Siết liên thông: Đang học có được chuyển tiếp?
Trong khi Bộ GDĐT khẳng định: Thông tư 55 chỉ “chỉnh” chứ không “chặn” người có nhu cầu học, kèm theo các điều kiện để “siết” đầu vào nhằm nâng cao chất lượng. Câu hỏi dư luận cũng như người đang học hệ đào tạo liên thông quan tâm: Người đang học “dở dang” có được “chuyển” tiếp hay phải chịu “thiệt thòi” bởi quy định của thông tư?
Sinh viên lo “tiền mất, tật mang”
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Thông tư 55, hàng vạn sinh viên đang theo học hệ này bàng hoàng, cho rằng đã bị “tiền mất, tật mang”. Cộng đồng mạng xôn xao trước tâm thư của nữ sinh cao đẳng gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Nhiều sinh viên mong muốn bộ “hoãn” tính hiệu lực của Thông tư 55 vì ít ra người thì đã học được một năm, người thì chỉ còn vài tháng nữa là đã được liên thông lên đại học. Thậm chí có sinh viên còn hiến kế giải pháp cho bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.
Trên facebook của mình, sinh viên Nguyễn Mạnh Khoa trải lòng mang hàm ý trách lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Các bác mở trường, chúng em đóng tiền học, nay đang học dở dang thì các bác ra quyết định chặn. Nếu các bác không mở hệ đào tạo này thì chúng em đã chọn ôn thi lại một năm để năm sau thi lại. Các bác lãnh đạo bộ cũng quá hiểu, bây giờ đi xin việc, nếu không có tấm bằng đại học thì khó lắm các bác ơi”.
Sinh viên Hoàng Tuấn Minh nuối tiếc: Hai năm trước tôi dự thi 2 trường đại học, nguyện vọng 1 là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì thiếu đúng 0,5 và thừa điểm vào Trường Đại học Thương mại. Nhưng do yêu “cơ khí”, tôi quyết định học hệ cao đẳng để liên thông lên ngành học, trường đại học mình yêu thích. Nay tôi vừa học được 2/3 chặng đường thì bộ ra Thông tư 55, buộc tôi – một người có học lực tương đối khá – cũng đã phải quay lại từ bước đầu…
Một buổi dạy thực hành tại Trường trung cấp nghề Công đoàn Việt Nam
Video đang HOT
Cho đến nay, sau khi Thông tư 55 được công bố trước bàn dân thiên hạ, phát ngôn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên phương tiện thông tin đại chúng là trả lời của Thứ trưởng Bùi Văn Ga và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bùi Anh Tuấn. Tuy nhiên, cả hai quan chức của bộ cũng chỉ giải thích lý do ban hành Thông tư 55 và những điểm mới của quy chế đào tạo liên thông. Trong khi sinh viên học hệ đào tạo này lại không tiếp cận Thông tư 55 và quy định ban hành kèm thông tư. Và chỉ biết “số phận” học hành của mình sẽ “chấm hết” qua thông tin trên báo chí. Cả xã hội và đặc biệt là người học liên thông đã phản ứng dữ dội với bộ chủ quản.
Xin được viện dẫn, trả lời câu hỏi của phóng viên: “Có thể tạm hoãn thời gian thực hiện Thông tư 55 (hiệu lực từ ngày 7/2/1013) để những sinh viên đang học năm cuối, đang chuẩn bị thi liên thông ngay có thời gian “thu xếp…”, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – đã khẳng định: Theo quy định của pháp luật, thông tư có hiệu lực sau 45 ngày. Còn nói về chuyện tạm hoãn, nếu hoãn thì hoãn đến bao giờ? Nửa năm, một năm hay hai – ba năm cũng thế…” khiến cho hàng vạn sinh viên học liên thông đã quả quyết rằng bộ đã chặn đường vào đại học của họ.
Có hiệu lực hồi tố hay không?
Vấn đề mấu chốt mà xã hội và đặc biệt là người học quan tâm, đó là những sinh viên đang theo học hệ liên thông có “bị” áp dụng ngay sau khi Thông tư 55?
Tìm đọc Thông tư 55 và quy định bàn hành kèm theo thông tư có 22 điều. Trong đó điều 22 – Quy định chuyển tiếp. Cụ thể như sau: Đối với các khóa tuyển sinh đào tạo liên thông trước thời điểm thông tư này có hiệu lực, cơ sở giáo dục đại học thực hiện đào tạo liên thông theo Quyết định 06/2008 ngày 13/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư liên tịch số 27/2010 ngày 28.10.2010 liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Các cơ sở giáo dục đại học rà soát đảm bảo các điều kiện tổ chức đào tạo liên thông quy định tại điều 4 quy định này, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/6/2013.
Trao đổi với một số sinh viên về điều 22, họ cho biết bộ quy định quá chung chung, mập mờ, khó hiểu. Sau khi được tiếp cận điều 22, xảy ra hai luồng ý kiến. Một là những người đang học dở dang theo Quyết định 06 và Thông tư liên tịch 27 thì những người đang học dở dang hệ đào tạo này vẫn được học tiếp để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho người học. Thông tư 55 chỉ hiệu lực cho mùa tuyển sinh bắt đầu từ năm nay (2012-2013). Bộ công bố thông tư vào thời điểm trước mùa tuyển sinh để thí sinh nắm rõ quy chế của hệ đào tạo liên thông, người học lựa chọn hệ đào tạo để theo học.
