Sẽ có hàng ngàn thí sinh “không thi vẫn đỗ tốt nghiệp”!
Chiều 15/4, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ GD & ĐT đã tổ chức họp báo quý I năm 2014. Tâm điểm của buổi họp báo xoay quanh hai chủ đề lớn đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa sau năm 2015.
PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ dựa trên kết quả lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp 4 môn, nhưng theo nhiều địa phương cho biết, tỷ lệ đỗ nhiều nơi sẽ đạt 100% vì nhiều giáo viên sẽ nương tay trong việc cho điểm học tập ở lớp 12. Vậy Bộ có giải pháp gì để giải quyết, chấn chỉnh tình trạng này?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD & ĐT: Việc sử dụng phối hợp kết quả học tập lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp dựa trên cơ sở lý luận rất chặt chẽ, quan điểm đổi mới kỳ thi theo hướng giảm áp lực và giảm tốn kém. Việc kết hợp hai kênh này để xét tốt nghiệp cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Và có địa phương nói đến tỷ lệ đỗ 100% chỉ là dự đoán – chúng ta hãy chờ xem. Vừa qua, Bộ GD & ĐT đã làm việc với một số Sở GD & ĐT, có Sở đã quản lý điểm học tập của học sinh lớp 12 bằng phần mềm rồi. Thêm nữa, chúng ta sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra vi phạm, phải khơi dậy tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của nhà trường, của học trò và đạo đức nghề nghiệp trong sáng của nhà giáo, để có được một môi trường giáo dục thực dạy, thực học.
PV: Năm nay, Bộ sẽ thay đổi phương thức ra đề thi tốt nghiệp như thế nào? Giờ thí sinh mới biết thay đổi đó thì có muộn không? Vừa qua, Bộ GD & ĐT mới chỉ đưa môn Văn ra để hội thảo đổi mới đánh giá, kiểm tra, vậy các môn khác sẽ ra sao? Giáo viên và học sinh có thể yên tâm trước sự thay đổi lớn này không?
Ông Mai Văn Trinh: Chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp dựa trên quan điểm sẽ tạo thuận lợi nhưng không gây sốc cho thí sinh, theo lộ trình sẽ đổi mới từ thấp đến cao. Kỳ thi sắp tới, sẽ có hai môn đề thi có thay đổi. Môn Văn sẽ có phần đọc hiểu và làm văn, môn Ngoại ngữ sẽ có cả phần viết và trắc nghiệm. Thi không chỉ đánh giá các em đã đạt mục tiêu hay chưa mà quan trọng là phải tác động trở lại quá trình dạy và học như thế nào trong nhà trường. Vừa qua, Bộ tổ chức hội thảo đổi mới môn Văn, đây cũng là hoạt động thường xuyên, nhưng trong bối cảnh đổi mới giáo dục nên có lẽ hội thảo được nhìn nhận khắt khe hơn
Video đang HOT
PV: Năm nay thi tốt nghiệp chỉ còn 4 môn, sẽ nảy sinh một tình trạng, đó là rất đông thí sinh hệ giáo dục thường xuyên trượt thi tốt nghiệp năm trước, được bảo lưu kết quả, và năm nay các em sẽ chọn 4 môn thi trùng với môn đạt điểm bảo lưu cao nhất. Như vậy, sẽ có hàng ngàn thí sinh trượt tốt nghiệp năm trước, nhưng năm nay sẽ đỗ tốt nghiệp mà không phải thi. Vậy điều này có hợp quy chế và công bằng với thí sinh hệ THPT hay không?
