Sinh viên chế tạo máy bán phở, trà sữa theo đặt hàng của doanh nghiệp
Các sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã chế tạo thành công máy bán phở, bánh và trà sữa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đây là mô hình dạy học theo dự án của trường.
Tháng 8/2016, một doanh nghiệp ở Hà Nội đặt vấn đề với khoa Cơ khí Chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, về việc chế tạo máy bán hàng tự động. Nhóm sinh viên năm cuối ngành Chế tạo máy đã mạnh dạn nhận đề tài này.
Hơn nửa năm nghiên cứu cơ cấu, thiết kế, gia công máy móc, hoàn thiện phần lập trình và điều khiển, nhóm sinh viên đã cho ra đời 3 chiếc máy bán bánh mỳ, phở, trà sữa tự động.
Ba máy bán hàng tự động của sinh viên
Theo đó, máy bán bánh mỳ cao 2,2 m, chiều ngang 1,58 m, do 3 bạn Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Anh Luật và Võ Minh Trí chế tạo. Máy tiêu hao điện năng khoảng 3 kwh.
Máy bán bánh tự động có 3 bộ phận cơ bản, một ngăn tủ lạnh dùng chứa và bảo quản 120 ổ bánh. Ngăn lạnh có 4 tầng được lắp ray trượt, nhân viên có thể kéo ra đẩy vào để cho nguyên vật liệu vào máy.
Máy bán bánh tự động do sinh viên thực hiện. Ảnh: Minh Nhật
Phía trước mặt của 4 tầng chứa được cơ cấu trượt, có khả năng di chuyển thẳng đứng và di chuyển ngang. Khi khách hàng chọn loại bánh, trả tiền, thanh trượt sẽ đến đúng vị trí lấy “hàng”, đẩy ra bên ngoài tủ qua khe nhỏ.
Bánh ra khỏi ngăn lạnh sẽ được máng đưa vào lò nướng vi sóng, làm nóng phần ruột bên trong. Lò vi sóng sẽ đảo bánh mỳ 2 lần trong 26 giây. Sau đó, bánh được nướng trong 20 giây nữa.
Máy chế biến xong, thanh đẩy đưa bánh vào bao bì được đặt sẵn phía dưới, rồi trả vào khay đựng cho khách hàng. Tất cả quá trình trên chỉ mất khoảng 2 phút.
Ngoài ra, máy còn có bộ phận thông báo lỗi nhờ thiết bị module sim. Khi gặp sự cố hoặc những lúc hết bánh, máy tự động gửi tin nhắn về trung tâm.
Tương tự máy bán bánh mỳ, máy bán phở tự động của ba sinh viên Phạm Ngọc Diện, Vòng Lỷ Phu, Nguyễn Hào Quang đã “ra lò” sau gần nửa năm các bạn trẻ mày mò nghiên cứu.
Máy có ngăn giữ lạnh 5 độ C, chứa tối đa 50 tô phở. Khi người mua bấm nút chọn và đưa tiền vào máy, phở sẽ được đưa đến ngăn giữ nóng.
Ngăn này gồm có hai bình (nhiệt độ từ 70-90 độ C), một để chứa nước dùng, một chứa nước sôi tráng phở.
Tại đây, phở được tráng nước 2 lần, sau đó máy chế nước dùng. Cùng lúc đó, một bộ phận khác cấp thìa, đũa, tương ớt và chanh cho người dùng.
Video đang HOT
Sinh viên thưởng thức tô phở từ chiếc máy bán hàng do mình chế tạo. Ảnh: T.Thịnh.
Để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, các bộ phận trong máy đều được làm từ inox, riêng bình chứa và ống dẫn nước dùng có thể tháo ra vệ sinh dễ dàng.
Ngoài máy bán phở và bánh mỳ, TS Nguyễn Trường Thịnh – Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy – cũng hướng dẫn ba sinh viên Huỳnh Mạch Anh Ninh, Trần Duy Thành, Lưu Đức Trọng Nhân chế tạo máy bán trà sữa tự động.
Khách hàng nhấn nút chọn loại trà sữa và thạch, đưa tiền vào máy, chờ khoảng 2 phút là được phục vụ. Máy sẽ tự động lấy ly, cho đá, thạch và trà sữa đã được lập trình trước. “Hàng” được đóng gói và chuyển đến tay khách hàng với ống hút kèm theo.
Từ bản vẽ đến thực tế: Nhiều khó khăn
Từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường dài, nhiều khó khăn, trục trặc khiến các bạn sinh viên đôi khi nản chí.
