Siêu anh hùng DC Comics tấn công ồ ạt lên màn ảnh nhỏ
Với bốn loạt phim mới sắp sửa ra mắt từ mùa thu 2014 cùng một “ Arrow” đang rất ăn khách ở mùa thứ 2, DC Comics đang dần chiếm lợi thế trên các sóng truyền hình.
Có tới bốn bộ phim dựa trên các bộ truyện tranh đến từ DC Comics được chọn để lên sóng trong cuối năm nay: Gotham trên đài Fox, Constantine trên NBC, iZombie và The Flash trên CW. Series Arrow xoay quanh nhân vật Green Arrow của DC Comics cũng đã được lên sóng CW kể từ hồi năm 2012 và hiện đang phát sóng mùa thứ hai. Sự xuất hiện ồ ạt của các bộ phim truyền hình kể trên sẽ giúp DC Comics đánh dấu việc lần đầu tiên có tới năm show truyền hình dựa trên truyện tranh của hãng được lên sóng tại cùng thời điểm trong lịch sử 80 năm của hãng.
Gotham, Costantine và Flash là ba loạt phim truyền hình mới dựa trên nguyên tác của DC Comics.
Trong khoảng 6 năm trở lại đây, các rạp chiếu phim đang chật kín khán giả xếp hàng để được theo dõi những trận chiến kinh thiên động địa của các siêu anh hùng. Những hiệp sĩ mặc áo choàng, đu tơ nhện và các dị nhân bị kì thị đang giúp các hãng phim thu về hàng tỷ USD. Không thể phủ nhận thực tế rằng các rạp chiếu phim đang ngày càng trở nên chật chội, và cũng chẳng ngạc nhiên khi DC Comics và công ty mẹ Warner Bros. buộc phải tìm cách khai thác những tư liệu béo bở mà họ đang nắm giữ qua sóng truyền hình.
Được thành lập vào năm 1934 dưới tên National Allied Publications, DC Comics đã cho ra đời loạt phim truyền hình đầu tiên của hãng vào năm 1952, Adventures of Superman, do tài tử Christopher Reeves thủ vai chính. Superman đã trở thành siêu anh hùng đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho công ty này trên màn ảnh nhỏ suốt nhiều năm qua với ba loạt phim truyền hình dài hơi nhất là Superboy (1988-1992), Lois & Clark: The New Adventures of Superman (1993-1997), Smallville (2001-2011).
Không phải nhân vật nào của DC Comics cũng có thể gặt hái thành công trên sóng truyền hình qua nhiều năm như Siêu nhân.
Tuy nhiên, ngoài Siêu nhân, DC Comics đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm cách đưa các nhân vật khác đến với khán giả truyền hình. Như Wonder Woman từng được đài NBC dự định mang lên sóng truyền hình nhưng kế hoạch này đã đổ bể ngay từ giai đoạn tiền kỳ. Phải cho tới khi Arrow lên sóng vào tháng 10/2012 thì mọi chuyện mới trở nên bắt đầu sáng sủa hơn.
Nối tiếp thành công của ba tập phim về Người dơi của Christopher Nolan và cũng theo đúng tư tưởng bấy lâu nay của hãng, đài CW đã cho ra đời một Arrow hết sức gai góc và thực tế về người hùng Green Arrow. Loạt phim đã gặt hái thành công ngoài sức mong đợi (với 4,4 triệu người xem khi tập phim đầu tiên được ra mắt, trở thành chương trình có lượng người xem cao nhất của CW trong vòng 3 năm trở lại đây) và chứng minh rằng các fan truyện tranh sẵn sàng theo dấu những siêu anh hùng mà họ yêu mến trên sóng truyền hình.
Arrow đã gặt hái thành công ngoài mong đợi khi ra mắt và giới thiệu tiếp một nhân vật siêu anh hùng khác của DC Comics là Flash trong mùa thứ hai.
Arrow đã mở đường cho Flash, một series tách nhánh xoay quanh Barry Allen (từng được giới thiệu trong một tập phim của Arrow ở mùa thứ hai). Đích thân giám đốc điều hành của DC Comics, Geoff Johns, sẽ tham gia vào đội ngũ thực hiện Flash. Ông bắt đầu tham gia viết truyện tranh và khởi nghiệp bằng chính loạt truyện The Flash kể từ năm 2000. Có lẽ đây chính là bí mật của sự thành công mà DC đang có: ghép người của công ty với những nhà sản xuất có kinh nghiệm.
