“Sinh viên sư phạm phải là người ưu tú nhất” – Liệu có khả thi?
Điểm tuyển sinh ngành sư phạm ngày càng thấp là nỗi lo lắng của cả xã hội. Điều này đồng nghĩa chất lượng giáo viên sẽ không cao, ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
ảnh minh họa
Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa diễn ra đã một phần nào giải đáp được những băn khoăn của dư luận khi đưa ra những giải pháp cụ thể cho việc đào tạo nhân lực ngành sư phạm trong những năm tới. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp.
Thế nhưng, liệu những học sinh ưu tú nhất có học ngành sư phạm hay không thì câu trả lời vẫn còn để ngỏ cho tương lai. Muốn thu hút được học sinh giỏi vào học ngành sư phạm thì trước tiên phải làm cho mọi người tin, yêu ngành sư phạm. Trong khi còn đầy rẫy những bất cập thì giữa mong muốn và hiện thực vẫn là vấn đề nan giải.
Đã nhiều năm nay, chúng ta nói mãi về bài toán nhân lực của ngành sư phạm. Điểm đầu vào thấp, sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải chạy việc mới có chỗ làm trong khi Nhà nước phải bù tiền học phí, phải trả lương cho một đội ngũ giảng viên hùng hậu của 132 trường, cơ sở, khoa sư phạm trong cả nước.
Giải bài toán đầu vào, đầu ra trong bối cảnh hiện nay không chỉ là vấn đề cấp thiết về nhân lực cho ngành mà điều cốt lõi là nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên sư phạm bởi tương lai họ sẽ là những người thầy đứng trên bục giảng. Thực tế học sinh giỏi ngày nay rất ít em vào sư phạm. Có lẽ không phải là ngành sư phạm không có sức hút mà chính cách hoạch định, cách tuyển dụng cùng các chính sách dành cho nhà giáo chưa đủ sức hấp dẫn các bạn trẻ. Đó là chưa nói những tiêu cực khi tuyển dụng, khi công tác mà một bộ phận lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục đang làm thui chột ý chí, động lực của nhiều bạn trẻ khi có ý định theo nghề sư phạm.
Nhiều cha mẹ là giáo viên nhưng không hướng con mình vào sư phạm bởi những bất cập của ngành. Đó là sự dối trá về thành tích; cào bằng về thi đua, đánh giá cùng rất nhiều áp lực vô hình, những loại sổ sách hồ sơ, những cuộc thi vô bổ mà ngành, lãnh đạo nhà trường áp xuống.
Vì thế, nhiều sinh viên ra trường mang theo rất nhiều lí tưởng cao đẹp đã hẫng hụt khi phải đối mặt với thực tế công tác. Sự năng động, sáng tạo của nhiều bạn trẻ khi còn ngồi trên giảng đường sẽ phải tuân theo một quy trình áp đặt, máy móc nếu muốn tồn tại lâu dài với nghề.
Video đang HOT
Từ chính hiện thực của ngành giáo dục bây giờ thì mong muốn nâng cao chất lượng sinh viên sư phạm trong vài năm tới đây khó thành hiện thực. Để làm được điều này, ngành giáo dục và lãnh đạo địa phương cần phải giải quyết một số vấn đề trước khi nghĩ đến tuyển sinh được những học sinh ưu tú nhất đến với mình:
Nên bỏ việc miễn học phí đối với ngành sư phạm, tuyển sinh như các ngành nghề khác để tạo sự cạnh tranh. Nếu duy trì việc miễn học phí thì sau khi sinh viên ra trường có việc làm chúng ta mới chi trả. Thực tế, điều kiện kinh tế bây giờ không phải khó khăn như 20 năm trước khi chúng ta bắt đầu miễn giảm học phí. Những em khó khăn đang được miễn học phí theo chế độ hiện hành nên không ảnh hưởng nhiều đến việc học sinh nghèo không học được đại học.
Hơn nữa, cần có những chính sách cụ thể để tuyển dụng những sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm đang phải “ẩn mình” trong các khu công nghiệp hay làm nhiều ngành nghề khác để tránh lãng phí thời gian, công của Nhà nước đã đầu tư trước đây. Đồng thời, làm được việc này sẽ tạo được niềm tin cho những thế hệ học trò sau này muốn vào sư phạm. Nếu không làm được thì hàng chục nghìn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp sẽ là hình ảnh “trực quan” sinh động nhất cho những ai muốn vào học ngành sư phạm.
Cần sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống trường, khoa sư phạm một cách khoa học và hiệu quả. Chỉ tập trung đào tạo sư phạm ở một số trường sư phạm có uy tín, trọng điểm. Các trường sư phạm địa phương thì cần thiết sáp nhập và cơ cấu lại bộ máy nhân sự để tránh lãng phí và đào tạo tràn lan như những năm qua.
Mặt khác, cần xây dựng được các tiêu chí đánh giá giáo viên thực chất, chính xác, tránh cào bằng, cả nể, tránh làm cho có rồi tất cả đều đánh giá, xếp loại như nhau.
Việc cần làm nữa là sắp xếp lại đội ngũ giáo viên dư thừa hiện nay ở các trường học. Những giáo viên thừa có thể luân chuyển đến các trường thiếu hoặc bố trí công việc khác. Việc tinh giản biên chế cũng đã được Đảng và Nhà nước đưa ra lộ trình.
