Sinh viên nghiên cứu nạn đưa phong bì tại bệnh viện
Tại chung kết “ Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2012″ diễn ra sáng 25/11, đề tài “Hiện tượng đưa phong bì tại bệnh viện ở TP.HCM” của Trần Thị Mai – SV Trường ĐH Mở TP.HCM – đã gây ấn tượng với ban giám khảo.
Sinh viên Trần Thị Mai trình bày đề tài trước hội đồng khoa học và các số liệu trong đề tài.
Theo lời tâm sự của Mai, lý do để Mai đến với đề tài được đánh giá là “ nóng” này bắt nguồn từ một “thắc mắc”. Mai cho biết: “Lúc đầu tôi không chọn đề tài này. Nhưng sau khi nghe một chị nói chị đi thăm người thân tại bệnh viện, thấy có một số người đưa phong bì cho bác sĩ. Tôi cứ thắc mắc tại sao họ lại đưa phong bì, họ đưa như thế nào, thái độ phục vụ của y tá, bác sĩ ra sao sau khi nhận phong bì… Báo chí đã nói nhiều đến vấn đề này nhưng tôi mong muốn có số liệu cụ thể để thấy được khách quan, chủ quan của việc đưa phong bì”.
Mong được tiếp tục khảo sát thêm
* Kết quả đáng lưu ý trong đề tài của bạn?
- Tôi phát ra 200 bảng hỏi cho người nhà bệnh nhân tại bốn bệnh viện lớn ở TP.HCM. Trong 146 bảng hợp lệ thu lại, số người nói có biết hiện tượng đưa phong bì cho nhân viên y tế chiếm 76%. Đáng chú ý, có 53/146 người cho biết họ có trực tiếp đưa phong bì cho y tá, bác sĩ theo các hình thức như kẹp trong sổ khám bệnh, nhét vào túi áo y tá, bác sĩ hay đưa kèm hiện vật… Hơn một nửa trong số này cho biết họ thường chọn địa điểm vắng người trong bệnh viện để đưa phong bì, kế đến là đưa trong phòng điều trị bệnh nhân, phòng bác sĩ và cả nhà riêng của bác sĩ.
* Người nhà bệnh nhân đón nhận những bảng hỏi về phong bì như thế nào?
- Họ ngại nói về vấn đề tế nhị này nên đôi khi rất khó thuyết phục trả lời bảng hỏi. Tại một bệnh viện, tôi đi thẳng vào phòng bệnh nhân, ngồi trò chuyện trực tiếp với người nhà của họ, nhờ cho ý kiến và giải thích những câu họ chưa hiểu. Cũng có người mình hỏi họ không trả lời. Người ngồi cạnh thấy thế cũng không trả lời luôn. Nhưng cũng có người hỗ trợ tận tình vì bức xúc khi phải đưa phong bì.
* Trong đề tài của bạn, người được hỏi nói gì về những lý do khiến họ phải đưa phong bì cho nhân viên y tế?
- Trong khảo sát của tôi, 64% người được khảo sát cho rằng quá tải tác động đến việc đưa phong bì vì ai cũng muốn được nhanh, được chăm sóc, được “để ý” nên đưa để được giải quyết nhanh hơn.
Nhiều người hoàn cảnh khó khăn nhưng “nghèo đưa theo kiểu nghèo” để mong được chăm sóc tốt hơn. Họ sợ bị phân biệt đối xử trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, có đến 90,9% người được hỏi “đồng ý” việc đưa phong bì là để mong muốn người thân của mình sẽ được chăm sóc tận tình, chu đáo hơn. Và 80,8% cũng rất đồng ý, đồng ý sau khi đưa phong bì, thái độ phục vụ của y tá, bác sĩ có “quan tâm hơn”.
Video đang HOT
* Bạn mong muốn điều gì qua đề tài của mình?