Ba chiếc máy bán hàng tự động do sinh viên chế tạo. Ảnh: T.Thịnh
Luật cho biết nhóm đã gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào hiện thực hóa chiếc máy bán bánh mỳ. Các bạn bị áp lực về thời gian, vì vừa phải nghiên cứu chế tạo máy, báo cáo tiến độ hàng ngày với doanh nghiệp, vừa lo việc học trên lớp.
Bên cạnh đó, những trục trặc kỹ thuật trong quá trình thực hiện cũng khiến các bạn trẻ đau đầu. Từ lập trình điều khiển liên tục bị lỗi đến tính toán chính xác những thông số kỹ thuật để máy vận hành trơn tru khiến các bạn mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, nhóm sáng chế máy bán phở lại gặp khó trong việc thiết kế ngăn lạnh với nhiệt độ thấp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bạn Vòng Lỷ Phú cho hay vì nhóm không chuyên về điện lạnh nên phải đi nhiều cửa hàng để tìm hiểu nguyên lý, cách tạo ra ngăn lạnh như mong muốn.
Dạy học theo mô hình dự án
Ba chiếc máy bán hàng tự động này là dự án nằm trong cụm đề tài thiết bị bán hàng tự động do phía doanh nghiệp đặt hàng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết đây là hướng đi mới cho mô hình dạy và học của khoa, cũng là chủ trương mới của nhà trường: Dạy học theo mô hình dự án.
Từng nhóm sinh viên sẽ được giao dự án phù hợp khả năng của mình, là những đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đó cũng sẽ là đề tài tốt nghiệp của các bạn.
“Cách làm này đang rất phổ biến đối với một số khoa trong trường. Sinh viên nghiên cứu, sáng chế những thiết bị, giải pháp theo đơn đặt hàng từ các đơn vị, giúp đôi bên cùng có lợi. Sinh viên có kinh nghiệm thực tế, doanh nghiệp có máy móc đáp ứng nhu cầu sản xuất”, TS Thịnh thông tin.
Ông cũng cho biết thêm năm học vừa rồi, khoa Cơ khí Chế tạo máy nhận hơn 40 đơn đặt hàng của nhiều đơn vị.
Theo Zing
Ước mơ chế tạo robot của chàng trai bị suy thận
Sốc khi biết mình bị suy thận giai đoạn cuối nhưng vượt qua tất cả, Nguyễn Hải Đăng đã có buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp thành công với con robot do chính cậu chế tạo.
3 tháng trước buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp của khoa Kỹ thuật máy tính, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đăng biết mình bị suy thận giai đoạn cuối.
Trải qua khoảng thời gian chới với, suy sụp tưởng như không vượt qua được, Đăng lấy lại tinh thần hoàn thành thiết kế robot còn dang dở. Cậu đến với buổi bảo vệ luận án, kiên trì thuyết trình kết quả nghiên cứu của mình trong hơn một giờ đồng hồ khiến thầy cô, bạn bè nể phục.
Buổi bảo vệ luận văn xúc động
Thầy Phan Văn Ca - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Máy tính viễn thông, khoa Điện - Điện tử, ĐH SPKT TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp ngày 19/2/2016 - chia sẻ thầy rất ấn tượng với hình ảnh của Đăng.
"Thực sự hôm đó, cả hội đồng ai cũng xúc động, nể phục sự đam mê và nghị lực của bạn. Biết bạn sức khỏe không tốt, tôi có nói bạn chỉ trình bày kết quả nghiên cứu thôi, còn quá trình chúng tôi đã đọc trong tài liệu trước đó rồi.
Vì được biết bạn bị tràn dịch màn phổi, thuyết trình có thể khó khăn, sức khỏe của bạn không chịu nổi. Nhưng bạn vẫn cố gắng thuyết trình toàn bộ, không bỏ qua phần nào", thầy nói.
Nguyễn Hải Đăng trình bày luận văn tốt nghiệp trước hội đồng. Ảnh: Quang Phúc.
Hôm đó đến 12h trưa, đáng lẽ buổi bảo vệ luận văn đã kết thúc nhưng cả hội đồng chờ Đăng đến và buổi bảo vệ kéo dài đến hơn 13h chiều.
Đăng cho biết hôm đó có cha chở đến trường nhưng trong lúc đi bị va quẹt, cả người bị trầy xướt, quần áo rách nên phải quay về nhà xử lý vết thương rồi mới tiếp tục đến trường.
"Lúc đó rất rối, lại sợ không đến kịp, rất may các thầy vẫn chờ mình", Đăng tâm sự.
Để đứng trên bục bảo vệ luận án tốt nghiệp với robot, Đăng phải đến trường cùng điều dưỡng, nhờ bạn bè dìu từng bước lên cầu thang, mang giúp sản phẩm lên phòng.
