Sinh viên Việt kể về cách học giữa Covid-19 ở Singapore
Ngân Anh vẫn đến lớp học trực tiếp, trong khi hai tuần qua, Tuấn Minh chuyển sang học online vì dịch căng thẳng; cả hai đều đã tiêm đủ vaccine Covid-19.
Từ khoảng cuối tháng 9, số ca mắc Covid-19 mới ở Singapore liên tục lập mốc cao nhất từ trước tới nay, giữa bối cảnh vừa nới lỏng các hạn chế sau khi được ghi nhận là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới.
Ca mắc tăng nhanh khiến một số trường đại học ở đây phải áp dụng biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo an toàn cho sinh viên. Ngô Thị Ngân Anh, năm hai ngành Tài chính, trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết trường mở cửa trở lại từ tháng 8 và yêu cầu toàn bộ sinh viên test nhanh Covid-19 mỗi tuần một lần, sau đó chụp ảnh kết quả lên hệ thống qua ứng dụng điện thoại. Nếu không xét nghiệm, sinh viên không được vào học trực tiếp.
Hiện trường duy trì hai hình thức online và offline. Những lớp sĩ số trên 50 phải chuyển qua học trực tuyến, trong khi dưới mức đó được đến học trực tiếp. Sinh viên phải thông báo nhiệt độ cơ thể, nếu trên 37,5 độ C sẽ nghỉ ở nhà. Khi đến lớp, các em bắt buộc đeo khẩu trang và ngồi cách nhau một mét.
“Các trường trực thuộc NUS có hệ thống quản lý và quy định khác nhau về việc đi học. Trường em cố gắng duy trì nhiều lớp học trực tiếp nhất có thể, trong khi có trường cho học toàn bộ hoặc 90% online”, nữ sinh người Hà Nội cho hay.
Theo Ngân Anh, trường có một vài ca nhiễm nhưng mọi người không quá lo lắng vì đều đã tiêm vaccine theo chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore. Những ai tiếp xúc gần với ca mắc sẽ phải cách ly và xét nghiệm. Các hoạt động ngoại khóa cũng bị dừng hoặc chuyển online. Tại Singapore, người dân được yêu cầu quét mã QR khi tới bất cứ đâu nên việc quét F0 và cách ly diễn ra nhanh gọn, nhẹ nhàng.
“Ở trường em, việc đến lớp trực tiếp vẫn không đổi, vì mọi người tin là các F1 đều đã được truy quét”, Ngân Anh nói.
Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) cũng cho sinh viên học trực tiếp từ đầu tháng 9, sau hai tuần khởi động online. Các lớp học không quá 25 người và trong trường hợp sĩ số đông, lớp sẽ chia thành hai nhóm, luân phiên on-off theo tuần chẵn, lẻ. Tuần này nhóm một học trực tiếp thì nhóm hai học online và tuần sau đổi lại.
Mai Tuấn Minh, khoa Kỹ sư Điện Điện tử, cho biết thêm sinh viên phải đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên và thực hiện giãn cách. Trường cũng khuyến cáo lau bàn sạch sẽ trước khi ngồi học.
“Khó nhất là nghe bài giảng khi thầy cô đeo khẩu trang. Ngoài ra, thông tin về việc ai đó trong lớp, trong trường mắc Covid-19 cũng ảnh hưởng tâm lý, khiến chúng em áp lực”, Minh nói.
Hiện lớp học trên giảng đường lớn bị hoãn, chuyển qua online. Giảng viên sẽ ghi âm bài giảng và gửi cho sinh viên. NUT cũng quản lý sinh viên bằng việc yêu cầu cài ứng dụng Trace Together, tương tự PC-Covid ở Việt Nam trên điện thoại. Muốn vào ăn tại căng tin, các em đều đã phải tiêm vaccine và quét mã trên điện thoại.
Minh (bìa phải) cùng các bạn trên trường khi còn học trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hai tuần nay, trường Minh chuyển sang học online do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Ngoài những môn lý thuyết học trực tuyến, Minh vẫn được đến lớp học các môn thí nghiệm, lắp mạch. Tuy nhiên, thời gian học được giảm xuống, từ 2,5 tiếng còn 1,5 tiếng.
