Sẽ cân đối nội dung chính trị khi dạy Lịch sử
Lãnh đạo ngành giáo dục và Hội Khoa học Lịch sử Việt |Nam nói gì về giáo dục Lịch sử từ câu chuyện học sinh ngộ nhận “Quang Trung – Nguyễn Huệ” là anh em, bạn chiến đấu?
Buổi diễn kịch về nhân vật Nguyên phi Ỷ Lan trong môn học Lịch sử do học sinh Trường THPT FPT (Hà Nội) tổ chức. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Học sinh kém sử không thể nói Bộ không biết”
Thực tiễn phát triển giáo dục trong hơn 10 năm qua cho thấy, việc giáo dục lịch sử đã có những phát triển nhất định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả giáo dục lịch sử còn có nhiều bất cập, hạn chế, làm cho xã hội lo lắng.
Video đang HOT
Về giải pháp cho hiện tượng này, phương pháp dạy học Lịch sử ở phổ thông đang dần được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Trước thời cơ và thách thức của việc đổi mới dạy học Lịch sử ở trường phổ thông trong thời gian tới, định hướng đổi mới dạy học Lịch sử có một số vấn đề cần quan tâm như: “Dạy học lịch sử đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp ở nhà trường phổ thông.
Sự cần thiết của việc thay đổi từ chương trình tập trung vào nội dung hiện nay sang chương trình hướng đến hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Việc chọn lựa và sắp xếp nội dung để thiết kế chương trình, SGK theo định hướng cơ bản, hiện đại và Việt Nam. Các biện pháp đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; Nội dung và hình thức đánh giá nhằm đảm bảo đổi mới đồng bộ giữa các yếu tố của quá trình dạy học; Các điều kiện nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chương trình mới, đặc biệt là yếu tố giáo viên.
Với cách tiếp cận như vậy, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK môn Lịch sử từ sau năm 2015 về nội dung bảo đảm ở bậc tiểu học và THCS thực hiện tốt hơn phương châm dạy học tích hợp, ở THPT có thêm nhiều nội dung dạy học tự chọn. Nội dung giáo dục cần mang tính chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cụ thể là cân đối nội dung chính trị, chiến tranh, lịch sử văn minh thế giới, các nội dung về văn hóa dân tộc, về kinh tế; gắn nội dung bài học lịch sử với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Ngoài SGK còn có tài liệu Lịch sử địa phương với các nội dung được giảng dạy lồng ghép vào các môn học có liên quan, vào hoạt động ngoại khóa.
Việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử sẽ kết hợp hợp lý các phương pháp truyền thống và hiện đại, đa dạng các hình thức tổ chức dạy học cũng như tăng cường khai thác tư liệu bảo tàng, tổ chức dạy lịch sử tại bảo tàng, nhà truyền thống, từng bước thực hiện giáo dục di sản và dạy học theo dự án…
Ông Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:”Môn sử chưa được nhìn nhận đúng tầm”
Chúng tôi hy vọng Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình mới trên cơ sở tham khảo một cách rộng rãi đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, đặc biệt cần lắng cả ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi cũng như Hội sẵn sàng đóng góp ý kiến.
Hiện nay môn sử được mọi người nhìn nhận chưa xứng tầm.
Các cơ quan chức năng phải nhận định Lịch sử không chỉ là môn học thông thường mà là môn học bắt buộc. Mọi người phải đối xử với nó khác, không phải đưa ra cho học sinh thích chọn thì chọn mà không chọn thì thôi. Đối xử với Lịch sử giống với Sinh vật, Vật lý, Địa lý là chưa ổn.
Tôi đề xuất để toán, văn, sử là môn thi bắt buộc chứ không nên bắt buộc thi tiếng Anh, vì tiếng Anh không bắt người ta cũng học.
Xin được lưu ý rằng, học kiến thức lịch sử, tâm hồn lịch sử, thái độ với lịch sử là điều cần thiết với tất cả mọi người. Không phải học lịch sử để ra làm nhà sử học, cũng như không phải ai học toán cũng là nhà Toán học, học văn cũng là thành nhà văn. Dù bạn có làm doanh nhân, kỹ sư hay bác sĩ thì môn sử vẫn dung dưỡng tâm hồn. Học sinh đừng nghĩ học và thi sử không xin được việc, để rồi không chịu học.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo các chuyên gia về đóng góp ý kiến cho việc biên soạn chương trình SGK, trong đó đặc biệt là môn Lịch sử. Bên cạnh đó, Hội cũng đề xuất xây dựng các phương pháp tuyên truyền, các tác phẩm điện ảnh về lịch sử.
Theo vietnamnet