Siết cho vay tiêu dùng: FE Credit sẽ ảnh hưởng nhiều nhất
Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI – SSI Research vừa có báo cáo đánh giá về ảnh hưởng của các Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
FE Credit sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thông tư mới của NHNN (Nguồn: Internet)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN, theo đó đưa ra một số quy định liên quan đến trần tỷ trọng cho vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Cụ thể, giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay xuống mức 30% vào năm 2024. Được biết, quy định này chỉ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng. Lộ trình giảm được kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm từ 2021 đến 2024.
Lộ trình giải ngân như sau: Từ 1/1/2021 đến 31/12/2021 giảm xuống 70%; từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2023 là 50% và từ 1/1/2024 còn 30%.
Thông tư cũng yêu cầu các công ty tài chính trong quá trình giải ngân trực tiếp cho khách hàng cần “đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng không được phép sử dụng các biện pháp đe dọa để thu hồi nợ. Số lần nhắc nợ giữa công ty tài chính và bên vay tối đa không quá 5 lần/ngày. Ngoài ra, hình thức và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7:00 đến 21:00.
NHNN cũng yêu cầu các công ty tài chính không thu hồi nợ bằng cách liên lạc với những tổ chức và cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, trừ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan.
Video đang HOT
Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI – SSI Research đánh giá: “Tác động của Thông tư này đối với hoạt động cho vay của các công ty tài chính nhẹ nhàng hơn khá nhiều so với Dự thảo Thông tư trước đây, khi đã đưa ra một lộ trình để các công ty tài chính tái cấu trúc danh mục cho vay, tránh ảnh hưởng đột ngột đến NIM (Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) và lợi nhuận.”
Theo đánh giá của SSI, FE Credit sẽ là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thông tư mới. Bởi lẽ FeCredit có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt. Cụ thể, cơ cấu sản phẩm bao gồm 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng.
Hiện tại tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng ở công ty này hiện dưới 70%. Đến năm 2021, các quy định mới sẽ vẫn chưa có tác động quá lớn với FeCredit, tuy nhiên từ năm 2022-2024, FE Credit có thể phải hy sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn.
HDSaison được SSI đánh giá sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do cơ cấu cho vay tiền mặt chỉ chiếm 33%. Mặc dù các khoản vay tiền mặt của MCredit trong tổng dư nợ cho vay là khoảng 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm có thể dễ dàng hơn do quy mô vẫn còn khiêm tốn./.
Trâm Anh
Theo Viettimes.vn
Rủi ro nợ xấu từ cho vay tiêu dùng
Các ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh cho vay bán lẻ, cho vay tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng ngày càng siết chặt hơn.
Thế nhưng, lợi nhuận cao luôn song hành với rủi ro lớn. Mặc dù không có số liệu bóc tách cụ thể, nhưng chắc chắn cho vay tiêu dùng cũng đóng góp một phần không nhỏ vào bức tranh nợ xấu chung của ngành ngân hàng.
Nhiều ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng đang phối hợp với các siêu thị điện máy để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Bùng nổ cho vay tiêu dùng
"Bạn đang cần tiền để thực hiện dự định cưới hỏi, du lịch, vui chơi hay tiêu dùng, mua sắm trang thiết bị nội thất, đồ gia dụng cho gia đình... mà không muốn thế chấp tài sản đảm bảo?..."; "Vay nhanh không thế chấp với lãi suất linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu nhanh chóng, thuận tiện, không cần tài sản bảo đảm"... thậm chí "Cần tiền? Có liền trong 5 phút"... Đó chính là những lời quảng bá về sản phẩm vay tiêu dùng và vay thấu chi qua thẻ, mà hầu hết các ngân hàng đang triển khai hiện nay.
Trên thực tế mấy năm gần đây, hấu hết các nhà băng đã chuyển hướng sang tín dụng bán lẻ, tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân trong việc vay tiền mua xe ô tô, xây dựng, sửa chữa nhà... Cho vay tiêu dùng càng phát triển mạnh mẽ khi quan điểm của nhà điều hành đối với hoạt động này đã thay đổi. Nếu như trước đây, NHNN xếp hoạt động cho vay tiêu dùng vào nhóm có rủi ro cao và không khuyến khích các ngân hàng cho vay tiêu dùng, thì hiện nay lại yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để chống tín dụng đen.
Trong Báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, NHNN Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 8/2019, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%; trong khi tốc độ tăng tín dụng chung trong 9 tháng đầu năm chỉ là 9,4%. Hiện dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tới 20,69% tổng dư nợ tín dụng.
