Sẽ hết thời đại học ‘lấy mỡ nó rán nó’
Với quy định mới về chỉ tiêu tuyển sinh, giáo dục đại học sẽ qua thời “ăn đong” theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Có thể không tránh khỏi hệ lụy “xin – cho”, nhưng là tín hiệu tốt.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT nhìn nhận như vậy về Thông tư 32, một chính sách đang gây xôn xao các trường đại học những ngày qua.
Ông Lê Trường Tùng.
Hạn chế “sinh viên hạng 2″
- Theo ông, đâu là thông điệp mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong Thông tư 32?
- Từ năm học 2014-2015, hàng năm Bộ GD&ĐT đều có thông tư hướng dẫn phương thức tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học cao đẳng, chuyển từ việc phân chỉ tiêu theo kế hoạch sang phê duyệt chỉ tiêu theo năng lực.
Thông tư 32 vừa ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu từ năm học 2016-2017 trở đi.
Theo tôi, qua Thông tư 32, Bộ GD&ĐT chuyển tải ba thông điệp sau.
Thứ nhất: Để phát triển bền vững, các trường cần có đủ giảng viên cơ hữu và có đủ cơ sở vật chất của riêng mình. Tham gia hoạt động giáo dục đại học là chấp nhận một cuộc chơi lớn. Đã qua cái thời kỳ phát triển giáo dục đại học theo mô hình”tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó” , với vốn mươi mười lăm tỷ đồng hoạt động theo kiểu ăn đong, dạy bằng giảng viên thỉnh giảng và cơ sở vật chất thuê mướn.
Thông điệp thứ hailà sẽ tiếp tục đẩy mạnh lộ trình tự chủ – trong đó có tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, và khi đó hành lang pháp lý sẽ được quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn.
Việc mở rộng tự chủ sẽ hạn chế việc xin-cho, nhưng cũng đi đôi với việc quy định rõ cái gì không được làm, hành lang nào không được vượt qua.
Thứ ba là các trường đại học cần tập trung vào nhiệm vụ chính của mình theo quy định của các luật mới (Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp), không lấn sân sang đào tạo trung cấp, cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cũng hạn chế dần số lượng sinh viên “hạng 2″ (chất lượng thấp) như chạy theo dạy “vừa làm vừa học” (tại chức) theo mô hình liên kết tại các địa phương.
- Trong số hơn 200 trường đại học hiện nay, có một số trường phản ứng khá mạnh. Phản ứng từ các trường bị ảnh hưởng nói lên điều gì?
- Cũng có một số chuyên gia có ý kiến cho rằng liệu quy định của Bộ GD&ĐT có hợp hiến hay không? Có theo thông lệ quốc tế hay không? Có ảnh hường đến công văn ăn việc làm của giảng viên hay không?…
Thí sinh chờ thi tại điểm thi ĐH Thủy lợi năm 2015.
Đại diện cho Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng giải thích với công luận.
Tôi chỉ hơi ngạc nhiên vì sao dư luận e ngại về việc giảng viên mất việc, mà lại không ai e ngại là thí sinh thất học, vì giảng viên và sinh viên là hai mặt của cùng một vấn đề. Nếu quan tâm đến quyền được dạy của người dạy thì cũng cần quan tâm đến quyền được học của người học.
Phản ứng của các trường là dễ hiểu, vì các trường nghĩ rằng giảm quy mô đào tạo, giảm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu và có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tổ chức nhân sự hiện có.
Video đang HOT
Chi phí giáo dục đại học Việt Nam đang thấp nhất thế giới
- Việc khống chế bằng số lượng có tạo ra thay đổi chất lượng, hay dễ tạo cơ hội cho cơ chế xin-cho?
- Mở rộng số lượng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục đại học đã thấp hiện nay.
Tôi đã tính sơ bộ, thấy rằng chi phí cho giáo dục đại học Việt Nam trên đầu một sinh viên đang ở mức thấp nhất thế giới.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp – trong đó cần tìm nguồn để chi phí đầu tư đại học trên đầu một sinh viên tăng lên ít nhất đạt mức gấp 3 so với hiện nay – theo công thức học phí học đại học một năm tương đương nửa năm lương đi làm trung bình.
