Siết thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Ảnh hưởng quyền lợi sinh viên
Việc Bộ GD-ĐT thông báo dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để siết chặt quản lý theo quy định mới gây ảnh hưởng đến người học, nhất là sinh viên sắp tốt nghiệp với chuẩn đầu ra là ngoại ngữ quốc tế.
Hiện các trường đại học (ĐH) vừa tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT vừa có giải pháp để đảm bảo quyền lợi của sinh viên.
Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghệ TPHCM tổ chức dạy tiếng Anh cho sinh viên
Hụt hẫng
Hiện nay, trên các diễn đàn mạng xã hội tràn ngập các thông tin bày tỏ lo lắng trước việc dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam như chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL, PTE…), tiếng Nhật ( NAT-TEST), tiếng Hàn ( TOPIK)… Sinh viên V.T.L. (Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TPHCM), lo lắng: “Mình còn mỗi chứng chỉ ngoại ngữ là hoàn tất hồ sơ xét tốt nghiệp. Đầu tháng 11, mình đăng ký dự thi IELTS, nộp lệ phí 4,6 triệu đồng và nhận thông báo thi ngày 17-12 tại TPHCM. Tuy nhiên, đến ngày 10-11, mình nhận được email từ đơn vị tổ chức thông báo sẽ hoãn các kỳ thi IELTS cho đến khi có thông báo mới. Nếu như vậy mình sẽ không được xét tốt nghiệp vì chưa hoàn thành chuẩn đầu ra môn tiếng Anh”.
Sinh viên của nhiều trường ĐH tại TPHCM đăng ký thi các chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật trong tháng 11, tháng 12 cũng tỏ ra hết sức lo lắng vì không nộp chứng chỉ ngoại ngữ (chuẩn đầu ra) thì sẽ không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. L.T.T.T. (học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Hưng Hòa) chia sẻ: “Năm 2023, mình dự tính thi vào ngành Đông phương học Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), trường có ưu tiên xét thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Vì vậy, mình đăng ký dự thi để lấy chứng chỉ NAT-TEST vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, mình cũng vừa nhận được thông báo tạm hoãn và chờ thông báo mới. Thật sự mình rất lo lắng, nếu không có thông tin mới chắc mình phải chuyển hướng sang ngành học khác”.
Video đang HOT
ThS La Thanh Hùng, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Hiện nay, hầu như trường nào cũng quy định chuẩn đầu ra là ngoại ngữ trình độ quốc tế hoặc các chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Vì vậy, những sinh viên năm cuối sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì xét tốt nghiệp phải có chuẩn ngoại ngữ đầu ra”.
Phải đảm bảo quyền lợi cho sinh viên
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng, việc dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế do các trung tâm Anh ngữ không đáp ứng đủ các điều kiện theo Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Việc này một phần có sự chậm trễ của cơ quan quản lý cũng như các đơn vị tổ chức thi chưa đáp ứng kịp thời. Hy vọng các bên phối hợp giải quyết nhanh chóng để tạo thuận lợi cho người có nhu cầu. Về phía nhà trường, các đợt xét tốt nghiệp rơi vào tháng 7 và tháng 11 nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến sinh viên. Để tạo thuận lợi cho sinh viên, nhà trường cho sinh viên lựa chọn giữa thi B1, B2 chuẩn châu Âu hay thi TOEIC, TOEFL…. Riêng thí sinh xét tuyển ĐH cho năm 2023 không nên lo lắng nhiều vì trường đưa ra điều kiện nhiều loại chứng chỉ ngoại ngữ, miễn là thí sinh có năng lực ngoại ngữ tốt là có điểm ưu tiên.
