Sinh viên choáng với mức tăng học phí
Từ năm học 2015-2016, mức học phí tính theo biểu mới đã tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình thu nhập thấp ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa.
Choáng vì học phí lại tăng
Ai cũng biết, sinh viên đi học chốn giảng đường là chỉ có nhiệm vụ học tập, rèn luyện sao cho tốt. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên mối lo chi tiêu luôn là nỗi ám ảnh.
Không ít sinh viên đã phải phân tâm khi nghĩ mình là “gánh nặng” của gia đình khi hàng tháng tiêu tốn một khoản tiền lớn, nhất là sinh viên vùng nông thôn ra Hà Nội học đại học. Chưa kể, mức chi tiêu mỗi năm một tăng, nhất là ngay trong năm học này, mức học phí đã được điều chỉnh tăng cao so với năm học trước.
Sinh viên Nguyễn Việt (Hòa Bình) “đau đầu” vì mọi thứ đều tăng giá, trong đó có học phí.
“Đau đầu” vì chuyện phòng trọ, giá cả tăng, đồng thời với thông tin tăng học phí mới, Nguyễn Việt (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) – sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Xem mức tăng học ph í hàng năm mà em cảm thấy lo lắng quá.
Nếu như năm học trước đóng khoảng 7 triệu đồng/năm thì theo biểu mới sẽ phải đóng gần 10 triệu đồng/năm học, chưa kể các năm sau nữa, mỗi năm một tăng. Khoản học phí đã cao như thế rồi, chưa kể tiền nhà trọ, sinh hoạt phí, học thêm ngoại ngữ, tin học… mỗi tháng cũng tiêu tốn của gia đình em hơn 4 triệu đồng”.
“Gia đình em ở vùng núi, mang tiếng là “khá giả” nhưng thực chất cũng rất khó khăn, kinh tế gia đình cũng chỉ làm chăn nuôi, trồng vườn đồi. Từ hồi đi học, em thấy nhà em kinh tế giảm sút hẳn. Thỉnh thoảng em vẫn thấy bố mẹ phải bán trâu, đi vay tiền cho em lên đóng tiền học, tiền nhà trọ.
Thấy cảnh đó em cũng xót xa lắm, cũng định đi làm thêm phụ giúp gia đình, nhưng lương bán thời gian rất thấp, mà đi làm cũng bị ảnh hưởng tới việc học, tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp. Chắc sắp tới em sẽ phải bớt ăn, giảm chi tiêu để tiết kiệm tiền, vì khả năng của gia đình cũng chỉ lo được có thế”, Nguyễn Việt chia sẻ thêm.
Còn với Phạm Anh (Ba Vì, Hà Nội) – sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết: “Xem biểu giá lộ trình tăng học phí mà em cảm thấy “sốc” quá. Bình thường mỗi năm học đóng khoảng 7 triệu đồng tiền học phí, năm học này theo biểu giá đóng học phí thì thấy sẽ phải đóng hơn 1 triệu đồng mỗi tháng.
Học phí tăng, nhà trọ, tiền điện, nước, chủ trọ cũng tăng, chưa kể đi chợ nấu ăn cũng thấy giá cả cũng tăng vèo vèo. Tự nấu ăn, đi xe buýt mà mỗi tháng em cũng tiêu tốn hơn 3 triệu đồng, chưa kể tiền học phí. Nhà em gia đình bố mẹ làm nông nghiệp nên đời sống không dư giả gì, mẹ em đã phải vay mượn số tiền khá lớn để em đi học”.
Học phí gần 5 triệu đồng/tháng?
Video đang HOT
Hẳn là mối lo của sinh viên cũng rất có cơ sở, bởi theo quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ, mức trần học phí đối với trường đại học công lập chưa tự chủ tài chính theo các khối ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 – 2021.
Cụ thể, các ngành: Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật; Nông, Lâm, Thủy sản, sẽ là 610.000 đồng/tháng (năm học 2015-2016), tăng dần lên 980.000 đồng/tháng (năm học 2020-2021). Ngành: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch từ 720.000 đồng/tháng, tăng dần lên 1,17 triệu đồng/tháng (năm học 2020-2021). Ngành Y – Dược từ 880.000 đồng/tháng tăng dần lên 1,43 triệu đồng/tháng (năm học 2020-2021).