- Tôi chưa đi sâu vào giải thích những vấn đề đưa ra. Tôi mong muốn được tiếp tục khảo sát thêm, phỏng vấn sâu với người nhà bệnh nhân, ý kiến của y tá, bác sĩ về vấn đề này. Qua nghiên cứu, tôi hỏi người nhà bệnh nhân giải pháp nào để giảm bớt tình trạng đưa phong bì. Kết quả thu được cho rằng thủ tục khám chữa bệnh tránh rườm rà, phức tạp, tiếp đến là quan tâm đến mức lương và đời sống của nhân viên y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và người dân cần ý thức trong khi khám và chữa bệnh.
Đề tài của tôi cũng đưa ra khuyến nghị để giải quyết hiện tượng đưa phong bì trong bệnh viện cần phải có sự chung tay của cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y tá – bác sĩ và các cấp lãnh đạo trong ngành y tế và các ngành có liên quan.
Giám khảo hứng thú với đề tài
Ngoài phần nhận xét, phản biện, năm thành viên ban giám khảo cũng bàn luận thêm về câu chuyện phong bì.
Sau phần báo cáo tóm tắt, PGS.TS Nguyễn Công Đức – thành viên ban giám khảo – giơ tay: “Sở dĩ tôi nhanh nhảu xin có ý kiến đầu tiên vì có chút liên quan đến “sếp” (vợ – PV) của tôi ở nhà. Đồng chí ấy là bác sĩ. Hôm kia tôi bảo cô ấy đến nghe xem đúng được bao nhiêu. Nhưng dứt khoát tôi nghĩ ngành y tế của chúng ta, trong cơ chế hiện nay có nhiều tiêu cực. Cho nên, đề tài này nếu làm tốt sẽ góp phần giải quyết một vấn nạn xã hội đang nhức nhối. Có 200 phiếu được phát ra, thu về 146 bảng hợp lệ. Vậy, tôi đề nghị tác giả đánh giá thêm sự tương thích giữa thực tế với số lượng phiếu thu về”.
Sau phần chuẩn bị, Mai trả lời: “Công trình nghiên cứu của em mang tính ý tưởng, nghiên cứu và khám phá. Em nghĩ quan trọng là cách mình chọn mẫu như thế nào, còn số lượng đôi khi không quyết định đến kết quả nghiên cứu. Ví dụ như trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với lượng dân số cả trăm triệu nhưng người ta chỉ khảo sát trên 1.000-2.000 dân. Đó là con số đại diện và cách chọn mẫu của em mang tính xác suất cao”.
Trước khi đặt câu hỏi, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân – thành viên ban giám khảo – nhận định phong bì là hiện tượng nhức nhối nên đề tài hấp dẫn và có tính cấp thiết cao. “Thế nhưng, hiện tượng đưa phong bì không chỉ có trong lĩnh vực y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác như thủ tục hành chính, thuế quan, báo chí và cả giáo dục. Tác giả có nghĩ đến giải pháp để giải quyết hiện tượng này trên quy mô rộng hơn, ở các lĩnh vực khác nữa không?”.
“Lúc đầu, em cũng có nghĩ đến hiện tượng đưa phong bì ở những lĩnh vực khác. Nhưng em chọn khảo sát tại bệnh viện vì đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Em nghĩ nếu mình đưa ra giải pháp ở tầm vĩ mô thì phải nghiên cứu ở tầm vĩ mô hơn để có những thông số, từ đó có những giải pháp sát thực tế. Em không đưa ra giải pháp trên diện rộng vì sẽ không đồng bộ. Em nghĩ có thể giải quyết riêng trong vấn đề này ở bệnh viện, sau đó mới mở rộng ra các lĩnh vực khác” – Mai nói.
Đặt hàng thêm
PGS.TS Lê Thanh Sang – thành viên ban giám khảo – đánh giá ở mức độ nghiên cứu khoa học sinh viên, với những trình bày trong báo cáo thì đó là sự khích lệ và nỗ lực đáng ghi nhận. Theo TS Sang, đề tài đã mô tả, giải thích được ở mức độ nhất định hiện tượng đưa phong bì tại một số bệnh viện tiêu biểu mà tác giả lựa chọn.
