Sáu cái bóng học sinh phải thoát để vươn cao
Các môn học, quá khứ, ghi chép – ghi nhớ hay thầy cô là những cái bóng khiến học sinh không thể vươn lên giữa rừng tháp cao xứ người.
TS Nguyễn Chí Hiếu, với hơn 10 năm dạy học, đã chia sẻ về những thách thức học sinh Việt Nam phải đối mặt.
Trong chuyến đi kết nối và trao đổi với các tổ chức, nhà lãnh đạo giáo dục trong khuôn khổ chương trình Eisenhower Fellowships diễn ra tại Mỹ, tôi được ngồi nói chuyện với Jerome, cha đẻ của The Millennium Project đang diễn ra trên 67 nước. Ông nói rất nhiều về 5 lĩnh vực sẽ thay đổi thế giới vào năm 2050, bao gồm: khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật, quản lý chính phủ, doanh nghiệp và lao động, giáo dục.
Ở lĩnh vực nào, tôi cũng hiểu thêm được nhiều điều, đặc biệt ở mảng giáo dục. Và tôi đã suy nghĩ rất nhiều về sáu cái bóng quá lớn đang dè bẹp sự phát triển của học sinh, cũng là sáu điều mà Jerome nói cần “thay đổi, cách mạng và giải phóng” cho học sinh để chúng sẵn sàng sống trong tương lai – năm 2050 – khi mà nhiều người lớn trong chúng ta chưa chắc còn để thấy.
Cái bóng số 1: Các môn học
Khi Việt Nam còn đang đắm chìm trong rừng môn học chính phụ ở trường và cả ở trung tâm học thêm thì ở nhiều môi trường giáo dục tiên tiến, người ta nhấn mạnh học sinh cần được chú trọng phát triển những điểm sau từ lớp 1 đến lớp 12: tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, giá trị và đạo đức, nghệ thuật, triết học, khởi nghiệp, thấu hiểu bản thân, các quan hệ giữa con người với con người, và sự hòa hợp xã hội.
TS Nguyễn Chí Hiếu. Ảnh: Dương Tâm
Cái bóng số 2: Quá khứ
Học sinh suốt ngày phải học thuộc những sự kiện về quá khứ, những thứ đã diễn ra và không thể thay đổi, nhưng lại thiếu đi cái nhìn sắc nét, góc cạnh để chiết xuất tư duy và năng lực phân tích.
Và quan trọng hơn hết, học sinh được dạy về quá khứ, nhưng lại không được dạy để nhìn về và phân tích tương lai nên chẳng biết làm thế nào để chuẩn bị đón nhận và ứng phó với cái tương lai mà mai kia chúng phải sống và cần làm chủ.
Cái bóng số 3: Kiểm tra, thi cử
Học sinh Việt Nam phải thi cử triền miên, và cách dạy – học ngày nay dù ở trường hay ở nhà, cũng toàn tập trung kỹ năng giải đề, làm bài tập lặp đi lặp lại, luyện hết đề này qua đề khác, chạy theo những mục tiêu như phát âm tiếng Anh thật chuẩn, làm toán phải thật nhanh, làm ngữ pháp tiếng Anh vèo vèo.
Để rồi dẫu có điểm số cao, giải thưởng nhiều, huy chương lấp lánh, nhưng cái mà không ít học sinh thiếu đi chính là năng lực học tập trọn đời – khả năng tự học.
Còn ở vài môi trường giáo dục và trường học khác, ở bậc phổ thông, có thể học sinh không có nhiều điểm số, giải thưởng, huy chương nhưng năng lực học tập trọn đời thì quá tốt. Và đó chính là tiền đề, nền tảng để học sinh có đủ lực để đi thật xa ở các bậc học cao hơn cũng như trong công việc sau này.
Cái bóng số 4: Dạy nghề
Ở Việt Nam, không ít nơi và không ít phụ huynh cứ tư duy là phải dạy cho học sinh theo kiểu cho chúng một cái nghề, mà quên mất rằng có thể cái nghề đó chưa chắc đã còn tồn tại tầm 5-10 năm nữa, chứ đừng nói đến năm 2050.
Còn ở nhiều nước khác, người ta tư duy không phải dạy nghề mà là dạy kỹ năng. Và kỹ năng ở đây là vô số thứ khác ngoài kỹ năng nghề.