Trong khi đó, mức học phí lên đến hàng chục triệu đồng/năm học ở các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Cụ thể, ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật; Nông, Lâm, Thủy sản, học phí ở mức 1,75 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 1,85 triệu đồng/tháng từ năm 2018 đến năm 2020 và 2,5 triệu đồng/tháng từ năm 2020-2021. Học phí ngành Khoa học tự nhiên; Kỹ thuật, Công nghệ; Thể dục thể thao, Nghệ thuật; Khách sạn, Du lịch từ 2,05 triệu đồng/tháng đến 2,2-2,4 triệu đồng/tháng; ngành Y – Dược cao nhất, 4,4-5,05 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ GD&ĐT cũng như lãnh đạo một số trường ĐH, muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải có kinh phí, do đó có việc tăng học phí… việc tăng học phí nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để việc tăng học phí không ảnh hưởng lớn đến xã hội và người học thì cùng với lộ trình tăng học phí, Chính phủ và các trường ĐH cần đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên thuộc các diện khó khăn.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sẽ vẫn cho con vào học các ngành hot, vào trường có mức học phí cao. Nhưng xét rộng ra, nếu các trường này không có chính sách để hỗ trợ sinh viên thì xu thế đây sẽ trở thành các trường chỉ dành cho “con nhà giàu”. Theo đó, cần có các quỹ học bổng đảm bảo cho sinh viên đủ chi trả học phí, nhất là với những sinh viên khó khăn”.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: “Theo tôi, không phải cứ tăng học phí nhiều thì chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ sẽ tăng theo. Do đó, Nhà nước phải yêu cầu các trường làm rõ cơ sở của mức tăng học phí mới, đặc biệt là các trường tự chủ tài chính, tất cả phải được minh bạch, công khai.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn dài hạn không lấy lãi hay cấp học bổng để giúp sinh viên nghèo có cơ hội đi học và theo học tại các trường”.
Theo Quang Anh/Gia đình & Xã hội
Tăng học phí, rồi sao nữa?!
Mức tăng học phí theo Nghị định 86/NĐ-CP tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình thu nhập thấp, nhất là những gia đình ở nông thôn, vùng xa
Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí ở các trường công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2015, mức học phí ở khối trường này sẽ tăng dần hằng năm, từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021.
Cần tính đến khả năng chi trả của người dân
Theo nghị định, mức học phí tăng tối đa ở các trường ĐH thí điểm tự chủ có thể hơn 44 triệu đồng/năm (khoảng 2.000 USD), tương đương 100% GNI (gross national income - tổng thu nhập quốc gia) bình quân đầu người của Việt Nam. Đối với những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất là 8,8 triệu đồng/năm (khoảng 400 USD), tương đương 20% GNI bình quân đầu người.
Học phí càng tăng, các trường công và tư càng cạnh tranh gay gắt. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH
Mức học phí như vậy là cao hay thấp và sẽ dẫn tới những hệ quả xã hội như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, thông thường có 3 cách tiếp cận. Về phía nhà trường, mức học phí được so sánh với chi phí đào tạo, bao gồm cả đầu tư phát triển. Về phía người học, mức học phí so sánh với triển vọng thu nhập trong tương lai. Về phía quản lý hệ thống, mức học phí so sánh với thu nhập trung bình đầu người và so sánh với các quốc gia khác.
Thực ra cả 3 cách tiếp cận này đều liên đới với nhau. Chúng ta không thể nói mức thu như vậy là cao hay thấp mà không đặt nó trong tương quan với chất lượng người thầy và điều kiện học tập, môi trường mà nhà trường mang lại. Hơn thế nữa, phải đặt nó trong tương quan với kết quả mà người học thụ đắc trong quá trình giáo dục bởi kỹ năng, tri thức, tầm nhìn, cách suy nghĩ mà người học gặt hái được trong 4 năm ĐH sẽ quyết định trực tiếp đến cơ hội phát triển nghề nghiệp và triển vọng thu nhập trong tương lai.
