Sáng kiến vì môi trường ở ngôi trường vùng sâu vùng xa
Mặc dù sinh sống và giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, không có nhiều điều kiện để tìm tòi, học hỏi nhưng thầy Nguyễn Ngọc Hải (46 tuổi), giáo viên Sinh học Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) vẫn đam mê nghiên cứu khoa học. Thầy cùng các học sinh của mình không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu những đề tài mới để bảo vệ môi trường và phục vụ giảng dạy.
Thầy Hải và học trò trong phòng thí nghiệm của trường
Nhiều sáng kiến… thiếu kinh phí
“Lúc mới về đây tôi chỉ định về chơi thôi chứ không định ở lại giảng. Lúc ấy nơi đây khó khăn lắm, nước ngập và thiếu thốn nhiều thứ, ngôi trường thì cũng chưa ai biết đến. Dần dần mình cảm thấy muốn làm điều gì đó, muốn trường sẽ nổi tiếng ở một lĩnh vực nào đó và các em học sinh không bị thiệt thòi nên, tôi quyết định ở lại”, thầy Hải chia sẻ sau hơn 20 năm gắn bó với ngôi trường An Lạc Thôn.
Năm 2003, thầy Hải và học trò tham gia cuộc thi về sử dụng và bảo vệ nguồn nước và đoạt giải Nhất với sáng kiến dùng trái gòn để thu gom dầu loang. Năm 2007 và 2011, thầy và học sinh đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế với 2 đề tài về thu gom dầu loang.
Đến nay, thầy Hải đã có trên 90 đề tài nghiên cứu, chủ yếu về giáo dục, môi trường. Thông qua tiết dạy trên lớp, thầy lồng ghép để khơi gợi ý tưởng cho các em nghiên cứu. Chọn các em từ nhiều lớp tạo thành một nhóm. Các đề tài chủ yếu bắt nguồn từ ý tưởng của các em học sinh.
Giới thiệu về đề tài xử lý khí thải biogas của mình, em Trịnh Minh Quí cho biết, em bắt đầu nghiên cứu và thực hiện từ năm lớp 11. Đa số người dân chăn nuôi dùng khí biogas để đun nấu nhưng không quan tâm đến các chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe, môi trường, đặc biệt là khi đun nấu.
“Từ đó, chúng em nghĩ ra ý tưởng loại bỏ những chất đó để sạch, an toàn hơn cho người sử dụng. Ban đầu phải sục khí biogas qua nước vôi trong, sau đó dẫn tiếp qua phôi sắt và than hoạt tính để hấp thụ hết những phần còn sót lại mà nước vôi trong chưa hấp thụ được hết”, Quí chia sẻ.
Tiếp lời học trò, thầy Hải cho biết, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí để kiểm chứng và triển khai ý tưởng. “Trước đây, các em học sinh cũng thực hiện đề tài dùng lá khóm làm tơ sợi, dệt vải rất đẹp nhưng không mua nổi máy dệt nên không triển khai được. Có rất nhiều ý tưởng hay, thiết thực và có kế hoạch sẵn nhưng lại không có kinh phí thì cũng thua”, thầy giáo tâm sự.
Thầy Nguyễn Quang Khải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc Thôn đánh giá, “Thầy Hải là người có chuyên môn vững vàng, có năng lực, luôn phấn đấu hết mình và có nhiều cống hiến cho nhà trường. Vì vậy, nhà trường cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho thầy và các em trong khả năng của mình. Tuy nhiên, cũng chỉ giúp được một phần nào thôi”.
Luôn hướng đến học trò
Với phương châm lấy học sinh làm trung tâm, nam giáo viên luôn sát cánh bên cạnh các em để hỗ trợ thực hiện đề tài của chính mình. Với nhiệm vụ là Tổ trưởng chuyên môn và giảng dạy môn Sinh học, thầy Hải đã khuyến khích, hướng dẫn cho các em học sinh tham gia nghiên cứu khoa học trong nhà trường, hướng dẫn các em tham dự nhiều cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Quốc gia và đạt được không ít thành quả tốt.
Thầy đã hướng dẫn học sinh tham gia 2 đề tài lọt vào TOP 25 cuộc thi “Hành động vì nguồn nước” do Sách & Hành động và Đoàn TNCS NAWAPI đồng tổ chức do Đại sứ quán ISRAEL bảo trợ, thầy làm Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) “Em yêu môi trường” và CLB này đã đạt giải thưởng Môi trường Việt Nam 2013.
Video đang HOT
Thầy Hải còn nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin như soạn giảng bằng giáo án điện tử, sử dụng thiết bị dạy học ở từng tiết dạy, quản lý điểm của học sinh…
Không chỉ giáo dục về môi trường, giáo viên sinh học còn giáo dục chuyên đề hàng tháng cho các em học sinh như tâm lý, tổ chức gặp mặt chia sẻ với các em về chữ “Hiếu”. Thầy Hải mời một vài học sinh tiêu biểu viết bài và mời thêm một thầy giáo kì cựu để cùng nhau ngồi bàn về cái tôi của học sinh ngày nay để các em thấy được công ơn của ba mẹ như thế nào, sự đua đòi có nên hay không và đây cũng là chuyên đề mà thầy tâm đắc nhất khi nó đã lấy đi nước mắt của hơn 100 em học sinh tham gia chuyên đề ngày hôm ấy.
Bên cạnh đó, bằng cách tổ chức những trò chơi vui nhộn, những hoạt động cộng đồng, thầy Hải lồng ghép giáo dục ý thức an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và động vật hoang dã giúp học sinh dễ tiếp thu và có ý thức hơn. Đồng thời, các em còn là tuyên truyền viên tích cực cho các bạn khác lớp, thậm chí cho cả gia đình và người thân.
Từ những đóng góp của mình, thầy Hải nhiều lần được tặng bằng khen và được tuyên dương là Giáo viên giỏi cấp trường, Công đoàn viên xuất sắc, Lao động tiên tiến, gương “Điển hình tiên tiến ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2015″, gương “Điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015″.
Đặc biệt, ngày 15/10/2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng Huân chương Lao động cho thầy Hải: “Thời gian tới, trong năm mới 2019, tôi và các em sẽ cố gắng phấn đấu để tiếp tục giữ vững thành tích đạt được nhiều năm qua. Bản thân tôi sẽ đầu tư thêm chuyên môn và định hướng ngành nghề cho các em. Những em nào có đam mê nghiên cứu thì tiếp tục hỗ trợ cho các em”, thầy Hải cười.
Diễm Kiều
Theo baophapluat
9 công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM
Ba học sinh, sinh viên, các công chức có thành tích và sáng kiến giúp tinh giản thủ tục hành chính cho người dân.
Thành Đoàn TP HCM vừa công bố 9 công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2018. Ở lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động Đoàn - Đội gồm 3 gương mặt có thành tích xuất sắc.
Cao Thanh Hiếu (13 tuổi, học sinh lớp 8 THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) là gương mặt nhỏ tuổi nhất. Nhiều năm liền, em đạt danh hiệu học sinh giỏi nhất khối ở trường, học sinh giỏi của thành phố.
Hiếu được nhận xét là học sinh khiêm tốn, năng nổ, nhiệt huyết với các hoạt động xã hội. Trong năm học, Hiếu cùng với các bạn ở trường đề xuất tổ chức chương trình "Đổi rác - nhận quà xanh" tạo ra thói quen bảo vệ môi trường.
Với vai trò thành viên Hội đồng trẻ em TP HCM, Hiếu đề xuất những phương pháp học tập mới, bày tỏ nguyện vọng thiếu nhi thành phố sẽ có được môi trường học tập và vui chơi tốt nhất.
Cao Thanh Hiếu nhận giấy khen chỉ huy đội giỏi ở TP HCM. Ảnh: Thành Đoàn TP HCM.
Là sinh viên năm tư lớp cử nhân tài năng tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Tôn Thất Vĩnh (21 tuổi) có nhiều thành tích ấn tượng tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Vĩnh đạt hạng 6 kỳ thi quốc tế DAVIS Challenge 2018, bằng khen cho sinh viên có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Đại học Quốc gia TP HCM.
Trước đó, anh giành giải thưởng công nghệ thông tin năm 2017 của UBND TP HCM cho sinh viên xuất sắc trong học tập và nghiên cứu, giải nhì kỳ thi lập trình ACM-ICPC khu vực phía Nam, giải ba kỳ thi quốc tế về video Segmentation tại hội nghị Quốc tế CVPR 2017.
Vĩnh có 6 bài báo khoa học quốc tế, trong đó anh làm tác giả chính hai bài, còn lại là đồng tác giả.
Dù tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh song Lê Chí Cường (23 tuổi, Đại học Công nghiệp TP HCM) lại khá hào hứng với du lịch khi công bố nhiều bài báo khoa học trong lĩnh vực này. Năm nay, Cường đạt giải nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học do Trung ương Đoàn tổ chức.
Một số nghiên cứu khoa học của anh là: Các yếu tố tác động đến ý định mua nông sản hữu cơ có nguồn gốc xuất xứ từ Đà Lạt của người tiêu dùng TP HCM; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu trà Atiso trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Phan Thị Lan Anh (giữa) hướng dẫn thủ tục cho người dân tại cơ quan. Ảnh: Thành Đoàn TP HCM.
Gương công chức trẻ năm nay thuộc về hai cán bộ sở ngành có nhiều sáng kiến cải cách thủ tục hành chính cho cơ quan.