Một ví dụ cho dễ hiểu là đến giờ vẫn còn có rất nhiều người, dù là đi học nước ngoài về, vẫn cứ hỏi tôi một câu mà cả chục năm qua tôi bị hỏi đi hỏi lại, nhiều khi cũng ngán ngẩm: “ Sao học kinh tế mà không đi làm tài chính ngân hàng, lại chuyển qua làm giáo dục”?
Tôi chỉ biết trả lời: Học kinh tế chục năm em quên gần hết kiến thức và mô hình, lập trình này kia rồi, nhưng được cái không quên cách tư duy logic, lập luận, giao tiếp, kỹ năng tự tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo để em đủ dùng dù là đào tạo giáo viên, viết chương trình, viết sách hay đi dạy.
Dạy nghề nó khác với dạy kỹ năng là ở chỗ đó.
Cái bóng số 5: Ghi chép và ghi nhớ
Hai cái cụm từ này đúng là quan trọng vì học sinh nào cũng phải có và phải được tập, nhưng cũng giống như trong ẩm thực, đồ ăn có ngon cách mấy thì cũng phải ăn vừa phải thôi, ăn nhiều quá là bội thực và mất cân bằng.
Khi nhiều thứ ở nhà, học ở trường hay ra ngoài trung tâm, Toán, Lý, Hóa hay Văn, Anh, Sử, Địa, tập trung nhiều quá về ghi nhớ và ghi chép thì học sinh học mãi cũng oải, giảm ngay năng lực tò mò và tìm hiểu mà con người sinh ra đã có, cái mà ở nhiều nước như Mỹ, người ta đang làm mọi cách để thúc đẩy: Dạy và học theo nhu cầu – chuyên ngành gọi là inquiry-based learning.
Nói cho dễ hiểu, học sinh thích tìm hiểu và nghiên cứu những gì thì giáo viên và nhà trường cần làm hết sức để đẩy nó đi thật xa, để chính học sinh nhận thức và vỡ ra nhiều thứ mà có khi cả thầy cô còn chưa chắc ngộ ra được.
Cái bóng số 6: Thầy cô
Ở Việt Nam, chắc thầy cô là thầy cô, còn ở một số môi trường giáo dục khác, người ta muốn định nghĩa lại và đào tạo lại thầy cô theo nghĩa là huấn luyện viên. Tức là thầy cô cần có năng lực định hướng, hướng dẫn và tạo động lực cho học sinh; chứ không chỉ là dạy kiến thức, giao phiếu bài tập, đọc sửa đáp án, chấm chữa bài và cho chúng ghi chép mệt nghỉ.
Sáu cái bóng này ở Việt Nam, vì nhiều lý do mà trở nên quá lớn và học sinh cũng quá mệt mỏi. Nhiều ngôi sao cấp 1 lên đến cấp 2 thường gặp phải một trong hai viễn cảnh mà nhiều lúc tôi thấy đau và xót khi chứng kiến.
Một là vẻ mặt đờ đẫn, bơ phờ và mất hết động lực học tập, chứ đừng nói chi là niềm vui từ những thứ bình dị trong cuộc sống và thế giới xung quanh. Hai là vẫn lao vào học thêm, thi cử, giành nhiều giải thưởng, huy chương nhưng gặp chúng, trao đổi với chúng, tôi cứ thấy cái ruột bị rỗng rỗng bên trong.
Ở xứ người, họ cũng có những vấn đề y như ở Việt Nam, trường học cũng khó khăn, thầy cô cũng đeo mang nhiều thứ, nhưng được cái là khi đã ý thức được thì họ sẽ làm.
Hiện ở Việt Nam, nhiều phụ huynh và thầy cô cũng đã cởi mở, chịu làm, chịu thay đổi để giúp học sinh thoát khỏi sáu cái bóng này và nhiều cái bóng khác mà chúng đang phải vật vã đeo mang. Mai kia ra biển lớn, chúng thật sự không còn là cái bóng giữa rừng tháp cao xứ người, mà chính chúng sẽ tự tin vươn cao để che bóng cho bao người khác.
Và Việt Nam thực sự cần nhiều hơn nữa những phụ huynh và thầy cô như vậy.
TS Nguyễn Chí Hiếu
Theo Vnexpress
Học tiếng Anh: Cách dùng và cấu trúc của thì quá khứ đơn chuẩn nhất
Thì quá khứ đơn xuất hiện với tần suất liên tục trong đời sống hàng ngày khi nói tiếng Anh. Vì vậy, nếu chưa nắm vững nó, bạn cần bổ sung thêm kiến thức cơ bản này ngay thôi.
