Sẽ có quy định để điểm chuẩn vào lớp 10 không như ‘chơi chứng khoán’
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định những trường công bố điểm chuẩn tăng theo buổi giống ‘ chơi chứng khoán’ như Trường Tạ Quang Bửu chỉ là cá biệt nhưng Sở cũng sẽ có biện pháp chấn chỉnh trong năm tới.
Học sinh làm thủ tục dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội – NGỌC THẮNG
Xung quanh những chuyện lạ lùng trong tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội vừa qua, cuối chiều 10.7, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định những trường công bố điểm chuẩn tăng theo buổi giống “chơi chứng khoán” như Trường Tạ Quang Bửu chỉ là cá biệt nhưng Sở cũng sẽ có biện pháp chấn chỉnh trong năm tới. Cụ thể, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tham mưu để quy định tuyển sinh vào lớp 10 về điểm chuẩn cho cả trường công và ngoài công lập, theo hướng đã tuyển thì chỉ được phép tuyển đủ chỉ tiêu, nếu không đủ thì hạ điểm chuẩn chứ không được phép tăng.
Xung quanh việc các trường ngoài công lập thu “phí giữ chỗ, phí ghi danh”, lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định không có bất cứ quy định nào cho phép các trường được thu những loại phí này.
Do vậy, “Sở GD-ĐT sẽ kiên quyết yêu cầu tất cả các trường ngoài công lập phải trả lại khoản thu này cho phụ huynh học sinh, không loại trừ trường nào”, ông Quang khẳng định.
Theo thanhnien.vn
Video đang HOT
Điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội: Sáng 46, chiều... 49
Có lẽ chưa năm nào điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội lại có những biến động khó hiểu như năm nay. Một số trường ngoài công lập công bố điểm chuẩn theo... buổi hệt như chơi chứng khoán.
Điểm chuẩn được công bố theo buổi của Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu - ẢNH T.N
Như chơi chứng khoán
Tối 29.6, sau khi Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, một trường ngoài công lập của Hà Nội phát đi thông báo mức điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2018 -2019 của trường là 46 điểm.
Tuy nhiên, khác với điểm chuẩn chỉ giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm của hầu hết các trường thì thông báo của Trường Tạ Quang Bửu lại có thêm một lưu ý rất "khác người": Thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn là từ 8 giờ - 11 giờ sáng 30.6. Từ buổi chiều, mức điểm có thể có sự thay đổi.
Trước thông báo đầy tính "đe dọạ" này, từ sáng sớm 30.6, phụ huynh có con đạt mức 46 điểm và không đỗ vào các trường công lập theo nguyện vọng đã đăng ký, ùn ùn kéo tới Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu xếp hàng nộp hồ sơ nhập học cho con...
Đến đầu giờ chiều nay, trường này lại phát đi thông báo mới: "Chiều 30.6, trường Tạ Quang Bửu chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho các học sinh đạt điểm thi vào 10 từ 49 điểm trở lên. Điểm chuẩn ngày 1.7 sẽ được cập nhật vào 8 giờ sáng ngày 1.7".
Chiều nay 30.6, điểm chuẩn vào Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu đã tăng so với buổi sáng 3 điểm - ẢNH T.N
Một phụ huynh có con đạt 48 điểm cho biết, sáng nay, cả bố mẹ đi công tác chưa về kịp nên nghĩ sáng 46 điểm thì chiều tăng lên 1 - 2 điểm là cùng, mức 48 điểm vẫn đủ để nộp buổi chiều. Nào ngờ, chiều lại vọt lên tận 49 điểm....
Một phụ huynh cũng trong cảnh ngộ chậm chân nên con thiếu điểm vào trường này bức xúc: đành rằng trường ngoài công lập được chủ động tuyển sinh nhưng lần đầu tiên thấy chuyện sáng điểm chuẩn là 46, chiều lại là 49, rồi lại cảnh báo ngày hôm sau lại khác nữa.... "Thế thì gọi là chơi chứng khoán chứ gọi gì là điểm chuẩn nữa", vị phụ huynh này nói.
Ghi danh sớm được tặng điểm
Nhiều phụ huynh đang chờ nộp hồ sơ vào trường này cũng phản ánh, trước khi công bố điểm chuẩn, nhà trường còn đặt ra một "luật chơi" cũng khá lạ lùng, đó là việc nhận nộp lệ phí ghi danh 2 triệu đồng. Ai ghi danh sớm sẽ được "tặng" 1 điểm. Nếu học sinh trúng tuyển vào trường mà không học thì trường sẽ không trả lại phí ghi danh.
Năm nay, nhiều trường ngoài công lập cũng tuyển sinh sớm trước khi Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào THPT công lập và buộc phụ huynh phải chấp nhận nộp hồ sơ vào trường sẽ không được rút hoặc phải chấp nhận mất một khoản phí đóng góp không nhỏ.
Trường THPT Đào Duy Từ yêu cầu khi đã nộp hồ sơ rồi, đề nghị gia đình không rút hồ sơ và cam kết sẽ học ổn định tại trường trong 3 năm học. Các nhân viên làm nhiệm vụ tuyển sinh cho biết, nếu phụ huynh không ký cam kết này thì mời về, trường không nhận hồ sơ.
Hay trường THCS & THPT Lương Thế Vinh công bố điểm trúng tuyển và thu hồ sơ của các học sinh từ ngày 26.6, mỗi học sinh khi làm thủ tục phải nộp các khoản tổng cộng là hơn 6 triệu đồng. Nếu sau khi biết điểm chuẩn công lập, học sinh nào rút hồ sơ thì sẽ không được trả lại tiền mà khoản đó sẽ nộp về quỹ khuyến học của trường.
Đáng nói, dù nhiều phụ huynh chấp nhận mất khoản phí kia nhưng trong khi "nước sôi lửa bỏng" đi rút hồ sơ để kịp nộp cho con trúng tuyển vào trường chuyên thì đến cổng trường gặp ngay thông báo "Ban tuyển sinh nghỉ làm việc đến hết ngày 1.7.2018"... Trong khi đó, theo quy định của Sở, thời gian nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường chuyên là từ 29.6-1.7, đúng với thời gian ban tuyển sinh của trường này nghỉ làm việc.
Những cách làm khác lạ trên của một số trường ngoài công lập được đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội lý giải: "Phụ huynh cũng phải xem lại việc tự nguyện của mình vì trường ngoài công lập là người ta tự chủ, người ta có những công tác quản lý mở hơn. Trường ngoài công lập ngoài việc theo đuổi giáo dục thì họ còn là doanh nghiệp, thế nên học sinh thực sự là khách hàng, là tự nguyện".
Theo thanhnien.vn
Sở Giáo dục Hà Nội: 'Trường thu phí giữ chỗ là sai quy định' Đại diện Sở Giáo dục khẳng định trường ngoài công lập được tự quyết lệ phí tuyển sinh, nhưng không có loại phí nào là ghi danh hay giữ chỗ. Chiều 10/7, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đã trả lời về một số vấn đề trong tuyển sinh vào lớp 10. Khẳng định...