Sinh vật lạ bị “phong ấn” trong đá 478 triệu năm: Thủy tổ nhiều loài
Một phiến đá cổ ở Morocco đã bảo tồn nguyên vẹn sinh vật có thể lấp đầy một khoảng trống tiến hóa quan trọng.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Lorenzo Lustri từ Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) đã truy tìm sinh vật tổ tiên của nhóm động vật chân đốt rất phổ biến ngày nay như: nhện, bọ cạp, cua móng ngựa…
Chân dung sinh vật là tổ tiên của nhiều động vật chân đốt hiện đại – Ảnh: NATURE COMMUNICATIONS
Bọ cạp, nhện và cua móng ngựa hiện nay thuộc về dòng dõi động vật chân đốt rộng lớn, xuất hiện trên Trái Đất gần 540 triệu năm trước, tức đầu kỷ Cambri.
“Chính xác hơn, chúng thuộc về một phân ngành gồm các sinh vật có càng được sử dụng đặc biệt để cắn, tóm lấy con mồi hoặc tiêm nọc độc, gọi là chelicerae. Nhưng tổ tiên của nhóm đặc biệt này là gì?” – TS Lustri đặt vấn đề.
Câu hỏi này đã khiến các nhà cổ sinh vật học bối rối kể từ khi nghiên cứu về hóa thạch cổ đại bắt đầu.
Rất nhiều sinh vật dị hình của kỷ Cambri hay kỷ Ordovic tiếp sau đó đã được tìm thấy, nhưng trước đây chưa có sinh vật nào có đủ điểm tương đồng với các loài hiện đại nói trên để có thể coi là tổ tiên của các động vật này.
Nhón của TS Lustri đã “bắt được vàng” khi tìm ra câu trả lời trong một phiến đá cổ ở Morocco.
Được đặt tên là Setapedites abundantis, loài mới chính là sinh vật nằm ở bước tiến hóa trung gian giữa các sơ khai hơn kỷ Cambri với động vật chân đốt.
Sinh vật này chỉ dài 0,5-1cm, bơi trong vùng biển kỷ Ordovic 478 triệu năm về trước.
Các đặc điểm giải phẫu của nó đã cung cấp chi tiết về các bước tiến hóa đầu tiên để hình thành nên một nhóm sinh vật riêng biệt gọi là động vật chân đốt.
Vì vậy, có thể nói nó chính là vị thủy tổ mất tích của nhện, bọ cạp, của móng ngựa… thời hiện đại.
Setapedites abundantis trong vùng biển kỷ Ordovic – Ảnh đồ họa: NATURE COMMUNICATIONS
Kỷ Cambri và sau đó là kỷ Ordovic là những giai đoạn chứng kiến sự tiến hóa nhảy vọt của động vật Trái Đất ở các vùng đại dương.
Tuy hầu hết lớp sinh vật này đã xóa sổ các đại tuyệt chủng, nhưng con cháu của chúng – với các kiểu tiến hóa hoàn toàn khác biệt – chính là nền tảng của động vật ngày nay.
Chiêm ngưỡng những "hóa thạch sống" tồn tại quanh chúng ta
Nhà tự nhiên học Charles Darwin là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ "hóa thạch sống" vào năm 1859.
"Hóa thạch sống" chỉ những loài không tiến hóa đáng kể trong hàng triệu, hàng trăm triệu năm và vẻ ngoài ngay nay vẫn gần giống tổ tiên hóa thạch.
Chúng có thể tiến hóa theo cách nào đó về mặt di truyền nhưng có xu hướng không thay đổi về mặt giải phẫu, theo Live Science.
1. Cá mập yêu tinh
Với vẻ ngoài rất xứng đáng với tên gọi, sinh vật sống ở cả Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương vẫn giữ nguyên vẻ ngoài quái dị khi xuất hiện lần đầu tiên 125 triệu năm trước.
Cá mập yêu tinh - Ảnh: LIVE SCIENCE
Chúng có khả năng thích nghi độc đáo, giúp chúng trở thành những kẻ săn mồi siêu hạng và mạnh mẽ vượt qua các đợt tuyệt chủng hàng loạt.
2. Cua móng ngựa
Loài 300 triệu năm tuổi này nhìn không giống bất cứ con cua thông thường nào mà bạn vẫn tìm mua để nấu ăn, mà trông giống hình ảnh những sinh vật cổ đại của các kỷ địa chất xa xôi trước đây hơn.
Cua móng ngựa - Ảnh: LIVE SCIENCE
Gần giống cua tiền sử và được gọi là "cua" nhưng sinh vật già hơn khủng long này có quan hệ họ hàng gần hơn với nhện và bọ cạp.
3. Thú mỏ vịt
Con vật kỳ dị này là hóa thạch sống 110 triệu năm tuổi, tức sinh ra trong kỷ Phấn Trắng, cũng là kỷ nguyên hoàng kim của loài khủng long.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, mã di truyền của thú mỏ vịt bao gồm sự kết hợp giữa động vật có vú, chim và bò sát.
Thú mỏ vịt - Ảnh: LIVE SCIENCE
4. Rồng Komodo
Con vật biểu tượng của Indonesia đã giữ nguyên vẻ ngoài đáng sợ từ khi xuất hiện trên vùng đất ngày nay là Úc khoảng 100 triệu năm trước.
Rồng Komodo - Ảnh: LIVE SCIENCE
Nó vẫn là loài săn mồi thống trị cho đến ngày nay, sau khi các "hàng xóm cùng thời" - khủng long đã tuyệt chủng từ lâu. Nó có thể ăn tới 80% trọng lượng cơ thể chỉ trong một lần, và nó thì quá khổng lồ: Dài 3 m, nặng 150 kg.
5. Gián
Đáng buồn, con vật mà bạn mệt mỏi diệt trừ trong các ngôi nhà thời hiện đại này là một dòng dõi "bất tử", bởi chúng còn già hơn khủng long.
Con gián - Ảnh: LIVE SCIENCE
Chúng đã mang hình dáng tương tự hiện tại và băng qua nhiều đại tuyệt chủng. Bên cạnh đó, hiện nay dòng họ này đã có tới 4.000 loài, với chân dung tương tự nhau và tương tự tổ tiên sơ khai!
6. Ốc anh vũ
Bạn có thể thầm nghĩ con ốc kỳ lạ này giống trong những bức )tranh mô tả thời kỳ "bùng nổ sinh học" kỷ Cambri. Bạn đã đúng, nó là hóa thạch sống lâu đời nhất thế giới, một vị tổ tiên còn sót lại của kỷ Cambri (khoảng 541 đến 485 triệu năm trước).
Ốc anh vũ - Ảnh: LIVE SCIENCE
Đó là kỷ nguyên bắt đầu của đại Cổ Sinh, một giai đoạn địa chất kết thúc hàng chục triệu năm trước khi khủng long kịp ra đời (kỷ cuối cùng của đại Cổ Sinh là kỷ Nhị Điệp (khoảng 299-252 triệu năm trước).
Ốc anh vũ ngày nay sinh sống ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Loài côn trùng rất giống mối, lười biếng và láu cá nhất hành tinh Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Zootaxa, các nhà khoa học Australia vừa phát hiện ra một loài côn trùng hoàn toàn mới, một sinh vật thậm chí còn lười biếng hơn cả nhện. Phân tích DNA cho thấy loài động vật này thuộc họ bọ cánh cứng Staphylinidae chứ không phải mối. Chúng có quan hệ gần gũi với...