Sinh viên trường Báo tổ chức triển lãm ảnh ‘Động lực: Hành trình của tôi’
Thông qua việc trưng bày những đồ vật gợi nhắc đến những câu chuyện nghề, chuyện đời, các nhân vật truyền cảm hứng trong triển lãm ‘Động lực: Hành trình của tôi’ đã góp một phần nhỏ bé để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với lĩnh vực báo chí – truyền thông cho các bạn sinh viên.
Tiếp nối thành công của triển lãm ảnh trong mùa Sóng trẻ Festival 2018, ngày 23/9, triển lãm ‘Động lực: Hành trình của tôi’ được diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm giới thiệu những câu chuyện xoay quanh chủ đề báo chí và những lĩnh vực liên ngành như một cách tri ân các thế hệ đi trước đồng thời truyền cảm hứng, động lực làm nghề cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ học tập và làm việc trong môi trường báo chí – truyền thông.
Triển lãm ‘Động lực: Hành trình của tôi’ diễn ra tại khuôn viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Buổi triển lãm giới thiệu 10 kỷ vật bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng của những giảng viên, phóng viên và sinh viên hiện đang theo đuổi lĩnh vực báo chí – truyền thông. Mỗi người mang đến một trải nghiệm riêng, một câu chuyện riêng nhưng tựu chung lại đều truyền đi niềm cảm hứng sống và làm nghề mạnh mẽ.
‘Nếu thích cái gì, thì hãy cứ làm, đừng sợ’
Là một trong những nhân vật truyền cảm hứng của triển lãm ‘Động lực: Hành trình của tôi’, Th.S Đinh Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình đã mang tới cho các bạn sinh viên câu chuyện theo đuổi đam mê với báo chí.
Bức tranh mà Th.s Đinh Ngọc Sơn mang đến tại triển lãm
Nói về cơ duyên với nghề báo, Th.S Đinh Ngọc Sơn chia sẻ: ‘Với tôi nghề báo như một cái duyên. Có một lần anh tôi đi họp ở trên huyện, thấy thông báo Phòng Văn hóa Thông tin tuyển năng khiếu, chỉ nghĩ thi năng khiếu là thi vẽ nên rủ tôi đi tuyển. Tôi cũng cuộn bức tranh, đem lên phòng văn hóa để cho người ta xem.
Nhưng đến nơi, bác trưởng phòng bảo hôm nay chỉ tuyển phát thanh viên chứ không thi vẽ. Lúc ấy thấy tôi buồn quá, bác mới bảo tôi cứ thử vào đọc bản tin xem. Tôi cũng không biết gì, thấy người ta đưa mấy tờ bản tin thì cứ thử ngồi trước micro đọc. Một thời gian sau người ta liên hệ lại với tôi, báo lên cơ quan để thử việc. Kể từ đó tôi bắt đầu nghề đọc chương trình phát thanh’.
Video đang HOT
Câu chuyện mà thầy Đinh Ngọc Sơn mang đến đã tiếp thêm sự đam mê với nghề cho các bạn sinh viên
Đến với báo chí một cách tình cờ, nhưng để theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc và bền bỉ thì lại là cả một cuộc hành trình dài. Chia sẻ về tầm quan trọng đam mê với với việc giữ lửa trong công việc, thầy Sơn cho biết: ‘ Tôi chưa từng có ước mơ làm báo, chỉ tình cờ vì thích vẽ mà có cơ duyên đến với nghề này. Nếu mình không có đam mê, không làm gì cả thì chưa chắc cơ hội sẽ đến. Vì đôi khi niềm đam mê, yêu thích một điều gì cũng là một cái duyên, một cơ hội để tạo ra những cơ hội khác’.
Không chỉ mang đến câu chuyện truyền cảm hứng, Th.S Đinh Ngọc Sơn còn gửi tới các bạn tân sinh viên lời khuyên: ‘Tôi mong các bạn trẻ nếu yêu thích điều gì thì đừng sợ, vì có thể từ niềm đam mê đó sẽ mở ra cho các bạn nhiều cơ hội hơn’.
‘Nếu mình yêu nghề, nghề sẽ yêu mình’
Đến với triển lãm ‘Động lực: Hành trình của tôi’, phóng viên Đoàn Bổng hiện đang công tác tại báo Vietnamnet mang tới kỷ vật là chiếc máy ảnh đã gắn bó suốt quãng thời gian làm nghề cùng câu chuyện về thái độ của người trẻ đối với báo chí.
