Sau học kỳ đầu tiên đổi mới chương trình lớp 1: Vẫn nỗi lo thiếu giáo viên
Học sinh lớp 1 năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới vừa đi qua một học kỳ. Ghi nhận của các địa phương cho thấy, cả kỳ vọng và nỗi lo đều tập trung vào đội ngũ giáo viên.
Giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học Bích Sơn (H.Việt Yên, Bắc Giang) – ẢNH: TUYẾT MAI
Trong đó, những vấn đề quan tâm làm sao vừa đủ số lượng vừa đạt chuẩn giáo viên (GV) theo yêu cầu mới; làm sao được tập huấn, bồi dưỡng tốt hơn…
Thiếu giáo viên do chỉ tiêu và nguồn tuyển
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhân Thịnh (H.Lý Nhân, Hà Nam), cho biết cả trường mới đạt được tỷ lệ 1,27 GV/lớp (kể cả cán bộ tổng phụ trách Đội) nhưng lớp 1 được bố trí đủ tỷ lệ 1,5 GV/lớp, còn lại phải dồn 4 lớp để đảm bảo tiếp tục duy trì học 2 buổi/ngày. Bà Hiền cho rằng với đội ngũ như hiện nay thì chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong những năm tiếp theo. Do vậy, mong muốn là nhà trường được tuyển thêm GV trước khi bố trí đội ngũ tham gia tập huấn theo chương trình mới.
Bộ GD-ĐT sẽ có đề xuất phù hợp
Kiểm tra công tác triển khai đổi mới giáo dục phổ thông năm học 2020 – 2021 tại một số địa phương gần đây, xung quanh kiến nghị về GV, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã giao cho một đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu về định mức GV/lớp, số giờ dạy của GV/tuần để đề xuất tỷ lệ GV phù hợp. Dự kiến trong năm 2021, đề tài này sẽ hoàn thành và trên cơ sở đó, Bộ sẽ có đề xuất phù hợp. “Tinh thần là phải giữ tỷ lệ GV đảm bảo để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018″, ông Độ nói.
Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lý Nhân, nêu thực tế hiện GV của toàn huyện mới đạt chưa đến 1,3 GV/lớp trong khi sĩ số học sinh (HS)/lớp vẫn nhiều nơi vượt quy định (tối đa 35 HS/lớp). Năm học này ưu tiên đủ 1,5 GV/lớp cho lớp 1 nhưng theo bà Thu, nỗi lo thiếu GV cho các năm tới đang hiện hữu trong khi số lượng và nguồn tuyển đều hạn hẹp.
Phòng GD-ĐT cũng đề nghị cho phép hợp đồng với GV có kinh nghiệm nhưng đạt chuẩn theo quy định cũ là trình độ cao đẳng, vì không có nguồn tuyển theo chuẩn mới là tốt nghiệp ĐH sư phạm, nhưng UBND tỉnh có văn bản yêu cầu phải thực hiện đúng luật Giáo dục là tuyển GV tiểu học có trình độ ĐH trở lên.
Ông Nguyễn Đức Nhương, Phó chủ tịch UBND H.Lý Nhân, chỉ ra những bất cập khi ngành GD-ĐT một mặt vẫn thiếu nhiều GV so với yêu cầu, nhưng mặt khác vẫn phải thực hiện quy định giảm biên chế hằng năm.
Lớp 1, lớp 6 có thể tựu trường sớm hơn 2 tuần
Video đang HOT
Ghi nhận đề nghị của các nhà trường về việc cần cho HS đầu cấp tựu trường sớm hơn để có thời gian làm quen với môi trường học tập hoàn toàn mới trước khi vào học chính thức, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và có thể từ năm học tới sẽ cho HS lớp 1, lớp 6 tựu trường sớm hơn 2 tuần so với các khối lớp còn lại (dự kiến từ 15.8). Đây là những “tuần 0″ ngoài 35 tuần thực học, nhằm giúp HS các lớp đầu cấp có 2 tuần làm quen lớp, quen trường, thầy cô giáo và bạn bè mới; giúp các em không bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường và cách thức học tập mới.
Tại Bắc Giang, ông Trần Văn Huân, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Việt Yên, cùng băn khoăn này khi cho biết học 2 buổi/ngày với lớp 1 là 100% HS, còn về mặt bằng chung của cả cấp tiểu học thì do chưa đảm bảo đủ tỷ lệ GV nên mới có hơn 70% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Thiếu GV, theo ông Huân, có nhiều nguyên nhân. Ngoài việc chỉ tiêu chưa đáp ứng được nhu cầu thì cũng do những nguyên nhân khách quan. Ví dụ, việc duyệt chỉ tiêu biên chế của năm sau thì được tính toán từ năm nay, do vậy chưa sát với thực tế phát sinh. Cụ thể, Việt Yên là khu công nghiệp nên số di dân cơ học rất khó kiểm soát, năm sau có thể tăng tới mấy chục lớp so với năm trước nên duyệt chỉ tiêu biên chế GV từ năm trước thì lại thiếu với nhu cầu thực tế của năm nay.
Tương tự, ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Phủ Lý (Hà Nam), cho biết so với nhu cầu thì toàn TP còn thiếu hơn 200 GV nhưng vẫn cố gắng “co kéo” để đảm bảo 100% lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Mặc dù vậy, ông Thắng cho rằng nếu không có định biên để tuyển dụng GV thì những năm sau sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, cũng chỉ ra thực tế từ nhiều năm nay, biên chế GV trong số biên chế sự nghiệp giáo dục được UBND tỉnh giao đều kém xa so với nhu cầu thực tế, không đủ số lượng theo định mức quy định. Điều đó gây khó khăn cho ngành giáo dục trong việc phân công, bố trí GV, nhất là giai đoạn thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, những môn học mới cần tuyển dụng GV mà không có biên chế giao để tuyển.
Sĩ số học sinh/lớp vượt xa so với quy định
Hà Nội cũng vừa sơ kết học kỳ 1 ở cấp tiểu học. Dù 97% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày nhưng nhiều nơi, sĩ số vẫn vượt khá xa so với quy định.
Yêu cầu đọc viết ở chương trình mới nhanh hơn
Cô Vũ Thanh Lam, GV dạy lớp 1C Trường tiểu học Bích Sơn (H.Việt Yên, Bắc Giang), cho hay việc tăng tiết tiếng Việt ở chương trình mới cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể về khả năng đọc, viết của HS lớp 1 chương trình hiện hành so với chương trình cũ. Cô Chu Thị Huyền, GV dạy lớp 1E Trường tiểu học Bích Sơn, cũng cho rằng chương trình cũ hết học kỳ 1 HS chưa học ghép vần, nhưng ở chương trình mới, nội dung này đã được đưa vào học kỳ 1 và được tiếp cận văn bản sớm hơn. Do vậy, khả năng đọc hiểu của HS sớm hơn.
Tuy nhiên, cô Dương Thị Thúy, GV dạy lớp 1A Trường tiểu học Danh Thắng (H.Hiệp Hòa, Bắc Giang), thừa nhận để đạt được kết quả đó, giai đoạn đầu rất khó khăn, tập trung ở môn tiếng Việt trong những tuần đầu tiên. Tuy vậy, theo cô Chu Thị Huyền, do tiết tiếng Việt được tăng hơn và yêu cầu cần đạt trong chương trình cũng không cứng nhắc là HS phải đạt được mức độ như nhau, nên GV và cả HS không quá áp lực.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết mỗi nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục với những cách làm khá phong phú. Hiệu trưởng đã quản lý bằng chuẩn đầu ra của chương trình, chứ không theo từng tiết học, bài học như trước kia.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đề nghị các quận, huyện, các trường tăng cường xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học để giãn tối đa sĩ số HS/lớp học, giải quyết từng bước tình trạng sĩ số HS/lớp cao hơn quy định, ưu tiên cho 100% HS lớp 2 trong năm học tới được học 2 buổi/ngày.
Ông Trần Văn Huân cho biết do thiếu GV nên Việt Yên là huyện duy nhất lấy ngân sách địa phương để trả tiền thừa giờ cho GV tiểu học, và tuyệt đối không thu của cha mẹ HS bất cứ kinh phí hỗ trợ cho buổi học thứ 2 như các tỉnh, TP khác.
Tuy nhiên, ông Huân đề xuất không chỉ quan tâm tỷ lệ GV với những lớp thực hiện chương trình mới, mà cần có đủ GV cho tất cả các lớp. Bởi vì trong thực trạng thiếu GV nhưng phải ưu tiên tập trung vào một số lớp, thì rõ ràng những lớp còn lại sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, thì nhấn mạnh thiếu GV là vấn đề khó khăn nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay. Theo ông Tuấn, khó tuyển đủ số được giao vì thiếu nguồn tuyển do chuẩn mới theo luật Giáo dục yêu cầu GV tiểu học phải tốt nghiệp ĐH sư phạm (trong khi chuẩn cũ tối thiểu là trung cấp).
Ông Tuấn mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ giao bổ sung chỉ tiêu biên chế để đảm bảo tối thiểu tỷ lệ GV/lớp theo quy định. “Nếu vì giảm biên chế mà rút tỷ lệ GV/lớp xuống thì sẽ rất khó khăn cho ngành GD-ĐT trong thực hiện chương trình mới”, ông Tuấn nói.
Nhấn mạnh vai trò của GV khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là nhân tố quyết định thành công của đổi mới, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định Bộ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo và giám sát quyết liệt hơn việc giảm áp lực không đáng có cho GV, tạo động lực, trao quyền chủ động cho GV trong đổi mới và xây dựng kế hoạch giáo dục.
Thứ trưởng Độ cho biết Bộ sẽ tiếp thu, ghi nhận kiến nghị của các cơ sở giáo dục về việc đẩy sớm thời gian và nâng chất lượng tập huấn, bồi dưỡng GV thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong các năm học tiếp theo.
Bắt nhịp chương trình SGK mới: Lạc quan với sản phẩm đầu tay
Sau một học kỳ triển khai, cán bộ quản lý và giáo viên lớp 1 đã hoàn toàn thành thục và an tâm triển khai chương trình với những tiến bộ đáng ghi nhận từ học sinh và ủng hộ của phụ huynh.
Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội).
Kiên tâm vượt thử thách
Năm học 2020 - 2021, học trò lớp 1 bước vào năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới. Xác định, là những người đầu tiên thực hiện một nhiệm vụ mới sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ các nhà giáo đã nỗ lực từng ngày để biến khó khăn thành hành động và gặt hái thành công.
Cô Phan Thiên Hương - Tổ trưởng chuyên môn - GVCN lớp 1A8, trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Sau một học kỳ triển khai chương trình sách giáo khoa mới, tôi thấy mặc dù có một số khó khăn như nhiều đồng nghiệp trên cả nước đã phản ánh từ đầu năm học nhưng kết quả đạt được đã không phụ nỗ lực của các thầy cô và các em học sinh.
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Sở, Phòng GD-ĐT và sự đồng hành của BGH nhà trường, giáo viên được hướng dẫn tỉ mỉ và bài bản nên việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới rất thuận lợi. Vấn đề hiệu chỉnh những bất cập của sách giáo khoa được xử lý kịp thời đã tạo thêm niềm tin và động lực cho đội ngũ giáo viên.
"Đến nay, cô và trò khối 1 Trường Tiểu học Đông Thái đã khá thuần thục với nội dung và phương pháp mới. Những chuyên đề đổi mới phương pháp được tổ chức thường xuyên trong quận, thành phố giúp giáo viên chúng tôi được trao đổi kinh nghiệm và học tập bạn bè đồng nghiệp. PHHS cũng đã thấu hiểu và luôn đồng hành cùng các cô giáo để giúp đỡ các con triển khai chương trình mới. Đó là may mắn và góp phần quan trọng vào thành công của chương trình.", cô Thiên Hương cho hay.
