“Sao Tháng Giêng” nơi miền đất võ
Sinh viên duy nhất của Trường ĐH Quy Nhơn được nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng năm học 2012-2013 là cô bạn Võ Thúy Phượng. Trước đó, vào năm 2009, Phượng là 1 trong số 4 học sinh tiêu biểu của tỉnh Bình Định vinh dự trở thành Đảng viên khi còn là học sinh phổ thông.
Từng là học sinh giỏi Hóa của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, với niềm đam mê Hóa học, từ nhỏ Võ Thúy Phượng đã ấp ủ trong mình ước mơ trở thành cô giáo dạy Hóa.
Năm 2009, Thúy Phượng thi đỗ vào ngành Sư phạm Hóa học, Trường ĐH Quy Nhơn và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Thúy Phượng đã không ngừng nỗ lực và vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập, trở thành sinh viên tiêu biểu của Khoa, Trường. Bằng chứng là bốn năm liền Thúy Phượng liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên giỏi của trường, riêng năm học 2011 – 2012 đạt 8,53; hai năm liền tham gia nghiên cứu khoa học, kết quả 1 giải ba năm 2011 và 1 giải nhất năm 2012 tài năng khoa học trẻ cấp trường, điều vinh dự hơn Thúy Phượng đã “rinh” về cho mình giải khuyến khích “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” do Bộ GD-ĐT trao tặng năm 2012; giải nhì Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần thứ VII bảng A tại Đà Nẵng 2012; có 3 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí Hóa học chuyên ngành có uy tín là “Tạp chí Hóa học” và “Tạp chí Hóa học và ứng dụng”; nhận học bổng Vallet 2012 do giáo sư Odon Vallet trao tặng tại Đà Nẵng.
Không chỉ là sinh viên có thành tích cao trong học tập mà Phượng còn là cán bộ Đoàn – Hội năng nổ, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức. Với vai trò là Ủy viên Ủy Ban kiểm tra Đoàn trường, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi Hội sinh viên khoa Hóa học, Thúy Phượng luôn chứng tỏ mình là một cán bộ Đoàn – Hội xuất sắc, được thầy yêu bạn mến. Năm học 2011 – 2012, Thúy Phượng được Hội sinh viên trường tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên. Bằng những kiến thức có được cùng với sự thông minh nhanh nhẹn, năm 2011 cô sinh viên này còn “ẵm” giải nhất Cuộc thi Hành trang vững bước vào đời do Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức.
Võ Thúy Phượng (bên trái) là sinh viên duy nhất của Trường ĐH Quy Nhơn được nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng năm học 2012-2013.
Được kết nạp vào Đảng năm 2009, Thúy Phượng là 1 trong số 4 học sinh tiêu biểu của tỉnh Bình Định được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn là học sinh phổ thông. Là một Đảng viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trong 2 năm liên tục 2011, 2012 Thúy Phượng được Đảng Ủy trường ĐH Quy Nhơn công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tặng giấy khen về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
Những ngày đầu năm 2013 này, một niềm vui nữa đến với Thúy Phượng khi cô bạn vinh dự là sinh viên duy nhất của Trường Đại học Quy Nhơn được chọn là 1 trong 100 gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Sao Tháng Giêng năm học 2012 – 2013 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.
Nói về ước mơ của mình, Thúy Phượng chia sẻ: “Bây giờ mình chỉ biết cố gắng học tập hết mình để có được một hành trang kiến thức vững chắc. Và mình vẫn mãi theo đuổi nghề giáo mà mình đã lựa chọn, mình sẽ vừa làm vừa học để trau dồi thêm kiến thức và nâng cao trình độ hiểu biết cho bản thân và sẽ tiếp tục tham gia các phong trào Đoàn – Hội, các công tác xã hội để cống hiến sức trẻ của mình cho đất nước, xứng đáng với những gì mình có được ngày hôm nay”.
Với những gì có được, cùng chúc “Sao Tháng Giêng” Võ Thúy Phượng sẽ thực hiện được ước mơ của mình và tiếp tục gặt hái nhiều thành tích hơn nữa.
Theo Đình Phùng
Hội Sinh viên ĐH Quy Nhơn
Bà giáo 82 tuổi vẫn đứng lớp
Sau khi nghỉ hưu ở Khoa Toán thống kê, ĐH Kinh tế TP.HCM, cô Đàm Lê Đức (hiện 82 tuổi) vẫn miệt mài trên bục giảng cho đến nay, chỉ khác là cô không dạy về toán mà dạy về đức dục.
Cả lớp 10A (Trường THCS-THPT Đức Trí, TP.HCM) chưa hết ngạc nhiên, bà giáo già đã mở đầu bài dạy: "Hôm nay, cô xin phép giáo viên chủ nhiệm để dạy cho các con hai tiết về đức dục. Bài dạy của cô gồm ba phần: hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô và thân ái với bạn bè". Mới nghe đến đây, một số học sinh đã nhún vai, lắc đầu...
Nhìn thấy điều đó, cô Đức vào đề rất nhanh: "Tại sao phải hiếu thảo với cha mẹ? Các con, có ai nói cho cô biết công lớn nhất của cha mẹ là gì? - "Là sinh thành cô ơi" - "Đúng rồi, chúng ta không phải tự nhiên sinh ra. Từ khi mới là giọt máu trong bụng mẹ, các con đã làm cho cả nhà phải khổ: người mẹ ăn vào thì nôn ra, đêm ngủ thì trằn trọc canh trường, không ngon giấc. Khi người mẹ xanh xao, vàng vọt, khó ở thì người cha làm mọi việc thay cho mẹ, chăm sóc, động viên mẹ... Khi con lớn dần trong bụng thì người mẹ khệ nệ, nóng nực, đi lại khó khăn...".