Loạt phim Constantine sẽ được viết kịch bản bởi Daniel Cerone, biên kịch của loạt phim truyền hình ăn khách Dexter và chịu trách nhiệm sản xuất bởi David Goyer, người đã làm việc cùng DC từ 2005, và tham gia viết kịch bản cho nhiều bộ phim siêu anh hùng nổi tiếng như Batman Begins, The Dark Knight, Man of Steel, Batman vs. Superman.
Gotham giống như một loạt phim truyền hình độc lập, tập trung vào viên thanh tra Jim Gordon bởi siêu anh hùng Batman trong phim mới chỉ là một đứa trẻ.
Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi mà DC Comics vẫn chưa giải đáp. Liệu hãng này có kế hoạch lớn lao gì hơn, như là gộp chung tất cả các loạt phim này hay không? Hãy nhìn vào đối thủ Marvel: họ dùng series Agents of S.H.I.E.L.D. để liên tục mở rộng thế giới phim của hãng, kết nối tới những nhân vật trong thế giới điện ảnh của The Avengers và gần đây nhất là Captain America: The Winter Soldier, tạo nên hiệu ứng cộng hưởng rất hiệu quả. Cũng phải nói thêm rằng, Marvel vừa ký hợp đồng với Netflix cho bốn loạt phim truyền hình về Luke Cage, Daredevil, Jessica Jones và Iron Fist, cũng như hướng tới mini-series về The Defenders.
Video đang HOT
iZombie là một câu chuyện hoàn toàn riêng rẽ và không liên quan gì đến các phim còn lại.
Trở lại với các loạt phim mà DC Comics sắp sửa đem tới cho người hâm mộ, iZombie là câu chuyện kể về một sinh viên y dược bị biến thành zombie. Cô buộc phải ăn não người để tồn tại nhưng đồng thời những kí ức trong bộ não đó cũng được cô thừa hưởng. Khả năng này giúp cô có thể hợp tác với cảnh sát để phá những vụ án bí ẩn. Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Vertigo, một công ty con thuộc DC Comics, iZombie không hề có một kết nối nào với các loạt phim còn lại và khó có thể xuất hiện trong thế giới của Justice League – Liên minh Công lý.
Dựa trên Hellblazer, một bộ truyện khác của Vertigo, Constantine từng có một phiên bản điện ảnh do ngôi sao Keanu Reeves thủ vai chính. Gotham được sản xuất như một loạt phim mới và độc lập hoàn toàn. Chỉ còn lại Arrow và Flash là hai dự án có nhiều khả năng sẽ được kết nối với thế giới của Justice League mà thôi.
Cùng với Green Arrow, nhiều khả năng Flash sẽ sát cánh bên cạnh Batman, Superman và Wonder Woman trong phim điện ảnh Justice League tương lai.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hãng DC Comics vẫn hết sức kín tiếng về chuyện có kết hợp hai nhân vật Green Arrow và Flash trên sóng truyền hình hay Superman, Batman và Wonder Woman trên màn ảnh rộng không.
Rõ ràng, khi đang bị Marvel dẫn trước một khoảng cách nhất định, DC Comics buộc phải suy tính hết sức thấu đáo trong từng đường đi nước bước của việc khai thác các tài sản nguyên tác mà họ đang sở hữu. Chỉ một sai lầm nhỏ sẽ khiến DC Comics bị Marvel bỏ xa, nhất là khi các siêu anh hùng của Marvel hiện đã có thói quen bỏ túi hàng trăm triệu USD từ các phòng vé toàn cầu mỗi khi xuất hiện.
Theo Zing
Chiêu thức tạo siêu anh hùng hút khách đến 2028 của Marvel
Khi "Captain America: The Winter Soldier" đang gặt hái thành công tại các phòng vé khắp toàn cầu, Marvel tuyên bố họ đã lên một kế hoạch sản xuất phim kéo dài tới năm... 2028!
Captain America: The Winter Soldier đã xuất sắc thu về hơn 647 triệu USD trên khắp toàn cầu sau gần một tháng công chiếu. Bộ phim vừa là phần thứ hai trong loạt phim về nhân vật Captain America, vừa là bộ phim điện ảnh thứ chín về các nhân vật siêu anh hùng đến từ hãng Marvel. Năm 2008, Iron Man chính là bộ phim đầu tiên mà hãng trực tiếp đem đến cho khán giả.
