Sau ngày lọc ảo đầu tiên, điểm chuẩn dự kiến của các trường giảm mạnh
Sau ngày đầu tiên chạy phần mềm lọc ảo, đại diện một số trường đại học cho biết điểm chuẩn dự kiến đang thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Lê Quân.
Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay sau ngày lọc ảo đầu tiên, số liệu có rất nhiều biến động do dữ liệu của vài trường trong nhóm phía Nam chưa ổn định.
Khoa Y chỉ mới lọc được khoảng hơn 30 chỉ tiêu, điểm của thí sinh thấp nhất trong số này đang ở mức 23,5. Đây là mức điểm hết sức bất ngờ so với dự đoán trước đó của Khoa Y.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại, ông Chính cho rằng đây là điều hợp lý khi phổ điểm khối B của cả nước chỉ có hơn 2.000 thí sinh trên 24 điểm. Trong khi đó, số lượng thí sinh này trải dài trên cả nước với nhiều trường đào tạo y dược. Mặt khác, không ít thí sinh đăng ký những ngành khác hoặc du học.
Nhìn từ kết quả ngày đầu tiên chạy phần mềm lọc ảo, ông Chính dự đoán mức điểm chuẩn của khoa Y năm nay khoảng 22-23.
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết điểm chuẩn các ngành của trường có thể giảm từ 1-3 điểm so với năm ngoái, sát với dự báo trước đó.
Tương tự, ông Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM,cho biết hiện tại, mức trúng tuyển các ngành “hot” của trường dao động từ 19-21. Mức thấp nhất là 14 điểm đối với các ngành vận tải biển.
Đối với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin kết quả sau ngày đầu tiên chạy phần mềm cho thấy ngành “hot” nhất của trường đang có mức trúng tuyển là 22,9 điểm, mức thấp nhất là 16,25 điểm.
Ở nhóm 54 trường đại học phía Bắc, ngày lọc ảo đầu tiên ghi nhận phần mềm chạy ổn định. Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, nói các ngành đều có mức chuẩn từ 20-21 điểm, nằm trong khoảng dự báo trước đó, có ngành nhỉnh hơn 21 điểm nhưng không đáng kể.
Video đang HOT
Đại diện các trường cũng cho biết đây chỉ là kết quả của ngày lọc ảo đầu tiên, các trường vẫn phải tiếp tục công việc này trong hai ngày tiếp theo để xác định điểm chuẩn chính thức.
Từ ngày 3/8 đến chiều 5/8, các trường đại học sẽ chia làm hai nhóm tiến hành chạy phần mềm lọc ảo để xác định điểm chuẩn. Mỗi ngày, các trường sẽ lọc ảo trong nhóm mình 4 lần và lọc ảo chung với cả nước 2 lần. Cứ 2 lần chạy theo nhóm sẽ gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT để chạy lọc ảo chung cho cả nước.
Sau mỗi lần chạy phần mềm, các trường sẽ tải kết quả xuống, phân tích rồi điều chỉnh cho lần tiếp theo. Các trường có thể chọn một trong hai cách điều chỉnh: Đặt chỉ tiêu cho từng ngành/tổ hợp hoặc đặt điểm chuẩn.
Dự kiến 17h ngày 5/8, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn sau khi Bộ GD&ĐT lọc ảo lần cuối cùng. Thời gian công bố tùy thuộc các trường nhưng phải đảm bảo trước 17h ngày 6/8.
Theo xaluan.com
Vinh danh thủ khoa đại học: Tạo động lực hay gây áp lực?
Ở nước ta, hàng năm các trường đại học đều công bố thủ khoa đầu vào, địa phương công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và có lễ tôn vinh các thủ khoa đại học... Tuy nhiên, có một số ý kiến đặt vấn đề: Liệu việc vinh danh này có cần thiết và nó sẽ tạo động lực hay gây áp lực?
Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Chen Baosheng (Trần Bảo Sinh) tuyên bố nước này sẽ cấm việc tuyên truyền vinh danh gương thủ khoa sau kỳ thi đại học năm 2018. Tỷ lệ đỗ đại học của từng địa phương cũng bị cấm tiết lộ.
