Sinh viên còm lưng “gánh” giá điện nước xóm trọ
Túi tiền eo hẹp, lại phải gánh thêm những đợt tăng giá điện, nước của chủ trọ, nhiều sinh viên học tại Hà Nội đang lao đao xoay xở chi tiêu tiết kiệm.
Lên Hà Nội chưa được một thời gian, Bùi Thị Linh thấm thía cảnh chật vật kiếm sống nơi thành thị. Cô gái 18 tuổi với nước da rám nắng, dáng vẻ chân chất này trông như già hơn bạn bè cùng trang lứa. Linh là con thứ ba của một gia đình nông dân ở huyện miền núi nghèo Lương Sơn, Hòa Bình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Linh phải tự lập vừa học vừa kiếm tiền đỡ đần gia đình.
Hiện tại Linh đang trọ cùng chị gái ở Nam Thăng Long, cách trường hơn 15km. Căn phòng hai chị em Linh ở rộng hơn 10m2, cùng với hai phòng trọ khác nằm trong nhà của chủ. Chiếc giường đôi chiếm hầu hết diện tích phòng, chỉ còn chừa hai lối đi nhỏ, không đủ kê một cái bàn học. 750.000 đồng/tháng là số tiền phòng hai chị em phải trả. Cái giá ấy không hẳn đã đắt so với nhiều nhà trọ khác, nhưng tiền điện và nước ở đây lại quá cao đối với Linh.
Mỗi tháng chị em Linh phải trả cố định 140.000 đồng tiền nước, 120.000 đồng tiền điện. Một nghịch lý mà Linh, cũng như nhiều người thuê trọ khác đang gánh chịu là phải dùng chung công tơ điện, nước với nhà chủ.
Trong giới hạn 140.000 đồng, chị em Linh không được sử dụng bàn là, máy tính, hay những thiết bị tốn điện tương tự, theo lời nhắc nhở của chủ nhà. Phòng nào dùng máy vi tính, chủ nhà sẽ thu thêm 60.000 đồng/máy. Trong khi đó, một bạn của Linh (trọ ở Cầu Diễn, Từ Liêm) sử dụng một máy tính để bàn, một máy xách tay thường xuyên nhưng cũng chỉ tốn khoảng hơn 50 số điện, 9 khối nước/tháng.
Quạt tay để tiết kiệm điện. (Ảnh: Vũ Quỳnh)
Trang, sinh viên khoa Báo mạng, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngành học đặc thù thường xuyên phải sử dụng máy tính và mạng Internet nhưng Trang cũng chỉ dám dùng ở các cửa hàng Internet công cộng hay tại trường.
Với Trang việc sắm một chiếc máy tính đã khó, cộng với giá điện ở phòng trọ lại còn khó khăn hơn. Xóm trọ của Trang đợt vừa rồi cũng đã tăng giá điện từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/số, với lý do của chủ nhà “lạm phát cái gì cũng phải tăng”. Nước sinh hoạt hàng ngày cũng phải đóng lên 60.000 đồng mỗi người. Chưa kể, các khoản khác Trang phải đóng như tiền vệ sinh, an ninh xóm…
Video đang HOT
Cơn sốt tăng giá điện, nước đang làm nóng nhiều diễn đàn của sinh viên, nhiều bạn, không dừng lại ở việc than thở, đã đề ra giải pháp đậm chất sinh viên như cắt giảm chi tiêu. “Trước ăn cơm bụi 25k giờ xuống 20k, không đi xe máy nữa mà đi xe buýt, mang laptop đến trường cả ngày cho đỡ tốn điện, trước tắm một lần/ngày, giờ ba ngày tắm một lần cho đỡ tốn nước” – Mr. D than thở trên diễn đàn sinhvienluat.
Trước thói quen thức khuya dậy muộn của sinh viên, bạn Khiết_k35 cũng trên diễn đàn sinhvienluat gợi ý “sáng học tối ngủ cho đỡ tốn điện”.