Từ góc độ quản lý hệ thống, nhà nước phải giải quyết bài toán cân bằng giữa mức thu học phí, khả năng chi trả của người dân và nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng vì mức cân bằng này sẽ quyết định số người vào ĐH cũng như tỉ lệ nguồn nhân lực được đào tạo kỹ năng cao cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tìm kiếm sự đồng thuận
Mức tăng học phí theo Nghị định 86/CP đang gây lo lắng cho nhiều gia đình thu nhập thấp, nhất là những gia đình ở nông thôn, vùng xa. Mối lo lắng càng tăng trong bối cảnh ngày càng nhiều cử nhân thất nghiệp khiến triển vọng việc làm của những người có bằng ĐH không mấy sáng sủa.
Tuy vậy, để giải quyết thất nghiệp, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo mà nguồn lực tài chính lại là điều kiện cần để thực hiện việc này. Vì vậy, chủ trương tăng học phí là cần thiết nếu đặt đúng mục tiêu. Hơn nữa, mức học phí hiện nay dù sao cũng còn thấp so với các nước. Tính trung bình học phí 1 năm ở trường công của Mỹ là 9.804 USD, chiếm 17,7 % GNI đầu người; ở Malaysia là 8.500 USD, chiếm 79% GNI đầu người...
Vấn đề đặt ra là để chủ trương tăng học phí nhận được sự đồng thuận của người dân, cần cùng lúc thực hiện những cải cách cần thiết. Trên thực tế, một số gia đình không có khả năng chi trả mức học phí này. Nếu không có chính sách hỗ trợ, hệ quả sẽ là khoảng cách ngày càng nới rộng giữa các nhóm thu nhập khác nhau, tạo ra bất ổn xã hội. Vì vậy, mức học phí cao phải kèm theo chính sách học bổng, miễn giảm và chính sách cho vay đa dạng, linh hoạt.
Nghị định 86/NĐ-CP đã nêu những chính sách này nhưng chưa bao phủ hết các đối tượng cần hỗ trợ. Vì thế, để mở rộng cơ hội vào ĐH cho mọi người, ngoài nguồn ngân sách cấp, cần quy định một tỉ lệ nhất định nguồn thu học phí phải được dùng cho hỗ trợ học bổng, miễn giảm, thông qua nhiều cơ chế đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Nhưng kể cả khi đã có những chính sách như vậy, vẫn sẽ có những người không đủ giàu để đóng học phí và không đủ giỏi để được cấp học bổng, do đó cần có những nguồn cho vay để phục vụ đối tượng này. Với việc cho vay, người học sẽ cân nhắc việc theo đuổi tấm bằng ĐH với một món nợ không nhỏ và có trách nhiệm hơn với việc học tập của mình hoặc sẽ chọn theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề với thời gian ngắn hơn, chi phí thấp hơn và có thể tìm được việc ngay.
Việc tăng học phí cũng sẽ nhận được sự đồng thuận lớn hơn của xã hội nếu có một cơ chế tốt hơn để nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trước xã hội, chứ không chỉ là trước cơ quan quản lý nhà nước. Quy chế "3 công khai" phải được tăng cường và mọi hành động hướng về minh bạch, công khai đều cần được khích lệ.
Một cơ chế giúp nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như bao hàm được tiếng nói của các bên khác nhau trong quá trình ra quyết định chính là hội đồng trường. Cơ chế này cần được xây dựng và củng cố để có thể hoạt động một cách thực chất. Đó là điều cần làm để tăng cường ý nghĩa thiết yếu của nhà trường đối với xã hội. Một khi nhà trường chứng tỏ được sự thích đáng của mình trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội, sự ủng hộ đối với chủ trương tăng học phí sẽ trở thành tất yếu.
Trao quyền tự chủ cho các trường
Cũng theo Nghị định 86/NĐ-CP, mức học phí tăng cao nhất ở những trường thí điểm tự chủ tài chính ngang bằng với các trường tốp hiện nay của khu vực ngoài công lập. Điều này sẽ tạo ra một mặt bằng cạnh tranh mới, nhất là trong bối cảnh số người vào ĐH vốn thấp hơn tổng số chỉ tiêu của tất cả các trường.