Đối với phóng viên Đoàn Bổng, điều đầu tiên cần phải có khi làm nghề là thái độ nghiêm túc
Với phóng viên Đoàn Bổng, chiếc máy ảnh không chỉ là phương tiện hỗ trợ tác nghiệp mà nó còn là người bạn đồng hành trong những năm tháng làm nghề. ‘Mình mua chiếc máy này khi còn là sinh viên. Máy ảnh này theo mình khắp mọi nơi từ cháy nổ, thiên tai hay hoả hoạn. Có nhiều lúc anh muốn mua máy mới và hoàn toàn có thể làm điều đó nhưng anh vẫn muốn giữ nó lại. Nếu xét về giá trị vật chất thì nó không đáng bao nhiêu nhưng về tinh thần thì lại rất nhiều’.
Chiếc máy ảnh sinh viên ghi dấu chân của người phóng viên trẻ thuở mới vào nghề
Để gửi một lời khuyên đến các bạn sinh viên muốn theo đuổi nghề báo, anh Đoàn Bổng bày tỏ: ‘Anh xuất phát từ con số không, không biết gì về báo chí cả nhưng thầy cô đã sửa cho anh rất nhiều. Thái độ tôn trọng, nhiệt huyết với công việc là điều quan trọng’.
Hành trình vượt 2000 km đi học của nữ sinh viên trường Báo
Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi được gọi là ‘tận cùng của tổ quốc”, đó là một vùng quê giản dị, yên ả như cái tên của nó – Thới Bình… Tôi yêu nơi đó lắm và đã từng nghĩ sẽ không bao giờ rời xa nơi ấy… Nhưng hiện tại, tôi đang sinh sống và học tập ở một thành phố xa quê những 2000 km. Người ta hỏi tại sao tôi lại đi xa như vậy chỉ để học đại học?’.
Đó là lời chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Mộng – sinh viên lớp Truyền hình 37A2 về hành trình vượt 2000km từ Cà Mau ra Hà Nội để theo đuổi giấc mơ với nghề báo.
Các bạn sinh viên được tiếp thêm động lực qua câu chuyện của cô nữ sinh tới từ Cà Mau
Chọn Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi để gắn bó suốt bốn năm Đại học, bạn Nguyễn Thị Mộng phải đối diện với không ít những thách thức. ‘Tôi từng gặp nhiều khó khăn, người tốt giúp mình cũng có, người xấu lừa mình cũng có’.
Cuộc sống xa nhà là điều không dễ dàng với bất cứ một sinh viên nào. Thế nhưng, để nói về quyết định của mình, Nguyễn Thị Mộng không cảm thấy hối hận: ‘ Chọn Hà Nội, chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một quyết định liều lĩnh của cuộc đời. Mỗi một người sẽ có đột phá riêng và bản thân tôi cũng vậy. Tôi đã thuyết phục gia đình suốt 6 tháng để được ra Hà Nội. Với tâm thế không được bỏ cuộc, vì bản thân vì gia đình, động lực để tôi cố gắng và không bỏ cuộc đó là mong muốn phát triển bản thân mình hơn, mong muốn có một cuộc sống tốt hơn’
Hành trình vượt 2000 km để chinh phục đam mê của nữ sinh viên Báo chí đã tiếp thêm động lực và sự can đảm để các bạn sinh viên có thể dũng cảm theo đuổi đam mê của mình.
Các bạn sinh viên vô cùng hào hứng với các kỷ vật được trưng bày trong triển lãm
Mỗi câu chuyện, mỗi hành trình của những nhân vật truyền cảm hứng gieo vào lòng các bạn sinh viên những suy nghĩ, cảm xúc riêng về những con người dũng cảm theo nghề, bền bỉ với nghề. Ngọn lửa hừng hực từ câu chuyện, những kỷ niệm gắn với các kỷ vật giúp các sinh viên đến triển lãm hiểu hơn về những câu chuyện đời, chuyện nghề để từ đó có thể nuôi dưỡng ước mơ trở thành những phóng viên với ‘bút sắc, lòng trong, tâm sáng’.
Đội Viết STF
Theo baodatviet
Sinh viên Lào say mê học tiếng Việt
Dưới tán cây xà cừ cổ thụ, gần khu giảng đường Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi các sinh viên đang say sưa học bài. Mới bước chân đến đầu hành lang, những âm thanh tập đọc tiếng Việt vang lên đồng thanh theo lời dạy của giảng viên. Khi nghe giảng viên ngôn ngữ học Đặng Mỹ Hạnh giới thiệu, chúng tôi mới biết đây là lớp học tiếng Việt của các sinh viên đến từ nước bạn Lào.
