Sinh viên và hai tấm “giấy thông hành”
Trước đây, một sinh viên phải mất tối thiểu 6 năm để có thể nhận được hai bằng đại học chính quy. Nhưng hiện nay, chỉ chưa đầy 4 năm sinh viên đã có thể nhận 2 bằng đại học, 2 tấm “giấy thông hành” vào đời.
Có 2 bằng trong tay tự tin hơn
Năm 2007, trong Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ Bộ GD&ĐT đã quy định: sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất, sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu sẽ được học thêm một ngành khác để lấy 2 văn bằng. Hiện nay, đã có một vài trường như ĐH QGHN, ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, ĐH Thăng Long áp dụng hình thức đào tạo này.
Điều kiện để đăng kí học hai bằng khá đơn giản. Tại trường ĐH QGHN chỉ cần sinh viên đạt điểm trung bình chung từ 2.0 trở lên và thực hiện một số cam kết là có thể đăng kí chọn ngành. Sau đó, họ sẽ trải qua 1 kỳ thi tiếng Anh để xét tuyển có được vào học ngành đã đăng ký hay không.
Thầy Nguyễn Văn Nhã, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, ngay khóa đầu tiên, trường ĐH QGHN đã tiếp nhận hơn 1000 sinh viên đăng kí vào các ngành học liên kết thí điểm.
Video đang HOT
Có nhiều lý do khác nhau để các bạn lựa chọn học thêm một ngành khác. Nhưng đa phần sinh viên đều kỳ vọng sẽ có một công việc tốt hơn khi có nhiều “tấm giấy thông hành” trong tay. Số khác thì lại vì muốn tiện thể học để ra trường đỡ phải đi học tiếp.
“Mình học ngoại ngữ chỉ là công cụ, học kinh tế để lấy nghề. Tương tự, những bạn học kinh tế có nghề mà ko có công cụ là ngoại ngữ thì cũng khó làm việc tốt được. Dẫu sao cầm 2 cái bằng trong tay thì vẫn tự tin hơn so với bạn bè”, bạn Phương Thúy, sinh viên khoa tiếng Anh trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH QGHN chia sẻ.
Với số ít sinh viên khác mong muốn học ngành 2 là vì chính ý thích của họ. Bạn Hà Ngân, sinh viên năm nhất khoa Tài chính ngân hàng, ĐH Thăng Long cho biết bạn đang dự định học thêm ngành công tác xã hội vì “học ngân hàng để lấy nghề sau này còn mình rất thích tham gia đội tình nguyện cũng như các hoạt động xã hội khác”.
Nhiều bạn sinh viên thừa nhận rằng, khi đến với ngành học mới, họ cảm thấy rất hứng thú vì làm quen với nhiều môn học thú vị và được “đổi món”. Tuy nhiên, trước đó, để tránh tình trạng sinh viên bỏ chạy theo ngành “hot”, Bộ Giáo dục cũng đã có quy định: sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.
Theo đuổi “giấy thông hành” đến cùng
Khó khăn lớn nhất của việc học hai bằng là sắp xếp thời gian. Dù sinh viên có thể chủ động sắp xếp lịch học nhưng quỹ thời gian tự học đã bị hạn chế và gần như lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian học trên lớp. Hệ quả là đôi khi sinh viên không tập trung vào một môn học nào đó. Không ít sinh viên trốn tiết, bỏ lớp vì không thể xoay sở hai chương trình học.
Linh Trang, sinh viên khoa Luật, ĐH QG cho biết. “Tuần trước, cô giáo ngành 1 chuyển lịch học bù, mình phải bỏ học một môn ngành 2 vì trùng giờ” Trang cũng thú nhận: “Một vài lần chưa kịp làm bài tập nên mình đành nghỉ luôn ở nhà”.
Tranh thủ giờ nghỉ giữa hai ngành, nhiều sinh viên lên thư viện làm bài tập
Ở thời điểm hiện tại, việc học 2 ngành khiến một số sinh viên cảm thấy khá căng thẳng. Chưa kể các bạn cũng ít có thời gian để tham gia các hoạt động tập thể và đi làm thêm. Thụy Nguyên, Khoa kinh tế, ĐH QG Hà Nội chia sẻ: “Kỳ nặng nhất mình học 35 tiết chỉ cho 2 ngành. Cả kỳ chỉ học và thi, thi rồi học đến chóng mặt”
Một bất cập khác khi học hai ngành xảy ra ở trường ĐH Thăng Long đó là, sinh viên thường xuyên phải học thêm các môn bổ sung do khung chương trình nhà trường thay đổi qua từng năm. Các bạn sinh viên phải vắt chân lên cổ học các môn ngành 2 nhanh chóng trước khi nhà trường kịp… thay đổi.
Về mặt kiến thức, không ít sinh viên cảm thấy khó khăn khi chuyển sang một ngành học mới lạ lẫm và khó hiểu. Điển hình là các bạn học khoa Du lịch học của trường ĐH KHXH &NV có những lúc không thể theo kịp các môn toán, thống kê của ngành kinh tế.
Tuy việc đăng kí học 2 bằng khá đơn giản nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng thực hiện được ngay ý muốn của mình. Một số bạn sinh viên trường ĐH Ngoại thương phàn nàn họ rất muốn học thêm 1 bằng nhưng các ngành liên kết thí điểm không phù hợp. Chẳng hạn, bạn học khoa Kinh tế đối ngoại và muốn lấy thêm bằng về Luật kinh tế nhưng hiện nhà trường vẫn chưa có liên kết này.
Bạn Ngọc Bích, Học viện Tài chính lại bộc bạch: “Mình cũng muốn đi học để lấy thêm kiến thức và ra trường dễ dàng xin việc hơn nhưng hiện nay gia đình mình chưa có đủ điều kiện cho mình đi học”.
Dẫu vậy, hầu hết các sinh viện học 2 ngành đều đang cố gắng theo đuổi kỳ vọng và niềm ước muốn của mình đến cùng.
Theo Bee