Thì quá khứ đơn là một trong những thì quan trọng bậc nhất trong tiếng Anh mà bất kỳ học viên nào cũng sẽ phải nằm lòng. Ở bài học này, hãy cùng ghi chép lại những kiến thức cơ bản của thì này để tránh bỡ ngỡ khi dùng đến nó nhé.
Học tiếng Anh: Cách dùng và cấu trúc của thì quá khứ đơn chuẩn nhất
1. Cách dùng thì quá khứ đơn
Hai cách sử dụng cơ bản và phổ biến nhất của thì quá khứ đơn bao gồm:
Quá khứ đơn được dùng để diễn tả những hành động đã xảy ra và kết thúc hoàn toàn trong quá khứ, không còn liên quan gì đến hiện tại.
Ví dụ: I met him at the cinema yesterday. (Ngày hôm qua, tôi gặp anh ấy ở rạp chiếu phim).
Dùng để diễn tả một chuỗi các hành động đã xảy ra và kết thúc trong quá khứ. Bạn nhớ nhé, các hành động này được sắp xếp theo trình tự thời gian, diễn ra lần lượt từ việc trước đến việc sau.
Ví dụ: Sam and Peter played on the swings, climbed a tree and rode a tricycle.
(Sam và Peter đã chơi xích đu, trèo cây và đi xe cút kít).
Ngoài ra, thì quá khứ đơn được sử dụng với một vài cách dùng khác
2. Cấu trúc thì quá khứ đơn là gì?
Các thì trong tiếng Anh đều được chia ra thành 3 dạng câu khác nhau gồm: khẳng định, phủ định, nghi vấn. Ở thì quá khứ đơn, các dạng câu này được chia như sau:
Câu khẳng định:
S V-pI O
Ví dụ: The kids played on the seesaw in the garden yesterday morning. (Bọn trẻ đã chơi bập bênh ở trong vườn vào sáng ngày hôm qua).
Câu phủ định:
S did not/didn't V O
Ví dụ: The kids did not/ didn't play on the seesaw in the garden yesterday morning. (Bọn trẻ không chơi bập bênh ở trong vườn vào sáng ngày hôm qua).
Câu nghi vấn:
Did S V O?
Ví dụ: Did the kids play on the seesaw in the garden yesterday morning? (Bọn trẻ đã chơi bập bênh ở trong vườn vào sáng ngày hôm qua đấy à?).
Trong tiếng Anh, có hai loại động từ chính là động từ "to be" và động từ thường. Trong đó, động từ "to be" được chia cụ thể như sau:
Các chủ ngữ: I/ He/ She/ It was O
Ví dụ: He was a firefighter. (Anh ấy từng là một người lính cứu hỏa).
Các chủ ngữ: You/ We/ They were O
Ví dụ: They were not excited at all. (Họ đã không hào hứng chút nào cả).
Với động từ thường, bạn nhớ hai cách chia:
Thêm đuôi "ed" vào cuối động từ
Hoặc tra động từ ở cột 2- bảng động từ bất quy tắc nếu từ đó là động từ bất quy tắc
Các dấu hiệu nhận biết của thì quá khứ đơn
Bạn có thể lúng túng khi nhớ cách chia động từ như thế nào nhưng đừng quên những dấu hiệu nhận biết của thì quá khứ đơn dưới đây nhé.
In (in 1890: vào năm 1890);
Yesterday (ngày hôm qua)
Last (last week, last night, last year)
Ago (4 years ago: 4 năm trước, 3 months ago: 3 tháng trước)
Để theo dõi bài học này kỹ hơn, bạn nên tuân thủ 3 bước học tiếng Anh qua video dưới đây:
Bước 1: Xem thật kỹ video, nắm được cơ bản kiến thức được đề cập
Bước 2: Ghi chép lại các mẫu câu, các phần quan trọng
Bước 3: Luyện tập hàng ngày
Bạn nên nhớ, quá khứ đơn là thì vô cùng quan trọng và được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh. Vì vậy, hãy luyện tập hàng ngày để nắm vững những cấu trúc cơ bản này nhé.
Vũ Phong
Theo Dân trí
Du học (kỳ 2): Cách học với giáo sư Mỹ Tôi thường giải thích: "Các giáo sư ở đây để giúp các em học. Nói chuyện với họ và hỏi xin giúp đỡ khi các em cần điều đó. Nếu các em không hiểu cái gì đó, giơ tay lên và hỏi câu hỏi. Nếu các em cảm thấy không thoải mái hỏi trước lớp, thì hẹn gặp giáo sư để gặp họ...