Thứ ba, phải nhanh chóng xây dựng, tham mưu để có các tiêu chí cụ thể, bổ sung một số văn bản hiện hành để tiến tới là thi tất cả các chức danh từ phó hiệu trưởng trở lên. Chỉ khi nào chọn được các thành viên trong ban giám hiệu hội tụ cả tài năng, đức độ, không tham lam, không cục bộ, bè phái thì khi đó mới tạo nên tính đoàn kết, thống nhất nhằm thúc đẩy sự đi lên trong đơn vị.
Khi môi trường sư phạm công bằng, phát triển, có những người thầy giỏi chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm với đơn vị mình công tác để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Khi đó ắt sẽ chiêu sinh được những em học sinh giỏi rồi trở thành những thầy giỏi, cống hiến trí tuệ cho đất nước.
Theo SKĐS
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bị cho 'lỗi thời'
Nhiều hiệu trưởng đề xuất "dẹp" chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì lỗi thời, ảnh hưởng lớn đến quá trình tự chủ.
PGS.TS Lê Văn Tiến đề xuất bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm với lộ trình thích hợp. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ngày 13/12, tại hội thảo khoa học Tác động chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM - thẳng thắn "nên bỏ ngay".
Ông Dũng cho biết, trường đang đào tạo 13 ngành, trong đó có một ngành sư phạm ngôn ngữ Anh, còn lại là sư phạm kỹ thuật. Mỗi năm trường nhận được 5-8 tỷ đồng cấp bù sư phạm, vì không đủ nên thực tế họ phải bù lỗ đến 30 tỷ đồng.
"Cấp bù phải đủ để đảm bảo các hoạt động đào tạo, nếu không sẽ chẳng đủ tiền cho chương trình đào tạo ra ngô, ra khoai một cử nhân sư phạm", ông Dũng nói và cho rằng động lực để nâng chất lượng đào tạo giáo viên là thu gọn hệ thống các trường sư phạm, nâng cao chất lượng chương trình chứ không phải là sự miễn học phí.
Cùng quan điểm, song PGS.TS Lê Văn Tiến - Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM - cho rằng cần có lộ trình thích hợp. Ngành giáo dục cần có nghiên cứu khoa học cấp nhà nước để có bức tranh chung về hiệu quả của chính sách này, không nên dừng lại là những nghiên cứu cấp trường.
"Xu hướng chung là các đại học, cao đẳng phải tự chủ, nếu không không thể phát triển. Vấn đề này bao hàm cả tự chủ tài chính. Nếu vẫn duy trì chính sách miễn học phí, các trường vẫn chờ ngân sách cấp bù sư phạm thì vẫn luẩn quẩn trong cơ chế xin - cho", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, việc bỏ chính sách trên cần các điều kiện như đổi mới cơ chế tuyển dụng, chính sách lương bổng, mới hy vọng thu hút được người giỏi học sư phạm.
Trong khi đó, Thạc sĩ Huỳnh Cát Dung (Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP HCM) cho rằng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực. Bởi việc miễn học phí làm giảm động lực đến lớp của sinh viên, khiến họ giảm hứng thú thậm chí mất niềm tin vào ngành học.
Theo khảo sát ở một trường cao đẳng sư phạm ở miền Tây Nam bộ được giảng viên này viện dẫn, có hơn 36% sinh viên năm nhất chọn học ngành này với lý do "miễn học phí". Như thế khó có giáo viên tâm huyết với nghề.
Nói rõ hơn về sự đổi mới ở trường sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thám (Đại học Sư phạm - Đại học Huế) cho rằng, cần quy hoạch mạng lưới và kiểm soát chỉ tiêu để dần cân đối cung cầu, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Với hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên như hiện nay, cùng sự không kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm sẽ gia tăng cách biệt cung - cầu, gây lãng phí ngân sách và các hệ lụy.
Ông Thám cũng đề nghị xem lại chính sách cấp bù sư phạm - vốn có tác động tích cực trong thời gian dài - trong bối cảnh ngày nay. "Nếu nhìn bức tranh sinh viên sư phạm ra trường khó xin việc, thậm chí thất nghiệp và nguồn ngân sách đầu tư cho việc cấp bù sư phạm thì chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí này", ông Thám nói.
Đại học Sư phạm TP HCM là một trong số ít cơ sở đào tạo giáo viên lớn nhất nước. Ảnh: Mạnh Tùng.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khác cũng đề nghị Bộ Giáo dục rà soát và thay đổi chính sách trên - sau 20 năm nó ra đời. Bởi người yêu thích nghề giáo vào trường sư phạm không hẳn vì được miễn học phí. Ngược lại, nhiều người không thích ngành này nhưng vẫn học vì "vừa có bằng đại học, vừa được miễn phí". Vòng luẩn quẩn này sẽ đẩy ngành sư phạm ngày càng sa sút, chất lượng giáo viên trong tương lai khó nâng cao.
Theo VNE
Nâng cao chất lượng từ năng lực sư phạm Nghiệp vụ sư phạm được coi như yếu tố quan trọng quyết định việc hình thành phẩm chất và năng lực nghề nghiệp giáo viên nói riêng cũng như chất lượng sư phạm nói chung. ảnh minh họa Vì vậy việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm và giáo viên là hoạt động cơ bản trong quá trình...