Serbia đối mặt với khủng hoảng kép về nguồn cung khí đốt
Serbia đang đứng trước thách thức nghiêm trọng về an ninh năng lượng khi cùng lúc chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành khí đốt trong nước và việc Azerbaijan ngừng cung cấp khí đốt.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: THX/TTXVN
Đây được coi là một đòn giáng mạnh vào chiến lược cân bằng địa chính trị mà Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic theo đuổi bấy lâu nay.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, bao gồm cả công ty Naftna Industrija Srbije ( NIS) của Serbia. NIS là nhà cung cấp khí đốt và dầu mỏ chủ chốt của Serbia, trong đó Tập đoàn Gazprom và Gazprom Neft của Nga nắm giữ phần lớn cổ phần. Chính phủ Serbia chỉ sở hữu 29,8% cổ phần, trong khi Gazprom kiểm soát 6,15% và Gazprom Neft nắm giữ tới 50%.
Tổng thống Vucic khẳng định đây là lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từng ảnh hưởng đến một công ty tại Serbia. Ông nhấn mạnh, Mỹ yêu cầu Serbia rút toàn bộ lợi ích của Nga khỏi NIS thay vì cho phép tỷ lệ sở hữu giới hạn ở mức 49% như trước đây.
Serbia từ lâu đã chịu sức ép từ phương Tây trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên, cả Mỹ và EU trước đây đều thận trọng trong việc áp đặt biện pháp trừng phạt do lo ngại tác động đến quan hệ với Belgrade.
Video đang HOT
Với động thái lần này, Washington phát đi tín hiệu cứng rắn, cảnh báo Serbia có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt gián tiếp, tức là các công ty hoặc tổ chức nước ngoài hợp tác với Gazprom và Gazprom Neft có thể bị Mỹ áp đặt hạn chế tài chính hoặc thương mại, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Serbia.
Chưa đầy một ngày sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Serbia tiếp tục đón nhận tin tức bất lợi khi Azerbaijan tuyên bố tạm dừng cung cấp khí đốt với lý do bất khả kháng. Theo thỏa thuận trước đó, Serbia dự kiến nhận 1,7 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày từ Azerbaijan. Tuy nhiên, nguồn cung này đã bị gián đoạn.
Tổng thống Vucic bày tỏ sự thất vọng khi cho biết ông vừa nhận được thông báo từ phía Azerbaijan rằng do những khó khăn hiện tại, họ không thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Serbia.
Azerbaijan hiện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí đốt cho Đông Nam Âu và Italy thông qua Đường ống xuyên Adriatic (TAP), một phần của Hành lang khí đốt phía Nam. Việc Baku đột ngột dừng cung cấp cho Serbia đặt ra nhiều nghi vấn về động cơ thực sự phía sau quyết định này.
Hai diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Vucic đang đối mặt với sức ép chính trị lớn trong nước, khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần qua. Cuộc khủng hoảng khí đốt vào giữa mùa đông càng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt là khi giá năng lượng có nguy cơ tăng vọt.
Chuyên gia Vuk Vuksanovic từ Trung tâm Chính sách An ninh Belgrade nhận định rằng việc mất nguồn cung khí đốt đúng thời điểm nhạy cảm này có thể đẩy giá cả leo thang, gây thêm bất ổn cho chính quyền Tổng thống Vucic. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích đưa ra giả thuyết về khả năng Nga có liên quan đến quyết định của Azerbaijan. Quan hệ giữa Moskva và Baku mang tính hợp tác nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến động. Một số nguồn tin nhận định rằng Nga có thể đang tận dụng Azerbaijan như một công cụ để gây sức ép lên Serbia, qua đó củng cố ảnh hưởng của mình tại khu vực Balkan.
Trước tình hình khó khăn, Tổng thống Vucic tuyên bố sẽ đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm cách tháo gỡ vấn đề. Đồng thời, Serbia cũng có thời hạn đến ngày 12/3 để điều chỉnh cơ cấu sở hữu NIS nếu muốn tránh các hậu quả nghiêm trọng từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Một trong những khả năng được cân nhắc là chuyển nhượng cổ phần của Nga cho Tập đoàn MOL của Hungary.
Mặc dù Tổng thống Vucic cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung năng lượng nhưng Serbia vẫn đang rơi vào tình thế khó khăn. Việc duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Nga, Mỹ và EU đang trở thành thách thức lớn đối với chính quyền Belgrade, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp.
