SGK mới giá cao gấp 4 lần: Vì sao lại thế?
Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính cần xem xét lại phương án giá SGK lớp 1 mới mà 3 NXB trình lên để điều chỉnh cho phù hợp.
Cần công khai cách tính!
Ngày 27/3/2020, trao đổi với Đất Việt trước thông tin giá SGK lớp 1 mới mà NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP. HCM cao hơn gấp 4 lần so với bộ SGK hiện tại đang sử dụng trong năm học 2019 – 2020, ĐBQH Hồ Thanh Bình – Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, điều này dễ gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.
‘Cần phải xem xét lại, bộ SGK lớp 1 hiện tại đang sử dụng có 54.000 đồng có những cái gì, còn bộ SGK lớp 1 mới có những cái gì mà giá lại cao hơn tới gấp 4 lần. Nếu chất lượng giữa bộ SGK cũ và bộ SGK mới tương đồng nhau mà giá cả lại có sự chênh lệnh thì điều này không đúng’ – ông Bình nói.
Theo lý giải của NXB Giáo dục Việt Nam, nguyên nhân khiến bộ SGK lớp 1 mới có giá cao là do đơn vị biên soạn được hình thành từ các yếu tố là: chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư, công in; chi phí lưu thông, bán hàng; tích hợp công nghệ 4.0 và nguồn vốn biên soạn SGK.
SGK mỗi năm một giá khiến cho nhiều phụ huynh, nhà trường gặp khó.
Tuy nhiên, ĐBQH Hồ Thanh Bình cho rằng, những lý do đó chưa thuyết phục. Bởi khung giá theo quy định của Nhà nước cho hoạt động biên soạn SGK đã được đưa ra. Chính vì thế, hoạt động biên soạn SGK của các NXB như thế nào cũng khung giá mà Nhà nước đã đưa ra. Khung giá đó đã tính cho tất cả các chi phí mà NXB đã chi trả trong quá trình biên soạn.
Ông Bình nhắc lại, tại văn bản báo cáo Chính phủ của Bộ GD&ĐT ngày 14/1/2020 cũng đề xuất, mức giá kê khai giá SGK mới bảo đảm không vượt quá mức kê khai bộ SGK của NXBGD đã bán ra thị trường năm học 2019-2020; vận dụng định mức kê khai bộ SGK hiện hành để rà soát mức kê khai bộ SGK mới.
Đến ngày 20/2/2020, trong văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính cũng khẳng định thống nhất với đề xuất mà Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ.
Ngược lại, phía Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan quản lý, kê khai giá SGK theo đúng quy định của Luật Giá và các văn bản có liên quan.
‘SGK là mặt hàng có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là đối với người dân ở vùng quê, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì họ sẽ không bao giờ hài lòng với việc tăng giá SGK tới mấy lần so với bộ sách hiện tại.
NXB biên soạn SGK cần phải công khai chi phí biên soạn bộ SGK mới cho mọi người được biết. Từ đó sẽ làm rõ cơ sở để các NXB xác định giá bộ SGK mới để các cơ quan liên quan thẩm định, người dân cùng giám sát cho minh bạch, tránh những hoài nghi trong dư luận’ – ông Bình đề nghị.
Video đang HOT
Theo ông Bình, trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về Bộ Tài chính, phía Bộ GD&ĐT cũng phải có ý kiến tới các NXB về việc tại sao giá bộ SGK mới lại có sự biến đổi so với đề xuất trước đó mà Bộ này gửi tới Chính phủ.
‘Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT có quyền kiểm tra độc lập về giá bộ SGK mới mà các NXB đưa ra. Hai kết quả kiểm tra của 2 Bộ này nếu khớp nhau thì mới có cơ sở để xác định giá SGK mới, còn không thì cần phải xem xét lại’ – ông Bình cho biết.
Giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 so với năm 2018-2019.
