Sinh viên đến lớp lẽ nào chỉ để điểm danh?
Vẫn biết sinh viên nghỉ học không phép là sai, nhưng nhiều lúc tôi vẫn không khỏi ước thầm: giá hôm nay được nghỉ… Nhiều lúc tôi đã do dự đi học hay ở nhà, bởi nếu ở nhà ít ra tôi còn tự học được cái gì đó. Còn đi học… sẽ chỉ là nhận lấy sự buồn bã, thất vọng.
Như buổi học hôm nay…
Thứ ba ngày…, tôi biết không ít bạn trong lớp sẽ thở dài, ước ao như tôi, giá mà được nghỉ. Và nhiều người vẫn phải miễn cưỡng uể oải leo sáu tầng thang, để sau năm tiết lại lê xuống với tiếng thở phào: một chiều “đày ải” đã kết thúc!
Tiếng chuông gắt gao báo hiệu giờ vào học. Mấy đứa lớp tôi, mặt còn ửng đỏ vì leo thang, vì nóng, và vì ngái ngủ lệt xệt bước vào. Thầy giáo cũng đã tới. Nhưng 10-15 phút trôi qua, lớp vẫn lộn xộn. Tiếng chuyện trò, trao đổi nổ râm ran. Cán bộ lớp cùng thầy giáo lúi húi bên cái mic hỏng hay cái máy chiếu đang bị lỗi. Khi máy móc đã yên ổn, khi tiếng loa ồm ồm vang lên thì những cuộc chuyện trò vẫn chưa dứt. Một cuộc đua nói giữa thầy và trò bắt đầu. “Có ai thắc mắc gì về bài hôm trước đứng lên trao đổi với cả lớp nào!”- thầy hỏi , theo lệ thường. Và cũng như thường lệ, không ai để ý. Chỉ có tiếng lao xao cười đùa đáp lại.
Vậy là bài mới bắt đầu. Từ phút bắt đầu ấy cho đến phút kết thúc, giữa thầy và trò dường như độc lập hoàn toàn với nhau. Thầy nói thầy nghe. Trò nói, trò làm việc riêng của mình. Giá như có chiếc máy quay quay lại từng góc, từng người trong lớp hẳn sẽ thấy nhiều cái thú vị đến ngao ngán lòng. Nhiều lúc, cố dỏng tai lên nghe mà vẫn không hiểu gì, gục xuống bàn ngủ chán chê, mà tới tiết ba, khi tỉnh dậy thầy vẫn đang loanh quanh ở khái niệm ban đầu, tôi đã nghĩ ra trò ngắm mọi người để giải khuây.
Phía cuối lớp, nhiều bạn với đủ các tư thế, che miệng ghé đầu vào nhau cười cười nói nói về một việc làm thêm, một bộ phim, hay một cô người mẫu chân dài. Có bạn lại gật gù theo điệu nhạc từ iphone, bất biết đến xung quanh, thỉnh thoảng gào lên một câu hát trước bao con mắt đang nhìn lại. Một góc khác, vài ba bạn đang gục đầu xuống bàn, khoan khoái giấc nồng, cũng chẳng thiết những trò vui của bọn bạn ngồi quanh. Những bàn phía trên, có phần yên tĩnh, nhưng không khí dường như uể oải hơn. Có người lặng lẽ với quyển truyện trên bàn, có người mải mê nghịch chiếc điện thoại núp sau quyển vở, có người đung đưa chân, mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, người lại lúi húi với một môn học khác. Và không ít người, cũng không cưỡng lại cơn buồn ngủ, đành bất chấp thầy giáo đang nhìn mình, gục đầu ngủ vùi.
Nhưng có phải lỗi hoàn toàn ở lớp tôi? Không thể phủ nhận rằng những mong muốn của chúng tôi về một bài giảng hay bị sụp đổ. Giọng thầy khó nghe, nhiều bạn phải thốt lên. Những lời giảng hầu như chỉ là lí thuyết thuần túy khô khan, trùng lặp, những ví dụ hiếm có cũng chỉ mang tính giả định: “Chẳng hạn cái anh A này…”. Còn chúng tôi lại cần tới những dẫn chứng sinh động từ thực tiễn, những lời trao đổi giản dị mang tính đối thoại. Chúng tôi chờ đợi ở giảng viên cách gợi mở vấn đề khéo léo để dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi, say sưa. Chúng tôi muốn… rất nhiều điều, mà bài giảng của thầy dường như đều thiếu. Có đôi lúc thầy cũng dừng lại hỏi cả lớp về một khái niệm, nhưng không ai trả lời. Thầy đành gọi theo danh sách: “T,em đứng lên phát biểu nào!”. Nhưng đáp lại lời thầy là một câu nhẹ tênh: “Thưa thầy em không biết!”.
Video đang HOT
Nhiều lúc ngước lên nhìn thầy tôi thấy đôi mắt thầy lộ rõ vẻ thất vọng và bất lực. Sau những câu nhắc nhở: “Trật tự nào!”, “Gọi bạn đang ngủ dậy!” vô hiệu, đôi môi thầy lại mấp máy như muốn nói điều gì. Bàn tay thầy huơ lên không trung, rồi lại từ từ buông thõng xuống. Tôi biết thầy đang gắng gượng, đang cố giữ bình tĩnh. Thầy lại tiếp tục giảng, tiếng thầy to hơn như muốn lấn át những tiếng nói chuyện bướng bỉnh kia. Nhưng vẫn chẳng ai chú ý. Thầy gượng mỉm cười, mắt hướng về một vài đứa ngồi im lặng trên bàn đầu như muốn truyền cho chúng lời giảng của mình nhưng chẳng mấy chốc chúng cũng tỏ thờ ơ. Chỉ vì không hiểu những gì thầy nói.
Tiếng chuông reo. Thầy vẫn cố tiếp tục trình bày. Cả lớp càng huyên náo. Một vài đứa sốt sắng: “Thưa thầy ra chơi rồi ạ!”. Sau vài phút chần chừ, thầy đành buông mic: “Các em ra chơi vậy”.
Giờ ra chơi, thầy hỏi mấy đứa chúng tôi có hiểu không, thầy nên làm thế nào để cả lớp lắng nghe… Chúng tôi chỉ biết cười gượng gạo và ngập ngừng bày tỏ suy nghĩ của mình. Thầy gật đầu, và mỉm cười. Tôi lại thấy thương thầy.
Tiết cuối. Dường như không khí lớp học càng căng thẳng. Học trò háo hức muốn về. Những cơn ngáp dài, những cuộc tán gẫu dường như đã chán. Những đứa vừa say sưa ngủ, giờ ngước mắt lên ngơ ngác nhìn cả lớp, rồi bắt đầu… hoạt động mồm. Những tiếng cười đùa chuyển thành những lời than vãn: “ Sao mãi chuông chưa reo?”, “Sao thầy không điểm danh đi cho em về!”, “Còn phải ngồi đến bao giờ nữa?”,… Nhiều đứa nhấp nhổm nhìn ra ngoài. Nhiều đứa chốc chốc lại liếc đòng hồ. Thầy nhìn tất cả những cử chỉ đó, thở dài ngao ngán. Thầy hiền quá, nên lớp tôi lấn át. Hay tại chúng tôi quá hư hỗn? Tại thầy? Tại cả chúng tôi? Tại ai?
Có những tiết học đã trôi qua như vậy, không hứng thú say mê. Kết quả không thu được gì ngoài uể oải, đau đầu cùng những câu hỏi, những nỗi buồn mênh mang khi thầy lặng lẽ xách cặp ra về. Những buổi không muốn học nhưng vẫn phải đến. Chỉ để làm một điều: điểm danh. Đúng vậy, chỉ để được điểm danh thôi!
Theo kênh 14
Teen 12 và những góc nhỏ thương yêu
Nếu có một điều ước, nó ước được trở về với những góc nhỏ thương yêu của tuổi học trò. Chỉ phút chốc thôi, để nó được sống lại những khoảnh khắc thơ ngây trong sáng đến vô ngần...
Nơi hành lang lộng gió...
Hành lang tầng ba lộng gió. Ngày nào nó cũng đi qua, ngày nào nó cũng cùng lũ bạn trêu đùa nhau. Ngày nắng đứng từ trên hành lang ngó xuống sân trường xem hội con trai đá cầu, giữa đám đông túm tụm, nó vẫn dễ dàng nhận ra bóng dáng ai đó, vẫn dễ dàng để ý từng động tác, từng nụ cười ai đó. Ngày mưa đứng bên hành lang xòe tay hứng nước, lạnh tê mà vẫn cười toe toét.
Hành lang, nơi nó và con bạn nối khố đã cùng kí một chữ kí chung, hứa khi nào đỗ đại học sẽ quay lại để... tẩy cho sạch. Bây giờ đi học đại học đã hai năm rồi, nhưng cả hai chưa có thời gian quay lại. Đôi khi vẩn vơ nhớ trường, nó tự hỏi, không biết chữ kí ấy có còn không?
Ba năm cấp ba với nó tràn đầy kỉ niệm, giờ nhìn lại, như một thước phim quay chậm, đầy những khoảnh khắc vui cười, mà sao nó lại muốn khóc...
Còn nhớ như in ngày cuối năm chia tay, nó và bạn thân kéo bàn ngồi tuốt cuối hành lang, ngồi trọn một buổi chiều. Lần đầu tiên ngồi lâu như thế, nói nhiều và im lặng nhiều như thế. Nói lan man bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu suy tư mà chưa nói được một lời yêu thương. Im lặng chỉ để nghe tiếng ve râm ran cho trọn vẹn, chỉ để nghe tiếng gió lao xao, tiếng lá lòa xòa chạm lá... Nói, rồi im lặng. Im lặng rồi nhìn ra bốn phía, trời thăm thẳm, mây xanh ngắt. Lúc ấy nó đã tự hỏi, không biết khoảnh khắc này kéo dài bao lâu? Loáng một cái đã hai năm, tuổi học trò lùi lại mãi sau lưng, nhưng buổi chiều ấy chẳng bao giờ nó quên. Làn tóc mai bay bay chạm vào má, ngón tay nghịch nghịch đập vào thành lan can. Những cử chỉ vu vơ mờ nhạt ấy không ngờ lại "sống" lâu đến vậy. Và góc hành lang, tưởng chừng vẫn nguyên vẹn tiếng ve, tiếng lá, tiếng cười, tiếng thầm thì cùng bao điều dở dang chưa kịp trao. Bao yêu thương lại ùa về, ừ, sẽ nhớ mãi, nơi hành lang lộng gió...