Việc chủ trọ tăng tiền cũng là điều dễ hiểu khi Nhà nước đang có sự điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, nhiều nhà chủ lại quá đà, lợi dụng việc tăng giá để “tát nước theo mưa”, ép người thuê vào tình cảnh khốn đốn. Trong khi đó hầu hết người ở trọ là sinh viên có thu nhập thấp hoặc còn sống dựa vào gia đình. Những giải pháp đều dưới hình thức tự xoay xở, còn hầu hết sinh viên im lặng cam chịu tình cảnh này.
Theo Dân Trí
Mồ côi cha, mẹ bỏ đi, hai chị em vẫn gắng học giỏi
Cha mất từ khi hai chị em Thùy Dương còn chưa biết gì, đến năm lớp 8 thì mẹ đi bước nữa. Từ đó đến nay, hai chị em chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống. Hai chị em làm đủ nghề để kiếm sống và trang trải học phí, mua sách vở...
Khi thì đi bắt ốc, đi phơi lúa mướn, khi thì đi dạy thêm, vậy mà trong suốt các năm học qua, hai chị em Cao Thị Thùy Dương và Cao Thị Diễm Xuân đều là học sinh giỏi. Hiện Dương học lớp 11B3 Trường THPT Thạnh An, còn Xuân học lớp 7D Trường THCS Thạnh An 1 thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Hai chị em côi cút tự nuôi nhau
Theo chân ông Thạch Thành Thâu - phó chủ tịch Hội khuyến học thành phố Cần Thơ, chúng tôi đến thăm nhà của hai chị em Thùy Dương và Diễm Xuân.
Trên đường đi, ông Thâu cho biết: "Bây giờ các chú đến thì tốt hơn rồi, chứ lần đầu tiên tui đến nhà hai cháu ở, tôi không biết đường đi vô nhà luôn". Ngừng một chút, ông Thâu giải thích: "Một cái chòi lá được dựng lên không biết từ hồi nào mà khi tôi đến thì đã mục nát hết rồi, cửa không ra cửa, vách không ra vách. Còn dưới nền thì hai chị em nó lụm được đâu mấy tấm gạch bể của người ta rồi đem về lót được 4-5m2 gì đó để làm nơi nấu ăn và ngồi học bài. Thấy hoàn cảnh của hai cháu nó như vậy, lại không cha, không mẹ nên tôi đã vận động anh em giúp ngay cho một số tiền để sửa lại thành cái nhà lành lặn để ở".
Qua một đường hẻm nhỏ (chỉ vừa một người đi) đi ra phía sau, qua mấy cái nhà (khoảng 20m), chúng tôi dừng lại trước một cái nhà (đúng hơn là một cái phòng) xung quanh được đóng bằng tôn thiết. Đó chính là nhà của hai chị em Thùy Dương.
Ông Thạch Thành Thâu - phó chủ tịch Hội Khuyến học Cần Thơ đến thăm hai chị em Thùy Dương và trao tặng 1 cái mùng và 2 cái tấm chân cho hai em vào ngày 15/7 vừa qua.
Qua trò chuyện, Thùy Dương cho hay: "Cũng vì nhà cháu quá nghèo nên cha cháu suốt ngày đi làm thuê làm mướn. Cháu nghe nội kể lại, sau nhiều lần cha con làm việc quá sức nên đã phát bệnh tâm thần luôn! Những lúc cha cháu lên cơn thường hay đánh đập mẹ và chị em cháu, nhưng khi tỉnh lại thì cha lại hối hận và khóc đòi tự tử. Sau nhiều lần như vậy, đến năm cháu học lớp 2, nhân lúc mẹ đi làm, không ai ở nhà, cha cháu đã nhảy xuống ao rồi chết đuối luôn!".
Bà Hoàng Thị Luyến, 60 tuổi là bà nội của Thùy Dương, góp lời: "Tội nghiệp hai chị em nó lắm, nhất là cháu Thùy Dương. Từ khi mẹ nó đi bước nữa, 3 năm nay cháu Dương nhận lấy trách nhiệm của cha và mẹ để lo cho nó và cho em. Nhìn cảnh hai chị em tụi nó côi cút tự chăm sóc lẫn nhau mà tui cũng nhói cả lòng".
