Sẽ mất công bằng với thí sinh vào đại học nếu không tổ chức thi THPT QG
Ở Việt Nam, muốn tuyển sinh đại học có chất lượng, chúng ta phải có một kỳ thi/hay bài thi để đánh giá chuẩn kiến thức và năng lực như vậy trên toàn quốc.
Đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, Bộ GD&ĐT đã phải điều chỉnh lùi lịch thi THPT quốc gia. Nếu lịch học trở lại của học sinh muộn hơn 15/6, Bộ sẽ phải báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp.
Bên cạnh đó, kỳ thi tuyển sinh đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng với các trường đại học. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chất lượng đầu vào là một tham số quan trọng đầu tiên. Do đó, rất nhiều trường đại học đã dự kiến nhiều phương án khác nhau, làm thí sinh khó trở tay kịp.
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Dân trí đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức một chuyên gia tuyển sinh đại học.
Nhiều trường đại học tổ chức bài thi riêng, xét tuyển học bạ
Chất lượng đầu vào là tham số quan trọng liên quan đến chất lượng
Phóng viên: Thưa GS, đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, Bộ GD&ĐT đã phải điều chỉnh lùi lịch thi THPT quốc gia. Nếu lịch học trở lại của học sinh muộn hơn 15/6, Bộ sẽ phải báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp. Do đó, rất nhiều trường đại học đã dự kiến nhiều phương án khác nhau, trong đó đa số chọn phương án xét học bạ. Là chuyên gia tuyển sinh nhiều năm, ý kiến của ông thế nào?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Trước hết, ở nước nào cũng vậy, tuyển sinh đại học là để phân loại thí sinh có đủ năng lực để theo học ở bậc đại học hay không. Thậm chí ở một số nước với các đại học hàng đầu của Mỹ và Nhật Bản và nhiều nước khác, tuyển sinh đại học còn là kỳ thi để các trường đại học lựa chọn và tuyển nhân tài.
Chính vì vậy, kỳ thi tuyển sinh đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng với các trường đại học. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chất lượng đầu vào là một tham số quan trọng đầu tiên.
Nhiều năm trước đây, chúng ta tuyển sinh đại học theo kỳ thi 3 chung. Phải thừa nhận những kết quả tốt mà kỳ thi này mang lại: Phân loại thí sinh rất tốt, về toán chênh nhau 0,5-1 điểm đã có sự khác biệt hơn hẳn về chất lượng.
Thời kỳ này cổng trường đại học cao vời vợi, mười người leo tới, chín người rơi”. Nhưng kỳ thi này cũng lại quá gây áp lực và căng thẳng cho các gia đình có thí sinh vào đại học và cho toàn xã hội trong những mùa thi.
Để khắc phục vấn đề này, mấy năm qua chúng ta đã có kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính, và sau này là kỳ thi trung học phổ thông (THPT) thống nhất trên cả nước, nhiều trường đại học đã dùng kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển đại học.
Như vậy kỳ thi THPT là kỳ thi “hai trong một” và với nhiều trường đại học lớn, uy tín, số lượng thí sinh đăng ký đông như ĐHQGHN, ĐH Bách khoa HN và nhiều trường đại học lớn khác…, các trường vẫn lấy điểm của kỳ thi THPT xét từ trên xuống và vẫn tuyển sinh được tốt cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy một số trường, thường là các trường khó tuyển sinh, đã sử dụng phương án xét tuyển với các tổ hợp xét tuyển của các môn học dễ, điểm cao, không phù hợp hoặc xét tuyển theo học bạ để vào đại học dẫn đến tình trạng có thể nói là “trước quá tả, nay quá hữu”, hầu như không có ai đỗ kỳ thi THPT lại trượt đại học.
Theo đánh giá của cá nhân tôi, nếu chúng ta tuyển sinh đại học quá dễ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học và hệ quả như chúng ta đã thấy, nhiều thí sinh đã bỏ học ngay từ năm thứ nhất vì không thể theo học tiếp tục ở những ngành này.
Video đang HOT
Xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác công bằng về học lực
Phóng viên: Những tình huống nào có thể xảy ra nếu không có kỳ thi THPT quốc gia và các trường đại học chỉ xét tuyển đại học theo học bạ thưa GS?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Trước hết, bởi vì các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, CSVC khác nhau, truyền thống và uy tín, chất lượng nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Ví dụ một em học điểm toán 9.0, học lực giỏi theo học bạ của trường này không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác.
Khi đó chúng ta xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như CNTT, Y, Dược, Kinh tế, Luật,….