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Gốc cây hoa sữa già nua
Năm nó học 12, trường bắt đầu xây sửa lại. Hai dãy nhà lâu năm nhất bị đập đi, sân trường xáo trộn. Bao nhiêu cây trong sân trường lần lượt "ngã xuống" hoặc được di dời vị trí. Chỉ duy nhất cây hoa sữa già sát nhà xe là không bị chặt đi. Nó cùng lũ bạn đoán già đoán non, chắc người ta quên, hay vì người ta tiếc cho cái cây cổ thụ, hay vì người ta thương nó cô đơn?!
Chẳng biết lí giải nào chính xác, nhưng bất kể vì sao gì thì nó cũng vui, vì nó yêu quý gốc cây sữa già này lắm.
Ngày đầu đi học năm lớp 10, nó đi muộn, lơ ngơ không tìm ra lớp học. Chính gốc cây sữa già này là nơi nó đã tủi thân ngồi khóc ngon lành... Chỉ có nó và cây sữa này biết cái bí mật xí hổ ấy, 16 tuổi mà còn khóc nhè, vì một lí do không đâu.
Từ trước khi biết đến cây sữa già này, nó không thích hoa sữa, cũng chẳng thích mùa thu. Nhưng ngay mùa thu đầu tiên vào cấp ba, nó đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Nó chẳng thể quên những sáng tinh sương, nó cố đi học thật sớm, la cà ngồi lại nơi gốc cây sữa già, giả vờ vừa ăn sáng vừa đợi bạn... Kì thực, nó chờ một người đi qua. Chờ đợi một cách vô tư đến ngốc nghếch, vì người ấy chẳng bao giờ để tâm đến nó. Nhưng đó là lần đầu tiên nó biết, đợi chờ đúng là... một niềm hạnh phúc, dù là thứ hạnh phúc ngốc nhất trên đời. Cũng nhờ những lúc chờ đợi ấy, nó bắt đầu quen với mùi hoa hăng hắc.
Nó không còn nhăn mặt trước những chùm hoa nồng nàn, không còn ngoảnh mặt quay đi khi thằng bạn thân lùa một chùm hoa ra trước mắt. Nó bắt đầu lẩn thẩn ép vài cánh hoa li ti vào trang vở. Để rồi mùa thu qua đi, một ngày mùa đông đang ghi bài, bất chợt giở đến trang giấy chỉ còn xác hoa nâu xì, nó vẫn thấy hương hoa thoang thoảng như gọi về cả một mùa thu.
Nó bắt đầu yêu cây sữa già, yêu lây cả chiếc ghế đá sát gốc cây xù xì, nơi nó đã hấp tấp đón nhận lời tỏ tình, để rồi đánh mất một tình bạn đẹp. Buồn, khóc, và nước mắt. Nhưng tất cả không làm nó bớt yêu gốc cây bình thản này. Bởi nó đã hiểu được rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng đẹp, cũng trọn vẹn, và nó còn học cách trân trọng cả những nỗi đau.
Bức ảnh nó thích nhất trong album là bức nó chụp cùng ba nhỏ bạn thân vòng tay ôm lấy gốc cây. Nó để bức ảnh ngay đầu giường. Giờ mỗi đứa mỗi nơi, nhiều khi í éo gọi điện chỉ để nói mỗi câu tự nhiên: "Tao thấy nhớ mày". Chỉ thế thôi, mà nó ấm lòng. Nhìn bức ảnh, nhìn những khuôn mặt thương yêu hết sức, buồn đến đâu nó cũng có thể nhoẻn cười... Yêu lắm, bạn bè ơi, yêu lắm, cây sữa già ơi.
Ngồi lan man mà nhớ lại những góc yêu thương của trường cũ, có khi nó khóc mất. Vì nhớ và tiếc đến cháy lòng. Nhưng cũng hạnh phúc lắm vì nó đã có được những tháng ngày thật đẹp. Những tháng ngày còn tươi mãi dù năm tháng có phôi phai...
Theo kênh 14
Đừng phí hoài những giây phút cuối Không để "nước tới chân mới nhảy" Nếu bạn muốn ghi lưu bút, hãy bắt đầu ghi từ ngay hôm nay. Nếu cần có những tấm ảnh chân dung bạn bè, hãy nồng nhiệt xin họ. Tranh thủ những khoảng thời gian nghỉ giữa giờ mà chụp hình với những thầy cô bạn yêu mến. Đừng quên bên cạnh bạn bè thật nhiều...