Video đang HOT
Học online với các sinh viên kỹ thuật như Minh gặp nhiều khó khăn trong tương tác và giao tiếp. Giảng viên giảm nhiệt huyết, còn sinh viên mất đi hứng thú học tập.
Bện cạnh các quy định, trường còn có phương án cụ thể trong trường hợp có ca mắc. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ, sinh viên sẽ được đưa tới bệnh viện điều trị hoặc cách ly. Lớp có sinh viên dương tính cũng buộc phải cách ly và chuyển sang học online. Theo Minh, chính phủ Singapore yêu cầu trường Nanyang xét nghiệm Covid-19 qua chất thải ở khu ký túc xá. Nếu phát hiện ca mắc, cả khu phải xét nghiệm, truy vết.
Minh cho hay đã hai năm em chưa về Việt Nam vì dịch bệnh. Trước thời điểm các trường bắt đầu năm học mới, Singapore có ba tháng giãn cách xã hội do tỷ lệ tiêm vaccine trong người dân còn thấp. Thời gian này, Minh được nghỉ hè và thường xuyên nhận được mail nhắc nhở, dặn dò của trường. Những sinh viên nào gặp khó khăn vì Covid-19 sẽ được trường hỗ trợ tài chính và cho vay không lãi suất để mua thiết bị học tập.
Khác với Ngân Anh và Minh, Nguyễn Huỳnh Như, sinh viên năm cuối Kaplan Higher Education Academy, Singapore, phải học và thi online từ tháng 6/2020 đến giờ.
Hàng ngày, nữ sinh quê Cà Mau bắt đầu buổi học lúc 8h đến 11h, điểm danh lúc vào lớp và sau 15 phút giải lao. Việc học của sinh viên được trường giám sát chặt, luôn có quản lý nhắc nhở làm bài tập.
Nhiều hôm em không theo kịp bài giảng do đường truyền mạng kém và phải xem lại video. Tuy nhiên, việc học online cũng giúp em có nhiều thời gian học thêm tiếng Trung, guitar và vẽ. Nữ sinh ngành Kinh doanh Kỹ thuật số mong dịch bệnh mau chóng qua đi để được đến trường học cùng các bạn, chuẩn bị thuyết trình, trao đổi trực tiếp thay vì gọi qua màn hình.
Huỳnh Như học và thi online từ tháng 6/2020 đến giờ vì dịch bệnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Việc gia tăng các ca nhiễm trở lại khiến Singapore đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế nhất định sau khi đề ra chiến lược “sống chung với Covid-19″. Nước này đã tiêm chủng cho hơn 79,3% dân số, trong đó hơn 77,4% được tiêm vaccine đầy đủ.
9X biết ơn bố vì được khuyến khích đi du học từ cấp 2
Những chuyến đi du lịch nước ngoài của cả gia đình vô tình truyền cảm hứng cho Tuấn Minh về ước mơ du học từ ngày còn bé.
Nhờ sự động viên của bố, năm lớp 8, Minh quyết định thi vào một trường cấp 2 công lập của Singapore.
"Để nói rằng phải biết ơn ai trên hành trình trưởng thành của mình, em nghĩ người đó chính là bố. Em may mắn có một người cố vấn tuyệt vời - cựu học sinh Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), từng giành giải Toán quốc gia; một trong những sinh viên khóa Điện - Điện tử đầu tiên của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Dù vậy, bố chưa bao giờ so sánh em với bất kỳ ai. Thay vào đó, bố chọn cách đồng hành và truyền cảm hứng", Mai Tuấn Minh (SN 1998), chàng sinh viên năm 2, ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử tại ĐH Công nghệ Nanyang kể về hành trình đến Singapore của mình.
