Sĩ tử đợt 2 đã sẵn sàng ‘chinh chiến’
Những “chiến sĩ” thuộc các khối B, C, D đã đến trường xem số báo danh, làm thủ tục dự thi và nghe giám thị phổ biến quy chế trong sáng nay.
Sáng nay (8/7), thí sinh đã đến các điểm thi để xem số báo danh, nhận phòng thi và nghe phổ biến quy chế thi đại học. Đây là đợt 2 trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, với các khối B,C, D…..
Thí sinh Hà Nội thoải mái trong thời tiết mát mẻ
Tại Hà Nội, sau cơn mưa đêm qua, thời tiết buổi sáng mát mẻ, đây là điều kiện lý tưởng nhất trong mùa tuyển sinh năm nay. Có lẽ vì thế mà tâm trạng thí sinh và người nhà cũng rất thoải mái, không rã rời vì nắng như ở đợt 1.
Em Nguyễn Thu Hà, học sinh trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) cho biết: “Sáng nay em đến trường lúc 6h30, anh trai em chở đi, trời mát nên em cảm thấy rất thoải mái. Hơn nữa em cũng đã ôn thi rất đầy đủ nên đã sẵn sàng cho việc thi cử”.
Thu Hà đã từng thi khối A vào Học viện Ngoại giao bởi cô bạn quyết tâm trở thành sinh viên ngôi trường này. Hà cho biết đề khối A mình làm rất tốt, riêng môn Toán đạt khoảng 80 %, trong 3 môn khối D diễn ra hai ngày tới, Hà cảm thấy tự tin nhất cũng ở môn Toán.
Trong khi đó, em Nguyễn Thúy Anh, thí sinh thi vào trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: “Em không thi khối A, sau khi thử làm bài môn Toán thì em làm được khoảng 70 %, với đề Toán khối D thì em nghĩ sẽ dễ hơn nên cũng cảm thấy tự tin. Trong 3 môn Toán, Văn, Anh, em tự tin nhất ở môn tiếng Anh”.
Sáng nay, vì thời gian thí sinh đến địa điểm thi trùng vào giờ làm việc hành chính nên các tuyến đường ở Hà Nội không được thông suốt. Tại những phố có nhiều điểm thi, dù có rất đông đảo lực lượng tình nguyện viên, cảnh sát giao thông nhưng xe cộ vẫn phải di chuyển rất khó khăn.
Sỹ tử TP.HCM đủng đỉnh đi nhận phòng thi
Sáng nay, 8/7, các phụ huynh và sĩ tử tại TP.HCM đã đổ về các địa điểm thi để tiến hành nhận phòng thi và làm các thủ tục đăng ký dự thi các khối B,C,D… kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2011.
Trải qua một đêm mưa, thời tiết ngày nhận phòng thi của các sỹ tử tham gia đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 tại TP.HCM khá mát mẻ. Tại các cửa ngõ vào TP.HCM, ngay từ sáng sớm, phụ huynh và thí sinh tại các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai đã đổ về thành phố. Từ khoảng 5h sáng, các đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi đã có mặt tại các chốt trực để làm nhiệm vụ tình nguyện hướng dẫn và hỗ trợ phụ huynh và các thí sinh. Trong buổi sáng hôm nay, các trường tiếp tục thực hiện việc chỉnh sửa sai sót trong giấy báo thi. Những trường hợp chỉnh sửa giấy báo thi nhiều nhất được ghi nhận vẫn là điều chỉnh về hộ khẩu trên giấy báo thi vì lo ảnh hưởng đến điểm ưu tiên khu vực.
Một sỹ tử đang ngơ ngác trước địa điểm thi trường ĐH Kinh tế – Luật
Tuy nhiên, nhiều sỹ tử khác lại tỏ ra khá đủng đỉnh
Ngay từ sáng sớm, lực lượng Tiếp sức mùa thi đã có mặt tại các chốt trực để tham gia hỗ trợ phụ huynh và sỹ tử.
Video đang HOT
Theo ghi nhận, tại hầu hết các điểm thi, do đã tham gia đợt thi đầu, nhiều thí sinh đã nắm khá rõ các thủ tục dự thi như việc trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh vừa tốt nghiệp năm 2011), bằng tốt nghiệp (đối với thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2011), chứng minh nhân dân, phiếu số 2 có đóng dấu trong hồ sơ đăng ký dự thi, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có)… Nhiều sĩ tử còn cẩn thận hơn như Hồ Văn Vĩnh (quê Gia Lai), thi vào Đại học Khoa học Tự nhiên còn mang theo cả học bạ “cho chắc ăn”.
