Sáng tạo từ những công việc thường ngày
Nhiều cán bộ trẻ đã ứng dụng công nghệ, nghiên cứu tạo ra những phần mềm thông minh, sáng kiến mang lại giá trị lớn cho cơ quan và xã hội.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao giải thưởng cho các cá nhân tiêu biểu – VŨ THƠ
Họ là những gương điển hình trong 36 người nhận giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ 5 tại Hà Nội vào ngày 14.12.
Phần mềm quản lý nhân sự thông minh
Trong 6 năm công tác, chị Trần Thị Hoa (29 tuổi), viên chức Phòng Tổ chức cán bộ, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên, đã có 6 đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao, như: phần mềm quản lý hồ sơ nhân sự và công tác thi đua, khen thưởng; quản lý chế độ chính sách; đánh giá công chức và viên chức… Chị Hoa cho biết trong 6 đề tài nghiên cứu, chị tâm đắc nhất với đề tài Phần mềm quản lý hồ sơ nhân sự và công tác thi đua, khen thưởng. “Phần mềm giúp các cơ quan quản lý theo dõi quá trình biến đổi thông tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình công tác từ khi bắt đầu vào cơ quan đến khi nghỉ hưu. Hơn nữa, không chỉ dừng ở việc quản lý thông tin đơn thuần, như các phần mềm hiện có trên thị trường mà còn chuyển toàn bộ tài liệu, hồ sơ trong bộ hồ sơ cá nhân của một người từ dạng lưu trữ và bảo quản bằng văn bản giấy thành bản điện tử”, chị Hoa cho hay.
Nhờ áp dụng phần mềm quản lý này, đơn vị chị Hoa công tác từ chỗ nhiều năm liền chỉ đứng tốp dưới về thi đua khen thưởng của tỉnh đã trở thành đơn vị dẫn đầu. Chị Hoa cho biết, dự kiến năm 2019, phần mềm này sẽ được triển khai ở nhiều phòng giáo dục của tỉnh và một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Trong thời gian công tác, chị Hoa đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (năm 2017), bằng khen của T.Ư Hội LHTN VN (năm 2014), bằng khen của UBND tỉnh (năm 2016 và năm 2018).
Đề án giúp nâng cao chất lượng giáo dục
Anh Vương Minh Thống (32 tuổi, dân tộc Cao Lan), Trưởng phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ, Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang, đã có các sáng kiến, ý tưởng tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Một trong những đề tài mà anh chủ trì nghiên cứu được đánh giá cao là Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 – 2021. Đề án này đã góp phần tinh giản biên chế sự nghiệp giáo dục, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là đối với các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Video đang HOT
Anh Thống chia sẻ: “Tôi nhận thấy trên địa bàn tỉnh quy mô về trường, lớp học của một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương. Quy mô còn dàn trải, nhiều điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít, có khi chỉ 10 – 15 em. Điều này gây tốn kém về kinh phí đầu tư xây dựng điểm trường, tăng thêm nhu cầu số lượng người làm việc của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, việc bố trí các điểm trường còn bất hợp lý nên trang thiết bị dạy học dàn trải, giảm hiệu quả dạy và học”.
Trước thực tế đó, cuối năm 2016, anh Thống có ý tưởng và cùng với các cộng sự xây dựng đề án sắp xếp lại điểm trường và kết quả toàn tỉnh đã giảm được 127 điểm trường, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, bước đầu tinh gọn hệ thống trường, lớp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, khi học ở trường chính, học sinh có điều kiện giáo dục tốt hơn, được ăn ở bán trú, giúp các gia đình thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, quản lý con… Vì vậy, đề án đã được phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ.
Với những cống hiến và nỗ lực của mình, anh Thống đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2013, được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích công tác (từ năm 2013 – 2017), bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (năm 2014 và năm 2016) và của Tỉnh đoàn Tuyên Quang (năm 2014)…
Tuyên dương 36 gương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi
Chiều 14.12, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã gặp mặt, động viên và trao giải thưởng cho các cá nhân tiêu biểu nhận giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc năm 2018 tại Văn phòng Chính phủ (ảnh). Cùng dự có Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.
Giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi là giải thưởng cao quý của T.Ư Đoàn, nhằm khen thưởng, tôn vinh đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức có thành tích xuất sắc trong rèn luyện, công tác, có nhiều sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn và thực hiện tốt phong trào “3 trách nhiệm” do T.Ư Đoàn triển khai.
Năm 2018, giải thưởng được T.Ư đoàn tổ chức lần thứ 5, với 161 hồ sơ do 53 tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đề cử. Ban tổ chức đã xét chọn 36 gương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi để tuyên dương.