Phần lớn trường đại học công hiện nay thu học phí dưới mức chi phí đào tạo và được “bù giá” bằng ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn, học phí thu từ sinh viên trong một trường công chỉ đủ 40% chi phí thực tế. Chi hàng năm từ ngân sách chẳng hạn đủ bù cho 10.000 sinh viên.
Nếu trường “tự chủ” đào tạo 20.000 sinh viên thì nguồn ngân sách vẫn thế, thay cho chia cho 10.000 sinh viên sẽ phải chia cho 20.000 sinh viên, dẫn đến chi phí đào tạo trên đầu sinh viên sẽ giảm đi, kéo theo chất lượng đi xuống.
Nhưng nếu nhìn từ góc độ tài chính của trường thì dạy 20.000 sinh viên thu học phí gấp đôi so với dạy 10.000 sinh viên, và trường sẽ triển khai đào tạo theo phương thức “lựa cơm gắp mắm” – có bao nhiêu chi bấy nhiêu, còn chất lượng đào tạo giảm sút thì người học và xã hội gánh chịu.
Việc xin-cho thì chẳng tránh được. Xã hội Việt Nam cần phải phát triển ở mức cao hơn, cơ chế quản lý cần trưởng thành, minh bạch cần ở mức cao hơn thì mới giảm được việc xin-cho.
Khi đã có hành lang, thì với truyền thống “giỏi xoay sở, khéo đi tắt” – sẽ có một số trường muốn vượt khỏi hành lang, dù mục tiêu đặt ra hành lang là để ai ở trong hành lang thì khỏi phải chịu cơ chế xin-cho.
Nói chung có hành lang là tốt hơn không có hành lang, cũng giống như xếp hàng văn minh thì hơn chen lấn xô đẩy, dù xếp hàng cũng mất thời giờ, và cũng có ai đó đang đi “cửa sau”.
Tôi mà có quyền thì hành lang có khi còn thu hẹp hơn. Tôi sẽ không khống chế quy mô đào tạo tối đa cho các trường tự chủ tài chính, các trưởng này được tự chủ xác định mức học phí. Ngược lại, tôi sẽ không để các trường công hiện đang nhận ngân sách hàng năm dạy trái ngành – như ĐH Bách khoa thì dạy cử nhân Tài chính Ngân hàng, ĐH Nông nghiệp thì dạy Kỹ sư Công nghệ Thông tin”.
Tôi cũng sẽ từng bước chấm dứt loại hình dạy tại chức (vừa làm vừa học) – một loại hình đào tạo đại học chạy theo bằng cấp, chất lượng thấp – với lý do chính để duy trì hệ này là bảo vệ nồi cơm cho giảng viên như hiện nay.
Thậm chí, trường công nào chưa tự chủ được, thì sẽ tạo điều kiện nâng mức chi cho mỗi sinh viên lên bằng việc giữ nguyên nguồn chi ngân sách nhưng giảm quy mô đào tạo mỗi năm 5%. Việc này cũng giúp tạo thêm đầu vào chất lượng tốt hơn cho các trường tự chủ.
Sẽ không gây sốc
- Nhiều giảng viên sẽ mất việc, đây là dự báo sau khi thông tư ra đời. Thay đổi mà đụng chạm tới quyền lợi tới chủ thể quan trọng của giáo dục là người thầy, thì sẽ đi đến đâu?
- Các đại học quốc gia (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM) và các đại học vùng hoặc mang tính chất vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ) đã có quy định riêng về quy mô đào tạo tối đa.
Trong hơn 200 trường đại học còn lại, chỉ có 8 trường có chỉ tiêu tuyền sinh đại học chính quy (số liệu 2015) từ 5.000 trở lên, tương đương với quy mô trên 15.000 sinh viên (theo mô hình đào tạo 4 năm, có tính đến sinh viên rơi rụng trong quá trình học).
Trong danh sách này, 3 trường tư (ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh doanh và Công nghệ) theo tôi không có vấn đề lớn, vì năm 2014 tuyển không đến con số này và là trường tư nên dễ thích nghi.
Ba trường khác thuộc Bộ Công Thương (ĐH Công nghiệp HN, ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) thì cho tự chủ, tự xác định học phí cùng quy mô đào tạo – cũng không có vấn đề.
Chỉ còn có hai trường đại học công lập bị ảnh hưởng là Học viện Nông nghiệp (ĐH Nông nghiệp trước đây) và ĐH Bách khoa Hà Nội.
Với hai trường này – một trường định hướng nông nghiệp, một trường định hướng kỹ thuật – chỉ cần bỏ đi các ngành trái nghề đang đào tạo là sẽ có số sinh viên trong quy mô dự kiến.
Giảng viên ở đây nếu có dư ra thì tăng thêm cho mở rộng quy mô đào tạo trên đại học, cho các hoạt động nghiên cứu, cho các xưởng sàn xuất – công ty trong trường.
Việc này trong tầm tay của hai trường này, sẽ không có biến động như nhiều người lo ngại.
Hơn nữa, Thông tư 32 có lộ trình “một phần tư” để các trường điều chỉnh trong 4 năm: mỗi năm cho phép tuyển một phần tư khả năng tối đa, số sinh viên đang có sẽ tốt nghiệp dần và trường sẽ trở về quy mô chuẩn sau 4 năm.
Đây là sáng kiến rất quan trọng của Bộ GD&ĐT, không yêu cầu dừng ngay, sẽ thay đổi dần để không gây sốc.
- Từ nay tới tháng 2 Thông tư sẽ có hiệu lực. Theo ông, có cần thay đổi hay điều chỉnh gì hay không?
- Các trường đại học đang lên kế hoạch tuyển sinh 2016 và sẽ đăng ký với Bộ GD&ĐT trước Tết Âm lịch.
Nếu có thể được, Bộ GD&ĐT nên có một số điều chỉnh nhỏ, chẳng hạn chưa áp dụng trần quy mô đào tạo cho một số trường tự chủ tài chính, đồng thời mở rộng quy tắc “một phần tư” (chỉ tiêu tuyển sinh 2016 bằng một phần tư khả năng đào tạo tối đa khi trường không đủ giảng viên) mang tính bao trùm hơn, áp dụng cho cả cơ sở vật chất và hạn chế quy mô tối đa như sau:
Sau khi xác định quy mô tối đa của trường theo các tiêu chí giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô trần, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2016 sao cho hoặc tổng số sinh viên học tại trường không vượt quá quy mô tối đa của trường, hoặc số sinh viên tuyển mới không vượt quá một phần tư quy mô tối đa đó.
Và thay “một phần tư” bằng “một phần ba” để tính đến việc sinh viên bỏ học trong quá trình, và các trường nếu được tuyển nhiều hơn một chút thì cũng phấn khởi hơn
Theo Hạ Anh – Văn Chung/Vietnamnet
Một năm nhìn lại tự chủ đại học
Năm 2015 có nhiều sự kiện nổi bật trong giáo dục ĐH. Riêng về mặt tự chủ, chúng ta đã có những bước tiến nào trong việc phát triển chính sách và những điều đó có ý nghĩa gì?
Vấn đề tự chủ đã được nêu ra lần đầu vào năm 2005 trong Luật Giáo dục. Đến nay, tầm quan trọng của nó đã được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam nhưng những bước tiến trong thực tế vẫn còn rất chậm, một phần do khung pháp lý chưa hoàn thiện và một phần do các trường chưa sẵn sàng thực thi.
Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Bước tiến trong năm 2015: Tự chủ tài chính
Năm 2015, có 2 diễn biến chính sách quan trọng: Chính phủ phê duyệt đề án 12 trường công tự chủ tài chính và chủ trương cổ phần hóa trường công.
Thực ra, quyết định mở rộng số trường công tự chủ tài chính này đã nằm trong một lộ trình bắt đầu từ năm 2006 qua Nghị định 43/NĐ-CP với 6 trường ĐH thí điểm tự cân đối thu chi để bảo đảm toàn bộ kinh phí thường xuyên. Điểm tiến bộ so với trước là nay không chỉ tự chủ về việc chi như thế nào mà còn tự chủ cả mức thu. Nói nôm na là để cho các trường công vận hành trong cơ chế thị trường, cho phép thu học phí cao và đưa ra chất lượng dịch vụ tương xứng. Nói cách khác là đa dạng hóa nguồn cung để tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người học.
Vẫn biết là điều này sẽ làm hẹp lại cánh cửa cho người nghèo nhưng một chủ trương tốt cần bao hàm được nhiều yếu tố bổ sung cho nhau: cần có những chính sách hỗ trợ bao gồm học bổng và tín dụng cho người nghèo; nếu chỉ dựa vào mức thu nhập của người nghèo để định ra mức học phí thì chúng ta không bao giờ có dịch vụ đào tạo ĐH có chất lượng.
Chủ trương này không hẳn là đã được hoan nghênh hoàn toàn cả từ phía các trường lẫn người dân. Nhiều năm thụ hưởng bao cấp về giáo dục, nhiều người chưa sẵn sàng chấp nhận quan niệm xem giáo dục ĐH là một dịch vụ và khi nhà nước không còn khả năng bao cấp, giá rẻ không thể đi kèm chất lượng tốt. Các trường cũng ít nhiều e ngại khi bị cắt bầu sữa ngân sách bởi lo thu không đủ bù chi, nhất là các trường kỹ thuật vốn phải đầu tư nhiều trang thiết bị.
Nhà nước sẽ có được sự đồng thuận và ủng hộ lớn hơn của công chúng nếu nhấn mạnh đầy đủ đến trách nhiệm giải trình của các trường, vốn là một công cụ hữu hiệu để cân bằng với quyền tự chủ và giúp các trường phát triển lành mạnh.
Hơn nữa, rất cần nhấn mạnh rằng chuyển các trường công sang tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước trút bỏ trách nhiệm đối với giáo dục ĐH mà là đòi hỏi các trường phải thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động, cải thiện hoạt động nhằm vào hiệu quả; còn nhà nước thì tập trung vào những lĩnh vực và chức năng mà thị trường không thể đáp ứng.
Một chính sách khác là cổ phần hóa trường công, tức biến trường công thành trường tư, đang gây ra nhiều e ngại. Bởi lẽ, điều đó sẽ được coi như đẩy nhà trường vào khu vực thị trường bằng cách thương mại hóa triệt để - một giải pháp biến tài sản công thành của tư rất xa lạ với thực tiễn quản trị hệ thống ở các nước.
Tự chủ tuyển sinh: Còn nhiều trắc trở
Năm 2015, tuyển sinh được thực hiện theo cách chưa từng có tiền lệ trước đây: kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một; thi trước chọn trường sau; thí sinh được chọn nhiều tổ hợp điểm khác nhau và xét tuyển công khai từ trên xuống.
Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều trục trặc trong quá trình thực hiện, gây bức xúc cho thí sinh và cả xã hội cũng như tốn nhiều giấy mực, thời gian để bàn luận. Trước khi bình luận về những điều này, có lẽ cũng nên nhắc lại rằng Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường tự tổ chức tuyển sinh riêng. Thực tế, đã có hàng trăm trường chủ động lập đề án, thực hiện tuyển sinh riêng theo cách của mình. Trong đó, có những nơi nghiên cứu rất cẩn thận và tổ chức một cách bài bản, hiện đại như ĐHQG Hà Nội. Các trường phải chịu cảnh nộp - rút náo loạn là những trường tham gia xét tuyển chung theo sự điều phối của Bộ GD-ĐT mà trực tiếp là Cục Khảo thí.
Mặc dù những hạn chế trong khâu tổ chức, đặc biệt về mặt kỹ thuật và quy trình thực hiện của Bộ GD&ĐT, có vai trò quan trọng gây ra những bất cập không đáng có nhưng chúng ta vẫn cần nhìn nhận rằng bước tiến lớn trong tự chủ tuyển sinh là việc bộ chấp nhận cho các trường được phép có phương án riêng, tức là chấp nhận một mức độ tự chủ rất đáng kể so với trước đây. Bởi lẽ, đi cùng với nó là sự đa dạng trong phương thức tuyển sinh.
Lãnh đạo nhiều trường nói rằng nếu được phép lựa chọn, họ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi năng lực của ĐHQG Hà Nội để xét tuyển vào trường mình. Điều này củng cố ý tưởng tách riêng 2 việc thi và tuyển, như một số chuyên gia đã đề cập từ lâu. Tách thi và tuyển là cách làm phổ biến ở nhiều nước vì bảo đảm phẩm chất kỹ thuật của việc đánh giá năng lực, quyền tự chủ của từng trường trong xây dựng chính sách, chiến lược và tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn sinh viên.
Hiện nay, Việt Nam chưa thực sự đi theo hướng này, ngoài những trường có đề án tuyển sinh riêng, những trường tham gia xét tuyển chung chỉ dựa vào hầu như một nhân tố là điểm thi. Trong khi đó, điểm thi chỉ nói lên một phần năng lực người học, chưa kể là thi chung như năm nay thì có nhiều yếu tố làm cho điểm thi có khả năng không chính xác.
Tự chủ về nhân sự: Gây tranh cãi
Câu chuyện tự công nhận tiêu chuẩn giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đặt ra một vấn đề quan trọng hơn: Chính sách bổ nhiệm và sử dụng giảng viên, nói rộng hơn là chính sách dùng người. Mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng tác động của nó là đưa ra công luận tầm quan trọng của việc trao quyền cho các trường công nhận những thành tích học thuật của giới hàn lâm nhằm khích lệ và sử dụng họ tốt hơn.
Kết cục của câu chuyện ồn ào này là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấp thuận đề nghị của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước xem xét lại thủ tục, tiêu chuẩn, quy trình công nhận và bổ nhiệm giáo sư, nhằm thay đổi những bất hợp lý hiện thời.
Mặc dù chúng ta chưa biết chính sách mới về việc này sẽ ra sao nhưng có thể hy vọng nó thể hiện được xu thế quốc tế, là chuyển dịch trọng tâm về phía các trường. Hiện nay, hiệu trưởng các trường công cũng như tư đều do nhà nước bổ nhiệm.
Chúng ta có thể hy vọng trong tương lai, quy trình lựa chọn lãnh đạo các trường cũng sẽ là câu chuyện của từng trường. Điều này đang được thấy rõ ở các trường công tự chủ tài chính. Do phải đương đầu với cạnh tranh của kinh tế thị trường, các trường công tự chủ tài chính đang có xu hướng tìm người lãnh đạo thực sự có năng lực chứ không chỉ là những người có gia thế hay quan hệ tốt.
Có thể nói, trong lĩnh vực tự chủ, Việt Nam đang tiến những bước rõ rệt và đáng khích lệ. Có lẽ điều cần nhấn mạnh là nhà nước cần chú trọng hơn đến những thiết chế bảo đảm trách nhiệm giải trình của các trường nhằm xây dựng vị trí quân bình của nhà trường và bảo vệ lợi ích của xã hội.
Chưa nắm được cơ hội tự chủ về học thuật
Tháng 4/2015, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 07 quy định về chuẩn đầu ra các bậc học từ cử nhân đến tiến sĩ và quy trình xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo; đồng thời công bố dự thảo về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo vào tháng 11/2015.
Những văn bản chính sách này đã thiết lập một hành lang pháp lý cần thiết để các trường có cơ sở thực thi quyền tự chủ của mình trong việc xây dựng chương trình và quyết định nội dung giảng dạy. Bộ chỉ hướng dẫn quy trình và khung khổ chung cho từng trình độ nhưng không can thiệp vào việc xác định chuẩn đầu ra của từng ngành, từng trường. Lạ lùng thay, một số trường lại cho rằng xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành, từng trình độ là việc của Bộ GD-ĐT và mong bộ sẽ làm thay việc ấy cho mình!
Có thể thấy đang có một không gian mở ra cho các trường để làm được nhiều việc có ý nghĩa đổi mới nhưng dường như nhiều trường vẫn chưa nắm lấy được những cơ hội ấy
Theo Phạm Thị Ly/Người Lao Động
GS. Mai Trọng Nhuận: Tự chủ giả hiệu sẽ không có Đại học đích thực Không có một trường đại học nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có quyền tự chủ cần thiết. LTS: Quan điểm của GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khi bàn về tự chủ đại học. Trong chủ đề này ông bày tỏ, vấn đề tự chủ đại học nói riêng và...