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT cũng không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm” cho học sinh, khi đó, mặc dù có thể có học bạ tốt và trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học lại rất khó có thể theo học được, ví dụ: các ngành khó như toán học, vật lý, CNTT, hóa học, y dược, tự động hóa, cơ điện tử,… các em sẽ không học được, phải bỏ học giữa chừng, lãng phí tuổi xuân cho thí sinh và thiệt hại tài chính cho gia đình và nhà trường.
Đồng thời, nảy sinh những phức tạp trong quá trình quản lý đào tạo. Ví dụ thí sinh trúng tuyển năm nay theo hình thức xét tuyển học bạ, vài năm sau xin chuyển trường.
Trước kia, theo quy chế đào tạo, một trong những yêu cầu tiên quyết là điểm đầu vào đại học không được thấp hơn nếu muốn chuyển sang trường khác.
Nay không có mặt bằng điểm thi đầu vào, rất khó xử lý và dễ xảy ra tiêu cực, nhất là khi ngành đó là ngành “hot” và thường những năm trước ở mức 27, 28 điểm mới trúng tuyển.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức
Hiểu và thực hiện chưa đúng và đầy đủ về tự chủ trong tuyển sinh
Phóng viên: Vậy tại sao lại có hiện tượng nở rộ các trường công bố phương án tuyển sinh đại học như hiện nay thưa GS?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Đứng trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, các trường đại học lo lắng về kỳ tuyển sinh đại học, đó là việc đương nhiên và hoàn toàn chính đáng.
Việc xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào học bạ, như trên đã phân tích, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chúng ta có căn cứ để băn khoăn về chất lượng đầu vào.
Sở dĩ có hiện tượng các trường nở rộ phương án tuyển sinh như trên, theo tôi có nguyên nhân sâu xa là chúng ta hiểu và thực hiện chưa đúng và đầy đủ về tự chủ trong tuyển sinh.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 có đưa tuyển sinh về các trường, giao cho các trường tự chủ và hiện nay đang được hiểu muốn tuyển sinh thế nào là do các trường hoàn toàn quyết định, Bộ không có quyền can thiệp.
Theo tôi đó là cách hiểu và thực hiện chưa đúng và đầy đủ. Ngay như ở Mỹ, quyền tuyển sinh được giao cho các trường tự chủ hoàn toàn, nhưng đều có mẫu số chung là lấy điểm thi ACT và SAT là điều kiện cần. Sau đó từng trường lại có yêu cầu riêng tùy từng ngành, có thể là kỳ thi chuyên biệt dạng SAT2, kỳ thi năng khiếu hoặc bài luận.
Muốn có chất lượng phải có một kỳ thi/hay bài thi để đánh giá
Phóng viên: Với tư cách là một chuyên gia, vừa nhiều năm tham gia công tác tuyển sinh, vừa là người thầy trực tiếp đứng trên bục giảng cho nhiều thế hệ sinh viên, GS có tư vấn gì về vấn đề thi tuyển sinh đại học năm nay?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, ở Việt Nam, muốn tuyển sinh đại học có chất lượng, chúng ta phải có một kỳ thi/hay bài thi để đánh giá chuẩn kiến thức và năng lực như vậy trên toàn quốc.
Sau đó các trường trên cơ sở tự chủ của mình có thể có thêm các yêu cầu khác với thí sinh, tùy theo từng ngành. Thực chất những mấy năm gần đây, điểm thi THPT toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức đã được xem như ngưỡng xét tuyển đầu vào trên mặt bằng chung để xét tuyển vào đại học.
Như vậy, về lâu dài, khi tách kỳ thi THPT riêng giao cho các sở, chúng ta có thể giao cho một số trung tâm khảo thí độc lập tổ chức nhiều kỳ thi trong năm với các bài thi nhằm giúp các trường đại học có thể lấy kết quả để tuyển sinh đại học.
Nhưng ma trận đề thi, độ khó dễ phải có sự tương đồng, thống nhất và tương đương giữa các trung tâm này và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và quản lý. Có như vậy mới đảm bảo sự thống nhất và công bằng, cũng như thuận lợi khi quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo.
Lưu ý là các bài thi ACT và SAT, với kiến thức cốt lõi là Toán, Ngữ văn và bài luận. Như vậy, một thí sinh, muốn học bất kỳ ngành nào, kể cả khối xã hội nhân văn cũng phải trải qua bài thi với các kiến thức như vậy.
Hơn nữa bây giờ là thời đại CMCN 4.0, ngoài giáo dục khai phóng (Libert Art), thì giáo dục STEM đã và đang là mục tiêu của giáo dục trong thời đại ngày nay.
