Sắp xếp lại các trường ĐH: Giải thể một trường đại học yếu kém không dễ!
Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho rằng, giải thể một trường đại học yếu kém không dễ vì phải chứng minh được trường đó yếu kém như thế nào?
Góp ý về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề án, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, về lâu dài, Bộ GD&ĐT không thể bao quát một hệ thống gồm quá nhiều trường ĐH,CĐ như hiện nay. Nhưng nếu Bộ muốn quy hoạch, sáp nhập, hợp nhất, giải thể trường ĐH công lập hiện nay thì cần phải có lộ trình và bước đi cụ thể vì trước đây đã có nhiều dự án Quy hoạch trình Chính phủ về vấn đề này nhưng chưa thực hiện được.
Hơn nữa, đây là một công việc cực kỳ quan trọng có tác dụng quyết định đến sự phát triển giáo dục, là cơ hội để thực hiện đổi mới hệ thống giáo dục một cách cơ bản hòa nhập dần vào cộng đồng đại học thế giới.
Việc sắp xếp này có tác dụng lâu dài, lại động chạm đến đông đảo đội ngũ cán bộ giáo dục nên phải cân nhắc kỹ và chọn phương án tối ưu.
Quy hoạch sắp xếp lại các trường đại học phải thận trọng và có lộ trình bài bản, phương án tối ưu.
Phải có căn cứ thì mới giải thể được trường yếu kém
Theo TS Khuyến, khi thực hiện quy hoạch các trường đại học công lập thì phải có đủ chủng loại đại học để đáp ứng về nhu cầu nhân lực đa dạng, ở các cấp độ khác nhau từ tầm quốc tế, tầm quốc gia, tầm vùng và tầm địa phương. Chứ như vừa qua, diễn ra tình trạng ghép một số trường đại học, sẽ không ăn nhập gì cả.
TS Khuyến cho rằng, khi sắp xếp các trường thì phải dựa vào điều kiện cụ thể, chứ tự dưng nói xếp trường yếu vào trường mạnh là không ổn. Bộ phải giải thích thế nào nếu gọi trường đại học này là yếu kém; thế nào là trường mạnh.
Ví dụ, những trường địa phương sáp nhập vào trường ĐH Quốc gia do yếu kém nhưng mỗi trường có một xứ mệnh khác nhau; trường địa phương đào tạo nhân lực cho địa phương còn ĐH Quốc gia đào tạo vươn tầm quốc tế. Đội ngũ giảng viên của 2 trường khác nhau, tiêu chuẩn khác nhau, không thể ngồi chung với nhau được.
Video đang HOT
Do đó, sắp xếp trường đại học phải có nguyên tắc cụ thể, không thể nói giải thể một trường đại học yếu kém ngay được, căn cứ nào để bảo trường đó yếu kém?
Tất cả phải qua kiểm định. Bởi hiện nay, khi kiểm định 1 trường đại học, trường đó yếu thì người ta sẽ không giải thể ngay mà kiểm định sẽ yêu cầu dừng các chương trình đào tạo kém lại để củng cố và cho thời gian dự phòng, khắc phục, nếu không khắc phục được mới tính đến giải thể.
“Sắp xếp trường đại học phải có lộ trình đi thích hợp, phụ thuộc vào xứ mệnh của từng trường, không nên ghép kiểu cơ học mà phải tổ chức lại thành trường đa lĩnh vực. Chứ không ghép các trường lại thành trường lớn nhưng lại không chất lượng.
Bên cạnh đó, các trường ghép lại phải cùng đẳng cấp với nhau chứ không phải trường mạnh, trường yếu. Nếu ghép các trường cùng một lĩnh vực thì sẽ mất đoàn kết. Nguyên tắc sắp xếp trường mà không làm rõ thì “lợi bất cập hại” – TS Khuyến chia sẻ.
Không nên gây xáo trộn đột ngột
TS Lê Viết Khuyến cho biết, trước đây đã có đề án sắp xếp lại các trường đại học trình lên Chính phủ từ thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân.
Lúc đó, đề án đã đặt ra mục tiêu, khi sắp xếp lại các trường đại học phải đạt các mục tiêu đảm bảo hợp lý về số đầu mối và quy mô của cơ sở đào tạo để tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất.
