Sẽ thành lập trung tâm bản quyền nội dung số
Ông Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam – cho biết đang xúc tiến thành lập Trung tâm bản quyền số, qua đó sẽ thúc đẩy việc thực thi bản quyền trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ông Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam – phát biểu tại hội thảo.
Thông tin trên được ông Hợp chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Công nghệ và Nội dung số do Sở Công thương Hà Nội tổ chức sáng ngày 3/12 tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.
Theo ông Hợp, với sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet, ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam trong những năm qua có những bước phát triển mạnh.
Tính đến tháng 9/2012, Việt Nam có hơn 31 triệu người sử dụng (chiếm 35,49%), đứng thứ 18 trên tổng số 20 quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới, xếp thứ 8 tại khu vực châu Á và thứ 3 Đông Nam Á. Số lượng thuê bao 3G đã đạt mốc trên 16 triệu, chiếm 18% dân số.
Tuy đã có nền tảng hạ tầng công nghệ tốt, số người sử dụng đông đảo nhưng vẫn còn nhiều rào cản để đưa nội dung số phát triển. Ồng Hợp cho rằng đó chính là việc nhận thức chưa đúng tầm, cơ quan quản lí nhà nước còn lúng túng trong quản lí nội dung trên Internet dẫn đến nhiều nội dung xấu chưa được kiểm soát.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các nhà mạng với các công ty cung cấp nội dung chưa công bằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới việc phát triển nội dung trên di động. Việc đầu tư hạ tầng công nghệ, viễn thông, truyền hình số… dàn trải, lãng phí. Nguồn nhân lực cao về truyền thông số còn thiếu hụt (hiện, chúng ta chỉ có khoảng 600.000 kĩ sư, trong khi nhu cầu xã hội cần tới 2 triệu kĩ sư công nghệ.)
Video đang HOT
Các diễn giả trong nước và quốc tế tham luận tại hội thảo.
Các diễn giả tại Hội thảo cũng chỉ ra rằng, vấn nạn bản quyền về nội dung số hiện nay cũng là một trong những vấn đề lớn nhất để cản trở ngành công nghiệp này phát triển
Ông Bùi Trường Sơn, Tổng Giám đốc Felix cho hay, một trong những ưu điểm của nội dung số chính là việc dễ sao chép, nhưng đó cũng là nhược điểm rất lớn dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra.
“Việc phát hiện ra vi phạm bản quyền là không khó, nhưng vấn đề thực thi pháp luật sẽ khá mất thời gian,” ông Sơn nói
Để hạn chế, bà Lê Thúy Hạnh, Phó Tổng giám đốc Micronet cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức, đào tạo về bản quyền nội dung số.
Bà Sue Brooks (Hãng thông tấn AP) chia sẻ, ở Anh quốc đã có chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề này. Thông qua các chiến dịch truyền thông, người dân đã dần nhận thức ra và đây chắc chắn là quá trình mà Việt Nam phải trải qua.
Về phía mình, ông Lê Doãn Hợp cho biết Hội truyền thông số Việt Nam đang xin phép để thành lập Trung tâm bản quyền nội dung số, qua đó sẽ thúc đẩy việc thực thi bản quyền trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Với chủ đề”Cách mạng công nghệ và sự phát triển của công nghiệp ứng dụng công nghệ kĩ thuật số và nội dung số tại Việt Nam, “ Hội thảo công nghệ và nội dung số đã thu hút được rất đông các diễn giả tham gia.
Hội thảo đã xoay quanh ba chuyên đề: Sự hội tụ của công nghệ thông tin, internet, viễn thông di động và công nghiệp nội dung số; Số hóa truyền thông; Ứng dụng kinh doanh trên mạng Internet và viễn thông di động.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã đưa ra các góc nhìn, ý kiến đánh giá để đưa ra nhận thức đúng đắn và tiềm năng kinh tế của ngành công nghiệp này. Từ đó, đưa ra định hướng phát triển ngành công nghiệp nội dung số một cách khoa học và bền vững trên thành phố Hà Nội cũng như trên cả nước.