Luồng ý kiến thứ 2 thì vẫn khăng khăng họ đã bị chấm dứt ngay, không được liên thông tiếp. Trên diễn đàn “Hội những người bức xúc với quy định về đào tạo liên thông”, có ý kiến cho biết có trường đại học đang tổ chức “chạy” thi liên thông trước ngày Thông tư 55 có hiệu lực, nên việc họ bị “dở dang” chuyện học hành là có cơ sở.
Theo Linh Trần (Lao Động)
Tuyển sinh và "liệu pháp sốc"
Vài tháng nữa mùa tuyển sinh 2013 sẽ bắt đầu. Thời điểm này các trường đang ra sức khởi động các chương trình tư vấn tuyển sinh.
Trong khi ở các "lò" luyện, hàng ngàn thí sinh vẫn đang ngày đêm văn ôn, võ luyện chuẩn bị bước vào cuộc đua sinh tử. Tuy nhiên, đối với một bộ phận không nhỏ thí sinh, kỳ thi năm nay sẽ trở nên cực kỳ khó khăn khi Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định mới về đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ chính thức có hiệu lực từ ngày 7/2/2013. Theo đó, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, muốn học liên thông lên trình độ cao hơn khi chưa đủ 36 tháng phải dự thi các môn văn hóa, năng khiếu cùng học sinh THPT qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hàng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 7.
Ngoài ra, cũng theo quy định, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên thông của các trường không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy. Có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ khi mở rộng hình thức giao tự chủ về cho các trường ĐH, cơ quan chủ quản có động thái mạnh nhằm chấn chỉnh tình trạng "biến tướng" liên thông, "lạm phát" ĐH đang phổ biến hiện nay.
Các trường trung cấp, cao đẳng nghề được trả lại đúng vị trí và vai trò của nó, không còn là "trạm dừng chân" quá độ lên ĐH. Đơn vị nào trước giờ quen đào tạo theo kiểu "ăn xổi", liên kết dễ dãi, đào tạo chui, cắt xén chương trình, chạy theo số lượng bỏ quên chất lượng sẽ lập tức bị đào thải. Chất lượng đầu vào trở thành một trong những yếu tố quan trọng đánh giá hiệu quả đào tạo và "chất" của đầu ra.
Với một bộ phận không nhỏ thí sinh, kỳ thi năm nay sẽ trở nên cực kỳ khó khăn (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có điều đáng lo ngại. Thứ nhất, chủ trương đưa ra là đúng nhưng hiệu lực thi hành quá gấp (trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 chưa đầy 5 tháng) sẽ khiến số phận hàng ngàn thí sinh lỡ chọn đường vòng vào ĐH từ cách đây 2, 3 năm rơi vào bất ổn.
Thứ hai, nếu làm không khéo, quy định trên chẳng những không thể giúp các trường trung cấp, cao đẳng nghề mở rộng hơn nguồn tuyển mà trái lại, càng làm tình hình tuyển sinh ở những trường này bi đát hơn. Trong điều kiện hướng nghiệp ở phổ thông của chúng ta còn yếu kém, thắt chặt giấc mơ ĐH ở đầu này chưa chắc sẽ mở lối định hướng nghề cho học sinh ở đầu kia. Bằng chứng là đã có nhiều em ngay sau khi nghe phổ biến quy định mới quyết định chỉnh sửa lại hồ sơ thi ĐH. Thay vì lựa chọn những ngành phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, các em lại có khuynh hướng đổ dồn về những ngành được cho là ít người học để chắc một "suất" vào ĐH. Điều này vô hình chung sẽ tạo nên lãng phí về nhân lực và hiệu quả đào tạo, làm rối loạn nhu cầu phân bổ lao động của xã hội.
Thứ ba, quy định lần này phải chăng một lần nữa thể hiện sự bất lực trong quản lý của cơ quan chủ quản khi trước đó chưa lâu, Bộ GD-ĐT từng đưa ra quy chế đào tạo liên thông, giao tự chủ về cho các trường thực hiện liên thông từ trung cấp lên CĐ và CĐ lên ĐH. Song, trước thực tế đào tạo bát nháo, bộ lại ra thông tư mới theo kiểu quản không nổi thì... hạn chế?
Như vậy, chủ trương là đúng nhưng ban hành vào thời điểm này khiến không ít người bị "sốc". Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, Thông tư lần này hy vọng sẽ là bước điều chỉnh hợp lý, nâng cao giá trị thật của tấm bằng cử nhân.
Theo Thanh Thu (Sài Gòn giải phóng)
Siết liên thông gây khó cho người học? Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ có hiệu lực. Đồng ý với tinh thần siết chặt và nâng chất lượng đào tạo liên thông nhưng theo lãnh đạo một số ĐH, việc SV phải thi ĐH, CĐ như học sinh phổ thông là "vô vọng", khó thực...