Sáng 19/8, khoảng 1,4 triệu học sinh TP Hồ Chí Minh tựu trường
Sáng nay (19/8), khoảng 1,4 triệu học sinh từ cấp Tiểu học cho đến THPT tại TP Hồ Chí Minh đã bước vào năm học mới 2019 – 2020.
Sáng 19/8, TP Hồ Chí Minh tổ chức tựu trường cho khoảng 1,4 triệu học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2019 – 2020, toàn thành phố tăng thêm 75.434 học sinh, chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Số học sinh tăng tập trung ở các quận 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới để đảm bảo 100% các em học sinh có đủ chỗ học
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết, tình trạng gia tăng học sinh trong năm học mới đã làm tăng áp lực về sĩ số học sinh/lớp (vượt cao so với chuẩn), đồng thời học sinh tham gia học 2 buổi/ngày phải giảm xuống. Bên cạnh đó, các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh cũng dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế; vì vậy sẽ làm tăng nguồn chi ngân sách Thành phố.
Năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới theo lộ trình; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; tích cực rà soát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lí nhà nước; thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Video đang HOT
Tin, ảnh: Đan Phương
Theo Báo Tin tức
TP.HCM đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy học tiếng Anh
Là địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm liên tục (năm 2017 5.92 điểm, năm 2018 5.06 điểm, năm 2019 5.79 điểm), TP.HCM được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy học bộ môn này với nhiều chủ trương đúng đắn, kịp thời.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong Ngày hội giao tiếp tiếng Anh
Tự chọn chương trình học
Theo đó, tại TP.HCM, học sinh công lập có thể lựa chọn một trong các chương trình học tiếng Anh như: chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, chương trình giảng dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh...
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bên cạnh chương trình đề án tiếng Anh của Bộ GD&ĐT, triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, TP.HCM đã xin phép Bộ để thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ 20 năm nay.
Với chương trình này, các em được học tiếng Anh trong trường công lập ngay từ lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần. Đến nay, thành phố đã có 94,5% học sinh lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học.
Đặc biệt để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường, TP.HCM đã đưa chương trình "Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" (gọi tắt tiếng Anh tích hợp) vào giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, với chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh được học 8 tiết/tuần các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh do 100% giáo viên bản ngữ giảng dạy. Hiện nay, chương trình được triển khai tại bậc tiểu học, THCS, THPT. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong dạy học ngoại ngữ của TP.HCM trong xu thế hội nhập.
Học sinh TP.HCM được tạo điều kiện học tiếng Anh và các môn khoa học với giáo viên nước ngoài
Để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường phổ thông, TP.HCM có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên. Theo khảo sát chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế của TP vào năm 2012 cho thấy chỉ có khoảng 5% giáo viên đạt yêu cầu. Thời gian qua, TP đã sử dụng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, đến nay có 70% giáo viên đạt chuẩn.
Đẩy mạnh xã hội hóa GD trong dạy tiếng Anh
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quan trọng cho chất lượng dạy học tiếng Anh tại TP.HCM được nâng cao đó chính là "nhờ" vào chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, các trung tâm ngoại ngữ phát triển. Từ đó, phụ huynh có nhiều lựa chọn và đầu tư cho con học tiếng Anh trong môi trường học ngoại ngữ chuẩn, tăng cường thực hành, giao tiếp với người nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, hiện nay thành phố có hơn 700 trung tâm tiếng Anh. Ngoài được tạo điều kiện học tiếng Anh trong trường công lập với nhiều chương trình tiếng Anh đa dạng, tiên tiến, học sinh TP.HCM còn được phụ huynh đầu tư học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ.
Với chương trình tiếng Anh tự chọn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho phép giáo viên bản ngữ vào giảng dạy, tăng thực hành, giao tiếp tiếng Anh chuẩn cho học sinh. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh rằng nhu cầu giáo viên bản ngữ của thành phố hiện rất lớn và Sở GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ, có chính sách đưa giáo viên bản ngữ vào dạy ở các trường phổ thông.
Hồng Đăng
Theo GDTĐ
TP.HCM tuyên dương, khen thưởng 618 học sinh giỏi tiêu biểu Ngày 16-7, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng 618 học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2018-2019. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngành GD&ĐT TP đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2018-2019 và hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong năm học 2019-2020....