Sinh viên sống chung và những màn “đâm sau lưng”
Cô bạn trong phòng kêu mất ví, những người còn lại nháo nhác. Thảo đổ tung túi xách của mình để chứng minh thì thấy chiếc ví của cô bạn rơi ra… Biết có người “chơi” mình nhưng Thảo vẫn phải gánh tiếng “đồ ăn trộm”.
Từ sau đợt phòng trọ 3 người thuê của Luyện, ĐH KHXH&NV TP HCM khục khặc chuyện phân chia nấu ăn chung thì những việc “từ trên trời rơi xuống” cũng liên tục diễn ra trong phòng. Sau ngày Luyện phát hiện ra chiếc tủ vải của mình bị rạch một đường dài ở phía sau thì cô bạn trường Hồng Bàng bị rạch vali kéo.
Phòng 3 người, hai người bị “chơi”, chắc chắn là do người thứ ba. Thế nhưng, đúng tối đó, “thủ phạm nghi vấn” lại trở thành nạn nhân khi phát hiện chiếc áo sơ mi mới mua của mình cũng bị toạc một đường dài. Từ đó trong phòng liên tiếp diễn ra trò “chơi đi chơi lại”.
Luyện thật thà: “Hôm đầu thề không phải là mình nhưng sau này, mình không “”chơi”" thì bị người khác “”chơi”" nên lâu lâu cũng “”nhúi”" một cái. Chẳng ai nói gì đâu, bên ngoài vẫn cười nói nhưng trong bụng thì đều nghi ngờ lẫn nhau”.
Video đang HOT
Khi rắc rối sống chung của sinh viên lên đến cao điểm, dễ nảy sinh những màn “xỏ sau lưng” rất tai hại.
Ở riêng một phòng trong căn hộ chung với với ba em sinh viên, Thủy – nhân viên một công ty truyền thông sinh hoạt khá độc lập như ăn riêng, đồ dùng riêng nên không dây vào những trò “đấu đá” của mấy em. Nhưng cô lại được chứng kiến rất nhiều trò “giấu mặt” này.
Thủy kể: “Phá hỏng, hay giấu đồ đạc của nhau là chuyện ngày nào cũng xảy ra vậy đó. Như hôm trước, bé ở Quảng Trị mua vé tàu về quê, vừa đặt lên bàn đã bị giấu mất. Khóc um lên nhưng biết kêu ai, hôm trước nó mới tỉ tê là chọc hỏng ổ cứng của nhỏ khác trong phòng”.
Thủy khẳng định, có người còn tự “chơi” mình để đổ lỗi cho người khác: “Có nhỏ kêu mất điện thoại nhưng sau này mình vô tình biết nó đưa cho bạn trai dùng. Nhân tiện cũng “la” lên một tiếng để “chơi khó” người khác vậy thôi. Đôi lúc mình ở chung cũng thấy bực nhưng mình không liên quan nên mặc kệ vì có khuyên cũng bằng dư”.
Những trò… quá tay
Không phải sinh viên sống chung đều có hiện tượng “chơi nhau” như vậy. Nhưng thực tế, đúng như Thủy nói, khi sống chung đã có mâu thuẫn mà không tìm được hướng giải quyết thì dễ nảy sinh các trò “giấu mặt” để “xỏ” nhau. Không ít người còn phải gánh nỗi oan khi “đối thủ” quá tay.
Thảo, sinh viên trường ĐH Giao thông, “nạn nhân” của trò chơi khăm ở phòng trọ cho hay đã có lần cô muốn chết cho xong vì oan ức quá mà chẳng làm được gì.
Lần đó, Thảo cùng với 4 bạn nữa thuê một nhà trọ ở quận Bình Tân. Hòa bình cũng chỉ được một thời gian đầu, sau đó thì bắt đầu nảy sinh mẫu thuẫn vì những va chạm trong cuộc sống. Những chuyện mất đồ, phá hỏng đồ đạc của nhau diễn ra miết nên Thảo cũng quen, nhưng cho đến một hôm…
Cô bạn trong phòng kêu mất ví, những người còn lại nháo nhác. Cô bạn này vốn rất “cay” Thảo vì Thảo thường bị nhắc nhở lối sống cẩu thả, bừa bộn. Biết mọi người “soi” mình, Thảo đổ tung túi xách của mình như để chứng minh, chiếc ví của cô bạn rơi ra… Thảo điếng người.
Chủ nhân mất chiếc ví lúc đó “chộp” ngay: “Hóa ra phòng mình lâu nay nuôi trộm mà không biết, làm mọi người cứ nghi ngờ lẫn nhau”. Biết có người chơi mình nhưng kết cục Thảo vẫn phải gánh tiếng là kẻ trộm.
Sống chung cũng cần có kỹ năng.
Ngọc, ĐH Sài Gòn còn bị cô bạn cùng lớp, ở chung phòng chơi một cú đau nhớ đời. Hai người khục khặc nhau từ lâu nên cứ có cơ hội là lập tức nói xấu về nhau ngay. Có đợt Ngọc bị ốm, phải nghỉ học gần một tuần thì ở lớp đã có tin đồn… Ngọc dính bầu, đi giải quyết về nên cần nghỉ ngơi. Chưa hết, tin này còn về tận tai bố mẹ Ngọc ở quê làm ông bà phải khăn gói lên gặp con gái.
“Hôm mẹ tớ lên khóc ngất, tớ ức lắm, nó chứ ai vào đây… Không lâu sau thì nó bị thằng người yêu nổi cơn ghen đánh cho một trận. Đáng đời! Thằng kia cũng cả tin, mình nói bóng gió con bé lén lút với đứa khác là tin ngay. Hai đứa ở với nhau mà lúc nào cũng phải đề phòng”.
Sống trong cảnh đó nhưng Ngọc và cô bạn kia đều không hề có ý định chuyển chỗ vì: “Phòng này rẻ, gần trường mà lại do mình tìm, thích thì nó chuyển đi chứ tội gì mình… Hơn nữa, bỏ đi là hèn”. Rồi Ngọc buột miệng: “Đôi lúc cũng thấy sợ cả chính mình”.
Khi rắc rối trong cuộc sống chung đã lên đến đỉnh điểm dễ dẫn đến hành vi không hay của mỗi người. Những lúc căng thẳng không thể giải quyết thì chuyển chỗ ở là phương án tốt nhất vì khi “đối đầu” tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng.
Như Thảo, sau lần bị oan “cầm nhầm” ví cô bạn, đã chuyển ra ngoài ở một mình tăng cường làm thêm để trả tiền phòng. Nói đến việc sống chung, Thảo rùng mình: “Giờ nghĩ đến sống chung là mình sợ, cánh con trai còn đỡ chứ con gái, nhiều chuyện lắm. Sống chung cũng cần phải có kỹ năng giải quyết các rắc rối chứ khi nó đã “”bung”" ra rồi thì dở lắm”.