ tịch hội đồng ra đề – Phó giám đốc sở GD&ĐT Lê Duy Định.
“Việc tranh cãi rơi vào phần đọc hiểu, ưu điểm là dạng đề mở như sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, phát huy trí tuệ học sinh, chống lại việc vận dụng kiến thức cũ học thêm. Nhược điểm câu hơi lòng vòng, nhưng hoàn toàn không sai”, thầy Định quả quyết.
Cô Đinh Thị Như thừa nhận, chưa biết gì về tác giả Đoàn Công Lê Huy. Tuy vậy, cô Như nêu quan điểm, không nhất thiết lấy đoạn trích của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Đối với phần đọc hiểu thì chọn bất kỳ một ngữ điệu nào miễn là phù hợp với học sinh. Đồng thời, cô cho rằng đoạn trích rất lạ, phá cách, phù hợp với đề mở nhưng vẫn mang tính chất khoa học, có tính nghệ thuật.
“Đề không sao cả, rất tự tin, không vấn đề gì”, cô Như khẳng định.
Trong khi đó, thầy Đặng Văn Du lập luận: “Cô gái bán diêm số đơn là chính xác hơn số ít, số lẻ. Số ít không phải 1 mà có thể là 2, là 3… cho nên không thể dùng cô bé bán diêm là số ít. Cũng không thể dùng số lẻ vì có hai phạm trù số lẻ và số chẳn mà số lẻ không định nghĩa là một số 1, và dùng từ này (Đơn – PV) là sáng tạo.
Ý nữa, “nước Việt hình chữ “S” hiện thân của số nhiều” tức là cư dân sinh sống trên trên số S là số nhiều chứ không phải số lẻ, số đơn”. Thầy Du khẳng định lúc tiếp nhận thì thấy đề “bình thường về mặt khoa học, mang tính chất văn rất nhiều trong văn bản nghị luận”.
Vi Văn Tú (sinh viên Đại học Y dược TP HCM, cựu học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương, TP Pleiku, Gia Lai) tâm tư, đề thi hơi vô nghĩa, không mang tính chất văn và đọc vào cũng không hiểu gì.
“Nước Việt hình chữ “S” hiện thân của số nhiều”, câu này không có nghĩa. Chọn đề thi mang tầm hiểu biết của giáo viên chứ không phải học sinh”, Tú sẻ chia.
“Em không hiểu vấn đề đề thi đề cập đến là gì? Em làm sai hết, không đúng với đáp án”, em Lê Thị Hoa (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP Pleiku, Gia Lai), ngán ngẫm. Hoa cho biết, không kịp thời gian làm các câu còn lại vì tốn quá nhiều vào câu đọc hiểu này.
Trao đổi vấn đề với PV, thầy Phạm Ngọc Hai – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ (Đắc Đoa, Gia Lai) thừa nhận, đề thi có nhiều luồng ý kiến khác nhau. “Để đánh giá đề thi thế nào thì phải chờ vào ý kiến chấm kết quả thế nào nữa”, thầy Hai nói.
Trước đó, đề thi của Sở GD&ĐT Gia Lai được lấy trích đoạn trong bài viết Thắp mình để sang xuân của tác giả Đoàn Công Lê Huy.
Đoạn trích như sau:
Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là 2 vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa, để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm phải chết vì thiếu lửa.
Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ?
Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em không thể “woot!” cũng chẳng “hot”, sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ… Cho nên: Biết ủ lửa để giữ phẩm cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân?
Đề bài yêu cầu: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. Trong đoạn trích trên, tác giả sử dụng thao tác lập luận gì? Nêu nội dung chính của đoạn trích. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 7 dòng) thể hiện sự cần biết của việc “nuôi lửa” ở lứa tuổi học sinh.
Theo Đình Văn/Lao Động