Theo lãnh đạo một trường ĐH tại TPHCM, thực tế các kỳ thi năng lực ngoại ngữ, trong đó có NAT-TEST (tiếng Nhật), Hán ngữ (HSK, HSKK), tiếng Hàn (TOPIK), vừa qua phải tạm hoãn ở Việt Nam. Những kỳ thi này các đơn vị sở hữu bài thi rất khắt khe trong việc lựa chọn đơn vị liên kết tại Việt Nam, đặc biệt xét về năng lực tổ chức. Việc chấp hành quy định của Bộ GD-ĐT về mặt quản lý là tất yếu. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT dường như hơi vội vàng, nếu có sự làm việc trước với các đơn vị tổ chức thi từ sớm để xác định lộ trình chuyển đổi, tránh bị động về thời gian dẫn đến phải hoãn thi nhiều đợt, tác động đến tâm lý và quyền lợi người học. Bộ GD-ĐT chỉ nên dừng những đơn vị tổ chức thi có nhiều tai tiếng để kiểm tra. Với những đơn vị tổ chức tốt, vẫn cho tổ chức thi và quy định thời hạn bổ sung hồ sơ theo quy định mới thì sẽ hợp tình, hợp lý hơn.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho rằng, quyết định dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ khiến một số sinh viên tốt nghiệp trễ nếu như đã định hướng lấy chứng chỉ quốc tế. Do đó, nếu sinh viên đang định hướng lấy chứng chỉ quốc tế để bổ sung điều kiện tốt nghiệp đợt này chắc sẽ phải chờ thêm 1 thời gian để xem các quyết định sắp tới của Bộ GD-ĐT, hoặc có thể chuyển hướng qua kỳ thi B1 theo khung châu Âu.
Trước những băn khoăn của người có nhu cầu thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Những yêu cầu của Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT là cần thiết để đảm bảo chất lượng cũng như bảo vệ quyền lợi của người dự thi lấy chứng chỉ. Những yêu cầu trong thông tư không khó để các đơn vị thực hiện, chủ yếu là các quy định về đảm bảo tổ chức liên kết, đội ngũ, cơ sở vật chất, tính bảo mật, không chọn các đề vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam”. Về thiệt hại của người học khi bị đảo lộn kế hoạch học tập và công việc khi không thể thi lấy chứng chỉ quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ chủ động cùng các đơn vị rà soát, kiểm tra vướng mắc để cùng tháo gỡ, hỗ trợ để các đơn vị có thể tổ chức thi cấp chứng chỉ trở lại trong thời gian sớm nhất trên tinh thần đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, trung tâm đã thông báo tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài từ giữa tháng 9-2022 để hoàn tất hồ sơ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong thời gian tạm dừng tổ chức thi, trung tâm hỗ trợ thí sinh bảo lưu lệ phí, điều chỉnh cấp độ dự thi và thông tin thí sinh…
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, việc tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ theo Thông tư 11 của Bộ GD-ĐT do quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Việc hoãn thi không chỉ diễn ra với các chứng chỉ tiếng Anh mà còn đối với chứng chỉ tiếng Trung và tiếng Nhật. Sở sẽ tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tăng cường rà soát, quản lý các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn; chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài khi có quyết định phê duyệt hoặc gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD-ĐT.
Bảo đảm quyền lợi cho người học lấy chứng chỉ ngoại ngữ
Vài ngày nay, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới việc một số trung tâm thông báo tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa có văn bản yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này trên địa bàn. Vì sao có hiện tượng này và phương án giải quyết của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra sao là mối quan tâm hiện nay.
Hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đang có xu hướng phát triển mạnh.
Trao đổi với phóng viên ngày 10-11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc tăng cường giám sát để các đơn vị chấp hành đúng quy định của Việt Nam là cần thiết với mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ quyền lợi của người học.
Còn nhiều bất cập
Về hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, hoạt động này có xu hướng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ còn tràn lan với nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ, khó kiểm soát về chất lượng.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...). Tình trạng này dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: Thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc. Người dân cũng lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi, giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam hiện nay được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích của người được cấp chứng chỉ và các bên liên kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT); đôn đốc, chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện đúng trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
Sẽ công khai danh sách các trung tâm đủ điều kiện
Lý giải về việc một số trung tâm tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trong vài ngày gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các bên liên kết và khẩn trương nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định, nhưng việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu. Điều đáng nói là một số đơn vị chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết; thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
"Việc một số trung tâm thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các đơn vị", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.
Trước băn khoăn của dư luận xã hội và người học về thời điểm các đơn vị tiếp tục tổ chức thi cấp chứng chỉ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định để được thẩm định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý nhanh nhất (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người học biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.
Học viên 'sốt ruột' chờ tiếp tục được thi IELTS Việc Bộ GD-ĐT bất ngờ thông báo các cơ sở giáo dục tạm dừng thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài từ ngày 10-11 đã khiến nhiều học viên và phụ huynh lo lắng. Các trung tâm Anh ngữ cũng đang 'nóng ruột' chờ Bộ GD-ĐT sớm có quyết định mới nhất về vấn đề này để ổn định tâm...