Sàn thương mại điện tử Trung Quốc tiếp tay cho xâm phạm thương hiệu
Các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Dr. Martens hay Levi’s cáo buộc sàn thương mại điện tử Shein của Trung Quốc tiếp tay cho vi phạm thương hiệu.
Nền tảng thương mại điện tử thời trang nhanh Shein đến từ Trung Quốc đang bị nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thành lập vào năm 2008, Shein là sàn thương mại điện tử tập trung vào cung cấp quần áo thời trang cho phái nữ và trẻ em, chủ yếu là thế hệ Gen Z với giá rẻ và các mặt hàng bắt kịp xu hướng (trend).
Số liệu từ AppAnnie cho thấy ứng dụng mua sắm Shein đã đứng đầu lượt tải trên cả App Store lẫn Play Store trong tháng 5. Công ty này đang được định giá 15 tỷ USD sau vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 8/2020.
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Shein đang thu hút rất nhiều người trẻ mua sắm online trong mùa dịch.
Nhưng một số thương hiệu lớn và nhỏ cáo buộc thành công của Shein là nhờ xâm phạm thương hiệu một cách “có chủ đích và có tính toán”.
AirWair International, nhà sản xuất của thương hiệu Dr. Martens đang kiện Shein vì bán các mẫu giày Martin cùng hơn 20 mẫu khác với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ các mẫu giày của Dr. Martens.
Trong đơn kiện gửi lên tòa án ở California, AirWair cáo buộc Shein và site con Romwe không chỉ lấy các thiết kế mà còn dùng hình ảnh của Dr. Martens để dụ dỗ khách hàng vào website mua giày ‘dởm’.
Shein tất nhiên phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc. Một buổi điều trần đã được lên lịch vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Kikay, một thương hiệu bán khuyên tai ở Los Angeles, cũng mới phát hiện ra các thiết kế của hãng này được bán giá rẻ trên Shein.
Nhà đồng sáng lập của Kikay đăng tấm hình so sánh thiết kế hai bên lên Instagram và nhận được hơn 1.000 bình luận, chủ yếu đến từ các nhà thiết kế thời trang nhỏ lẻ cũng than phiền về việc gặp tình trạng tương tự.
Các nhà bán hàng online như Shein đã được hưởng lợi rất nhiều từ đại dịch Covid-19. Nhà phân tích Matthew Brennan trích dữ liệu từ SimilarWeb cho thấy Shein nằm trong nhóm website thời trang được truy cập nhiều nhất thế giới.
Sự phổ biến của Shein nhờ quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ giúp tạo ra các sản phẩm bắt trend với giá cực kỳ rẻ trong công đoạn gia công sản xuất chỉ tính bằng một vài ngày.
Lợi thế ở đây là nguyên liệu được cung cấp một cách mau chóng từ các nhà cung cấp nội địa nhưng Shein lại bán hàng ra khắp thế giới, ở trên 220 quốc gia, theo trang chủ công ty.
Một nhà thiết kế trẻ có tên Emma Warren tố Shein bày bán các mẫu áo nhái trắng trợn thiết kế của cô với giá rẻ mạt.
Vụ kiện của AirWair tương tự vụ việc xảy ra vào năm 2018, khi đó Shein bị Levi Strauss kiện vì sao chép mẫu Arcuate của đối thủ. Arcuate là thiết kế hoa văn trên túi sau của quần bò mà Levi đã đăng ký bảo hộ thương hiệu. Vụ kiện kết thúc với một thỏa thuận không được tiết lộ.
Đồng sáng lập Kikay cho biết đã nhận được lời nhắn xin lỗi từ Shein, hứa gỡ bỏ sản phẩm và không làm việc với nhà cung cấp bán sản phẩm nhái nữa.
Tuy nhiên, tranh chấp thương hiệu giờ đã trở thành điều phổ biến ở lĩnh vực thời trang, nhà phân tích Web Smith cho biết.
“Chừng nào Shein còn khách hàng, họ xác định rằng việc bỏ thời gian và công sức để làm sản phẩm nhanh nhất có thể là xứng đáng, kể cả khi các sản phẩm đó vi phạm sở hữu trí tuệ”, ông kết luận.