Mạng lưới và hệ thống pháp quy kèm theo phải tạo được mối quan hệ ràng buộc giữa các cơ sở đào tạo với nhau nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo.
Mạng lưới phải tạo thuận lợi để đảm bảo các trường gắn liền với xã hội, bám sát các đại bàn phục vụ, gắn bó với các cộng đồng dân cư; phải tạo điều kiện để thực hiện tốt phân cấp quản lý, vừa đảm bảo hiệu lực của QLNN, vừa phát huy được tính năng động của cơ sở; phải xây dựng được một mạng lưới đủ hợp lý để có thể phát triển trong nhiều thập kỷ tới.
TS Khuyến cho rằng, Bộ GD&ĐT phải đưa ra bước đệm 3 – 5 năm để chuyển dần cấu trúc trường khi quy hoạch sang mô hình hiện đại nhằm không gây xáo trộn quá đột ngột về tổ chức và nhân sự ở các trường, giữ được ổn định về chính trị.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Bỏ thi sang xét giáo viên giỏi: Cần một bộ tiêu chí hợp lý
Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), thời gian qua, dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc "chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới", nhưng đã đến lúc phải thay đổi hình thức, bản chất của hội thi giáo viên giỏi trong thời gian qua.
Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng bộ tiêu chuẩn với những tiêu chí hợp lý, khoa học; cùng với đó là việc lấy phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh như thế nào để công bằng, khách quan.
Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Ảnh minh họa.
Sai ở chỗ "luyện thi giáo viên giỏi"
Nhìn lại việc công nhận giáo viên dạy giỏi qua những hội thi đang được duy trì hiện nay, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, ưu điểm rõ ràng của cách làm này là lượng hóa được nhiều tiêu chí cụ thể. Qua đó, đánh giá được khá toàn diện năng lực của giáo viên, so sánh được giáo viên ở đơn vị này với đơn vị khác, từ đó thúc đẩy mọi giáo viên cần phải nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận học sinh...
"Bản thân việc thi để công nhận giáo viên giỏi không có gì sai. Vì chạy theo bệnh thành tích nên thành ra ganh đua nhau, tạo ra tiêu cực mới thành ra sai. Trong điều kiện hiện nay, bỏ thi là đúng"- TS Lê Viết Khuyến đồng tình.
Phân tích cụ thể, TS Khuyến cho rằng cũng như thi học sinh giỏi ở Việt Nam, thi giáo viên giỏi cũng có việc luyện "gà nòi" để đi thi. Đành rằng có thi là phải ôn luyện nhưng ôn luyện đến mức tập dượt 3, 4 lần một tiết dạy mẫu về cùng 1 nội dung cho học sinh để không xảy ra sai sót trong quá trình diễn ra hội thi thì không nên. Hoặc cẩn thận hơn, chỉ chọn những em học sinh khá giỏi tham gia lớp học còn những em khác thì báo phụ huynh cho nghỉ học ở nhà... là thực tế vẫn thấy ở nhiều địa phương.
Chưa kể, mỗi giáo viên được chọn đi thi không chỉ là thành tích của cá nhân mà còn liên quan đến thành tích của đơn vị tập thể. Dự thi vì màu cờ sắc áo nên áp lực phải đạt giải khiến cả cô và trò đều phải diễn và cố gắng diễn tròn vai, diễn đạt nên có những tâm sự rất thật của giáo viên, ấy là "sợ khi được cử đi thi giáo viên dạy giỏi".
Cần hội đồng xét tuyển công minh
Đồng tình với chủ trương của Bộ GDĐT là chuyển từ thi sang xét giáo viên giỏi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng hiện nay việc đánh giá học sinh đã chuyển sang đánh giá cả quá trình học, nên đối với giáo viên cũng cần đánh giá suốt một năm học thay vì trình diễn một vài tiết dạy.
