Sĩ số không giảm, khó thành công
Cơ sở vật chất là yếu tố khó nhất khi triển khai chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) mới. Đó là khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên với PV tại buổi họp báo của Bộ GD&ĐT về công bố Dự thảo chương trình 20 môn học chiều qua, 19/1.
ảnh minh họa
Theo GS Thuyết, chuẩn bị cơ sở vật chất là việc phải quan tâm. Cục Cơ sở vật chất của Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ rà soát, thống kê về tình trạng cơ sở vật chất, lên kế hoạch để thực hiện tốt chương trình này. Tuy nhiên CT- SGK mới không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt so với hiện hành. Vì với tiểu học, CT-SGK mới vẫn yêu cầu đảm bảo học sinh được học 6 buổi/tuần trừ các môn tự chọn.
GS Thuyết cũng cho biết hiện nay, khoảng 80% các trường tiểu học trên cả nước đã thực hiện học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, GS Thuyết cho rằng khó nhất đối với Ban soạn thảo chương trình, với Bộ GD&ĐT khi triển khai CT-SGK mới, đó chính là giảm sĩ số lớp học. Do đó, ông cho biết các địa phương phải đảm bảo thực hiện đúng điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp, THPT, THCS là 45 học sinh/lớp.
“Nếu cứ 50 – 60 học sinh/lớp thì không thể dạy nổi. Không giảm được sĩ số ở các thành phố lớn thì chắc chắn triển khai CT – SGK mới sẽ rất khó khăn” – GS. Thuyết nói với PV.
Ông cho hay, sắp tới sẽ có chỉ thị của Thủ tướng về việc này. Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh để thống nhất chủ trương. Trong tháng 11/2017, Bộ có hội nghị với lãnh đạo các sở GD&ĐT. Trong hội nghị đó, lãnh đạo Bộ đã giao nhiệm vụ rất cụ thể về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Còn Ban phát triển chương trình đã đi thực tế tại 6 địa phương tiêu biểu cho 6 vùng của đất nước để nắm tình hình.
Video đang HOT
Phải đổi mới thi cử, cách ra đề
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Do đó, chỉ có thể hình thành phẩm chất, năng lực khi học sinh được hoạt động. Với chương trình SGK mới, giáo viên phải cho học sinh thực hành nhiều, hoạt động nhiều. Nhưng nếu thi cử chỉ kiểm tra kiến thức và kỹ năng giải bài tập thì giáo viên và học sinh sẽ tranh thủ học càng nhiều kiến thức càng tốt. Vì vậy, phải đổi mới thi cử.
Trước hết là đổi mới cách ra đề. Chúng ta phải học chương trình đánh giá của PISA, họ cũng ra đề viết, nhưng câu hỏi của họ là đánh giá được năng lực của học sinh. Thứ hai là cũng phải đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá. Nhất là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh.
“Tôi cũng phải nói thật là đề của mình thiên về kiểm tra kiến thức nhiều nên phải thay đổi. Thứ hai là khi tuyển sinh ĐH cũng chỉ chú trọng điểm thi trên giấy, không đánh giá toàn bộ hồ sơ của học sinh. Trong khi đó, các nước khi tiếp nhận học sinh để cấp học bổng, họ dựa vào hồ sơ hoạt động của học sinh đó trong cả quá trình” – GS Nguyễn Minh Thuyết .
Ông cho biết để có giải pháp triệt để, Bộ đã giao cho một tổ chức để giải quyết vấn đề này và yêu cầu phải có câu trả lời sớm nhất. Từ nay đến 2020 ổn định cách thi THPT quốc gia. Còn khi CT mới thực hiện đến THPT thì lúc đấy sẽ chính thức đổi mới.
Về chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cho CT-SGK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ngay bây giờ các trường sư phạm phải bắt tay vào chương trình đào tạo những môn mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… Họ chưa làm được vì còn phải chờ chương trình tổng thể.
Có thực tế, yêu cầu của CT-SGK mới là sĩ số học sinh phải giảm, đồng nghĩa với việc số lượng giáo viên sẽ phải tăng lên. Nhưng nghịch lý ở chỗ các địa phương đang tinh giản biên chế, cắt bớt hợp đồng ví dụ như Hải Dương vừa qua.
Theo TPO
Học gì ở chương trình phổ thông mới?
Các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới, đến tháng 4 có thể ban hành chương trình môn học.
Chiều 19-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông. So với chương trình hiện hành, chương trình phổ thông mới có nhiều điểm thay đổi theo hướng trang bị năng lực, phẩm chất cho các học sinh. Vì vậy, chương trình mỗi môn học cũng thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu này.
Theo đó, các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, đạo đức, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm khoa học - xã hội (gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý), nhóm khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật). Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Đặc biệt, hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả cấp học là hoạt động trải nghiệm.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về môn ngoại ngữ, GS Nguyễn Lộc, chủ biên môn ngoại ngữ, cho biết chương trình mới kế thừa rất nhiều từ chương trình của Đề án 2020 như: giữ nguyên số tiết học, chuẩn năng lực vẫn dựa vào 6 chuẩn năng lực Việt Nam. "Chương trình đã nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia và đây là chương trình mở nên chúng tôi rất chờ đợi sự đóng góp của các chuyên gia trong việc viết sách với các chủ đề, chủ điểm mang tính chất gợi ý" - GS Lộc nói. Ông cho hay thêm thời lượng học tiếng Anh ở tiểu học là 140 tiết, tức 4 tiết/tuần, THCS và THPT là 105 tiết, trung bình 3 tiết/tuần.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông mới, cho hay theo tiến độ, đến tháng 4 có thể ban hành chương trình môn học. Tuy nhiên, GS Thuyết chưa thể khẳng định thời điểm có sách giáo khoa (SGK) mới. Theo GS Thuyết, do chưa có chương trình môn học nên chưa khởi động việc viết SGK. Ông khẳng định nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết SGK. Đây chỉ là tài liệu chính thức, không phải là pháp lệnh như quan niệm trước đây và giáo viên có thể dựa vào đó để có nhiều sáng tạo trong dạy học.
Liên quan đến việc giảm tải trong chương trình mới, GS Thuyết cho biết việc này tuân theo các nguyên tắc: Giảm kiến thức khó, bớt bài tập lắt léo; tổ chức lại nội dung môn học, tích hợp chương trình; thay đổi phương pháp dạy và học.
GS Thuyết cũng thêm với những môn học mới, tích hợp nhiều môn như khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý ở THCS, các giáo viên sẽ được học bồi dưỡng, học thêm một số tín chỉ để có thể một mình dạy một môn. Ông cho rằng các môn học không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt, chỉ cần các trường tiểu học bảo đảm học sinh học 6 buổi/tuần. Các địa phương bảo đảm đúng điều lệ trường học, theo đó 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp đối với THCS.
Một trong những điều kiện để thực hiện thành công chương trình này là đổi mới thi cử, kiểm tra. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết cách thi cử hiện tại sẽ ổn định đến năm 2020. Khi chương trình mới triển khai đến cấp trung học phổ thông thì sẽ có kiểm tra đánh giá theo cách mới.
Theo NLĐ
Chương trình mới sẽ dạy giới tính từ lớp 1 Tại buổi họp báo thông tin về dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục chiều 19/1, nhiều thông tin mới được Ban soạn thảo các bộ môn cung cấp. ảnh minh họa Chiều nay, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về dự thảo nội dung các chương trình môn học. Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu...