Sẽ có chương trình thạc sĩ riêng cho kỹ sư?
Dù bằng kỹ sư được xếp vào nhóm văn bằng tương đương trình độ của người có bằng thạc sĩ nhưng các trường ĐH vẫn đề xuất cần có chương trình đào tạo thạc sĩ riêng cho đối tượng này.
Sinh viên một trường có đào tạo các ngành cấp bằng kỹ sư – Đào Ngọc Thạch
Nghị định 99 ban hành ngày 30.12.2019 nêu văn bằng của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục ĐH bao gồm: bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, bác sĩ thú y, kỹ sư, kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Căn cứ vào khối lượng học tập của chương trình đào tạo, bằng kỹ sư tương đương trình độ bậc 7 – trình độ của người có bằng thạc sĩ. Quy định này hiện đang “vênh” so với quy chế đào tạo thạc sĩ hiện hành khi yêu cầu người đầu vào đào tạo thạc sĩ phải tốt nghiệp ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến thực hiện sửa đổi quy chế tuyển sinh cả 3 trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ nhằm khắc phục những điểm “vênh” trong các quy chế với luật Giáo dục ĐH bổ sung, sửa đổi.
Tăng thời lượng lên 150 tín chỉ
Dù chưa có quy chế đào tạo mới nhưng đến thời điểm này, các trường ĐH đào tạo kỹ sư đều có dự kiến điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo tối thiểu 150 tín chỉ theo luật mới.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết các ngành đào tạo kỹ sư của trường hiện trên 130 tín chỉ. Trước đó, chương trình đào tạo các ngành này vốn có 150 tín chỉ nên sắp tới sẽ điều chỉnh tăng lại thời lượng chương trình. Tuy nhiên, theo ông Dũng, dù tăng thời lượng tín chỉ nhưng có thể trường vẫn duy trì thời gian đào tạo 4 năm như hiện nay…
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến sẽ tăng từ 146 lên tối thiểu 150 tín chỉ các ngành cấp bằng kỹ sư theo quy định mới. Việc điều chỉnh chương trình đào tạo dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay để kịp áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết sẽ không có nhiều xáo trộn thời gian tới vì chương trình hiện hành đang gần tiệm cận với quy định mới.
Trong số 31 ngành đào tạo của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện có 23 ngành cấp bằng kỹ sư với thời lượng 136 tín chỉ. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết với định hướng trở thành trường ĐH nghiên cứu, trường sẽ nghiên cứu cân nhắc điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra phù hợp với quy định danh xưng từng ngành nghề.
“Trong đó, không loại trừ khả năng có những ngành sẽ được xây dựng 150 tín chỉ và cũng có những ngành giữ nguyên 136 tín chỉ như hiện nay. Về việc này, hội đồng khoa học đào tạo của trường sẽ rà soát, nghiên cứu và quyết định sau khi tham khảo ý kiến bên ngoài”, tiến sĩ Lý cho hay.
Trong khi đó, ngay từ năm 2019, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã “sửa” lại toàn bộ chương trình đào tạo. Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, trường này đã sẵn sàng cho việc đào tạo kỹ sư theo luật mới. Các ngành đào tạo kỹ sư đã được nâng lên 158 tín chỉ (gồm 8 tín chỉ tiếng Anh) và học trong 5 năm (trước đó là 142 tín chỉ, học trong 4,5 năm). Trong số 32 ngành của trường này, ngoại trừ ngành kiến trúc cấp bằng kiến trúc sư, khả năng sẽ có 2 ngành không cấp bằng kỹ sư gồm quản lý công nghiệp và khoa học máy tính. “Tuy nhiên, điểm mới từ năm nay là cho phép sinh viên cùng một ngành có thể nhận bằng kỹ sư nếu tích lũy đủ 158 tín chỉ hoặc chỉ cấp bằng cử nhân nếu đạt 128 tín chỉ”, ông Thắng chia sẻ.