Tuyển sinh vào đại học của Việt Nam chắc chắn cũng phải hội nhập theo xu thế này. Vì vậy, tôi cũng kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét và cũng cần có quy định rõ ràng từ cơ quan quản lý Nhà nước, không nên để thả nổi cho các trường chọn quá nhiều tổ hợp xét tuyển, môn xét tuyển mà thiếu các môn cơ bản như Toán và Ngữ văn, như hiện nay.
Chất lượng giáo dục đại học sẽ đi xuống nếu tuyển sinh dễ dãi
Không vì Covid-19 mà đánh đổi về mặt chất lượng
Phóng viên: Nhưng riêng với năm nay, dịch bệnh là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến việc học tập và tuyển sinh. Một số nước đã đóng cửa trường học, nhiều nước cho học sinh, sinh viên nghỉ học, nhưng chưa có trường nào tuyên bố thay đổi phương thức tuyển sinh. Điều đó có nghĩa là họ chấp nhận “chậm dần đều”, năm học có thể lùi lại, và tuyển sinh cũng có thể lùi lại. Tại sao Việt Nam chúng ta không đi theo trào lưu đó?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu. Về nguyên tắc, việc giảng dạy online là giải pháp tình thế và thậm chí năm học có thể kéo dài và dạy bù, nhưng không có nghĩa chúng ta đánh đổi về mặt chất lượng.
Do vậy, với năm nay, phương án lý tưởng là hy vọng bệnh dịch sớm kết thúc và chúng ta vẫn kịp tổ chức được kỳ thi THPTQG như kỳ vọng.
Chúng ta đành phải chấp nhận giải pháp tình thế, là phương án xét học bạ chỉ như là sơ tuyển, có thể tuyển thẳng với các em học sinh giỏi các trường chuyên, đoạt giải quốc gia, quốc tế….
Sau đó các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính), và với các điều kiện CSVC hiện tại thì bài thi giấy sẽ thuận lợi hơn, khi hết dịch Covid-19) để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với từng ngành trong trường (ví dụ ngoài Toán và ngữ văn, với ngành y dược có thể có bài thi môn sinh học hoặc hóa học, hoặc có thể là các môn ngoại ngữ với các ngành ngoại ngữ,…).
Các trường nhỏ hơn và chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng thì có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào của các trường này làm căn cứ xét tuyển đại học.
Xin trân trọng cám ơn giáo sư!
Hồng Hạnh ( thực hiện)
Hủy toàn bộ kết quả thi THPT quốc gia 2020 nếu bị đình chỉ một môn
Quy chế thi THPT quốc gia năm 2020 quy định thí sinh bị đình chỉ thi một môn sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.
Bộ GD&ĐT bổ sung thêm một số điều vào Quy chế thi THPT quốc gia 2020.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Một trong những quy định mới đáng chú ý của bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT năm 2020 là thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.
Theo quy định, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi nếu vi phạm 1 trong 5 lỗi như sau: Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; Mang vật dụng trái phép vào phòng thi; Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định.
Những năm trước, thí sinh vi phạm quy chế thi THPT quốc gia ở mức "đình chỉ thi" không bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi đã làm trước đó trong kỳ thi.
Ngoài điểm mới trên, các mức xử phạt khác đối với thí sinh vẫn duy trì. Cụ thể là thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của môn đó. Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của môn đó. Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài...
Quy chế thi năm nay cũng điều chỉnh, bổ sung một số quy định thuộc giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo kỷ cương kỳ thi.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cơ bản giữ nguyên phương án thi như năm 2019 với năm bài thi ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ngoài ba môn bắt buộc, thí sinh là học sinh lớp 12 sẽ buộc phải lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội để đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT có thể lựa chọn các bài thi hoặc môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp để sử dụng kết quả thi xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Quy chế thi THPT quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 8/5/2020. Trong thời gian tới, bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia, trong đó quy định cụ thể hơn các mốc thời gian liên quan tới các khâu của kì thi, trong đó có việc đăng ký dự thi của thí sinh.
Thanh Tùng
TIN MỚI NHẬN: Địa phương đầu tiên công bố cho học sinh tất cả các cấp nghỉ 1 tháng nữa Sau khi xem xét tỉnh hình địa phương, Sở GD-ĐT đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên toàn địa phương thêm 1 tháng (đến hết ngày 18/4). Lịch học của học sinh tiếp tục có sự điều chỉnh sau khi Bộ GD&ĐT công bố điều khỉnh khung thời gian năm học 2019-2020. Do ảnh hưởng của...