Tránh bệnh hình thức ở SGK
Vào đầu tháng 3/2020, trong buổi tọa đàm ‘Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa – Thuận lợi và thách thức’ diễn ra tại TP. Hà Nội, nhiều ý kiến từ đơn vị biên soạn SGK mới bày tỏ, cả 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được phê duyệt đều có hình thức đẹp, bắt mắt, khổ sách mới lớn hơn, giấy dày, màu đẹp, số lượng trang cũng nhiều hơn so với sách cũ nên khó có thể giữ mức giá cũ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT cần thành lập hội đồng thẩm định giá SGK trên tinh thần ‘tiền nào của nấy’ thay vì chỉ thẩm định nội dung, hình thức SGK như hiện nay. Giá cả của sách sẽ do thị trường điều tiết, chứ không thể nói bộ sách này không được phép quá giá của bộ sách đã phát hành cách đây nhiều năm.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học – giáo dục Đại học Thành Đông (Hải Dương), cho rằng SGK quan trọng ở nội dung, hình thức không nên quá cầu kỳ trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Các NXB cần chú ý in ấn sao cho giá cả đảm bảo lợi ích của mình, nhưng cần phù hợp với thu nhập bình quân của người dân.
Tương tự ông Long, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nhấn mạnh: ‘Nếu giá không muốn vượt quá giá hiện hành thì sự đầu tư cho sách ở chừng mực nào thôi.
Nội dung, trí tuệ hội tụ bên trong mới là quan trọng. Doanh nghiệp cần làm sao để thích ứng với thị trường. Nếu giá thành quá cao so với thu nhập của người dân hiện tại thì rất khó’.
Ngọc Khánh
Cận cảnh 5 bộ SGK lớp 1: Chọn sách nào?
Năm học 2020-2021, SGK lớp 1 chương trình phổ thông mới chính thức được triển khai. Chọn SGK nào là điều mà các trường phải đau đầu bởi trước tháng 3-2020 phải chọn xong SGK mới.
Bốn bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phê duyệt 5 bộ SGK mới, trong đó chỉ riêng NXB Giáo dục Việt Nam đã có 4 bộ là "Kết nối tri thức với cuộc sống"; Bộ SGK "Chân trời sáng tạo"; Bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực"; Bộ SGK "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Bộ sách còn lại là "Cánh Diều", sản phẩm hợp tác của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, mỗi trường sẽ phải lập một hội đồng ít nhất mười một người để chọn SGK. Trong đó, có ít nhất 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Không ít địa phương đã yêu cầu giáo viên phải đọc hết 38 cuốn SGK lớp 1 để giúp ban giám hiệu chọn ra bộ SGK. Riêng việc phải đọc hết 38 cuốn SGK đã là điều không dễ dàng về thời gian với các thầy cô và việc chọn SGK nào cho năm học mới thực sự là một thách thức.
Bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống"
Bộ SGK "Kết nối tri thức với cuộc sống" được biên soạn theo mô hình hiện đại, chú trọng vai trò của kiến thức, nhưng kiến thức cần được "kết nối với cuộc sống", bảo đảm phù hợp với người học, cập nhật những thành tựu khoa học hiện đại, phù hợp nền tảng văn hóa và thực tiễn Việt Nam, giúp người học vận dụng để giải quyết những vấn đề của đời sống: đời sống cá nhân và xã hội, đời sống tinh thần (đạo đức, giá trị nhân văn) và vật chất (kĩ năng, nghề nghiệp).
SGK Tiếng Việt 1 tiếp thu những thành quả mới nhất trong biên soạn SGK dạy học ngôn ngữ từ các nước phát triển và kế thừa kinh nghiệm dạy học tiếng Việt tại Việt Nam, giúp học sinh và giáo viên triển khai hiệu quả việc dạy học ngôn ngữ thông qua các hoạt động giao tiếp trong ngữ cảnh tự nhiên và gần gũi với đời sống. Trong khi đó SGK Toán 1 có cách tiếp cận xuất phát từ thực tiễn đến trừu tượng, thông qua quan sát, trải nghiệm một số ví dụ cụ thể để học sinh rút ra quy luật. Các kiến thức được giới thiệu một cách trực quan, đi vào bản chất trước khi đi sâu vào kĩ thuật hay năng lực tính toán. Sách được thiết kế theo chủ đề thay vì tiết học, lồng ghép rất nhiều hoạt động, trò chơi giúp giáo viên, học sinh có thể trải nghiệm và tổ chức lớp học một cách đa dạng.
Bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục"
Bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" được thiết kế theo hướng bình đẳng, các học sinh có cơ hội như nhau trong tiếp cận các nguồn tri thức thông qua các nguồn học liệu mở. Định hướng tự chủ trong học tập, tự do sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề.
Các chủ đề, bài học của bộ sách được xây dựng mở, linh hoạt để các địa phương có thể xây dựngkế hoạch giáo dục riêng, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực học sinh... theo thực tế địa phương. Các vùng dân cư trên đất nước đều có thể tìm thấy hình ảnh của mình rất gần gũi, thân thiết qua bộ sách này. Bộ sách tạo điều kiện tối đa cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá bằng cách xây dựng không gian mở trong mỗi bài học, giúp GV có thể thoả sức lựa chọn các phương pháp dạy học tích cực như trò chơi, thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề...
Bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực"
Bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" được biên soạn phù hợp với sức học của đại đa số học sinh ở tất cả các vùng miền, đảm bảo sự thân thiện, gần gũi với mọi học sinh, giáo viên
Ở mỗi lớp, nội dung chương trình được phân chia thành những chủ đề. Mỗi chủ đề (gồm một số bài) tích hợp những kiến thức, kỹ năng, phương pháp, hướng tới hình thành và phát triển một số năng lực cốt yếu. Hàm ẩn ý nghĩa về sự rộng mở của một thế giới tri thức, sự vô hạn của kiến thức khoa học và công nghệ, sự bao la của thế giới nghệ thuật và hướng đến những giá trị tinh thần tốt đẹp của nhân loại, bộ sách Chân trời sáng tạo giúp phát triển năng lực học sinh với trọng tâm là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực người học
NXB Giáo dục Việt Nam cho hay bộ sách không chỉ giúp người học dễ dàng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn cuộc sống; giải quyết một cách linh hoạt, hài hoà các vấn đề giữa cá nhân và cộng đồng; nhận biết các giá trị bản thân và năng lực nghề nghiệp.
Bộ sách "Chân trời sáng tạo"
Bộ sách "Chân trời sáng tạo" giúp người học dễ dàng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn cuộc sống; giải quyết một cách linh hoạt, hài hoà các vấn đề giữa cá nhân và cộng đồng; nhận biết các giá trị bản thân và năng lực nghề nghiệp mà còn nuôi dưỡng lòng tự hào, tình yêu tha thiết với quê hương đất nước. Bộ sách được giới thiệu là không chỉ chuyển tải tri thức, mà còn gợi mở, truyền cảm hứng để các em HS tìm tòi, khám phá, sáng tạo và chinh phục, phát triển mọi tiềm năng của bản thân.
Bộ SGK "Cánh Diều"
Bộ SGK "Cánh Diều" là kết quả hợp tác giữa Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam. Đây là bộ SGK xã hội hoá đầu tiên.
"Cánh Diều" là bộ sách duy nhất hiện nay có đầy đủ SGK dành cho tất cả các môn học (Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mĩ thuật 1, Giáo dục thể chất 1) và hoạt động giáo dụcbắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1) của lớp 1 theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Được biên soạn, xuất bản trên quan điểm thống nhất, xuyên suốt: "Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống", bộ sách được kỳ vọng giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tác giả bộ SGK "Cánh Diều" là những nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục uy tín của các trường đại học sư phạm, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục khác. Đó là những người am hiểu sâu sắc về giáo dục phổ thông, giàu kinh nghiệm chuyên môn và thực tiễn trong việc biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông và SGK. 6/8 chuyên gia là Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chủ biên Chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 làm Tổng Chủ biên, Chủ biên SGK lớp 1, đồng thời có nhiều tác giả Chương trình môn học và các tác giả khác có uy tín, kinh nghiệm tham gia biên soạn.
Yến Anh
Theo nld.com.vn
Không để "sốt", thiếu sách giáo khoa trước năm học mới Đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành các bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Mỗi bộ sách gắn với một triết lý riêng, mang bản sắc riêng. Các thầy cô giáo tại khu trưng bày 4 bộ sách giáo khoa mới Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch...