Sáng nay 20-10, học sinh xã đảo Thạnh An nô nức đến trường
Ngày 20-10, gần 250 học sinh khối 1, 2, 6, 9, 12 của Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM) đi học trở lại. Ngày đầu đến trường của năm học 2021-2022 các em đều vui vẻ, nô nức.
Học sinh xã đảo Thạnh An trên đường đến trường – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại Trường tiểu học Thạnh An, ngay từ rất sớm, giáo viên, cán bộ nhà trường đã đứng đợi sẵn ở cổng. Lối vào được phân thành hai luồng cho học sinh lớp 1 và học sinh lớp 2. Vào cổng, các em được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Vào sâu bên trong, học trò lớp 1 sẽ được giáo viên chủ nhiệm dắt vào lớp.
Chị Trần Thị Lệ Xuân, có con học lớp 1/1, là người đưa con đến Trường tiểu học Thạnh An đầu tiên. “Hôm nay tôi nghỉ bữa chợ để đưa con đi học. Thời gian qua học online, con tôi học trên điện thoại nhưng không hiệu quả. Tôi mong ngày đi học trực tiếp, để con bắt đầu lại. Con tôi cũng rất vui”, chị Xuân nói.
Học sinh Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) rửa tay khử khuẩn khi vào cổng – Video: THẢO THƯƠNG
Lớp 1/2 có gần 20 em. Các em cũng đến lớp rất sớm. Em Hoàng Anh chia sẻ: “Mẹ con ở xa, bà ngoại đưa con đến trường. Con chuẩn bị hết sách vở đêm qua rồi. Con rất vui vì gặp được bạn mới, gặp được thầy cô. Con biết con phải đeo khẩu trang suốt buổi học”.
Thầy Lê Hữu Bình, hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An, cho hay ngày đầu giáo viên, cán bộ nhà trường chuẩn bị đón học sinh thật chu đáo.
“Trường lên phương án nhỡ học sinh bị COVID-19 thì xử lý tách, phân luồng ra sao. Các em lớp 1 biết là sẽ rất ngọ nguậy khó đeo khẩu trang 24/24h nhưng có hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm cho các em kéo khẩu trang ra thở một vài phút, rửa tay thường xuyên. Khi tan trường, phụ huynh không được vào trường đón các em để đảm bảo phòng chống dịch”, thầy Bình nói.
Trường THCS-THPT Thạnh An, trong ngày đầu đến trường của 3 khối 6, 9, 12 có 131 em. Lúc 6h sáng, đò từ ấp Thiềng Liêng đưa 10 em học sinh đến bến phà của xã đảo Thạnh An. Em Hoàng Trường Giang, lớp 12, cho biết: “Em dậy từ 4h sáng, chuẩn bị ăn sáng, sách vở. Em dậy sớm một phần vì không ngủ được vì hồi hộp, vui vì ngày đầu đi học. Đò chạy từ 5h30 nên em phải có mặt đúng giờ”.
Học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An từ ấp Thiềng Liềng, xã đảo Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) phải đi đò từ 5h30 để đến trường – Ảnh: THẢO THƯƠNG
Em Kiều Lan và Hoàng Anh (lớp 1/1, Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) được bà ngoại cho ăn sáng trong ngày đầu đi học – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Học sinh Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) được đo thân nhiệt trước khi vào lớp – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Học sinh xã đảo Thạnh An trong sáng đầu tiên trở lại trường – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những nét chữ đầu tiên tại lớp thay vì học trực tuyến – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cô trò đều nô nức cho buổi học ở lớp – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trên bảng là dòng chữ “Chào mừng các con” trong ngày trở lại trường – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giáo viên đeo thẻ chứng nhận xét nghiệm âm tính cho học sinh – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều địa phương ở phía Nam chuẩn bị cho học sinh trở lại trường
Các địa phương ở khu vực phía Nam đang nghiên cứu, lên phương án cho học sinh đi học trực tiếp trở lại.
TP.HCM lên phương án cho học sinh tại huyện Cần Giờ học trực tiếp
Theo phóng viên Vũ Hường/VOV-TP.HCM, ngành chức năng của TP.HCM sẽ khảo sát, đánh giá các địa phương trên huyện đảo Cần Giờ. Nếu đủ điều kiện thì học sinh ở trên địa bàn huyện có thể sẽ học trực tiếp thay vì học trực tuyến như hiện nay.
Những học sinh tại xã đảo Thạnh An, huyện (TP.HCM) được xét nghiệm RT-PCR và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (Ảnh: H.B)
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, sáng 11/10, Thường trực UBND TP.HCM đã có buổi họp trực tuyến với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Sở Y tế và huyện Cần Giờ để trao đổi phương án mở cửa trường học của trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An. Về cơ bản, thành phố ủng hộ và cho thí điểm mở cửa lại trường học tại xã đảo này. Tuy nhiên, Thường trực UBND thành phố yêu cầu các ngành chức năng và địa phương hoàn thiện các tiêu chí để đón học sinh quay trở lại trường học trực tiếp.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết thêm, trong tuần này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ khảo sát và đánh giá cụ thể. Không chỉ riêng xã đảo Thạnh An mà các địa phương khác của huyện Cần Giờ cũng sẽ được đánh giá, nếu đủ điều kiện sẽ cho dạy học trực tiếp.
Ông Hồng nói: "Không chỉ 50% học sinh học online, 50% học trực tiếp mà nếu được sẽ cho 100% học sinh học trực tiếp. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và khảo sát các vùng xanh khác, sẽ áp dụng tương tự nếu đảm bảo công tác phòng chống dịch".
Theo kế hoạch trước đó, dự kiến 242 học sinh tại 2 trường là Tiểu học Thạnh An và trường THCS-THPT Thạnh An cùng 60 giáo viên được dạy và học trực tiếp từ ngày 11/10. Tuy nhiên sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM kiểm tra, nắm tình hình đã yêu cầu các trường hoàn thiện thêm tiêu chí phòng chống COVID-19 để đảm bảo an toàn khi các em đến trường trở lại cũng chờ quyết định chính thức từ Thường trực UBND TP.HCM.
Khánh Hòa chuẩn bị đón học sinh đến trường học trực tiếp
Phóng viên Thái Bình/VOV-miền Trung cho biết, sau 1 tháng khai giảng năm học mới, đến nay, hầu hết học sinh tại tỉnh Khánh Hòa vẫn học trực tuyến tại nhà. Hiện tỉnh Khánh Hòa đã kiểm soát được dịch bệnh, ngành Giáo dục đang lên phương án đón học sinh đến trường.
Huyện miền núi Khánh Vĩnh đã tổ chức dạy học trực tiếp từ tháng 9, đảm bảo giãn cách, an toàn trong phòng chống dịch.
Ngày 13/9, hơn 220.000 học sinh tại hơn 500 trường học ở tỉnh Khánh Hòa đã khai giảng năm học mới, muộn hơn so với nhiều năm trước. Sau khai giảng, chỉ có 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, các địa phương khác phải tổ chức học trực tuyến cho học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Các trường học đã thiết lập các phòng học ảo, hướng dẫn giáo viên xây dựng bài giảng, chương trình phù hợp với học sinh.
Sau 1 tháng dạy học trực tuyến, thầy Huỳnh Vĩnh Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Nha Trang cho rằng, nếu tiếp tục duy trì phương thức này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
"Học qua điện thoại chỉ là giải pháp tình thế vì tiếp thu giờ học của học sinh không tốt. Trước khi lên lớp, giáo viên phải đưa tài liệu lên lớp ảo và yêu cầu học sinh lên lấy xuống để tham khảo. Giáo viên chỉ lên với học trò, giáo viên giải đáp, khắc sâu những kiến thức trọng tâm để học sinh cần phải khai thác khi giải các bài tập", ông Huỳnh Vĩnh Khang cho hay.
Các trường học ở nhiều địa phương tại Khánh Hòa vẫn chưa dạy học trực tiếp.
Thực tế dạy học trực tuyến tại tỉnh Khánh Hòa đang có nhiều trở ngại. Toàn tỉnh có hơn 52.000 học sinh không có thiết bị như máy vi tính, điện thoại để học trực tuyến. Các trường đã khắc phục bằng cách in bài giảng, hàng tuần chuyển tài liệu cho các em kết hợp với sách giáo khoa để nắm kiến thức. Các thầy, cô giáo cũng thường xuyên kết nối, động viên học sinh vượt qua khó khăn.
Thầy Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Xuân Thưởng, thành phố Nha Trang cho biết: "Việc học trực tuyến khiến cho học sinh gặp không ít những khó khăn, khiến các em rất thiệt thòi, khó nắm bắt được kiến thức".
Theo lộ trình thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 18/10, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức dạy học trực tiếp khối trung học cơ sở, trung học phổ thông. Các cấp học khác như mầm non, tiểu học sẽ đến trường vào đầu tháng 11. Các trường học phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành; Tất cả giáo viên, nhân viên tại các trường học phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19...
Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, trường học không an toàn thì không được phép tổ chức dạy học trực tiếp.
"Các trường phải có phương án để xử lý khi có F0 xảy ra. Cần nghiên cứu để lên phương án cho việc dạy và học trong hoàn cảnh bình thường mới. Cần có sự phối hợp giữa nhà trường, địa phương và phụ huynh", ông Võ Hoàn Hải cho hay.
Trước đó, vào ngày 18/10, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa phối hợp ngành Y tế và các địa phương tập trung xét nghiệm cho toàn bộ học sinh, giáo viên với số lượng khoảng 110.000 người. Đồng thời, đảm bảo các tiêu chí trường phải sạch, giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine, học sinh phải được tầm soát... Hiện mới có khoảng 70% số giáo viên, nhân viên trong các trường học được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương rà soát, đảm bảo tiêm đủ vaccine cho đội ngũ giáo viên.
"Để chuẩn bị bước vào năm học mới, tỉnh đã có chỉ đạo từ 4 tháng trước. Cần khẩn trương rà soát để tiêm vaccine mũi 2 cho những trường hợp giáo viên đủ điều kiện. Những trường hợp giáo viên và người lao động mới tiêm 1 mũi khi đến trường thì phải có test âm tính, trường nào, địa phương nào mà để xảy ra F0 trong đội ngũ giáo viên thì phải chịu trách nhiệm về công tác phòng dịch", ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh./.
TP HCM: Không vội đón học sinh trở lại trường Là địa phương đông học sinh nhất cả nước với gần 1,7 triệu em, việc mở cửa đón học sinh trở lại trường ở TP HCM cần một lộ trình phù hợp Trường THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) là trường đầu tiên của TP HCM đề xuất cho học sinh (HS) trở lại trường học, bắt đầu từ ngày 4-10....