Nhiều người cho rằng chỉ thị trên xuất phát từ lo ngại danh hiệu thủ khoa bị gắn quá nhiều yếu tố thương mại như công cụ quảng bá, kinh doanh và việc tuyên truyền quá mức của các trường, mang đến quá nhiều áp lực cho học sinh lẫn phụ huynh và cả xã hội.
Câu chuyện về động thái động thái muốn chấm dứt việc tôn vinh thủ khoa ở xứ người được dư luận trong nước quan tâm và soi chiếu với thực tế Việt Nam khi cả hai nước có cùng kỳ thi đại học "cá chép vượt vũ môn".
Tôn vinh thủ khoa có thực sự cần thiết và có nên tiếp tục?
Về vấn đề này, PGS.TS Lưu Văn An (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nêu quan điểm: "Việc tôn vinh người giỏi, người tài là cần thiết và xã hội nào cũng phải tôn vinh, đề cao người tài để làm tấm gương cho những người trong cùng hoàn cảnh nhìn vào có thêm cảm hứng phấn đấu.
Trong xã hội, có tấm gương để giáo dục phổ biến đức tính tốt đẹp cần cù, chịu khó, cầu tiến... là cần thiết. Nhất là, người ta giỏi thật, thành đạt bằng chính khả năng của người ta thì việc tôn vinh, vinh danh hoàn toàn không có gì phải bàn cãi".
Theo ông An, đối với thủ khoa đại học, việc các em được vinh danh là xứng đáng và nên làm. Bởi lẽ, kỳ thi THPT Quốc gia là kết quả của cả quá trình, đề thi tổng hợp 4 môn kết tinh các kiến thức bao quát và chuyên sâu chứ không phải chỉ một môn. Do vậy chúng ta xác định, nó kiểm tra được tương đối toàn diện kiến thức, năng lực học tập và cả kỹ năng của học sinh. Lúc này, việc vinh danh thủ khoa hoàn toàn xứng đáng nhằm nhân lên gương học tập tốt trong xã hội, lan tỏa tinh thần chinh phục đỉnh cao tri thức.
Hơn nữa, các hình thức vinh danh thủ khoa hiện nay ở nước ta là phù hợp, không bị "lố" hay chi phối bởi yếu tố thương mại hóa.
PGS.TS Lưu Văn An cho rằng việc tôn vinh người giỏi, người tài là cần thiết. (Ảnh: Lệ Thu)
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, thực tế nhiều thủ khoa đại học đầu vào khi được vinh danh mang áp lực tâm lý vì mọi người xung quanh để ý/ kỳ vọng/ dòm ngó nhiều và số khác sau khi được vinh danh lại mang tâm lý như "đi trên mây", ảo tưởng năng lực bản thân.
Về luồng ý kiến này, PGS.TS Lưu Văn An nêu quan điểm: "Các thủ khoa nếu giỏi thực sự không phải vì ăn may mà được thì nên nhìn danh hiệu như một động lực để tiếp tục cố gắng thay vì áp lực.
Đồng thời, tôn vinh là việc của nhà trường và xã hội, nếu mắc "bệnh ngôi sao" sớm quá là do tư chất của người được tôn vinh. Cái đó cá nhân phải tự vượt qua mới mong thành người hiền tài, phải khiêm tốn, biết đâu là giá trị thực. Báo chí, dư luận có thể tôn vinh các em nhưng nếu các em thấy "quá sức" thì tự gạt đi, vầng hào quang tự khắc biến đi và các em vẫn tiếp tục khiêm tốn phấn đấu trên hành trình đã chọn. Câu chuyện sau khi được tôn vinh đối với các em là giáo dục rèn luyện "đức", còn điểm cao tức là "tài" khiến các em đạt thủ khoa, được tôn vinh là vế đầu. Nếu bạn trẻ có tài nhưng dễ sa đà vào "bệnh nguyệt quế", "bệnh ngôi sao" thì là một câu chuyện khác".
Chia sẻ quan điểm của mình, GS. Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng ĐH Thương mại cũng đồng tình cho rằng, vinh danh thủ khoa là hoạt động biểu dương cá nhân có thành tích xuất sắc, họ đã nỗ lực học tập miệt mài vất vả để đạt thành quả đó.
