Sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011-2012
Chiều ngày 31/8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo chuyên đề khai giảng năm học mới 2011-2012. Những vấn đề được xã hội quan tâm như giảm tải, chấn chỉnh lạm thu và đặc biệt những thông tin mới nhất về kì thi tốt nghiệp 2011-2012… đã được lãnh đạo Bộ chia sẻ.
Đề án 70.000 tỷ tiếp tục được triển khai
Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT đăng tải dự thảo về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THPT, đã có hơn 100 ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân đã gửi về phòng chuyên môn. Phần lớn các ý kiến đều đồng thuận với chủ trương giảm tải của Bộ GD-ĐT. Có một số góp ý về vấn đề “kỹ thuật”, diễn đạt… Hiện nay, Vụ Giáo dục trung học đang tổng hợp các góp ý để trình lãnh đạo Bộ sau đó tiếp tục rà soát lần cuối cùng trước khi chính thức ban hành công văn hướng dẫn giảm tải vào ngày 3/9 tới.
Quang cảnh buổi họp báo.
Video đang HOT
Cũng theo ông Chuẩn, hướng dẫn giảm tải của Bộ sẽ rất cụ thể, rõ ràng và dễ nghiên cứu và dễ triển khai thực hiện. Bộ GD-ĐT sẽ gửi nội dung giảm tải này cho lãnh đạo các Sở, sau đó Sở sẽ có trách nhiệm phát tài liệu này cho từng giáo viên. Ngay sau khi bắt đầu năm học, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc triển khai giảm tải, công việc kiểm tra này cũng sẽ trở thành hoạt động thường xuyên.
Liên quan đến vấn đề giảm tải, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đây là một giải pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp hơn, tinh giản hơn, cơ bản hơn hướng tới đánh giá năng lực người học, cách vận dụng được kiến thức, kĩ năng và các giáo viên có điều kiện nâng cao phương pháp dạy học. Quá trình này phải tiếp tục hằng năm và có lộ trình. Việc tiếp thu ý kiến về việc giảm tải Bộ GD-ĐT đưa ra hai quan điểm, một là tiếp thu để khắc phúc ngay. Hai là, những ý kiến chưa thể thực hiện ngay được thì phải chờ dịp khác, thậm chí là đợi chương trình SGK mới thì mới thực hiện được.
Thứ trưởng Hiển cũng cho biết, đề án đổi mới chương trình, nội dung SGK với kinh phí 70.000 tỷ đồng đang tiếp tục được thực hiện, nghiên cứu và hoàn thiện. Đề án này sẽ được ban hành sau khi Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.
“Chúng ta có dự kiến chi 70.000 tỷ đồng nhưng không phải chỉ để cho viết sách mà là cho toàn bộ quá trình. Nước ta hiện có khoảng 30.000 trường phổ thông, như vậy bình quân mỗi trường được hơn 2 tỷ đồng để thực hiện rất nhiều khâu thì không phải nhiều” – Thứ trưởng Hiển chia sẻ.
Thi tốt nghiệp THPT 2011-2012: Phân cấp mạnh cho địa phương
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Bộ sẽ tiến hành kiểm tra rà soát lại các khâu trong kì thi tốt nghiệp THPT 2010-2011 để xác định điểm mạnh và yếu. Qua đó sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để tiến đến việc tổ chức kì thi gọn nhẹ nhưng đảm bảo an toàn và nghiêm túc”.
Ông Nghĩa cũng cho hay, trong năm học này sẽ yêu cầu các Bộ ban ngành địa phương phối hợp với ngành giáo dục trong các khâu tổ chức kì thi. Hoàn thiện mối quan hệ giữa ban chỉ đạo thi các trường phổ thông với ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cũng như với ban chỉ đạo thi Trung ương. Bên cạnh đó sẽ tăng cường khả năng giám sát giữa các ban chỉ đạo thi.
Trong kì thi tốt nghiệp năm 2011-2012, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho giám đốc các Sở GD-ĐT trong khâu tổ chức thi. Giao cho giám đốc Sở GD-ĐT đưa ra cách thức tổ chức thi phù hợp với địa phương của mình, bên cạnh Sở cũng được phép chủ động tổ chức chấm thi nhưng phải đảm bảo yêu cầu chấm chéo bài thi tự luận giữa các khu vực của tỉnh.
Như vậy với kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 hình thức thi cụm, chấm theo liên tỉnh sẽ bị xóa bỏ mà chỉ còn thu hẹp lại trong từng địa phương.
Theo Dân Trí
Năm học 2011-2012: giảm tải ở nội dung nào?
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhóm thứ nhất là giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Chẳng hạn như: Cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hoá học, công nghệ hay cùng một nội dung đó được dạy ở cả môn giáo dục công dân và cả hoạt động ngoài giờ lên lớp (chủ yếu ở cấp THCS và THPT). Ví dụ: Bài 6: mục IV. Trạng thái của chất (trang 24 SGK hóa học lớp 8 THCS) đã được học ở môn Vật Lý THCS; Bài 11. Mục I: Những nhu cầu của cây trồng (trang 37 SGK hóa học lớp 9 THCS) đã được học ở môn Sinh THCS;...
Nhóm thứ hai là giảm tải thứ hai là những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình SGK theo quan điểm đồng tâm. Ví dụ: Mục I. Ôn tập hàm số bậc nhất và mục II. Hàm số hằng y = b của 2. Hàm số y = ax b (Tr. 39-41), Chương II. Hàm số bậc nhất và bậc hai, Toán lớp 10 sẽ Không dạy vì HS đã học ở 2 và 3 (tr 46-51), Chương II, Đại số lớp 9.
Việc giảm tải sẽ diễn ra ở tất cả các cấp học giúp đẩy cao chất lượng dạy và học
Nhóm thứ ba là giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ví dụ: Trong ở cấp Tiểu học, không yêu cầu học sinh xây dựng tiểu phẩm khi học môn đạo đức ; Ở môn Địa lý lớp 6 Bài 18. Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí, câu hỏi 2. Tại sao lại có sự khác nhau giữa khí hậu đại dương và lục địa? Câu hỏi này yêu cầu kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với HS lớp 6 và nội dung của bài không đủ kiến thức để trả lời.
Nhóm thứ tư là rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương. Ví dụ, đối với môn công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kĩ thuật trồng cây cảnh hay kĩ thuật thuỷ canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng.
Nhóm thứ năm là những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại. Điều này rõ nhất ở môn Mĩ thuật cấp THCS. Ví dụ: Bài "Mỹ thuật thời Trần" của lớp 7 và bài "Một số công trình mỹ thuật thời Trần" trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để GV và HS thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy - học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc giảm tải lần này sẽ mang lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục được sự khó khăn cho HS bởi thời gian học tập ít mà cứ phải học các kiến thức trùng lặp hay vì bài tập, yêu cầu quá cao nên nảy sinh chuyện dạy thêm, học thêm...
Giảm tải cũng sẽ giúp các GV có đủ điều kiện để chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng, có thêm thời gian cho việc dạy và học tốt hơn các yêu cầu kiến thức phổ thông cần thiết hoặc việc rèn luyện kĩ năng sống cho HS...
Theo VTC
Thư gửi con trước ngày thi tốt nghiệp Thế là chỉ một ngày nữa là con bước vào kì thi quan trọng kết thúc mười hai năm đèn sách. Kể từ đây, con sẽ trưởng thành hơn và dần tự quyết định tương lai của mình. Một tuần trước kì thi, gần như đêm nào mẹ cũng thấy phòng con sáng đèn, con lo lắng cho những bài Địa còn chưa...