Mai Tuấn Minh hiện là sinh viên năm 2, ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử tại ĐH Công nghệ Nanyang
Minh cho biết, từ hồi tiểu học, dù chưa biết thế nào là nên hay không nên đi du học, nhưng bố cậu đã tạo động lực bằng cách quyết định cho các con đi du lịch nước ngoài.
Đất nước đầu tiên Minh đặt chân tới là Singapore. Trong chuyến đi ấy, ngoài tham quan, trải nghiệm, Minh còn được quan sát, thăm thú nhiều nơi như tàu điện ngầm không người lái của Singapore, đảo du lịch nhân tạo Sentosa, quận kinh doanh trung tâm Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang. Đó cũng là lần đầu tiên cậu bé 9 tuổi cảm nhận được thế nào là một nơi hiện đại và phát triển.
Sau vài chuyến đi nước ngoài tiếp đó, Minh dần hình thành quyết tâm phải đi du học. "Em luôn cảm thấy tò mò và mong muốn tìm hiểu về thế giới ngoài kia đang biến chuyển ra sao. Tại sao những đất nước ấy lại có sự phát triển thần kỳ đến vậy".
Mọi mong muốn đều đến như một lẽ rất tự nhiên. Minh nói ước mơ này với bố. Bố không hề phản đối, ngược lại còn động viên cậu nên đi du học từ sớm để được trải nghiệm các nền giáo dục khác nhau qua mỗi cấp học.
Hai bố con cùng lên kế hoạch sẽ sang Singapore vào cấp 2, Mỹ vào cấp 3, sau đó sẽ theo học bậc đại học ở Anh. Nhờ sự khuyến khích của bố, Minh đã nỗ lực học tập, chuẩn bị những hành trang cần thiết để lên đường du học.
Phải thi tới 5 lần, Minh mới có thể đỗ vào một ngôi trường cấp 2 công lập tại Singapore. Sau đó, cậu đã lên đường đi du học khi vừa hoàn thành học kỳ I năm lớp 8.
Minh kể, việc một mình đi du học khi còn là học sinh cấp 2 cũng khiến cậu khá chật vật để thích nghi. "Em thường bị các bạn chế nhạo vì chất giọng tiếng Anh. Chương trình học ở Singapore cũng khá nặng khiến nhiều bạn phải bỏ học giữa chừng. Điều đó cũng làm em cảm thấy áp lực. Cộng với việc sống xa gia đình, tập thích nghi với nền văn hóa mới khiến em phải học cách nỗ lực vươn lên".
Nhưng bù lại, Minh cho rằng, Singapore cũng đã cho mình khá nhiều thứ. "Từ hồi cấp 2, bọn em đã được đến một số công ty, doanh nghiệp để tìm hiểu về những ngành nghề cụ thể. Đó là những trải nghiệm rất thực tế mà em nghĩ, sự đánh đổi của mình là đáng giá".
Hết cấp 2, những học sinh như Minh có hai sự lựa chọn, hoặc sẽ đi theo hướng học dự bị đại học 2 năm, hoặc sẽ lựa chọn học hệ cao đẳng 3 năm. Minh lựa chọn hướng đi thứ hai, theo học tại Trường Cao đẳng Bách Khoa Cộng hòa Singapore (Republic Polytechnic).
"Em quyết định sẽ không đi Mỹ như dự định ban đầu của 2 bố con vì thấy rằng Singapore vẫn còn nhiều thứ để mình khám phá. Học cao đẳng tại đây, chúng em được học về chuyên ngành thông qua việc làm các dự án.
Mọi hoạt động trong trường đều hướng tới việc phát triển một con người toàn diện. Vì thế, dù phải tới trường từ 9h sáng đến 5h chiều, nhưng buổi sáng học sinh sẽ học lý thuyết, còn buổi chiều sẽ được thực hành.
Chúng em được cùng nhau xây dựng pin mặt trời ở Myanmar, thiết kế robot phục vụ trong các nhà hàng hay có cơ hội được trải nghiệm trong phòng máy của Singapore Airline. Được thực hành và tập trung vào các môn chuyên ngành là một lợi thế giúp chúng em dễ dàng hơn trong việc xác định con đường đi của mình".