Năm nay 82 tuổi, cô Đàm Lê Đức vẫn miệt mài trên bục giảng dạy về đức dục.
Tiết học xúc động
"Bây giờ cô hỏi các con: Các con đeo ba lô trên vai một ngày có khó chịu không?", cả lớp đồng thanh: "Dạ có" - "Thế mẹ của chúng ta mang chúng ta trong bụng bao nhiêu ngày?" - "Dạ, chín tháng 10 ngày" - " Từng ấy ngày khó chịu và mệt nhọc rồi đến lúc sinh chúng ta ra còn phải đau đớn tột cùng...". Rồi bà kết luận: "Kẻ nào không yêu cha mẹ sẽ không yêu được bất kỳ ai các con ạ". Không khí cả lớp lúc này bắt đầu chùng xuống, một vài học sinh trước đó lơ là bây giờ ngồi thẳng lên, chăm chú nhìn lên bảng...
"Nào! Các con hãy cho cô biết: Công ơn thứ hai của cha mẹ là gì?". Cả lớp đồng thanh: "Dạ, nuôi nấng" - "Kể từ khi sinh ta ra, nuôi ta lớn lên cha mẹ ta hao tổn tinh thần, tốn kém vật chất, đau đớn về thể xác, không ai kể xiết. Bây giờ, 1kg gạo, 1kg thịt giá bao nhiêu các con có biết không?", cô Đức hỏi. Cả lớp lặng thinh. Giọng bà giáo sang sảng: "Phải mất rất nhiều gạo và thịt thì các con mới lớn được như hôm nay. Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày. Các con có nhớ cái tuổi lên ba, lên năm cha làm ngựa cho con cưỡi, tập cho con đi những bước chập chững đầu tiên... Có bao giờ các con nghĩ đến việc không còn cha còn mẹ không? Cha mẹ không sống đời với ta đâu. Các con có cha mẹ bằng xương, bằng thịt bên cạnh là hạnh phúc lắm rồi. Cha mẹ qua đời thì ta cô đơn lắm, mất cha, mất mẹ là mất cả cuộc đời đấy các con ạ".
Xen lẫn với giọng sang sảng của bà giáo già, tiếng sụt sịt từ dưới lớp bắt đầu nổi lên, ngay cả một số học sinh nam cũng lấy tay quệt nước mắt...
Giảng bài là hết mệt
82 tuổi, giảng một lèo hai tiết đức dục mà không cần nghỉ ngơi. Sau khi bước ra khỏi lớp 10A, cô Đàm Lê Đức vẫn sang sảng: "Ngay từ khi còn là giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, từ năm 1985 tôi đã thành lập cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Với đối tượng học sinh phổ thông, ngoài dạy chữ phải dạy làm người. Vì thế, mặc dù chỉ là những lớp học thêm nhưng học sinh ở trung tâm đều phải học từ bốn - tám tiết đức dục và trí dục/năm học. Và tôi trực tiếp đứng lớp".
Sau này, số lượng học sinh ngày càng đông, cô Đức không trực tiếp giảng dạy được tất cả học sinh mà giao bớt cho giáo viên bộ môn giáo dục công dân đảm nhiệm. Tùy theo cấp lớp mà tiết đức dục và trí dục có những nội dung khác nhau, nhưng tựu trung bao gồm các chuyên đề: văn hóa ứng xử của học sinh trong gia đình - nhà trường - xã hội, tích cực phát huy tinh thần tự học để trở thành học sinh giỏi, tự học qua cách học ở thầy, ở bạn, ở sách...
Từ năm 2010, cô Đức sáng lập Trường THCS - THPT Đức Trí: "Bây giờ, tôi vẫn trực tiếp giảng dạy đức dục và trí dục ở tất cả các lớp ở Trường Đức Trí (học sinh vẫn học môn giáo dục công dân theo chương trình của Bộ GD-ĐT) và khối 11, 12 tại cơ sở 218 Lý Tự Trọng. Bài dạy đức dục và trí dục bây giờ đã có giáo trình chung cho các giáo viên sử dụng. Điều quan trọng nhất là sau bài dạy, học sinh sẽ viết bài thu hoạch. Từ những bài này, mình mới nắm được tâm tư, tình cảm của các em" - cô Đức cười rất tươi.
Hỏi tại sao không giao hết cho giáo viên bộ môn giáo dục công dân đảm nhiệm, cô Đức nghiêm mặt: "Niềm vui của tôi là đứng trên bục giảng mà. Đúng là lớn tuổi mà giảng một lúc hai tiết dễ bị khan giọng, nhưng cứ vào lớp, đứng trên bục giảng là tôi hết mệt".
Theo Anh Quân
Phụ nữ TPHCM
Dạy - học môn ngữ văn: Thiếu thiết thực, thiếu cả văn chương Lười, ngại, chán học môn Ngữ Văn là thực trạng được "rung chuông" nhiều năm nay, tiếp tục được mô tả trong hội thảo quốc gia về dạy học môn Ngữ Văn tổ chức tại Huế ngày 5/1, như một vết đau chưa có thuốc chữa trị. Cách dạy văn hiện nay khiến học sinh không cảm nhận được vẻ đẹp văn chương....