Bằng kỹ sư không phiên ngang thạc sĩ
Trong khi chờ nghị định hướng dẫn thực hiện cụ thể, theo quan điểm cá nhân của đại diện một số trường ĐH là không nên chấp nhận phiên ngang bằng kỹ sư sang bằng thạc sĩ dù nghị định quy định tương đương trình độ đào tạo bậc 7.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói: “Bằng kỹ sư là tốt nghiệp trình độ ĐH, thạc sĩ là sau ĐH. Do vậy, người có bằng kỹ sư muốn nhận bằng thạc sĩ vẫn cần qua quá trình đào tạo. Chương trình đó có thể ngắn hơn và chỉ cần 1 năm, thay vì 1,5 năm như quy định hiện nay”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng có ý kiến: “Sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH được cấp bằng kỹ sư và theo Nghị định 99 được tính tương đương bậc 7 trong khung trình độ quốc gia. Nhưng điều này không có nghĩa là bằng kỹ sư tương đương bằng thạc sĩ bởi việc học ở 2 trình độ này hoàn toàn khác nhau. Trong đó, thạc sĩ người học được học chuyên sâu hơn về lĩnh vực nghiên cứu và có định hướng nghiên cứu nhiều hơn chương trình học kỹ sư”.
Bày tỏ quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nói: “Việc đào tạo kỹ sư và thạc sĩ có mục tiêu khác nhau. Trong đó, kỹ sư đào tạo người có trình độ kỹ thuật cao, phục vụ công việc cụ thể trong các ngành nghề, còn thạc sĩ nghiên cứu nhiều hơn. Do vậy, nên chăng có chương trình đào tạo thạc sĩ riêng cho kỹ sư với số lượng tín chỉ ít hơn cho đối tượng cử nhân”.
Đồng quan điểm, PGS-TS Bùi Hoài Thắng nêu: “Kỹ sư thuộc nhóm ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, tương đương trình độ thạc sĩ nhưng không phải bằng thạc sĩ. Kỹ sư giải quyết những vấn đề thực tiễn, còn thạc sĩ có thiên hướng khoa học hơn”. Ông Thắng cho biết, hiện sinh viên tốt nghiệp chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp của trường đã được Bộ GD-ĐT công nhận tương đương trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, các kỹ sư này vẫn cần học thêm một số môn và thực hiện luận văn thạc sĩ để được nhận bằng thạc sĩ.
“Thời gian tới, mô hình đào tạo kỹ sư mới các ngành đại trà của trường sẽ thực hiện theo định hướng kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp. Tốt nghiệp ĐH, các kỹ sư chỉ cần học một số môn và làm luận văn sẽ nhận bằng thạc sĩ. Thời lượng học thêm sau ĐH dành cho đối tượng này chỉ khoảng 17 tín chỉ”, ông Thắng thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, các sinh viên muốn học thêm lấy bằng thạc sĩ vẫn cần xét đầu vào theo quy định đào tạo thạc sĩ đảm bảo điểm trung bình học tập, trình độ ngoại ngữ…
Video đang HOT
Ở góc nhìn chuyên môn, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng bộ môn quản lý hàng hải – Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng nếu chỉ tăng cơ học số lượng tín chỉ đào tạo, vẫn chương trình đào tạo và đội ngũ giảng dạy đó thì không thể công nhận kỹ sư tương đương thạc sĩ.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99 hướng dẫn luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6.1, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng việc đưa bằng kỹ sư vào nghị định là đáp ứng sự mong đợi của các trường đào tạo kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Sơn lo lắng nếu việc triển khai không thống nhất giữa các trường, không đào tạo tốt sẽ làm mất uy tín của chương trình kỹ sư.
Xác định văn bằng phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn
Trước đó trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng nếu nói bằng kỹ sư, bác sĩ tương đương với thạc sĩ chưa thực sự chính xác. Nghị định 99 đã đưa ra quy định có tính nguyên tắc (tại khoản 2, điều 14): căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong khung trình độ quốc gia Việt Nam. Vì vậy, xác định văn bằng nào nằm ở bậc 6 hay bậc 7, thì phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn này chứ không chỉ dựa vào khối lượng học tập, không quy đơn giản tính từ số tín chỉ hay số năm học ra trình độ được đào tạo.
Theo Thanh niên
Vì sao bằng kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư có thể tương đương thạc sĩ?
Ngày 30/12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, các văn bằng đại học kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư... tương đương với bằng thạc sĩ.
Sinh viên ngành Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội nhận bằng tốt nghiệp
Theo điều 15 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP về văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học thì bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;
Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;
Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định.
Chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quy định hoặc cấp cho người học dự thi đạt yêu cầu cấp chứng chỉ, phù hợp với quy định về cấp chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 14 của Nghị định quy định, trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù là trình độ của người đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù sau:
Chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học;
Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Căn cứ vào quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Như vậy, với những chương trình đào tạo đại học đặc thù kéo dài 5, 6 năm, khi tốt nghiệp người học được cấp bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư có thể sắp tới các văn bằng này sẽ có trình độ tương đương bậc 7, là trình độ của người có bằng thạc sĩ.
Thành lập Hội đồng trường theo quy định của Đảng
Nghị định quy định thủ tục thành lập hội đồng trường như sau:
Đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.
Đối với trường đại học đang hoạt động nhưng chưa thực hiện quy định của pháp luật về thành lập hội đồng trường, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thành lập hội đồng trường theo quy định.
Đối với trường đại học đang có hội đồng trường: Trường hợp đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn dưới 6 tháng thì hội đồng trường hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ; đồng thời, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp theo quy định.
Trường hợp đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn từ 6 tháng trở lên thì thực hiện như sau:Nếu hội đồng trường đã được thành lập theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì hội đồng trường hoạt động đến hết nhiệm kỳ, quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Nếu hội đồng trường được thành lập chưa theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định.
Hội đồng trường ĐH Kinh tế quốc dân hiện nay đã có nhiều thay đổi
Hội đồng trường của nhiệm kỳ mới quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của trường đại học;
Cuối mỗi nhiệm kỳ, tập thể lãnh đạo chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học và các quy định sau:
Tập thể lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường; thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường (nếu quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học chưa quy định); chỉ đạo thực hiện việc bầu các thành viên của hội đồng trường theo từng cơ cấu; tổ chức các thành viên hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường.
Việc tổ chức giới thiệu các thành viên bầu, sử dụng hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học, tỷ lệ tham gia hội nghị đại biểu (nếu có) phải được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì số đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số.
Trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động chưa quy định thì tập thể lãnh đạo thống nhất với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường để chỉ đạo thực hiện; sau khi được công nhận, hội đồng trường phải chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, bao gồm nội dung nêu trên.
Tập thể lãnh đạo quy định trong khoản này là tập thể lãnh đạo của trường đại học bao gồm: ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng.
Tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Việc công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học thành viên thuộc thẩm quyền của hội đồng đại học.
Số liệu công bố quốc tế trong CSDL WoS, Scopus và WoS & Scopus của Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) nói riêng trong giai đoạn 2014-2018
Mỗi năm có từ 100 bài báo quốc tế trở lên mới được công nhận là đại học định hướng nghiên cứu
Theo Nghị định, để trở thành đại học định hướng nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học phải có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng.
Trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm;
Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học;
Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này.
Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học.
Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học
Theo Nghị định, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo đó, các trường đại học được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật;
Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý trực tiếp;
Quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; Các đại học được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài cho trường đại học thành viên và đơn vị đào tạo thuộc đại học khi đáp ứng điều kiện mở ngành theo quy định.
Các trường được thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học, thành lập doanh nghiệp trực thuộc cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, các trường chịu trách nhiệm trước người học, chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan về việc bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ và cam kết của cơ sở giáo dục đại học; Thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học các nội dung thực hiện.
***
Nghị định quy định: Các cơ sở giáo dục đại học công lập đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính và tài sản theo các quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định này.
Đề án tự chủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được thực hiện cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
Hồng Hạnh
Theo dantri
'Không phải bằng kỹ sư, bác sĩ nào cũng được công nhận như thạc sĩ' Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết nói tất cả bằng kỹ sư, bác sĩ tương đương thạc sĩ là không chính xác. Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, có một số quy định mới về văn bằng...