Sau lũ, học sinh Quảng Trị vớt sách vở trong bùn
Sau hơn 10 ngày mưa lũ, học sinh một số trường ở huyện Đakrông (Quảng Trị) – một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất – đi học trở lại.
Khi đang khảo sát tình hình thiệt hại của gia đình học sinh trường THPT Đakrông, thầy Phan Hoàng Bách tình cờ thấy cảnh học sinh ngồi sấy từng trang sách ngấm nước mưa trước ngày đi học.
Học sinh tại điểm trường Cưp, Húc Nghì, Đakrông, sấy khô sách giáo khoa. Ảnh: Phan Hoàng Bách.
Những cuốn sách bị vùi trong lũ
Các em đến trường với sách vở không còn nguyên vẹn. Nhiều em không có dép đi, đôi chân trần loang lổ vì ngâm nước lâu ngày.
Trao đổi với Zing ngày 21/10, thầy Bách cho hay các em may mắn vì nhà ở vùng cao nên không bị ngập. Dù vậy, những căn nhà sàn với mái tranh, vách nứa không đủ để che mưa, chắn gió mùa bão lũ. Vì thế, nước mưa tạt vào, ướt hết sách vở.
Một số sách có thể dùng lại sau khi sấy khô. Một số khác đã hỏng hết. Hơn 10 năm thầy Bách về Đakrông công tác, đây là năm lũ to nhất. Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân nơi đây.
Trong khi đó, hoàn cảnh của học sinh xã Triệu Nguyên còn đáng thương hơn. Bức ảnh các em vớt sách từ bùn do ông Trương Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã, chụp gửi quỹ Nguyễn Hiến Lê, khiến nhiều người xót xa.
Tại trường Tiểu học và THCS Ba Lòng, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết khoảng 45% học sinh trường sống ở vùng ngập sâu, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt mưa lũ.
Trong những ngày người dân chỉ đủ sức để đảm bảo tính mạng con người, nhiều sách vở, đồ dùng học tập bị nước lũ cuốn trôi hoặc vùi lấp trong bùn.
Điểm chính trường Ba Lòng chịu ngập nặng, nước dâng đến tận tầng 2 khiến những đồ dùng không thể di chuyển lên cao bị hư hỏng.
Giáo viên cố gắng dọn dẹp, lau chùi bàn ghế chuyển lên tầng 2, nhưng nước lũ cứ rút lại lên cao, sau nhiều lần ngâm nước lũ, bàn ghế hư hại, khó sử dụng lại. Hai dãy nhà ở dành cho giáo viên cũng hỏng nặng.
Video đang HOT
Tại trường THPT Đakrông, Hiệu trưởng Lê Chí Thông cho hay sáng 21/10, học sinh đến trường ngày đầu tiên sau lũ. Học sinh ở các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Tà Long, Húc Nghì, Hướng Hiệp, Ba Nang, Đa Krông mất sách vở, máy tính bỏ túi do nhà ngập trong nước lũ.
Đến nay, trường vẫn chưa liên lạc được với một số học sinh do nơi các em ở bị mất sóng điện thoại.
“Những ngày nước dâng cao, nghĩ đến học trò vùng thấp, tôi sốt ruột lắm. Lúc đó, chúng tôi chỉ có thể vận động giáo viên cùng các ban, ngành giúp đỡ để lo đủ lương thực, thực phẩm cho những em trọ ở quanh trường”, thầy Thông chia sẻ.
Sách vở của học sinh xã Triệu Nguyên bị bùn vùi lấp. Ảnh: Trương Văn Hoài / Quỹ Nguyễn Hiến Lê.
Ủng hộ sách vở cho học sinh vùng lũ
Theo thầy Phan Hoàng Bách, học sinh thiếu sách vở, quần áo, giày dép để đến trường là tình trạng phổ biến ở Đakrông. Vì thế, thầy Bách mong các em được giúp đỡ để việc học không bị gián đoạn.