Serbia 'từ bỏ' vũ khí Nga: Thay đổi chiến lược hay sức ép từ phương Tây?
Serbia, đồng minh lâu năm của Nga, vừa tuyên bố hủy bỏ nhiều hợp đồng vũ khí với Moskva, tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ song phương.
Từ việc chọn mua máy bay Rafale của Pháp thay thế MiG-29 đến giảm quyền sở hữu của Nga trong ngành năng lượng, Belgrade dường như đang chuyển mình để xích lại gần phương Tây?
Máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất. Ảnh: TASS
Trong một động thái đáng chú ý, Serbia - đồng minh thân cận lâu năm của Nga tại châu Âu, đã quyết định hủy bỏ các hợp đồng mua vũ khí từ Moskva. Thông tin này được Tổng tham mưu trưởng quân đội Serbia Milan Mojsilović xác nhận với trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 10/1.
Theo ông Mojsilović, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Mặc dù Belgrade đang nỗ lực tìm giải pháp thông qua các kênh ngoại giao, một số hợp đồng đã buộc phải hủy bỏ, số khác phải tạm hoãn với hy vọng tình hình quốc tế sẽ cải thiện trong tương lai.
Một minh chứng rõ nét cho xu hướng này là việc Serbia từ bỏ kế hoạch mua máy bay chiến đấu mới của Nga vào tháng 8/2023 - vốn đã được thảo luận từ năm 2021. Thay vào đó, Belgrade đã quyết định chi 2,7 tỷ euro để mua 12 máy bay phản lực Rafale của Pháp, nhằm thay thế phi đội bay MiG-29 cũ do Nga sản xuất.
Theo Tiến sĩ Orhan Draga, người sáng lập và Giám đốc Viện An ninh Quốc tế tại Belgrade, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây khó khăn nghiêm trọng cho việc vận chuyển vũ khí từ Nga đến Serbia. Nguyên nhân là do Belgrade bị bao quanh bởi các quốc gia thành viên NATO, những nước này từ chối cho phép máy bay ngoại giao Nga bay qua không phận của họ.
Đáng chú ý, ông Draga nhận định đây không phải là một sự thay đổi tạm thời mà là "một bước ngoặt mang tính chiến lược" của Serbia. Bởi lẽ, các quyết định mua sắm quân sự thường được hoạch định cho mục tiêu dài hạn và một khi mối quan hệ này bị đứt đoạn, việc khôi phục là điều gần như không thể.
Không chỉ trong lĩnh vực quân sự, Serbia còn có những động thái tách rời khỏi ảnh hưởng của Nga trong các lĩnh vực khác. Cụ thể, nước này đang tiến hành các bước để giảm thiểu quyền sở hữu của Nga trong công ty dầu khí quốc gia NIS. Đồng thời, Belgrade cũng đã đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt bằng cách nhập khẩu từ khu vực Caspi và khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) qua Hy Lạp.
Một điểm đáng chú ý khác là việc Serbia đã cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine thông qua các nước thứ ba, với giá trị lên tới khoảng 800 triệu đô la Mỹ - một con số vượt trội so với đóng góp của một số thành viên NATO.
Theo đán.h giá của các chuyên gia, xu hướng Serbia dần tách khỏi sự phụ thuộc vào Nga phản ánh nỗ lực của Belgrade - một ứng cử viên gia nhập EU, trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại để phù hợp hơn với phương Tây và EU.
Tuy nhiên, Tổng tham mưu trưởng Mojsilović cũng cho biết quân đội Serbia vẫn có thể duy trì hoạt động với các thiết bị quân sự hiện có của Nga và cả từ thời Liên Xô, bởi phụ tùng thay thế được sản xuất theo giấy phép tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, việc mua sắm thiết bị mới từ Nga hiện không còn khả thi.
Nga tăng ảnh hưởng tại Libya: Đòn bẩy mới trong cuộc chiến năng lượng với châu Âu? Libya, với trữ lượng dầu mỏ lớn và vị trí chiến lược, đang trở thành tâm điểm trong chính sách năng lượng của Nga tại châu Âu. Ngoài ra, Libya cũng có thể mở ra cơ hội hợp tác mới với Nga qua việc gia nhập BRICS, tăng cường liên minh ngoài phương Tây. Một giàn khoan dầu ở ngoài khơi bờ biển...