Theo thanhnien
Giao sinh viên chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học, nên hay không nên?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng nên giao cho sinh viên chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học vì sinh viên có sức trẻ, sự sáng tạo, hiện tại có cả môi trường và các kênh kết nối thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy lại có quan điểm thời gian học đại học là để tiếp thu các môn học, các hoạt động sáng tạo là để chuẩn bị hành trang cho cấp học cao hơn.
Trong cuộc đối thoại với đại biểu sinh viên (SV) toàn quốc, các lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Khoa học công nghệ được Chủ tịch Hội SV ĐH Quốc gia Hà Nội Hứa Thanh Hoa đặt câu hỏi: Hiện nay phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) của SV khá mạnh mẽ, có nhiều công trình thực hiện công phu, có tính ứng dụng. Tuy nhiên phần lớn đề tài có mục đích chủ yếu là tham dự các cuộc thi về NCKH, sau đó thì dừng lại. Điều này dẫn đến lãng phí rất nhiều chất xám và nguồn lực của các bạn SV và giảng viên. Vì vậy câu hỏi làm thế nào để có thể ứng dụng những đề tài NCKH vào thực tiễn đang là một bài toán lớn được đặt ra?
Đại biểu Thanh Hoa đề xuất: Cần có một đơn vị đứng ra thực hiện vai trò kết nối các đề tài nghiên cứu của SV với những doanh nghiệp để họ có thể cấp kinh phí và ứng dụng các kết quả nghiên cứu; Xây dựng chiến lược và đặt hàng các công trình nghiên cứu theo các nhu cầu của xã hội; Tăng tỉ lệ SV là chủ nhiệm các đề tài NCKH từ cấp trường trở lên vì hiện nay đa số là tham gia cùng giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng nên giao cho SV chủ nhiệm đề tài NCKH vì SV có sức trẻ, sự sáng tạo, hiện tại có cả môi trường và các kênh kết nối thúc đẩy NCKH.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi này: NCKH, chuyển giao tri thức là rất quan trọng. NCKH luôn được đề cao và cũng là một trong những chỉ số quyết định thứ hạng của trường đại học và ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, đồng thời cũng được kết nối với giữa doanh nghiệp và cộng đồng.
NCKH ở cấp trường đại học đã có tiến bộ nhưng còn gian lao. Trong trường đại học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang là trào lưu thiết thực của thế hệ trẻ và các thầy cô. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1665 khuyến khích học sinh, SV NCKH, khởi nghiệp.
Bộ GD&ĐT rằng có đơn vị các đề tài nghiên cứu của SV. Theo luật Giáo dục đại học sửa đổi và các Nghị quyết, các trường đại học được hình thành các doanh nghiệp startup, vườn ươm là nơi kết nối để hiện thực hóa các sản phẩm từ ý tưởng, thậm chí đầu tư cho những nghiên cứu rủi ro. Như vậy, động lực để các trường nghiên cứu trong các trường đại học là có, quan trọng là cách thực hiện.
Trong trường đại học, đổi mới sáng tạo gắn liền với bài giảng. Nghiên cứu sinh là nguồn lực quan trọng để các thầy cô hình thành nhóm nghiên cứu. Chính bản thân các nhóm nghiên cứu, vườn ươm kết nối thị trường, chuyển giao tri thức.
Đại học là tâm điểm của đổi mới và sáng tạo, một trong những đặc trưng của đại học là sáng tạo ra tri thức, sau đó mới chuyển giao. Phương thức chuyển giao gắn với động lực là các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng nên giao cho SV chủ nhiệm đề tài. Các nhóm nghiên cứu lớn cũng có cấu phần để các SV giỏi hoàn toàn có thể làm chủ một số cấu phần. Đây là giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm. Hoặc giao nhiệm vụ cho SV trong các nhóm kết hợp với doanh nghiệp, dưới sự bảo trợ của các thầy cô hoặc các doanh nghiệp. SV hoàn toàn có thể đứng ra chủ trì nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu sản phẩm.
Nghiên cứu phải thực sự là của SV, SV theo đuổi NCKH không chỉ để lấy điểm hay thành tích thi đua mà nghiên cứu phải kéo dài. Thực tế cho thấy nhiều nghiên cứu sáng tạo của SV nghiên cứu ra rồi không quan tâm nữa hoặc để trong ngăn kéo. Nhưng người nghiên cứu thực sự phải gắn với vấn đề mà mình theo đuổi cho dù điều đó đòi hỏi thời gian rất dài và công sức.