Iron Man năm 2008 là khởi đầu cho mọi thành công ở thời điểm hiện tại của Marvel và Disney.
Sự hấp dẫn của The Winter Soldier không chỉ đến từ các pha hành động trong phim mà còn ở tính chất lèo lái đường dây câu chuyện mà bộ phim đã đem đến cho thế giới Marvel trên màn ảnh rộng. Bộ phim là một lời cảnh báo thực sự từ Marvel và Disney đến đối thủ DC Comics và Warner Bros., rằng sự phát triển của những phim bom tấn lẻ tẻ chỉ còn là điều dĩ vãng.
Những chiến lược khác nhau
Một điểm khiến các phim của Marvel trở nên nổi bật là sự kết nối liên tục giữa các bộ phim. Người hâm mộ thích điều này, và đó là kết quả của những chiến lược sáng tạo mạnh mẽ, kèm theo các hoạt động kinh doanh khác biệt của hãng này. Giám đốc của Marvel, Kevin Feige, vừa tiết lộ với tờ Bloomberg News rằng Marvel sở hữu một số lượng lớn các nhân vật anh hùng, với một kho tàng chuyện kể khổng lồ và kế hoạch sản xuất các phim của Marvel sẽ kéo dài đến ít nhất là tận năm 2028.
Marvel đã lên kế hoạch cho các nhân vật của họ tới tận năm 2028!
Kỳ lạ thay, Warner Bros. lại có vẻ như đang giậm chân tại chỗ. Rõ ràng hãng này đã cực kỳ thỏa mãn với thành công của bộ ba phim Batman do Christopher Nolan làm đạo diễn, và Man of Steel hồi năm ngoái của Zack Snyder nữa. Hiện Warner Bros. vẫn chưa hoạch định ra một hướng đi rõ ràng và mới mẻ nào cho các nhân vật siêu anh hùng của họ.
Sau thành công của bộ ba Dark Knight và Man of Steel, Warner Bros. gần như vẫn giậm chân tại chỗ.
Mặt khác, CEO của Warner Bros., ngài Kevin Tsujihara, lại bóng gió về dự án phim Justice League mà trong đó sẽ quy tụ nhiều nhân vật siêu anh hùng có nguồn gốc từ các truyện của DC Comics. Tuy vậy, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Warner Bros. đang dự tính điều gì trong tương lai gần, trong khi chiến lược 14 năm khổng lồ bên Marvel hiện đã được tính toán kỹ lưỡng.
Trong một cuộc phỏng vấn gầy đây với kênh IGN, David Goyer, nhà biên kịch của những bộ phim Dark Knight, Man of Steel và Batman Vs. Superman sắp ra mắt, đã tiết lộ rằng sự chần chừ khó hiểu của hãng phim là vì họ cũng đang muốn đề ra một chiến dịch tương tự Marvel. Goyer chia sẻ, "Tôi biết Warner Bros. cũng muốn các phim của họ tạo ra một thế giới chung thống nhất. Đã có nhiều cuộc bàn bạc về vấn đề này, nhưng giờ mà nói ra thì e là quá sớm. Đến nay thì WB chỉ mới đề cập sơ qua thôi".
Các anh hùng của Marvel đã tự do
Với Winter Soldier, Marvel đã hoàn thành một trong những mối nối chính trong thế giới phim của Marvel. Do đó, họ cũng đã định hình rõ ràng các nhân vật của họ, lẫn tìm ra các cách tiếp cận đa nền tảng, phân biệt rõ với các anh hùng DC của Warner Bros.
Captain America: The Winter Soldier là một mối nối quan trọng cho toàn bộ hệ thống phim xuyên suốt của Marvel.
Trong khi Nick Fury và S.H.I.E.L.D. gần như là động lực hoàn hảo để tập hợp lại các siêu anh hùng với nhiều khả năng khác nhau, thì giờ các nhà làm phim lại gặp khó khăn khi phải tìm cách làm sao để những biểu tượng mang tính toàn cầu như Hulk, Thor, và Iron Man đồng ý phục tùng cho cùng một tổ chức quân đội bí mật của Mỹ một cách thuyết phục. Vấn đề này phải được giải quyết. Và họ đã có một nước cờ thông minh: để Captain America cắt đi dây rốn đó.