Do vậy, ý nghĩa của việc vinh danh trong lĩnh vực giáo dục cũng tương tự các lĩnh vực khác. Đó là cơ chế khích lệ, động viên tinh thần người tài trẻ tiếp tục học tập, rèn luyện đạt đến đỉnh cao tri thức. Muốn đánh giá xem hoạt động vinh danh có biến tướng không thì phải xem có thành phần nào trong xã hội lợi dụng nó vì mục đích khác không.
GS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại.
"Theo tôi, việc vinh danh thủ khoa ở nước ta chưa thấy tác dụng tiêu cực, chưa ai lợi dụng nó vào mục đích "thương mại hóa", nó không trái luật pháp và không gây các hệ lụy.
Còn nói có ý kiến cho rằng, việc này sẽ gây áp lực cho sinh viên, học sinh thì nên có khảo sát cụ thể, phỏng vấn các thủ khoa xem khi được vinh danh họ cảm thấy ra sao, có hạnh phúc không, có thoải mái tự hào hay bị áp lực, có thêm động lực phấn đấu hay mang lại hệ lụy khác", GS. Đinh Văn Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Lưu Văn An, việc công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT/ tỉ lệ đỗ ĐH tại địa phương không cần thiết phải cấm công bố: "Chúng ta sống trong xã hội dân chủ, việc công bố tỉ lệ tốt nghiệp là cần thiết. Tất nhiên vẫn có người không tin vì cho rằng kết quả thi tốt nghiệp hay đại học không phản ánh đúng thực chất nhưng đó lại là câu chuyện khác. Việc minh bạch công khai tỉ lệ tốt nghiệp hay danh tính những có người tài năng, đạt được những thành tựu đỉnh cao là phù hợp với xã hội hiện đại...".
Thủ khoa nói gì?
Trả lời PV Dân trí về vấn đề này, em Nguyễn Thị Phương Liên - một trong hai thủ khoa khối A của Hà Nội với điểm 10 tuyệt đối ở cả 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học năm 2017 trải lòng chân thật về cảm xúc và trải nghiệm của bản thân rằng: "Đạt được danh hiệu thủ khoa là một điều bất ngờ đối với em, nhưng có lẽ mọi chuyện hầu như diễn ra với em theo chiều hướng tiêu cực".
Em Nguyễn Thị Phương Liên - Thủ khoa khối A của Hà Nội năm 2017.
Phương Liên chia sẻ: "Kết quả thi vừa có, em còn chưa kịp biết thì báo chí đã kịp đăng bài. Với sự non nớt của mình, em luôn cảm thấy e ngại khi trả lời phỏng vấn. Em cố gắng trả lời chỉ để vừa lòng nhiều người, vì em biết nhiều người đọc được nó, và rồi vì con người ta thì vẫn thích đánh giá cảm quan.
Em đã đọc được nhiều bình phẩm bất lịch sự trên các trang mạng, nhưng em thì không học được cách lờ đi chuyện ấy. Người thầy đầu tiên em gặp ở đại học nói với em rằng: Mấy đứa thủ khoa chúng mày không khác gì mấy con gà gô... Đó có chăng chỉ là câu nói lúc thầy nóng giận nhưng làm em ám ảnh mãi... Đó là một khoảng thời gian khó khăn với em. Em sợ bị đánh giá. Em cảm thấy mình không được thoải mái. Em sợ mỗi khi định hỏi về việc gì đó."
"Chưa ai dạy em cách vượt qua những áp lực đó cả. Thật may đến bây giờ em đã thực sự thoải mái và không bận tâm về danh hiệu gì nữa. Nhưng đó thực sự là khoảng thời gian đáng nhớ với em" - thủ khoa Phương Liên tâm sự.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Các đại học ở Washington lo mất giáo sư vì... Facebook Facebook, Google, Microsoft... đang đua nhau giành các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo về công ty mình. Sẽ không có gì đáng nói nều nhiều người trong số họ không phải là giáo sư các trường đại học. Ông Luke Zettlemoyer - giáo sư tại Đại học Washington, được nói là đã được Facebook thuê làm việc cho họ - Ảnh:...