Lớp học được mở ra nhằm đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức, nâng cao khả năng nói và viết tiếng Việt cho sinh viên Lào. Khi có nền tảng tiếng Việt, sinh viên sẽ tiếp tục học các chuyên ngành theo chương trình ký kết đào tạo song phương giữa Việt Nam và Lào. Trực tiếp đứng lớp, giảng viên Đặng Mỹ Hạnh tâm sự: "Người nước ngoài khi học tiếng Việt khó khăn nhất là học thanh điệu, vì mỗi quốc gia có cách phát âm khác nhau do ảnh hưởng đặc trưng của ngôn ngữ bản địa. Đối với sinh viên Lào, những âm khó là "ong", "ung", "ông" vì đặc trưng phát âm của người Lào âm "o" thường đọc là "oo". Khi đọc, sinh viên khó khép được môi nên chữ "thong dong" đọc là "thoong doong", "trông ngóng" đọc là "troong ngoóng".
Một giờ học tiếng Việt của sinh viên Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Để giúp sinh viên Lào có thể phát âm tốt tiếng Việt, một trong những phương pháp hiệu quả là duy trì việc luyện tập bằng thanh điệu. Trong tiếng Việt có 6 thanh điệu đặc trưng tạo cho ngôn ngữ nói có thể lên bổng xuống trầm với những cung bậc khác nhau. Áp dụng quy tắc thanh điệu, khi học, sinh viên kết hợp sử dụng động tác tay với việc phát âm, chẳng hạn dấu sắc đi lên, dấu nặng đi xuống, dấu huyền hơi chéo xuống, dấu hỏi cua vòng, dấu ngã uốn lượn tay, thanh ngang đưa sang ngang. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, giúp sinh viên thuận lợi hơn trong quá trình học tiếng Việt.
Khi sang Việt Nam, nhiều sinh viên khả năng giao tiếp, vốn từ còn rất hạn chế. Muốn nói cho các em hiểu, giảng viên phải giải thích cặn kẽ bằng những từ đơn giản kết hợp với diễn tả bằng hành động, lấy ví vụ minh họa để sinh viên dễ hiểu. Chittaphone, sinh viên Khóa K38A1, chia sẻ: "Trong những giờ tập đọc, ngoài việc học phát âm các từ thông thường, cô giáo còn giới thiệu những câu ca dao, tục ngữ của Việt Nam cho cả lớp biết. Ca dao, tục ngữ ngắn gọn có vần điệu, dễ đọc, dễ nhớ nhưng để hiểu được lại rất khó bởi vì mỗi chữ đều ẩn chứa bên trong rất nhiều tầng nghĩa sâu sắc". Khi cô giáo hướng dẫn đọc bài ca dao: "Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?", có sinh viên băn khoăn hỏi: "Mận với đào là ai vậy? Cây cối cũng biết tỏ tình ạ?". Cô Đặng Mỹ Hạnh liền mỉm cười giải thích: "Đó là biện pháp nhân hóa, "mận" là chàng trai, "đào" là cô gái. Đây là cách thể hiện lời tỏ tình tế nhị, khéo léo của chàng trai đối với cô gái".
Việc học tiếng Việt không đơn thuần là biết một ngôn ngữ mà ẩn chứa đằng sau đó là cả một nền văn hóa, vì mỗi con chữ đều mang hàm nghĩa sâu sắc. Dù gặp những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng các sinh viên của xứ sở hoa Chăm Pa vẫn kiên trì tập đọc, tập viết từng chữ, từng câu. Bởi họ hiểu rằng ngôn ngữ chính là "chìa khóa" mở ra một nền văn hóa mới, giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Sau này, khi trở về nước, mỗi người sẽ là những nhịp cầu xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc mãi bền vững.
Bài và ảnh: VŨ DUY
Theo qdnd.vn
Sinh viên ngành xuất bản cần trang bị hành trang vững chắc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường Ngày 31-3, tại Học viện Báo chí và tuyên truyền đã diễn ra hội thảo khoa học "Thách thức và cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành xuất bản hiện nay", nằm trong chuỗi sự kiện "Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp" - AJC OPEN DAY của nhà trường. Tại chương trình, các chuyên gia đến từ các...