“Báo cáo cho thấy tác giả biết cách sử dụng các phương pháp nghiên cứu, phân tích để đưa ra kết quả về mức độ phổ biến của việc đưa phong bì như đưa bao nhiêu lần, mỗi lần đưa bao nhiêu, ai là người đưa nhiều hơn, ai đưa ít hơn theo nghề nghiệp, thu nhập. Một hạn chế của đề tài là không có định tính. Kết quả của đề tài chỉ mô tả, theo mẫu định lượng nên không giải thích được vấn đề đưa ra. Một vài phần còn mang tính chủ quan” – ông Sang nói.
Sau phần phản biện, nhận xét của các giám khảo, PGS.TS Nguyễn Công Đức “xin được nói thêm” về chuyện phong bì.
Ông Đức kể: “Vợ tôi là bác sĩ nên cũng hay được trao và cô ấy cũng hay từ chối. Đối tượng y tá, bác sĩ, điều dưỡng cũng giống như chúng tôi. Tôi biết có những luận án tiến sĩ rất tệ nhưng bỏ phong bì là qua hết. Ở bệnh viện, chuyện phong bì chỉ liên quan đến một người. Trong khi qua phong bì mà một người nào đó thành tiến sĩ, nhà khoa học thì tác hại hơn nhiều”. Cuối cùng, ông Đức đặt hàng: “Xong đề tài nghiên cứu này, tác giả nên lấy đối tượng như chúng tôi, trong lĩnh vực của chúng tôi để nghiên cứu tiếp…”.
Theo Tuổi Trẻ
Nữ giảng viên mê nghiên cứu khoa học
Với đề tài chế tạo màng quang xúc tác ứng dụng vào việc làm sạch môi trường, lọc vi khuẩn trong nước, chị Vũ Thị Hạnh Thu trở thành một trong 10 thanh niên trẻ được nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2012.
Mới gặp, ít ai biết nữ giảng viên Vũ Thị Hạnh Thu (33 tuổi) là tiến sĩ Vật lý và là chủ nhân của nhiều giải thưởng, đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc. Công trình đoạt giải thưởng Quả cầu vàng là một trong những đề tài thuộc hướng các giải pháp làm sạch môi trường mà chị bắt tay vào nghiên cứu cách đây hơn 7 năm. Nó mở đầu cho công nghệ làm sạch nước hiện nay bằng chất liệu mới, đó là vật liệu bột (TiO2).
Nữ giảng viên trẻ vinh dự được Phó thủ tướng trao giải thưởng Quả cầu vàng 2012.
Chia sẻ về việc gắn bó với khoa học vật lý, nữ giảng viên cho biết, khi còn là học sinh chị vốn rất thích môn Toán. Vì vậy chị đăng ký theo học ngành Toán tin của ĐH Khoa học Tự nhiên và xác định sẽ trở thành giáo viên dạy Toán. Nhưng cơ duyên khiến chị nhanh chóng chuyển niềm đam mê của mình sang khoa học vật lý bắt đầu từ năm thứ 2 đại học, khi được học với giáo sư Vật lý Nguyễn Hữu Chí. Những bài giảng của thầy chính là "chất xúc tác" dẫn lối cho đam mê và thành công của chị sau này.
"Cách giảng dạy của thầy đã khơi dậy trong tôi niềm thích thú với môn lý, rồi theo thầy vào phòng thí nghiệm thực hành. Ban đầu tôi chỉ dọn dẹp, làm quen với các dụng cụ, nhưng dần thấy yêu và gắn bó với công việc đó lúc nào không hay", nữ giảng viên cười.