Ông Mai Văn Trinh: Kỳ thi tốt nghiệp sẽ diễn ra trong khuôn khổ Quy chế thi tốt nghiệp. Vấn đề các nhà báo nêu ra là đúng, nhưng sẽ phải căn cứ điểm trung bình học tập của thí sinh này có ổn hay không. Nếu chưa ổn thì các em sẽ phải thi. Học sinh giáo dục thường xuyên được bảo lưu kết quả là một chủ trương rất nhân văn, phù hợp với thực tiễn vì các em vừa học vừa làm nên không được thụ hưởng giáo dục toàn diện như học sinh hệ giáo dục phổ thông. Với lộ trình đổi mới thi thì Quy chế thi tốt nghiệp như hiện nay là tối ưu.
Đề thi tốt nghiệp năm nay sẽ có nhiều cải tiến, đảm bảo quyền lợi thí sinh.
35.000 tỷ đồng cho chương trình – sách giáo khoa chỉ là một “khái toán”
PV: Ngày 14/4, Bộ GD & ĐT đã công bố kinh phí đổi mới CT – SGK trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là gần 35.000 tỷ đồng. Vậy số tiền này sẽ chi tiêu cụ thể như thế nào? Bao nhiêu là do ngân sách và bao nhiêu do xã hội hóa? Dư luận cho rằng, số kinh phí này là quá lớn, vậy quan điểm của Bộ GD & ĐT như thế nào?
Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Con số hơn 34.000 tỷ đồng mới chỉ là khái toán. Bất cứ đề án nào cũng phải hình dung ra một con số dự tính, tuy nhiên sẽ trải qua quá trình thẩm định của Bộ Tài chính, thẩm tra của Quốc hội, đây mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi sẽ lắng nghe và hoàn chỉnh đề án. Làm CT – SGK với môn tự nhiên có thể dịch từ sách nước ngoài, trên tinh thần chung là hội nhập quốc tế, dứt khoát phải xây dựng một CT – SGK mới vì chương trình cũ đã sử dụng 14 năm rồi. Sách lần này có cập nhật tình hình thực tiễn thế giới.
PV: Vậy số tiền trên dự chi cho thiết bị dạy học bao nhiêu tiền? Bộ đã có khảo sát, đánh giá gì về kết quả sử dụng thiết bị dạy học của lần đổi mới giáo dục những năm qua hay chưa?
Ông Đỗ Ngọc Thống: Chúng tôi sẽ có khảo sát, đánh giá lại hiện trạng dạy học, trong đó có thiết bị, trên tinh thần sẽ tận dụng tất cả những trang thiết bị hiện có, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đổi mới lần này không phải là đổi mới nội dung mà là đổi mới cách dạy và học. Đầu tư cho thiết bị sẽ không nhiều như trước, mà sẽ đủ ở mức tối thiểu.
PV: Bộ đưa ra kinh phí 34.275 tỷ đồng rất cụ thể, như vậy cũng phải có các phần việc cụ thể. Dư luận cho rằng, nếu chỉ viết sách và chương trình thì chỉ cần số tiền nhỏ hơn con số đó rất nhiều.
Ông Đỗ Ngọc Thống: Hơn 34.000 tỷ đồng cho 7 – 8 phần việc, trong đó có cả việc bồi dưỡng, đào tạo lại hàng vạn giáo viên ở 35.000 trường phổ thông, kinh phí trên không chỉ dùng cho SGK, còn tài liệu tham khảo, sách tham khảo nữa. Dự kiến cho CT – SGK chỉ là 5.000 tỷ thôi. Số tiền còn lại cho nhiều phần việc nữa mà tôi không nhớ vì không phải là người phụ trách mảng này. Song song với Đề án CT – SGK còn hai đề án con nữa là nâng cấp cơ sở vật chất trường học và đề án đào tạo giáo viên.
PV: Vì sao Bộ không công khai rộng rãi dự toán các phần việc sử dụng 35.000 tỷ đồng để dư luận khỏi băn khoăn?
Ông Đỗ Ngọc Thống: Tôi nói lại đây mới chỉ là khái toán sơ bộ, sẽ phải trải qua nhiều khâu thẩm tra, sau đó sẽ công khai, Bộ cũng không giấu giếm gì
Theo Datviet