Một minh chứng cho cách dẫn truyện thông minh (mà được nhiều người gọi là lật ngược thế cục) của Captain America: The Winter Soldier là Captain America và đồng đội của anh đã đáp trả lại chính tổ chức S.H.I.E.L.D. vốn đã mục ruỗng và bị kẻ xấu thâm nhập. Người anh hùng đã đứng lên chống lại âm mưu xâm lược các nước khác của S.H.I.E.L.D., phản đối sự giám sát theo kiểu mà NSA đang làm đối với công dân Mỹ, và cản trở các mục tiêu giả lập được thiết kế để đánh phủ đầu, bằng một cái cách hết sức vô kỷ luật. Thậm chí, họ còn tiết lộ thông tin mật của S.H.I.E.L.D. Tất cả những hành động này đều diễn ra mà không tạo nên bất kỳ tranh cãi nào từ khán giả về quyền chính trị.
Kết thúc phim Captain America đã trở thành một người phi chính phủ nhưng vẫn là đại diện cho chủ nghĩa anh hùng nước Mỹ.
Kết quả là S.H.I.E.L.D. thất bại. Và nền công nghiệp - quân đội đồ sộ của Hoa Kỳ chẳng còn ràng buộc Captain America lẫn đồng đội trong nhóm Avengers của anh nữa. Cuối phim, Steve Rogers đã trở thành một người phi chính phủ, trong khi vẫn còn có thể đại diện cho nhận thức của thế giới về người Mỹ: vị tha, công bằng, mang đậm chủ nghĩa anh hùng, vốn đã tồn tại từ Thế chiến thứ II.
Nói chung, Captain America: The Winter Soldier đã định vị lại hình ảnh của một anh hùng Marvel: đức hạnh tự nó đã là một phần thưởng, và hành động sai trái chẳng bao giờ thành công dù mang danh công lý. Cái kết không biện minh cho cách thức hành động.
Captain America tỏa sáng, trong khi Batman và Superman lại phải lo ngại
Cách làm của Captain America là một sự tương phản rõ rệt với những hành động theo chủ nghĩa tư duy hiệu quả của Batman và Superman trong những phim của Warner Bros. Trong Man of Steel, diễn biến câu chuyện đã vượt xa ra khỏi truyên gốc. Trận chiến của Superman với Đại tướng Zod diễn ra trong một thành phố cực kỳ đông đúc, lấy đi hàng ngàn sinh mạng người vô tội. Cuối cùng, Superman còn giết chết cả Đại tướng Zod. Tình tiết này đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi từ phía người hâm mộ, cùng với một vài tình tiết khác của phim như cha ruột của Superman Jor-El trở thành một người giỏi hành động tay chân.
Man of Steel có nhiều sáng tạo vượt xa truyện tranh gốc và từng gây ra ít nhiều tranh cãi.
Trong The Dark Knight của đạo diễn Christoper Nolan, Batman đã dùng mọi cách để bắt Joker, bao gồm cả việc lừa rất nhiều người. Anh xâm phạm vào sự riêng tư của mỗi cư dân trong thành phố để tìm thông tin về Joker. Ngay cả phim truyền hình Arrow của WB cũng kể về một siêu anh hùng đã giết hàng tá kẻ xấu trong phần đầu phim, trước khi bạn của anh qua đời và anh buộc phải thay đổi bản thân.
Marvel luôn biết cách giảm nhẹ việc giết chóc trong phim của họ một cách tinh tế.
Còn các siêu anh hùng của Marvel có giết ai không? Đương nhiên là có, thường là trong các trận chiến: Captain America nã súng vào lính Đức quốc xã, Thor nghiền nát những gã người băng khổng lồ Frost Giant, còn biệt đội Avengers đã quét sạch hàng đống kẻ xâm lược ngoài hành tinh. Vậy vì sao Marvel lại thoát khỏi việc bị người hâm mộ lên tiếng? Có lẽ vì Marvel đã giảm nhẹ vấn đề này xuống. Trong Captain America: The First Avenger, khi được hỏi liệu anh có muốn giết lính phát xít Đức hay không, Steve Rogers đã trả lời rằng: "Tôi không muốn giết ai cả. Tôi không thích hiếp đáp người khác".
Các phim siêu anh hùng của Warner Bros. thường mang màu sắc đen tối và "trưởng thành".