Cũng từ đó chị bắt tay vào nghiên cứu về lĩnh vực khoa học vật lý rồi tham gia các cuộc thi nghiên cứu dành cho sinh viên và đạt nhiều giải thường từ cấp trường cho đến quốc gia. Đặc biệt, vào năm thứ tư đại học, chị đã "ẵm" giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Tốt nghiệp loại giỏi chị được nhà trường giữ lại làm giảng viên nên lại có cơ hội tiếp tục thực hiện niềm đam mê của mình với khoa học vật lý kỹ thuật. Hàng ngày, sau những giờ lên lớp chị lại miệt mài với công việc ở phòng thí nghiệm có khi đến tận khuya.
Năm 2004 chị mạnh dạn thực hiện các đề tài về năng lượng sạch như "chế tạo pin năng lượng mặt trời" và được giới khoa học đánh giá cao. Tuy nhiên, tự nhận thấy còn non trong lĩnh vực này nên chị chuyển hướng sang nghiên cứu một vấn đề "cấp thiết" khác đó là công nghệ xử lý môi trường.
Chị Thu hướng dẫn cho học viên chương trình thạc sĩ làm báo cáo. Ảnh: Hải Duyên.
Đề tài của chị về chế tạo màng quang xúc tác ứng dụng để làm sạch môi trường nhằm tạo ra màng có cấu trúc nano để thu hồi bột TiO2, xử lý vi khuẩn trong nước được Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nghiệm thu đánh giá loại xuất sắc. Với tính ứng dụng cao và thiết thực của đề tài, năm 2011 chị đã giành giải nhì Vifotec (Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam toàn quốc).
"Mục tiêu của tôi trong những năm tới là xây dựng nhóm nghiên cứu, sau đó phát triển thành những chuyên gia trong lĩnh vực làm sạch môi trường bằng chất liệu mới này", chị Thu nêu quyết tâm.
Đạt nhiều danh hiệu trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu nhưng nhà khoa học nữ chia sẻ với chị các con vẫn luôn là giải thưởng quan trọng nhất. Dù công việc bận rộn đến đâu chị vẫn luôn sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt vai trò của một người vợ, người mẹ.
Thành công trên con đường sự nghiệp của chị cũng thường gắn liền với những mốc quan trọng trong hạnh phúc gia đình. Tốt nghiệp đại học và nhận được nhiều học bổng du học, nhưng chị quyết định ở lại Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình. Hoàn thành chương trình thạc sĩ năm 26 tuổi cũng là lúc chị lập gia đình và sinh đứa con đầu tiên. Bốn năm sau chị tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ. Đó cũng là lúc mang bầu đứa con thứ hai.
Chồng là cán bộ công an cấp cao, thường xuyên đi công tác và dường như không biết trước ngày về, nên mọi công việc trong nhà và chăm sóc các con chị phải đóng vai trò chính. Chị bảo, nhiều đêm sau khi cho các con đi ngủ, chị tranh thủ quay lại với bao công việc còn dang dở.
"Có những lúc mệt mỏi tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng rồi lại cố gắng. Cũng may bên cạnh mình còn có sự giúp sức của gia đình nội ngoại và cả những học trò rất tận tâm", nữ giảng viên tâm sự.
Chia sẻ về kỷ niệm đẹp trong những năm làm công tác giảng dạy, chị Thu bảo điều khiến chị ấn tượng và xúc động không phải là những ngày 20/11 được nhận nhiều hoa và quà mà đó là những ngày bình thường, chị vô tình nhận được lời chúc hay cuốn sách rất hay từ một học trò giấu tên gửi tặng.
Hải Duyên
Theo VNE
Nỗi lo "mùa vụ" của sinh viên năm cuối Sinh viên năm cuối đang phải đối mặt với... cơ man là nỗi lo. Chọn đề tài và giáo viên hướng dẫn Dù bạn thực tập ở các cơ sở liên quan đến ngành học, hay ngồi nhà thu thập tài liệu và làm luận văn, thì rõ ràng điều đầu tiên bạn cần xác định vẫn là đề tài của bản báo...