Những nét chữ ngộ nghĩnh của học trò lớp 1, trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội).
Gặt hái quả ngọt đầu mùa
Theo bà Nguyễn Thị Thuý Minh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội): Sau một học kỳ triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 1, cô và trò nhà trường đã quen với chương trình. Hoạt động dạy và học đã đi vào nền nếp. Chất lượng dạy và học tốt.
"Lúc bắt đầu triển khai Chương trình, dù đã được tập huấn kỹ càng, các Ban Giám hiệu và giáo viên lớp 1 đều không tránh khỏi những lo lắng. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của Sở cũng như phòng GD-ĐT đã giúp các nhà trường và đội ngũ giáo viên lớp 1 vững tâm, sáng tạo và thực sự bắt nhịp những mới mẻ.", Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuý Minh cho biết.
Cùng với đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái nhấn định: Để phát huy thế mạnh của Chương trình GDPT mới, giáo viên đã được tập huấn kịp thời Thông tư 27 về đánh giá học sinh, tổ chức chuyên đề ở các bộ môn một cách hiệu quả. Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ rất quan tâm đến việc tổ chức các chuyên đề đổi mới. Trang bị 100% các lớp 1 hệ thống bảng tương tác thông minh.
Đặc biệt, nhà trường cũng nhận được sự chia sẻ, đồng hành tích cực của cha mẹ HS trong việc cùng con học tập. Bởi vậy, sau một học kỳ, các con HS khối 1 cũng bắt đầu làm quen những cách thức học tập mới và có những tiến bộ rõ rệt.
Cô Phan Thiên Hương - GVCN lớp 1A8, trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội)
Còn theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh): Sau một học kỳ, có thể khẳng định ưu thế của Chương trình sách giáo khoa mới. Học sinh của trường có 2 lớp gồm 61 học sinh, đang sử dụng bộ sách Cánh Diều, hiện hầu hết các em đã đọc trơn, đọc rõ, chỉ còn 1 - 2 em còn đang ghép vần.
"Tôi cho rằng, đó là tín hiệu khả quan cho thấy sự đồng sức, đồng lòng sẽ cho thành quả tốt đẹp. Cái mới và tiên phong thực hiện đương nhiên sẽ gặp nhiều thách thức. Chất lượng học sinh là minh chứng, xoá bỏ dần tư duy lối mòn trong giáo dục. Chương trình sách giáo khoa mới cho phép giáo viên thoả sức sáng tạo để thu hút sự hào hứng của học sinh. Đây là hiệu ứng tích cực và điều này đã tranh thủ được sự đồng hành của phụ huynh học sinh trong quá trình GD trẻ.", bà Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh.
"Sau một học kỳ, tôi cũng khá bất ngờ với thành quả mang lại từ những nỗ lực vượt qua bỡ ngỡ và hoài nghi. Đến nay, hầu hết học sinh lớp 1 trường tôi đã biết đọc rõ, đọc trơn. Nhiều em đọc truyện khá tốt và viết những đoạn văn dài rất đáng yêu. Tôi cho rằng, đó là tín hiệu khả quan để đội ngũ giáo viên và các nhà trường tiếp tục nỗ lực. Phương châm "khó đến đâu gỡ đến đó", giáo viên không còn e ngại trao đổi thẳng thắn cùng nhau qua các diễn đàn mạng xã hội, sinh hoạt chuyên đề cụm trường để tìm ra giải pháp tốt nhất. Tất cả vì học sinh thân yêu và mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà." - cô Phan Thiên Hương - Tổ trưởng chuyên môn - GVCN lớp 1A8, trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội).
Triển khai Chương trình (CT), SGK mới: Những chuyển biến tích cực Dẫu gặp những khó khăn, vướng mắc ban đầu xong tới nay ghi nhận sự chủ động thích nghi trong dạy và học. Giáo viên, học sinh yên tâm, không áp lực và tự tin sẽ về đích cùng chương trình và SGK mới. Ban giám hiệu và tổ chuyên môn dự giờ tại lớp 1A7 Trường Tiểu học Phan Đình Giót. Ảnh:...