Trong đó, cần quan tâm đến bộ tiêu chí sẽ áp dụng để đánh giá giáo viên ra sao? Theo đó, để đánh giá giáo viên cần hai tiêu chí là chuyên môn và nghiệp vụ, trong đó có phần chuyên môn dạy và phương pháp dạy học sinh có hiểu bài không, có hào hứng với giờ học không... Về nghiệp vụ, giáo viên hiện nay không chỉ là "thợ dạy" mà còn có vai trò tư vấn, định hướng đối với học sinh. Người thầy cô được các em tín nhiệm, quý trọng thì chắc chắn tâm lý sẽ thoải mái để tiếp thu bài học hơn... Chính vì vậy, trong dự thảo xét giáo viên dạy giỏi đang xây dựng mà Bộ GDĐT đưa ra có phần lấy phiếu tín nhiệm phụ huynh và học sinh là cần thiết.
Trước những băn khoăn của dư luận, liệu có lo ngại sự đánh giá cảm tính từ phía học sinh hay không khi làm phiếu khảo sát, nhất là nếu những thầy cô nghiêm khắc nhưng dạy tốt thì sẽ thiệt thòi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng tính cảm tính ở đây sẽ thể hiện rất rõ là giờ học của thầy cô có thực sự tạo cảm hứng, động lực cho học sinh hay không chứ không hẳn là cô giáo đó dạy dễ hiểu, khó hiểu hay dạy bình thường.
"Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Điều tôi quan tâm hơn, đó là hội đồng xét tuyển giáo viên giỏi gồm những ai, có công minh hay không? Bởi nếu chỉ căn cứ trên hồ sơ, sổ sách giấy tờ làm minh chứng thì sẽ khiến áp lực sổ sách nặng nề. Còn nếu nói minh chứng là sự tiến bộ của học sinh thì khá khó. Vì cô giáo A được phân công dạy ở lớp chọn, có chủ yếu là học sinh học tốt, hạnh kiểm tốt chưa chắc đã bỏ nhiều công sức hơn so với giáo viên B nhận lớp học có nhiều học sinh lực học trung bình yếu, học sinh quậy phá hơn... nhưng đến cuối năm, chắc chắn học sinh lớp cô A sẽ có thành tích học tập tốt hơn học sinh lớp cô B..."- TS Lê Viết Khuyến phân tích.
Từ đó, TS Khuyến cho rằng cần một hội đồng thật sự công tâm, khách quan để thực hiện việc xét công nhận giáo viên giỏi, tránh thiệt thòi cho những giáo viên nỗ lực nhưng lại không được tôn vinh xứng đáng.
Theo TS Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), trong dự thảo về việc chuyển từ xét sang thi giáo viên dạy giỏi, minh chứng cho việc dạy giỏi sẽ có những tiêu chí cụ thể, cốt lõi. Do có nhiều vùng miền, ngay một trường đã nhiều sự khác biệt nên trong dự thảo tới đây, sẽ có Thông tư (những vấn đề cốt lõi nhất tạo khung thực hiện) và cả văn bản hướng dẫn, đề xuất, gợi ý tình huống để từng trường nhìn vào có thể linh hoạt, chủ động thực hiện.
Về các tiêu chí, ông Minh cho rằng đưa ra việc lấy phiếu tín nhiệm của phụ huynh không phải là để phụ huynh đánh giá giáo viên mà là "tín nhiệm". Môi trường giáo dục gồm gia đình, nhà trường, xã hội. Theo nghĩa rộng giáo dục của cả giảng dạy và giáo dục. Như vậy để một giáo viên dạy giỏi,chủ nhiệm giỏi thì họ có nhiều hoạt động làm việc với phụ huynh. Cần thêm những ý kiến góp ý về bộ tiêu chí để việc xét công nhận giáo viên giỏi đúng, đủ, đảm bảo tôn vinh được đúng người xứng đáng. Dự kiến, ngành giáo dục cũng hướng tới việc sử dụng bộ công cụ "chuẩn nghề nghiệp" một cách công phu.
Thu Hương
Phát triển Nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học: Nhà khoa học phải "nói dối" vì quản lý hành chính nặng nề Trăn trở lớn nhất của những nhà khoa học ở Viẹt Nam đó là khi thực hiẹn đề tài bị quản lí hành chính quá nạng nề. Ví dụ, quy định tài chính khong theo thực tế khiến các nhà thực thi đề tài phải "nói dối" khi quyết toán. Đó là một trong 3 rào cản phát triển các nhóm nghiên cứu...