Ông Nguyễn Tấn Trọng (Tiền Giang) đưa con trai đi thi tại trường Đại học Kinh tế – Luật, cho biết: “Do con tôi đã tham gia thi khối A nên có kinh nghiệm trong ngày đầu làm thủ tục này. Hai cha con vẫn dậy từ sáng sớm, nhưng cũng không cần vội vàng vì cháu đã nắm rõ nội quy phòng thi sau đợt thi đầu”.
Dù mới là ngày làm thủ tục nhưng nhiều phụ huynh đã tỏ ra khá sốt ruột
Vẫn xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ tại địa điểm thi của trường Đại học Kinh tế – Luật
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 có tổng số 1.964.598 hồ sơ, trong đó 1.471.808 hồ sơ thi ĐH (chiếm 74,9%) và 492.790 hồ sơ thi CĐ (chiếm 25,1%). Trong tổng số hồ sơ dự thi, khối B có 381.503 hồ sơ, chiếm 19,4%; Khối D có tổng số 304.480 hồ sơ, chiếm 15,5%; khối C 125.264 hồ sơ, chiếm 6,4%. Các khối khác có tổng số 68.768 hồ sơ, chiếm 3,5%.
Ngày mai (9/7), thời gian có mặt tại phòng thi của thí sinh là 6h30 nên sẽ giảm thiểu được tình trạng này, đảm bảo cho thí sinh không bị tắc đường. Đúng 7h15 thí sinh làm bài môn Ngữ văn, thời gian 180 phút (khối D, C) và môn Sinh học dành cho khối B.
Một số hình ảnh thí sinh trong buổi sáng làm thủ tục thi:
Xem số báo danh.
Dùng điện thoại chụp lại thông tin cho chính xác.
Làm thủ tục, giám thị xem xét rất kỹ giấy tờ tùy thân của thí sinh và bảng danh sách thi sinh bằng ảnh.
Ký nhận thông tin cá nhân.
Chăm chú lắng nghe giám thi đọc quy chế tuyển sinh.
Ngồi lặng lẽ một mình trong phòng thi rộng rãi.
Nhưng cũng có những thí sinh đã nhanh chóng quen nhau.
Sĩ tử trò chuyện vui vẻ, tâm lý rất thoải mái trước khi bước vào “cuộc chiến” diễn ra vào ngày mai.
Bên ngoài phụ huynh ngồi thành những dãy dài với trạng thái cũng không quá căng thẳng như cảnh thường thấy ở đợt tuyển sinh khối A, V diễn ra vào những ngày trước.
Theo BĐVN
Đậu đại học hay 'lãnh án tử'?
Ngày mai thí sinh sẽ bước vào kì thi ĐH đợt 2. Áp lực có được "vé" vào ĐH khiến không ít thí sinh thay vì chăm chỉ ôn luyện hoặc nghỉ ngơi tạo tâm lý thoải mái thì chen chân tại các cửa hàng photo để làm phao...
Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2 sáng 8/7. (Ảnh Lê Anh Dũng)
Hết bám "phao" lại "ôm tủ"
Khi được hỏi các thí sinh cho rằng càng sát ngày thi càng không có tâm trạng để đi chơi xả stress vì lúc nào cũng cảm thấy bất an, lo lắng. Thậm chí, có những em không ăn không ngủ được vì sốt ruột. Bởi vậy, nhiều sĩ tử "rủ nhau" đi làm "phao" dự phòng. Vì thế trước ngày thi vài ngày, các cửa hàng photo khu vực gần các trường ĐH luôn hoạt động hết công suất.
Thông thường, các thí sinh luôn có "chiến hữu" đi cùng, mỗi nhóm từ ba người trở lên. Chỉ cần một bộ tài liệu chuẩn bị sẵn có thể làm thành vô số "phao" dự phòng theo nhu cầu của người dùng. Có những bạn muốn nhanh gọn nên đã mua luôn "phao" mà các chủ quán photo đã chuẩn bị sẵn.
Cầm trên tay một tập tài liệu dày cộp với những dòng chữ nhỏ xíu nhưng Hà Huy Tuấn (Lục Ngạn, Bắc Giang) lý giải: "Em đi photo về học chứ không phải để mang vào phòng thi, bạn em bảo trong đây có một vài phần trọng tâm nên cũng xem thử thế nào. Chữ nhỏ thế này em đọc quen rồi nên thấy bình thường".
Còn nhóm bạn của Nguyễn Hoàng Dương (Nam Sách, Hải Dương) trong lúc ngồi đợi chủ quán làm tài liệu đã thừa nhận: "Giờ này mà đi photo thì chỉ có làm "phao" chứ học hành gì? Thực ra chúng em cũng ôn nhiều rồi, nhưng vẫn lo nhất là môn Sử vì khó nhớ mốc năm, sự kiện, nhiều khi hay lẫn kiến thức nên làm mỗi người một bộ tài liệu cho an tâm."