Hội thảo được sự bảo trợ thông tin của tạp chí Doanh nhân, Stuff, báo điện tử VietnamPlus.
Theo Vietnamnet
Chỉ 5% doanh nghiệp Việt Nam biết dùng Internet Marketing
Năm 2011, có xấp xỉ 5% doanh nghiệp Việt Nam biết sử dụng Internet Marketing hay chi phí quảng cáo trên Internet chiếm khoảng 0,5% tổng ngân sách quảng cáo...
Chứng tỏ, doanh nghiệp chưa quan tâm đến Internet Marketing dù phương thức này giúp tiết kiệm 90% chi phí marketing.
Ngày 28/11, tại Hội thảo "Internet Marketing - Đường tới thành công", ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, dù Internet Marketing rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam) lại chưa được tiếp cận với hoạt động này. "Họ chủ yếu quen với các hoạt động marketing truyền thống và sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thay thế phương thức đó", ông Nam cho biết thêm.
Cùng quan điểm, ông Hà Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Vinalink Media nhận xét, đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa biết sử dụng Internet trong kinh doanh; cụ thể như việc phát huy những kênh tiếp thị Internet qua báo chí, mạng xã hội... nhằm đưa hình ảnh của mình đến với đông đảo khách hàng. "Nếu làm tốt Internet Marketing sẽ giúp giảm 90% chi phí cho hoạt động marketing của doanh ngiệp", ông Tuấn nói.
Sử dụng và đầu tư nhiều cho Internet Marketing chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài như Rocket Internet hay một số doanh nghiệp công nghệ như Giaytot, Vatgia, VNG... Theo ông Tuấn, nguyên nhân là các giám đốc marketing của doanh nghiệp Việt Nam chưa được đào tạo đầy đủ về marketing nên chưa thuyết phục được các tổng giám đốc doanh nghiệp về lợi ích của Internet Marketing. "Thực tế là năm 2011 chỉ xấp xỉ 5% doanh nghiệp Việt Nam biết sử dụng Internet Marketing, trong đó có khoảng 1% - tương đương 5.000 doanh nghiệp sử dụng marketing thông qua mạng xã hội", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp nên được đào tạo nhiều hơn về Internet Marketing và sử dụng công cụ đo lường tốt để biết được hiệu quả của các kênh Internet Marketing.
Theo ông Lukasc Roszczyc, Giám đốc điều hành Công ty Leo Burnett, ở Việt Nam chi phí quảng cáo trên Internet quá khiêm tốn khi chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng ngân sách quảng cáo, so với con số 20% ở các nước Tây Âu hay 16% ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với hơn 30 triệu người sử dụng Internet, gần 10 triệu người dùng Facebook và 17% người dùng smartphone , thị trường Internet Marketing ở Việt Nam mới ở giai đoạn tìm hiểu và sẽ "cất cánh" trong thời gian tới; khi mà xu thế thay đổi hành vi của người dùng đang diễn ra mạnh mẽ như chuyển đổi từ màn hình tivi sang màn hình máy tính hay mua sắm tại siêu thị dần chuyển sang các trang thương mại điện tử.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, sau 15 năm Internet phát triển, Internet Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí mà còn tạo ra những lĩnh vực, ngành nghề mới như thương mại điện tử, nội dung số, Marketing online... Đặc biệt, lĩnh vực marketing được đánh giá là một thị trường phát triển và đầy tiềm năng.
Theo ICTNews
Truyền hình trả tiền 'so găng' Với hơn 2 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (Pay TV), các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình Internet... vẫn còn có nhiều cơ hội để thu hút khách hàng vì theo ước tính đến nay, Việt Nam mới có khoảng 10% hộ gia đình đăng ký sử dụng truyền hình trả...