"Hội đồng đánh giá đề tài 'Bản sao robot Asimo' (Robot nổi tiếng của Nhật Bản) của Đăng thuộc loại xuất sắc, vì thực sự không nhiều người có được kết quả nghiên cứu như Đăng. Robot này phải sử dụng trên 20 động cơ khác nhau để có thể hoạt động linh hoạt, có thể bắt chước các động tác của con người.
Để làm được điều đó đòi hỏi phần lập trình phải rất tốt mới có thể điều khiển được và bạn ấy đã tự làm một mình", thầy Ca đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đăng.
Không tin mình bị bệnh
Chàng trai mới 23 tuổi đã sốc và không tin vào kết quả xét nghiệm lần đầu tiên tại Bệnh viên Nhân dân Gia Định.
Đăng không tin vì mình còn quá trẻ, ngày ngày tập võ, chơi thể thao, học tập, vui chơi rất bình thường. Nhưng khi đến khám ở các bệnh viên khác, tất cả đều cho kết quả Đăng bị suy thận giai đoạn cuối, sự sống rất mong manh nếu không sớm được ghép thận.
Cả gia đình bàng hoàng, suy sụp khi hay tin em bị bệnh.
"Gia đình đặt rất nhiều niềm tin vào mình. Bởi vì từ nhỏ, mình đã học tốt, thích tìm tòi, nghiên cứu nên gia đình nghĩ sau này ra trường mình sẽ tìm được việc tốt, lương cao, đi du học và thành công trong sự nghiệp, có nhiều sáng chế hữu ích cho mọi người", cậu cho hay.
Đăng đang chờ kết quả xét nghiệm để biết cậu có thể nhận thận để ghép từ cha mình hay không. Nếu được thì chi phí ghép thận rất cao, cả nhà nội đã bán đất để có tiền cho Đăng trị bệnh.
"Lúc mới biết bị bệnh, mình không muốn chia sẻ với ai vì sợ ánh mắt thương hại của mọi người. Nhưng sau đó, mình nghĩ mình sẽ cố gắng để mọi người nhìn với ánh mắt khác. Và mình quyết không từ bỏ ước mơ của mình", Đăng bộc bạch.
Thận suy nhưng não không suy
Hàng tuần, Đăng phải đi chạy thận ở bệnh viên 3 lần, có những ngày chất độc tích tụ trong người làm cậu rất mệt. Cơ thể lúc nào cũng rất buồn ngủ và có thể ngủ gục bất cứ lúc nào nhưng tinh thần chàng trai lại rất lạc quan.
Trước đó, Đăng đang làm việc cho một công ty nhưng sức khỏe không đảm bảo nên xin nghỉ, dành thời gian nghỉ ngơi, trị bệnh, nghiên cứu các tài liệu học thuật.
Robot mà Đăng đang nghiên cứu chế tạo. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về giấc mơ với những con robot của mình, Đăng cho hay cậu đã thích chế tạo robot từ hồi còn rất nhỏ.
Khi nhìn thấy những con robot của Nhật, Đăng luôn muốn làm ra con robot có tính năng còn vượt hơn cả robot Asimo của Nhật, để có thể ứng dụng vào đời sống, giúp người già, làm phục vụ hay thậm chí ứng dụng vào lực lượng cảnh sát để giảm thiểu khả năng bị thương cho các chiến sĩ cảnh sát.
Chính vì thế, Đăng dự định đi du học để nghiên cứu chuyên sâu hơn và có điều kiện chế tạo robot. Nhưng với tình hình sức khỏe hiện tại, giấc mơ du học đã không còn khả quan với Đăng vì việc chuyển bệnh viện và kinh phí điều trị ở nước ngoài rất khó khăn.
Tưởng chừng như phải từ bỏ giấc mơ du học nhưng Đăng tâm sự cậu sẽ tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia những khóa học online miễn phí của trường Havard hoặc MIT và chờ đợi cơ hội nếu tình hình sức khỏe tốt hơn.
Đăng dự tính sẽ tìm kiếm những người bạn cùng đam mê như mình để có thể hỗ trợ nhau nghiên cứu.
Đăng đã tự tin nói rằng: "Thận suy nhưng não không suy, có thể mình sẽ làm được nhiều điều hơn nếu không mắc phải căn bệnh này nhưng mình có thể đi con đường khác để đến với ước mơ".
Theo Zing
Sinh viên sáng chế thiết bị cho ăn tự động Xuất phát từ thực tế nhiều bệnh nhân, người già không thể tự ăn uống, 4 sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã sáng chế thiết bị hỗ trợ cho ăn mang tên Feedbod. Chiếc máy cho ăn tự động ra đời là công sức mày mò, nghiên cứu của nhóm sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ Kỹ thuật...