Bà Luyến kể thêm: "Mẹ của tụi nó lấy chồng cũng nghèo nên mỗi lần về thăm cũng cho con chừng ba, bốn chục ngàn rồi đi. Chủ yếu là tui và mấy bác của nó ở đây, tuy không giúp được nhiều nhưng gạo ăn thì chúng tôi cũng lo được cho hai chị em nó. Còn những thứ khác thì tui và mấy bác của nó cũng đành chịu vì ai cũng nghèo hết mấy chú ơi".
Nơi ở của hai chị em Thùy Dương là căn phòng được đóng bằng tôn thiết.
Trong ảnh: Hai chị em Thùy Dương ( ngoài cùng bên phải), Diễm Xuân ( ngoài cùng bên trái) và ông Đặng Phúc Minh - phó chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Gắng học giỏi để thoát nghèo
Để có tiền đóng học phí và mua sách vở, hai chị em Thùy Dương đã kinh qua nhiều việc như bắt ốc, rải rơm, phơi lúa, dạy thêm...
"Mỗi buổi của hai chị em cháu đi làm như vậy người ta chỉ trả từ 20 đến 30 ngàn đồng là cao lắm rồi, vì tụi cháu chưa đủ tuổi lao động" - Dương cho biết.
Cũng vì quá khó khăn nên mới học lớp 7, 8 là Dương bắt đầu đi dạy thêm, nhưng đến năm lớp 9, 10 do thời gian học quá nhiều nên Dương phải nghỉ. Đến năm lớp 11 vừa rồi, Dương trở lại với nghề dạy thêm (Dương dạy môn Toán, từ lớp 6-10). Hiện tại trong tháng hè này, Thùy Dương đang nhận dạy 5 em tại nhà, mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 400.000 đồng.
Nói về cuộc sống hiện tại và bí quyết học tập của mình, Dương tâm sự: "Qua thầy cô dạy bảo, cháu ý thức được rằng chỉ có con đường học hành mới giúp cháu thoát nghèo. Nên từ ngày mẹ bỏ đi, cháu và bé Xuân phải tự chăm sóc cho nhau. Còn bí quyết học tập thì khi ở lớp cháu cố gắng tập trung nghe thầy cô giảng bài, sau đó về nhà làm bài tập liền. Hôm nào có môn cần học thuộc lòng thì 4 giờ sáng hai chị em thức dậy cùng học bài tới 6 giờ 30 thì đến lớp".
Trong căn nhà tạm của hai chị em Dương, ông Thạch Thành Thâu cho biết: "Hoàn cảnh của cháu Thùy Dương và cháu Diễm Xuân là hết sức khó khăn nhưng điều làm tôi quan tâm nhất là thành tích học tập của hai cháu. Đối với cháu Thùy Dương, trong 11 năm học thì chỉ có một năm là học sinh khá, còn 10 năm còn lại đều là học sinh giỏi. Còn cháu Diễm Xuân thì liên tục học giỏi trong 7 năm liền. Tinh thần vượt khó của hai chị em Thùy Dương và cháu Diễm Xuân đáng là tấm gương cho nhiều em học sinh khác noi theo.
Trước khi ra về, chúng tôi trò chuyện với em Diễm Xuân và em nhỏ nhẹ thổ lộ về ước mơ của mình: "Thấy chị Hai vất vả, em không giúp được gì nên em chỉ biết nghe lời chị dạy bảo và em cố gắng học thật giỏi như chị, để sau này em trở thành cô giáo dạy môn Văn ngay tại ngôi trường mà chị Dương đang học!".
Theo dân trí
Tốt nghiệp cao đẳng, đi... bán vé số mưu sinh Tốt nghiệp loại khá hệ chính quy ngành Sư phạm giáo dục Công nghệ Trường đại học Tiền Giang năm 2008, cô cử nhân Nguyễn Thị Kim Thoa ngậm ngùi "gác" tấm bằng tốt nghiệp đi bán vé số kiếm sống đã 2 năm qua... Vừa đi học vừa đi bán vé số Chúng tôi được anh Trần Anh K. (hàng xóm với...