Chị Phan Thị Lan Anh (29 tuổi, Kho bạc Nhà nước TP HCM) với sáng kiến giúp giải quyết các vấn đề trong việc thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiệu năng của hệ thống quản lý hệ thống ngân sách tại kho bạc. Công trình được Hội đồng sáng kiến cấp Bộ thông qua, triển khai từ tháng 8 tại cơ quan Kho bạc Thành phố và 24 Kho bạc quận huyện.
Trước đó, năm 2014-2017, chị liên tục có những đề xuất sáng kiến cấp cơ sở nhằm rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân.
Tám năm công tác tại phòng Văn bản pháp quy, Nguyễn Hải Long (30 tuổi, Sở Tư pháp TP HCM) tìm ra nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị.
Năm 2018, anh đã đề ra "Giải pháp xây dựng nội dung 7 phân hệ của cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính tập trung TP HCM" trong dự án cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính thành phố. Sáng kiến được áp dụng, giúp cơ quan tiết kiệm một tỷ đồng còn anh được giải thưởng "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc".
Từ cơ sở dữ liệu trên, người tiếp cận dễ dàng hơn nội dung của các thủ tục hành chính, không phải tốn thời gian đến cơ quan nhà nước xem bảng niêm yết.
Gương thanh niên khởi nghiệp được trao cho Hồ Đức Hoàn (28 tuổi, sáng lập kiêm CEO Công ty cổ phần Chỉ số tín nhiệm quốc tế EBrand Index Value - EBIV). Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM, Hoàn giành học bổng du học tại Phần Lan sau đó tham gia chương trình nghiên cứu sâu về thương hiệu tại Đại học Catholique de Lyon (Pháp).
Làm việc tại Pháp một thời gian, anh về Việt Nam tạo dựng nền tảng giúp người học có những nguồn tin đáng tin cậy trong hành trình học tập. EBIV của Hoàn năm 2016 đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Startup Wheel 2016.
Không chỉ khởi nghiệp thành công, Hoàn còn được biết đến là người truyền lửa đam mê khởi nghiệp cho các bạn trẻ khi đã tài trợ cho hơn 100 chương trình học thuật của sinh viên trên toàn quốc, trực tiếp đào tạo và huấn luyện kỹ năng cho hơn 2.000 bạn trẻ.
Anh là startup duy nhất của Việt Nam được Herbronstar (Hàn Quốc) mời trình bày tại sự kiện kết nối khởi nghiệp châu Á tại Jakarta (Indonesia). Anh còn được bầu làm Phó chủ tịch hiệp hội phát triển doanh nhân trẻ Đông Nam Á.
Gương thanh niên công nhân trực tiếp sản xuất được trao cho Nguyễn Ngọc Chiến (29 tuổi, Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn). Tốt nghiệp ngành Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Chiến học hỏi, tìm tòi liên tục với những sáng kiến chuyên môn mới.
Từ năm 2015 đến nay, những sáng kiến của anh giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng.
Nguyễn Hải Đăng. Ảnh: Thành Đoàn TP HCM.
Gương vận động viên trẻ được trao cho Nguyễn Hải Đăng (17 tuổi, vận động viên cầu lông Nhà tập luyện Thể dục thể thao Phú Thọ) .
Đam mê và bắt đầu tập luyện cầu lông từ năm 6 tuổi, Hải Đăng nỗ lực tập luyện và chính thức trở thành thành viên của đội tuyển cầu lông TP HCM 3 năm sau đó.
Đăng giành ngôi vô địch cầu lông đơn nam U19 tại giải trẻ quốc gia hai năm liên tiếp 2017, 2018. Tại Giải cầu lông trẻ quốc tế được tổ chức tại Cộng hòa Síp, dù không phải là hạt giống nhưng Hải Đăng đã chiến thắng ở sáu trận và đăng quang ngôi vô địch.
Anh được chọn thi đấu giải Olympic trẻ mùa hè Buenos Aires 2018 diễn ra ở Argentina, được coi là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho lứa tuổi trẻ.
Gương văn nghệ sĩ trẻ năm nay được trao cho ca sĩ Trần Chí Thiện (30 tuổi). Anh được đánh giá là nghệ sĩ rất tích cực trong việc tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên hoạt động phục vụ vùng sâu vùng xa, hải đảo.
Anh cũng tham gia nhiều chương trình giúp bệnh nhân nghèo, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Thầy giáo bày học sinh nhận diện rau nhiễm hóa chất Vào giờ học của thầy Phúc, học sinh nhận diện rau nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu và cách trồng rau sạch để ăn...và ghi lại bằng clip. Sáng kiến của những giờ học sinh động khiến học sinh thích thú này của thầy Lê Thiên Phúc, Giáo viên môn Sinh và Công nghệ tại Trường THPT Phú Nhuận, vừa đạt giải nhất...