Mua hàng Tiki, Lazada, Shopee tăng cao mùa dịch
Các nền tảng thương mại điện tử đều ghi nhận mức tăng trưởng trong mùa dịch, trong đó chủ yếu có mặt hàng thiết yếu, chăm sóc sức khoẻ, điện tử...
Dịch bệnh khiến nhu cầu về hàng hoá thiết yếu lên cao. Xu hướng mua hàng qua mạng cũng tăng rõ rệt. Nhất là khi TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách từ 31/5, nhu cầu mua sắm online cao hơn ngày thường.
Nhân viên làm việc bên trong một kho hàng thương mại điện tử.
"Trong thời gian diễn ra dịch Covid - 19, người dân được khuyến khích ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, chúng tôi thấy nhiều người Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ, thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với tất cả các danh mục ngành hàng", ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Shopee Việt Nam trả lời PV.
Trong đó, nổi bật là các mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp, đồ điện tử và đồ gia dụng.
Phía Tiki cho biết, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, mức độ tăng trưởng trên toàn sàn lên 30%. Đồng thời xu hướng tìm kiếm của người tiêu dùng trên Tiki cũng có dấu hiệu tăng rõ rệt ở những nhóm ngành hàng, sản phẩm phục vụ cho công việc và hoạt động của bản thân và gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Cụ thể là những ngành hàng như: hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, hàng tươi sống, nhà cửa đời sống, mẹ-bé, dụng cụ thể thao, hàng điện tử và phụ kiện.
Trong khi đó, phía Lazada cho biết, trải qua ba làn sóng Covid-19, người dân đã làm quen với việc mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết qua các kênh online, thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa quá mức như trước đây.
Một số ngành hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Chẳng hạn, các mặt hàng tươi sống và đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng hơn 10 lần.
Mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng tay hay các vật dụng bảo hộ vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, do nguồn cung đã ổn định và người tiêu dùng không còn tâm lý tích trữ nên không xảy ra tình trạng cháy hàng hay khan hiếm hàng hóa.
Do đã có kinh nghiệm từ trước, các sàn đều chuẩn bị nguồn cung ngay từ khi dịch chuẩn bị bùng phát.
Tiki đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa ở hầu hết các ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%, đặc biệt ở những ngành hàng nhu yếu phẩm, ngành hàng thực phẩm tươi sống, cũng như ngành hàng công nghệ với những mặt hàng hỗ trợ làm việc và giải trí tại nhà trong thời gian giãn cách...
Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, đặc biệt sản phẩm nước rửa tay tăng gấp 25 lần.
Trong thời gian dịch bệnh, các nền tảng cũng đưa nhiều chương trình hỗ trợ nông dân bán hàng trên ứng dụng. Chẳng hạn Lazada đưa vải Hải Dương lên sàn. Shopee mở bán nông sản Sơn La và Tiền Giang.
Đối với nhà bán nói chung, các bên đều có chương trình hỗ trợ. Như Shopee hỗ trợ chạy quảng cáo để tăng cường nhận diện, giảm giá một số gói quảng cáo bên trong nền tảng này. Lazada tung gói hỗ trợ thúc đẩy doanh số, dự kiến tiếp cận 100.000 nhà bán.
Trong thời kỳ dịch bệnh, các nền tảng cũng phải bảo đảm an toàn cho nhân viên làm việc tại kho lẫn nhân viên giao hàng. Đây là nhóm đối tượng làm việc toàn thời gian để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong giai đoạn giãn cách.
Phía Tiki triển khai khử khuẩn liên tục vào mỗi ngày tại các khu vực kho hàng và khu sinh hoạt chung (khu văn phòng, phòng ăn...) nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lực lượng lao động.
Đối với việc giao hàng cho khách trong mùa dịch, Lazada đã triển khai việc giao hàng không tiếp xúc, đẩy mạnh việc thanh toán thông qua các kênh gián tiếp như: hình thức trả trước, ZaloPay...
Riêng khách hàng tại các khu vực theo Chỉ thị 16 Thủ tướng Chính phủ, Lazada khuyến khích đặt hàng từ các nhà bán hàng cùng khu vực, để việc vận chuyển được thuận tiện và nhanh hơn.
Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử tăng mạnh dịp tết Các ví điện tử, ngân hàng số ngày càng trở thành phương thức thanh toán được người dùng lựa chọn, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Mua sắm trực tuyến dễ dàng, tiện lợi cho người dùng Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, sức mua...