Một số thí sinh khác cũng rậm rịch chuẩn bị phao trước đó một tuần để kịp cắt, dán, gấp ruột mèo, nhớ số trang, mục lục tài liệu, sắp xếp phương án để "che mắt" giám thi trong phòng thi.
Cũng có không ít thi sinh không đủ can đảm làm "phao" nên nhiều sĩ tử lại chọn giải pháp "học tủ" trong những ngày này để "cứu vãn" được phần nào hay phần ấy. Nghe một bài người bạn đi ôn thi tại một số lò luyện gần Trường ĐH L. Hà Nội rỉ tai nhau có giới hạn đề khối C mỗi môn chỉ còn 10 câu nên Hoàng Hà Trang (Hạ Long, Quảng Ninh) thay vì nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng đã ngày đêm "ôm tủ" hi vọng sẽ trúng.
Còn Trịnh Thị Vân ( Thái Nguyên) lại học theo "tủ" của các bạn đi ôn ở Trường ĐH S. Hà Nội vì đó là phần trọng tâm do thầy "xịn" ở lò luyện chất lượng cao giới hạn, nếu cứ ôn theo là "chắc cốp". Vân tiết lộ thêm: "Các anh chị từng ôn ở đây ai cũng đỗ cao, mọi người bảo thầy "đoán đề" đúng lắm nên em cũng học theo".
Giải pháp an toàn hay nguy cơ... "lãnh án tử"
Kì thi ĐH hàng năm có quy mô lớn nhất cả nước bởi vậy từ khâu làm đề, coi thi, chấm thi đều được thắt chặt. Thêm vào đó một số trường ĐH còn trang bị thêm hệ thống camera giám sát để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh cũng như tăng cường tính minh bạch, an toàn tuyệt đối của kì thi.
Vì thế, với những trường hợp vi phạm quy chế thi như mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp trong quá trình làm bài thi, trao đổi bài...và những sai sót khác sẽ bị xử lí nghiêm.
Ở những mùa thi các năm trước, nhiều thí sinh vì quá lo lắng nên đã cố tình mang tài liệu vào phòng thi, mặc dù không có ý định quay bài nhưng khi bị giám thị phát hiện vẫn bị lập biên bản và kỉ luật theo đúng quy chế.
Bạn Vũ Thị Kim Oanh (sinh viên Học viện B. Hà Nội) từng làm giám thị 2 của kì thi ĐH năm trước cho biết: "Có rất nhiều học sinh cho rằng chỉ khi giở tài liệu mới là vi phạm, nên khi bị lập biên bản xử lí các em còn thanh minh: "em chưa làm gì", "em đã quay bài đâu?...". Nhưng khi nhận ra hành động đó cũng được xem là gian lận trong thi cử thì đã quá muộn.
Bạn Hoàng Hà Giang (sinh viên năm 2 của một trường ĐH) khuyên, các sĩ tử mang "phao" để dự phòng là quá mạo hiểm. Theo kinh nghiệm của bản thân Giang, thi ĐH là không bao giờ có chuyện coi dễ hay "thả nổi", mọi thí sinh đều phải "tự lực cánh sinh" nên phải cố gắng hết sức mình.
Thí sinh làm thủ tục dự thi sáng 8/7. (Ảnh Lê Anh Dũng)
"Riêng những trường hợp mang tài liệu vào phòng thi, nếu may mắn không bị phát hiện (con số này rất ít) thì cũng không làm được bài vì tâm lý lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt và loay hoay tìm cách để giở, tới khi vừa đặt bút làm được vài dòng đã hết giờ. Còn lại nếu bị giám thị bắt thì đương nhiên sĩ tử đó sẽ thành ... "tử sĩ"" - Giang chia sẻ.
Nhiều thí sinh khác cũng chung ý kiến với Giang, hầu hết các bạn đều cho rằng việc "làm phao", "học tủ" không những không an toàn chút nào mà còn mang lại hậu quả ngược lại. Có quá nhiều tấm gương "học tủ" bị "tủ đè" một cách thảm hại của những người đi trước để lại.
Bởi vậy, trước ngày thi ĐH thay vì chọn các giải pháp an toàn như mang phao vào phòng thi, học tủ, đoán đề...để rồi nhận lấy nguy cơ "lãnh án tử", các thí sinh nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và xem qua lại một lượt tất cả kiến thức mình đã ôn luyện trong cả quá trình.
Theo VNN
Gợi ý giải đề thi môn Hóa kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011 Đề thi và gợi ý giải đề môn Hóa (khối A) kỳ thi ĐH, CĐ 2011 được thực hiện bởi giảng viên Lê Thanh Hải (TT luyện thi Vĩnh Viễn, TP HCM). Sáng ngày 5/7, thí sinh cả nước đã bước vào môn thi thứ 3 và cũng là môn thi cuối cùng trong đợt 1 của kỳ thi Đại học, Cao đẳng...