Báo cáo tài chính 9 tháng của nhiều ngân hàng cũng ghi nhận cho vay tiêu dùng tăng trưởng với tốc độ khá cao và chiếm một tỷ trong không nhỏ trong tổng dư nợ cho vay khách hàng. Đơn cử như VIB, tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay cá nhân và cho vay khác của ngân hàng này chiếm tới 78% tổng dư nợ và tăng 35,9% so với cuối năm 2018, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 28,2%. Hay như VPBank cũng ghi nhận cho vay đối với hộ kinh doanh và cá nhân tăng 13,1% trong 9 tháng đầu năm nay và hiện phân khúc này chiếm tới 57,16% tổng dư nợ cho vay khách hàng- cao nhất trong các nhóm khách hàng...
Lợi nhuận cao kèm rủi ro lớn
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đổ xô cho vay tiêu dùng là để tối đa hóa lợi nhuận. "Tăng trưởng tín dụng ngày càng được siết chặt hơn để ngăn ngừa rủi ro cho hệ thống. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ có xu hướng đẩy vốn vào những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao như cho vay tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận, bởi lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn nhiều lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác", vị chuyên gia ngân hàng này cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại chủ yếu là do mức độ rủi ro đối với cho vay tiêu dùng cao hơn. Bởi về nguyên tắc, mức độ rủi ro càng cao đòi hỏi lãi suất cho vay phải lớn mới đủ để bù đắp rủi ro. Ngay cả cơ quan quản lý những năm trước đây cũng xem cho vay tiêu dùng có mức độ rủi ro cao và không khuyến khích cho vay đối với lĩnh vực này.
Thực tế cũng đã chứng minh cho chân lý "lợi nhuận cao, rủi ro lớn" khi soi chiếu vào hoạt động của các nhà băng. Theo đó, không thể phủ nhận việc hầu hết các nhà băng đã thu lãi lớn trong 9 tháng đầu năm nay, mà trong đó có phần đóng góp không nhỏ của tín dụng tiêu dùng. Thế nhưng, đi kèm với mức lợi nhuận khủng này, nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh mà nguyên nhân chính từ cho vay tiêu dùng.
Theo Báo cáo của NHNN gửi tới các đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối tháng 8/2019 là 1,91%. Có nghĩa nợ xấu đã tăng nhẹ so với mức 1,89% vào cuối năm 2018. Nếu xét về số dư nợ xấu tuyệt đối, chắc chắn còn tăng cao hơn nhiều.
Đáng quan ngại hơn, theo vị chuyên gia ngân hàng trên, các khoản cho vay đầu tư bất động sản ẩn trong tiêu dùng. "Do các khoản cho vay mua nhà thường có thời hạn rất dài, giá trị cho vay lại lớn, trong khi thị trường bất động sản vẫn còn những cơn sốt nóng lạnh rất bất thường... Tất cả những điều đó khiến rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này là rất lớn", vị chuyên gia này cảnh báo.
Vì lẽ đó, theo vị chuyên gia này, các ngân hàng không nên chỉ chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà quên đi các tiêu chí phòng ngừa rủi ro. "Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để cải thiện lợi nhuận cũng là điều tốt. Xét ở góc độ nào đó, cho vay tiêu dùng cũng có tác động khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh và hạn chế tín dụng đen. Thế nhưng, dù là cho vay đối với bất kỳ mục đích gì, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải bảo toàn vốn. Muốn vậy, cần tuân thủ nghiêm các quy định về quản trị rủi ro", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
NHNN vừa ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi một số quy định về cho vay tiêu dùng. Theo đó, từ năm 2020, tỷ lệ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng không được chiếm quá 70% tổng dư nợ tiêu dùng của công ty. Từ đầu năm 2022 đến hết ngày năm 2022, tỷ lệ này giảm xuống 60%. Từ đầu năm 2023 đến hết năm 2023 là 50% và kể từ năm 2024 trở đi là 30%.
Công ty tài chính chỉ được giải ngân tiêu dùng cho khách hàng không có nợ xấu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất với lúc ký kết hợp đồng.
Ngoài ra tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN vừa ban hành cũng quy định các nhà băng khi cho vay tiêu dùng với một khách hàng có tổng dư nợ từ 4 tỷ đồng sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ đầu 2020 đến hết năm 2020 và nâng lên 150% kể từ đầu năm 2021.
Hà Anh
Theo Vtc.vn
Công ty tài chính không được đe dọa khách hàng, chỉ nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty...