Sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo liên thông
Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế mới để quản lý chặt chẽ hơn về việc đào tạo liên thông. Bên cạnh đó chỉ tiêu cũng được khống chế hợp lý để tránh việc mở lớp tràn lan.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sở dĩ có chuyện liên thông là do trong Luật Giáo dục ĐH có quy định điều này. Mục đích là nhằm tạo điều kiện cho những người đang học ở trình độ thấp hơn có thể được học lên bậc cao hơn và được miễn trừ các kiến thức đã được học ở bậc dưới. Đây là một chủ trương tốt vì nó vừa giảm tốn kém cho người học cũng như rút ngắn thời gian học.
Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta kiểm soát được vấn đề chất lượng trong khâu đào tạo liên thông. Hiện nay, về vấn đề đào tạo liên thông, Bộ GD-ĐT có thông tư 06, bên cạnh đó cũng ký liên tịch với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về đào tạo liên thông từ hệ nghề chuyển sang hệ giáo dục quốc dân.
Sẽ siết chặt chỉ tiêu đào tạo liên thông trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
“Trong những năm qua, chúng ta đang thực hiện thí điểm những văn bản này nên hiện nay đã xảy ra một số bất cập về chất lượng đào tạo. Vì vậy trong khuôn khổ soạn thảo các văn bản để chuẩn bị thực hiện luật giáo dục ĐH có hiệu lực vào 1/2013 này thì quy chế liên thông Bộ GD-ĐT đang sửa đổi” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Về những sửa đổi quy chế đào tạo liên thông, Thứ trưởng Bùi Văn Ga tiết lộ: So với dự thảo đã đăng tải để xin ý kiến thì Bộ sẽ có một số điều chỉnh. Chẳng hạn như như về thi tuyển sinh, trước đây dự thảo cũ dự kiến là giống như “3 chung” thì bây giờ mềm dẻo hơn.
Bộ GD-ĐT dự kiến có hai phương án, thứ nhất nếu sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường công tác quá 3 năm thì sẽ thi một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên môn. Những môn thi này do trường thí sinh muốn dự thi liên thông lên tự tổ chức thi. Thứ 2, đối với những SV mới tốt nghiệp mà muốn dự thi liên thông ngay thì sẽ tham dự kì thi “3 chung” giống như bình thường. Sau khi trúng tuyển đi học, những SV này sẽ được giảm trừ các môn học đã học ở cấp học dưới.
Video đang HOT
“Theo phương án này thì trước hết chúng ta kiểm soát được đầu vào. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo thì quy chế mới sẽ sửa đổi là không tổ chức lớp riêng đào tạo về liên thông mà buộc những thí sinh trúng tuyển học chung với những SV đang học chính quy. Ví dụ liên thông từ CĐ lên ĐH thì sau khi trúng tuyển sẽ học với với SV đại học năm thứ 3 chẳng hạn. Như vậy, những SV trúng tuyển hệ liên thông sẽ được cọ xát, học tập và thi đầu ra như SV chính quy” – Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Liên quan đến chỉ tiêu đào tạo liên thông, Thứ trưởng Ga cho biết thêm, sắp tới chỉ tiêu đào tạo liên thông sẽ nằm trong chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường. Bên cạnh đó, với hình thức cho SV liên thông học chung với SV chính quy đòi hỏi trường đó phải đào tạo theo hệ thống tín chỉ để thông qua đó đánh giá so sánh miễn trừ các môn học. Trong quy chế mới cũng sẽ quy định tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh liên thông so với chỉ tiêu đào tạo chính quy. Với “rào cản” này thì trường không thể tuyển liên thông quá nhiều được mà phải ưu tiên tuyển hệ chính quy trước. Dự kiến chỉ tiêu liên thông sẽ không quá 20% so với hệ kia”.
Nói về công tác giám sát quản lý trong thời gian tới, Thứ trưởng Ga khẳng định: “Bộ GD-ĐT chỉ giao cho các trường quản lý giám sát đối với hệ đào tạo liên thông không nhảy bậc. Còn nếu nhảy bậc từ TCCN lên ĐH thì Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp giám sát. Đơn vị nào muốn thực hiện thì phải có đề án trình lên Bộ, chỉ khi được sự đồng ý mới được triển khai. Riêng với đào tạo liên thông từ hệ nghề sang hệ thống giáo dục quốc dân thì chỉ tiêu sẽ được không chế rất ít. Chỉ có những em có năng lực thực sự thì mới có cơ hội học tiếp”.
S.H
Theo dân trí
ĐH tư thục lo rối vì luật
Luật Giáo dục ĐH mới được Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới nhưng đại diện nhiều trường ngoài công lập lo rằng một số quy định của luật này sẽ khiến họ thêm rối khi áp dụng.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định hiện các trường ĐH ngoài công lập bị chi phối bởi hàng loạt quy chế, chính sách quản lý mà trong đó, không ít chủ trương bất hợp lý gây khó khăn khi thực hiện. Luật Giáo dục ĐH 2012 hy vọng sẽ giúp các trường tháo gỡ những khó khăn này. Thế nhưng, không ít trường ngoài công lập đang rất lo lắng khi luật đi vào thực tế.
Vướng tài sản chung
Theo chủ tịch HĐQT của một trường thuộc khối ĐH, CĐ tư thục tại TPHCM, trường này đã hoàn tất việc chuyển sang tư thục theo đúng quy định. Sau khi chuyển đổi, trường liên tiếp xảy ra mâu thuẫn nội bộ, một thời gian dài mới bầu được HĐQT. Đến nay, mâu thuẫn nội bộ vẫn âm ỉ, kìm hãm sự phát triển của trường. Nguyên nhân là do các quy định về quyền sở hữu tài sản từ trước tới nay không minh bạch.
Năm 2009, Quyết định 61/2009/QĐ-TTg về quy chế tổ chức và hoạt động của trường tư thục được ban hành, trong đó nêu: "Tài sản của các trường ĐH tư thục được hình thành từ vốn góp của các cổ đông thuộc sở hữu tư nhân của tổ chức, cá nhân góp vốn theo số lượng cổ phần. Tài sản do biếu, tặng, cho, tài trợ hoặc tăng thêm nhờ kết quả hoạt động của trường thuộc sở hữu chung của trường ĐH tư thục".
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - một trong những trường ĐH dân lập đã chuyển sang tư thục - trong giờ học.
Sau đó, Quyết định 63/2011/QĐ-TTg giải thích rõ hơn về tài sản chung, trong đó có vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia - là tài sản từ ĐH dân lập chuyển sang nhưng lại được chia thành cổ phần để tính cổ tức."Chính quy định này đã gây rắc rối bởi tài sản chung bao gồm cả cơ sở vật chất nhưng chia thành cổ phần để tính cổ tức thì làm sao tính được? Tài sản chung không phải là vốn để chia lãi. Vì quy định này, mâu thuẫn lợi ích càng tăng lên" - vị chủ tịch HĐQT nêu trên nói.
Ngoài ra, Quyết định 63 yêu cầu có người đại diện cho tài sản chung hợp nhất không phân chia của trường ĐH dân lập chuyển sang, do những người góp vốn và đại diện cán bộ cơ hữu bầu ra. Người này được tham gia đại hội cổ đông và có quyền biểu quyết theo đa số. Do vậy, lại nảy sinh mâu thuẫn trong việc bầu ai là người đại diện bởi người đại diện cho tài sản chung sẽ có quyền quyết định cao nhất vì số phiếu biểu quyết tương ứng với số cổ phần của tài sản chung là rất lớn so với cổ phần cá nhân.
Những bất cập của các quy chế đang áp dụng đã khiến việc chuyển đổi từ loại hình dân lập sang tư thục ở nhiều trường gặp bế tắc. Đến nay, sau 5 năm, chỉ có 3/19 trường ĐH dân lập chuyển đổi thành công sang tư thục theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 7-2007. Những trường ĐH dân lập chưa chuyển đổi còn lại hiện đang loay hoay hoạt động mà không theo một quy chế nào (Luật Giáo dục không có mô hình ĐH dân lập).
Nản lòng nhà đầu tư
Những bất cập của các quy chế trước đây chưa được giải quyết thì Luật Giáo dục ĐH dự kiến áp dụng vào thực tế trong năm tới lại khiến nhiều trường tư thục rối bời. Luật quy định thành viên HĐQT bao gồm đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định, hiệu trưởng, đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục ĐH có trụ sở, đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể, đại diện giảng viên.
Theo GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long, Luật Giáo dục ĐH quy định đại diện chính quyền địa phương trong HĐQT của trường nhưng không thấy ghi rõ cấp nào, các cấp này có sự am hiểu về giáo dục ĐH hay không. Việc đưa một đại diện của chính quyền địa phương vào HĐQT sẽ gây nhiều rối loạn vì người này có thể không hiểu về các hoạt động của nhà trường để tham gia biểu quyết những vấn đề phát triển của trường. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng nhân lực am hiểu quản lý giáo dục ĐH, đại diện chính quyền địa phương tham gia vào bộ máy quản lý của các trường ở đâu cho đủ khi có hàng chục trường ĐH, CĐ ngoài công lập trên cùng trên một địa bàn như Hà Nội hoặc TPHCM?
Chủ tịch HĐQT của một trường tư thục tại TPHCM cho rằng Luật Giáo dục ĐH quy định HĐQT có 6 người, trong đó chỉ 1 người đại diện cho các tổ chức, cá nhân có cổ phần đóng góp thì việc nắm cổ phần chẳng còn giá trị nữa vì HĐQT bỏ phiếu theo đa số. Luật Giáo dục ĐH cũng nêu HĐQT của trường tư thục quyết định tất cả mọi vấn đề quan trọng nhưng với thành phần HĐQT như vậy, rõ ràng người góp vốn không có quyền hạn gì đáng kể. "Vậy thì có ai dám bỏ vốn để xây dựng và phát triển trường? Chủ trương xã hội hóa giáo dục liệu có thực hiện được?" - vị này băn khoăn.
PGS-TSKH Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho rằng khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực sẽ cần thêm một số nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết hơn, tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện và giúp hoạt động giáo dục được công khai, minh bạch.
Theo Thùy Vinh
Người lao động
Bốn năm tới, bậc phổ thông dạy kiểu gì? Nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề về dạy học tích hợp, dạy học phân hóa trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) cho việc triển khai đề án đổi mới sau năm 2015 của Bộ GD-ĐT đã được tranh luận tại hội thảo khoa học về dạy học tích hợp - dạy học phân hóa ở giáo dục phổ thông....