Trong khi đó, các siêu anh hùng trong phim của WB lại nóng nảy, nghiêm túc, và nhiều lúc cực đoan. Họ khiến cho các phim của WB mang màu sắc đen tối và "trưởng thành", để lại trong lòng người hâm mộ trung thành nhiều suy nghĩ. Các nhà làm phim của WB cố gắng khai thác sự mơ hồ trong chuẩn mực đạo đức con người, cộng hưởng với các viễn cảnh thảm họa đáng sợ (sự tàn phá thành phố Metropolis; khủng bố ở thành phố Gotham). Những phim kiểu này dĩ nhiên không hợp cho trẻ con.
Cách thức cũ và cách thức mới
Cách tiếp cận này đã khiến cho việc xác định giấy phép và quảng bá phim của WB ít thu được lợi nhuận hơn của Marvel và Disney. Một so sánh tương phản thú vị, nếu chi phí cho giấy phép được phát hành quốc tế của Marvel hay Disney là 6 tỷ mỗi năm, thì Warner Bros. lại thu về đúng con số này cho việc cấp phép phát hành (trong năm 2011). Nhưng họ không tạo hình các nhân vật siêu anh hùng DC như cách Disney đã làm. Vì thế con số ấy chỉ bao gồm việc mở rộng thêm các thương hiệu: Harry Potter, The Hobbit, và doanh thu từ phim truyền hình Looney Tunes trong những lần nhượng quyền của WB.
Green Lantern là một thất bại đáng quên đối với Warner Bros.
Hãng phim WB không mở một xưởng phim riêng cho các phim chuyển thể từ DC Comics như Disney đã làm. Các nhà điều hành khác nhau và các bên thứ ba chịu trách nhiệm cho các nhân vật ít nổi tiếng như Green Lantern,Jonah Hex, và những nhân vật chưa ra đời như Wonder Woman, hay những phim truyền hình như Smallville và Arrow. Các câu chuyện được xây dựng trong những thế giới riêng lẻ, được chuyển thể chỉn chu để hướng đến với cộng đồng fan hâm mộ. Cách làm này chỉ là mang tính truyền thống trong cả hai lĩnh vực làm phim và quảng bá phim.
Trong khi đó, về phía Marvel, với hai bộ phim sắp ra mắt là tác phẩm điện ảnh không gian mang màu sắc hài hước Guardians of the Galaxy và Avengers: Age of Ultron nhằm hoàn tất chiến dịch Phase 2 của hãng, Marvel đang chạy hết công suất. Để chiến thắng hai bộ phim bom tấn này tại các phòng vé này gần như là điều không tưởng.
Guardians of the Galaxy hứa hẹn sẽ bùng nổ kể từ ngày 1/8 tới.
Từ cách nhìn sáng tạo, các siêu anh hùng của Marvel đã trở thành những cá thể tồn tại vượt qua luật pháp quốc gia, ranh giới giữa các nước và những kế hoạch ngầm. Giờ đây, họ thuộc về cả thế giới, và chúng ta sẽ có thể dõi theo hành trình của họ qua những bộ phim được công chiếu ngoài rạp và trên truyền hình. Chiến lược truyền thông dài hơi này đã được Feige và người của ông hoạch định sao cho phù hợp với những nguyên tắc quan trọng trong một trong những chiến dịch quy mô nhất thế kỷ XXI: bộ phận tầm nhìn chiến lược phải cho ra mắt các phim bom tấn ngay lập tức, cả khi họ có phải dời đi hoãn lại sau đó, và thế giới trong phim phải kết nối xuyên suốt, mỗi phim đóng góp một ít tình tiết vào câu chuyện chung, qua các cổng truyền thông truyền thống lẫn hiện đại.
Vậy điều gì đã khiến Warner Bros. cứ giậm chân tại chỗ, trong khi các hãng phim lớn như Sony Pictures (với The Amazing Spider-Man) và 20thCentury Fox (với X-Men và The Fantastic Four phiên bản mới sắp tới) đã công bố các loạt phim có tính kết nối với nhau như vậy? Đó là một bí mật mà có lẽ chỉ có kỵ sĩ bóng đêm Batman mới có thể đoán ra nổi.
Theo Tri thức
"Batman vs. Superman" kết nạp anh hùng nửa người nửa rô-bốt Theo thông tin hiện tại, Cyborg đã được nhà sản xuất kết nạp vào dự án đình đám "Batman vs. Superman" bên cạnh các anh hùng khác. Cách đây không lâu, thông tin về bộ sậu các anh hùng then chốt của Justice League sẽ xuất hiện trong Batman vs. Superman đã khiến fan của DC Comics được phen thấp thỏm. Sau Wonder...