Đây cũng là điều mà nhiều giáo viên khác ở vùng lũ trăn trở. Ngay trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường sau lũ, trường THPT Đakrông khảo sát, lập danh sách, thống kê số lượng để kêu gọi ủng hộ. Trường cùng căn cứ tình hình thực tế để tổ chức dạy bù hợp lý.
Thầy Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Ba Lòng, thông tin đến ngày 21/10, học sinh vẫn chưa thể trở lại lớp do nước ngập, giao thông chia cắt và nước vừa rút khỏi trường nên giáo viên chưa dọn dẹp xong. Khi các em đi học, trường sẽ tổ chức thống kê thiệt hại để xin hỗ trợ cho học sinh.
Thầy nói thêm những ngày qua, nhiều đoàn thiện nguyện đã liên hệ với thầy, ngỏ ý sẽ hỗ trợ học sinh chịu thiệt hại sau thiên tai.
Trong thiên tai, không chỉ thầy cô trực tiếp dạy dỗ học sinh Quảng Trị lo lắng mà nhiều tấm lòng hảo tâm cũng hướng về Đakrông. Họ đứng ra quyên góp sách vở, quần áo để gửi đến học trò vùng lũ.
Chị Hoàng Thị Thủy (Hải Lăng, Quảng Trị) thông tin sau vài ngày kêu gọi, nhóm nhận được nhiều lời đề nghị sẽ gửi sách giáo khoa. Tuy nhiên, do vẫn còn mưa lũ, sách nơi khác chuyển đến có thể hư hỏng, họ chưa trực tiếp nhận sách.
“Khi tình hình đỡ hơn, chúng tôi sẽ nhận sách ủng hộ, rồi chuyển về Đông Hà để nhóm ở đó gửi đến học sinh Đakrông”, chị Thủy nói về kế hoạch tặng sách, giúp học sinh đến trường sau lũ.
Học sinh miền núi dựng lều, "nuôi" con chữ giữa mùa dịch Covid-19
Để việc học không bị gián đoạn trong dịp nghỉ do Covid-19, một số học sinh miền núi tại Quảng Trị dựng lều trên đồi cao để tìm sóng điện thoại, tiện theo dõi bài giảng của thầy, cô trên mạng Internet.
Hai nữ sinh dựng lều ở trên đồi để học qua mạng Internet
Hình ảnh hai học sinh miền núi tại huyện Đakrông (Quảng Trị) là Hồ Thị Tăm - lớp 12B6 và em Hồ Thị Sương - lớp 12B2, trường THPT Đakrông dựng lều học giữa đồi khiến nhiều người xúc động. Các em nhận được nhiều lời khen ngợi của giáo viên và cộng đồng về tinh thần hiếu học, nghị lực vượt khó.
Để giúp con học trực tuyến giữa mùa dịch bệnh, cha mẹ em Tăm dựng cho cái lều trên đồi để học tập.
Cô giáo Lê Nguyễn Thúy Chi (giáo viên chủ nhiệm lớp 12B6) cho biết, cả hai học sinh hiện trú tại thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông. Dù nhà ở cách trường học hơn 5km, phải đi bằng đò, nhưng hai em luôn quyết tâm học tập, đến lớp khá chuyên cần.
Theo cô giáo Chi, gia đình em Hồ Thị Tăm có 4 anh chị em, Tăm là con thứ hai. Cha mẹ em làm nương rẫy, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Tăm còn em gái đang học lớp 8.
Trong năm học vừa qua, em đạt danh hiệu tiên tiến, ý thức đi học đầy đủ, tích cực, tham gia các hoạt động của Đoàn.
Em Hồ Thị Sương cũng thuộc diện hộ nghèo, cha mất sớm, gia đình đông anh, chị em, Sương là con thứ 3. Năm học 2018 - 2019 em chỉ đạt học lực trung bình, nhưng học kỳ 1 năm học 2019 - 2020 em đã vươn lên đạt thành tích khá.
Hàng ngày hai em Tăm và Sương rời nhà lên chiếc lều để lấy sóng 4G học tập.
Thấy con mình cứ buổi sáng chạy lên đồi để học, sợ bị ốm do cảm lạnh, cha mẹ của em Tăm và Sương đã bàn nhau dựng cho hai em một cái lều tạm để không lo bị ướt. Phụ huynh hai học sinh đã đốn cây tràm rồi mua bạt để dựng tạm chỗ che mưa nắng cho con học.
Vất vả là thế, nhưng từ ngày trường tổ chức dạy học qua Internet đến nay, cả hai em đều tham gia học rất chuyên cần và tích cực.
Em Tăm cho biết, do nhà ở chỗ thấp, bốn bề đều là đồi nên ở nhà em thì không bắt được sóng 3G. Nhà bạn Sương thì sóng yếu quá nên cùng nhau lên đồi để bắt được sóng. Những ngày đầu mới học qua mạng, hai em thường rủ nhau lên đồi trước nhà tìm chỗ có sóng để vào mạng cho mạnh. Nhưng mấy ngày qua trời mưa, sách vở ướt nên cha mẹ của các em làm cho cái lều này để học tập.
Trường quyên góp để tặng sim 3G cho học sinh khó khăn
Thầy giáo Lê Chí Thông - Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông cho biết, nhà trường đã xây dựng phương án dạy học qua internet trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Quảng Trị.
Theo đó, nhà trường tổ chức dạy học qua Internet cho học sinh toàn trường theo thời khóa biểu, bắt đầu từ ngày 26/3/2020.
Chiếc lều tạm để che mưa, che nắng.
Qua khảo sát, chỉ có 45% số học sinh kết nối được Internet thông qua wifi và mạng di động (trong đó có 70% qua mạng 4G). Riêng đối với khối 12, trong số 225 học sinh có đến 65% có điện thoại smartphone nhưng chỉ có 52% số học sinh kết nối mạng Internet.
Nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh để tuyên truyền, vận động hỗ trợ thiết bị cho các em có điều kiện tốt nhất để học tập. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn nên số lượng học sinh có thêm thiết bị kết nối được internet còn hạn chế.
Bên cạnh đó, do địa hình hiểm trở, nên nhiều học sinh có điện thoại smartphone nhưng không kết nối được với mạng di động. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tổ chức dạy học qua Internet của nhà trường.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn bước đầu về thiết bị kết nối Internet của học sinh, nhưng bằng sự đam mê học tập, nhiều học sinh đã tận dụng các điểm có sóng wifi, mạng 4G để vào học online, nhiều em không có thiết bị nhưng đã tham gia cùng bạn để học tập.
Em Hồ Thị Tăm chia sẻ, đây là năm cuối cấp nên cảm thấy rất lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là thi THPT quốc gia. Bù lại, thầy cô ở trường dạy học qua Internet rất nhiệt tình và luôn động viên, hướng dẫn làm bài tập cụ thể nên chúng em cũng thấy yên tâm hơn.
Thầy giáo Nguyễn Phương Nam - Bí thư Đoàn Trường THPT Đakrông cho hay, khi triển khai học trực tuyến, bữa đầu tiên Tăm nghỉ học. Hỏi sao lại nghỉ, Tăm kể không có tiền mua sim 3G. "Em ấy bỏ học 1 ngày để lên rẫy kiếm tiền mua sim 3G. Thấy nhiều trường hợp khó khăn, nên chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ", thầy Nam nói.
"Để giúp các em có điều kiện tham gia học qua Internet và truyền hình, nhà trường đã phát động quyên góp để tặng sim 3G, điện thoại cho những học sinh có hoàn hoàn cảnh khó khăn", thầy Thông cho biết.
Đăng Đức
Thầy hiệu trưởng tìm lớp đào tạo nâng cao năng lực giáo viên hiện đại cho trường Sau nhiều nỗ lực của thầy Hiệu trưởng, khóa đào tạo Nâng cao năng lực giáo viên hiện đại đã được mở tại trường Đakrông, trường vùng khó của tỉnh Quảng Trị. Là một ngôi trường nằm trên huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, nhiều năm qua thầy và trò trường Trung học phổ thông Đakrông (huyện Đakrông) vẫn ngày ngày vượt...