Vẫn giữ lời hứa với bố và những mục tiêu đã đặt ra lúc mới sang Singapore, Tuấn Minh nỗ lực học tập và giành được điểm GPA 4.0/4.0 sau 3 năm học, đồng thời nhận được Huân chương Vàng giành cho thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Trường Cao đẳng Bách Khoa Cộng hòa Singapore.
"Tại sao phải chờ đến 18 tuổi mới được đi du học?"
Quãng thời gian trước khi bước chân vào đại học, Minh nghĩ khá nhiều về bố. "Bố luôn muốn cống hiến giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ ở châu Á và em luôn mong điều đó trở thành sự thật.
Em thường hay nói đùa với bố rằng, bố đã tốt nghiệp ngôi trường đại học hàng đầu Việt Nam thì con cũng mong mình sẽ tốt nghiệp ngôi trường đại học hàng đầu châu Á. Nói vui là thế, nhưng với em, bố vẫn luôn là tấm gương để bản thân nỗ lực hết sức có thể".
Đó cũng là lý do Minh lựa chọn tiếp tục ở lại Singapore, theo học ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử của ĐH Công nghệ Nanyang để trở thành đồng nghiệp của bố.
Minh cùng các bạn trong Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore.
Minh cho biết, cậu muốn tận dụng hết quỹ thời gian 4 năm đại học này để đào sâu hơn kiến thức chuyên ngành, trải nghiệm đủ các hoạt động xã hội và thử sức ở một vài lĩnh vực mới.
Nhưng cậu cũng thừa nhận "khi còn học bậc cao đẳng, mình có thể là một con cá lớn; nhưng ở ngôi trường top đầu châu Á, mọi người đều rất giỏi, nhất là sinh viên Trung Quốc".
Sự cạnh tranh khó khăn, nhưng Minh cho rằng, dù khó vẫn sẽ dạy cho mình những bài học quý giá và sẽ là môi trường tốt để mọi người học cách phát triển.
Cũng tại Nanyang đã cho Minh gặp được nhiều người bạn đồng hương Việt Nam và cùng nhau thành lập ra công ty mang tên Linh.AI - công ty tạo ra sản phẩm hỗ trợ trí tuệ thông minh nhân tạo trong lĩnh vực y tế, xe tự động lái và robot.
Ngoài ra, Minh còn là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore và có nhiều sáng kiến giúp đỡ sinh viên Việt tại Singapore, nhất là trong dịch Covid-19 vừa qua,...
Những trải nghiệm ấy, theo Minh, đã cho cậu cơ hội để được lớn lên và trưởng thành.
"Tại sao phải chờ đến 18 tuổi mới được đi du học?". Minh cho rằng, không bao giờ là quá sớm để chuẩn bị cho hành trình này.
"Việc đi du học từ sớm giúp em được trải nghiệm cuộc sống tự lập đích thực ở nước ngoài. Em phải học cách tự xoay sở mọi thứ ở một đất nước xa lạ mà không ai biết mình là ai. Cho đến giờ, ở tuổi 23, em khá tự tin về khả năng xoay sở của mình trong mọi hoàn cảnh.
Tất nhiên, một đứa trẻ không thể nói thích đi du học nếu nó chưa bao giờ hình dung cuộc sống ở nước ngoài sẽ như thế nào. Em cảm thấy biết ơn bố mẹ đã tạo cơ hội để mình được đặt chân ra nước ngoài từ khá sớm. Dù đó có thể là một khoản "đầu tư đắt đỏ", nhưng thông qua những trải nghiệm thực tế, mình vẫn có thể tìm con đường đi du học tiết kiệm tiền và thời gian hơn rất nhiều", Minh nói.
Những trường đại học trẻ được xếp loại tốt nhất thế giới 2021 Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng các trường đại học trẻ có chất lượng tốt nhất. Khi chọn trường đại học, bạn thường lựa chọn dựa vào yếu tố danh tiếng và lịch sử lâu đời như Oxford, Cambridge, Harvard và Princeton. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những trường đại học được thành lập dưới...