Hiện nay, SV không phải chỉ là tập sự nghiên cứu và càng không phải nghiên cứu để thi đua. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao sức trẻ, sự sáng tạo của SV nhất là khi có môi trường, có các kênh kết nối và thúc đẩy NCKH trong SV như hiện nay.
Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo trong ngành phải có các nhóm nghiên cứu mạnh, đưa ra được những giải pháp hữu ích có thể bán được để SV có môi trường tốt để theo đuổi, kết nối được thực sự, tránh tư tưởng nghiên cứu rồi bỏ đó, mà phải bền vững và có sự sáng tạo để có thể khởi nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Bùi Thế Duy lại có quan điểm thời gian học đại học là để tiếp thu các môn học, các hoạt động sáng tạo là để chuẩn bị hành trang cho cấp học cao hơn.
Cũng trả lời câu hỏi của SV về NCKH, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy đáp: Việc phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo chúng ta có định hướng do rất nhiều bộ phận cấu thành để hình thành nên nền KHCN nước nhà. Mỗi một con người có những giai đoạn nhất định để cống hiến cho NCKH. Trong 1 cuộc đời dành cho NCKH phải trải qua nhiều giai đoạn: tập sự, trưởng thành, giai đoạn chín...
NCKH trong SV là mở ra, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo của SV. Trong chu trình đào tạo của chúng ta có bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thời gian dành cho các bạn học đại học là để các bạn tiếp thu các môn học. Còn những hoạt động NCKH cũng như rất nhiều hoạt động thúc đẩy sự sáng tạo là chuẩn bị hành trang cho các bạn bước vào các cấp học tiếp theo. Đây là tư tưởng chung nhưng tất nhiên có những trường hợp đặc biệt, nhất là những bạn SV gắn liền với thực tiễn đời sống như nông nghiệp...
Ngoài ra là những NCKH của SV trong các trường đại học có chất lượng đỉnh cao. Nếu đề tài của các bạn tốt, kết quả tốt sẽ là tiền đề để các bạn xin được học bổng để học lên các cấp cao hơn hoặc để các doanh nghiệp thu hút nhân lực làm chuyên gia, kỹ sư cao cấp.
Đây là quan điểm trao đổi ngược trở lại với câu hỏi. Và chúng ta tiếp tục khuyến khích các hoạt động NCKH SV và các cuộc thi về sáng tạo khác để các bạn làm hành trang cho chuẩn bị và nuôi dưỡng đam mê cho giai đoạn tiếp theo.
Câu hỏi liệu SV có nên chủ trì đề tài NCKH hay không sẽ là câu hỏi do các bạn tự suy nghĩ và tìm câu trả lời cho chính mình.
Đại biểu sinh viên quan tâm tới vấn đề chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Trí thức ở nước ngoài có nhiều cách để đóng góp cho đất nước
Sinh viên Trần Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) hỏi: Bộ Giáo dục & Đào tạo có chính sách gì thu hút sinh viên du học nước ngoài về đóng góp cho đất nước? Ví dụ như các thí sinh thi "Đường lên đỉnh Olympia" sau khi được đi du học thì hầu như không trở về nước làm việc nữa?
Trí tuệ là tài sản quốc gia. Năm ngoái, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT và Bộ KH&CN có chính sách thu hút những người Việt có trí tuệ đang ở nước ngoài về nước cống hiến. Có nhiều phương pháp để thu hút, nhưng thu hút tốt nhất là qua các nhóm nghiên cứu. Nhiều người về nước phải có nhóm, có các đồng sự, có môi trường để làm việc, ví dụ như ở các trường đại học. Bộ GD&ĐT đã triển khai và thấy một số cơ sơ đã làm tốt như ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với các đơn vị thực hiện một số diễn đàn thu hút trí thức trẻ.
Mặt khác, trí thức ở nước ngoài có nhiều cách để đóng góp cho đất nước chứ không nhất thiết phải về nước. Đó có thể là chuyển giao công nghệ, liên kết với các nghiên cứu trong nước để giúp đỡ cho NCKH trong nước cùng phát triển.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN cũng cho rằng: Các bạn thí sinh Olympia chưa về nước chứ không phải không về nước. Vì hành trang các bạn cần phải nhiều thời gian tích luỹ, có hiểu biết mới có thể về nước cống hiến. Có thể ví dụ như GS. Ngô Bảo Châu đã có 20 năm nghiên cứu ở nước ngoài và hiện tại ông thường xuyên góp sức cống hiến cho đất nước.
Mai Châm
Theo Dân trí
Ngôi trường chỉ có giáo viên nam Huyện vùng cao Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, có một điểm trường vô cùng khó khăn. 4 thầy giáo đã tự nguyện sang sông, mang con chữ tới cho các em. Theo VTV