Các trường công bắt đầu phải cạnh tranh để giành sinh viên. Trường mạnh, có uy tín lâu đời phải cạnh tranh để giành sinh viên giỏi. Trường nhỏ, ít uy tín hơn, thuộc nhóm dưới cũng phải tìm cách thu hút sinh viên để tồn tại. Đã bắt đầu xuất hiện một xu hướng tuyển chọn người thực sự giỏi để làm công tác quản lý ở những trường công tự chủ tài chính. Nói cách khác, cơ chế tự chủ tài chính đã đặt các trường vào một bối cảnh có tính chất thị trường hơn. Bàn tay vô hình của thị trường là một cơ chế "tưởng thưởng ta bằng những thành công và trừng phạt ta bằng những thất bại", sẽ kích thích tư duy "dám làm dám chịu", giúp các trường thay đổi mạnh mẽ theo hướng gắn bó với những nhu cầu của thị trường.
Chúng ta hy vọng việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường không có nghĩa là nhà nước đẩy giáo dục ĐH vào khu vực thị trường mà không có những can thiệp cần thiết. Nó chỉ có ý nghĩa như một cơ chế giúp tạo ra động lực thúc đẩy các trường cải thiện chất lượng đào tạo, bởi một khi giảm bớt phụ thuộc vào nguồn ngân sách, các trường sẽ phải hướng tới thị trường nhiều hơn và đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi thực tế của xã hội.
Trong lúc đó, nhà nước có thể tập trung sức lực cho việc quản lý hệ thống, tập trung nguồn lực cho việc bù đắp những khiếm khuyết của thị trường; chẳng hạn như bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận ĐH và thúc đẩy phát triển những ngành cần thiết cho xã hội nhưng thị trường không có đủ động lực đáp ứng, ví dụ như ngành sử học, dân tộc học, khảo cổ học...
Ngoài ra, thay vì cấp kinh phí dàn trải cho các trường như trước đây, nhà nước có thể xây dựng các quỹ tài trợ nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh và không phân biệt công - tư. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ các trường xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và quan trọng nhất là thúc đẩy những thiết chế nhằm bảo đảm trách nhiệm của các trường.
Bất bình đẳng với trường ngoài công lập
Quy định mới về tăng học phí khối trường công lập làm khoảng cách bất bình đẳng giữa trường công và trường tư thêm giãn rộng. Với mức học phí điều chỉnh ngang bằng, trường công vẫn có lợi thế hơn hẳn nhờ khoản bao cấp đất đai và trường sở. Các trường này cũng có thể trả lương giảng viên tốt hơn khiến ưu thế của trường ngoài công lập giảm đi.
Tương quan mới này đòi hỏi các trường phải cải thiện môi trường làm việc, xây dựng bản sắc riêng của mình để có thể tồn tại. Một số trường tư có thể không tồn tại nổi phải sáp nhập hay đổi chủ và cuối cùng sẽ chỉ còn lại những trường có tiềm lực tài chính mạnh, có tầm nhìn xa, có thiết chế quản trị nội bộ hiệu quả và tạo dựng được thế mạnh riêng là có thể đứng vững.
Tăng học phí qua các năm
Theo Nghị định 86/NĐ-CP, mức thu học phí của các trường ĐH công lập như sau:
- Khối ngành, chuyên ngành đào tạo khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông - lâm - thủy sản: từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018 là 1,75 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 1,85 triệu đồng đồng/tháng; năm học 2020-2021: 2,05 triệu đồng/tháng.
- Khối ngành, chuyên ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch: từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 2,05 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 2,2 triệu đồng/ tháng; năm học 2020-2021: 2,4 triệu đồng/tháng.
- Khối ngành, chuyên ngành đào tạo là y dược: từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 4,4 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 4,6 triệu đồng/tháng; năm học 2020-2021: 5,05 triệu đồng/tháng.
Theo NLD
'Chính sách học phí mới không tác động lớn đến người học' Đó là ý kiến của ông Bùi Hồng Quang - Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT - khi trả lời về chính sách mới về học phí, miễn giảm học phí. - Nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng đào tạo đại học còn hạn chế một phần nguyên nhân vì mức học phí còn rất thấp và mang...