Sách tham khảo: Dù không bắt mua nhưng phụ huynh vẫn phải móc ví
Ngay tuần đầu tiên của năm học mới 2020-2021, câu chuyện về bộ sách lớp 1 được bán trong các trường học trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của xã hội khi số tiền phụ huynh phải bỏ ra có nơi lên tới hơn 800 nghìn đồng mà trong đó, tiền sách giáo khoa (SGK) chỉ là phần nhỏ.
Ảnh minh họa
Năm nay là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, với một chương trình và nhiều bộ SGK, bắt đầu triển khai từ lớp 1.
Trong danh mục sách các trường đề nghị phụ huynh mua đầu năm học, có những trường lựa chọn trọn bộ SGK (có 5 bộ SGK lớp 1) nhưng cũng có những trường lại chọn 1 số sách từ danh mục 43 cuốn sách được Bộ GDĐT phê duyệt trước đó.
Tuy nhiên, câu chuyện được mọi người quan tâm chính là trong mỗi bộ sách được nhà trường đề nghị phụ huynh mua, ngoài SGK còn rất nhiều sách tham khảo, sách bài tập, đồ dùng học tập…. Đáng nói, “phần phụ” này lại chiếm phần lớn số tiền của bộ sách.
Bảng sách giáo khoa, sách bổ trợ lớp 1 nhà trường bán cho phụ huynh đầu năm học
Tìm hiểu tại Hà Nội, một phụ huynh học sinh lớp 1 ở trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình cho biết chị đã phải chi hơn 400.000 đồng để mua sách cho con theo danh mục sách nhà trường đề nghị.
Trong danh mục 22 đầu sách được trường đề nghị mua, ngoài các SGK lớp 1 của 9 môn học theo danh mục sách được Bộ GDĐT phê duyệt, còn lại là các vở bài tập Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Tập viết mà số tiền của những vở bài tập này tính ra cũng tương đương số tiền mua SGK.
Và điều đương nhiên là những sách bài tập này không phải qua thẩm định hay xét duyệt mà nghiễm nhiên trở thành sách được phép sử dụng trong chương trình học.
Trở lại vấn đề chính ở đây là cơ chế nào khiến cho câu chuyện nói trên luôn trở thành chủ đề nóng mỗi khi năm học mới bắt đầu nhưng bao nhiêu năm nay không thể giải quyết được triệt để, dù các cơ quan quản lý có siết chặt hay chấn chỉnh?
Phía Bộ GDĐT thì luôn khẳng định, ngoài SGK là tài liệu bắt buộc, nhà trường phải hướng dẫn phụ huynh mua sắm cho con, còn với các sách bổ trợ, sách tham khảo… nhà trường không được ép buộc, phụ huynh hoàn toàn có quyền quyết định mua hay không.
Video đang HOT
Thế nhưng có một thực tế là “gói” SGK mà các trường cung cấp lại luôn kèm sách tham khảo, sách bổ trợ. Phụ huynh chỉ có sự lựa chọn hoặc mua hoặc là không mua trọn “gói” sách này.
Để chấn chỉnh tình trạng này, trong vòng 4 ngày đầu năm học 2020-2021, Bộ GDĐT liên tiếp ra 2 văn bản yêu cầu các Sở GDĐT và các trường học thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, động thái này của Bộ GDĐT không thể giải quyết được tận gốc vấn đề mà chỉ đơn thuần là công văn nhắc nhở bởi thực tế lại khác 100%.
Ngoài kẽ hở trong quản lý thì chính tư duy của các giáo viên khi giảng dạy luôn bám vào SGK, coi SGK là pháp lệnh cũng là điều đáng nói.
Một giáo viên đã nghỉ hưu từng chia sẻ, giáo viên bây giờ nhàn hơn thời trước nhiều, các em được hỗ trợ rất nhiều từ trang thiết bị giảng dạy hiện đại tới các sách hướng dẫn, sách tham khảo… Thời cô còn đang dạy, buổi sáng lên lớp còn chiều và tối là dành cho việc chấm bài, soạn giáo án, tìm tài liệu chuẩn bị bài giảng cho hôm sau, làm sao để học sinh của mình tiếp thu bài tốt nhất với tiết học sinh động nhất.
Cô cho biết, ngoài SGK, các giáo viên phải tham khảo thêm nhiều tài liệu dạy học khác để tìm được những dạng bài tập phù hợp với trình độ học sinh của mình. Mỗi tháng cô phải tốn thêm vài chục nghìn photo bài tập cho học sinh, nên học sinh ngoài SGK không phải mua thêm các sách khác. Đây là điểm mấu chốt để ít phụ thuộc vào sách tham khảo, sách bổ trợ… nhưng không phải giáo viên nào cũng làm được như giáo viên này.
Như vậy, một vòng tròn khép kín từ Bộ GDĐT duyệt sách, các Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn sử dụng SGK cho năm học mới… với “tinh thần chung là không ép buộc phụ huynh phải mua các sách bổ trợ, tham khảo…”, còn khi lên lớp, học sinh vẫn buộc phải dùng tới các sách bài tập, sách tham khảo. Nếu không có, cô giáo lại sẽ nhắn tin về cho gia đình. Thế rồi phụ huynh lại đôn đáo chạy khắp các nhà sách tìm mua cho con, bởi có những cuốn có tiền cũng không dễ gì mua được. Và cái vòng luẩn quẩn này không biết sẽ kéo dài tới khi nào mới chấm dứt.
Sau khi Bộ GDĐT tiến hành lập Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua các vòng thẩm định, cuối cùng đã có 43 SGK lớp 1 được phê duyệt và bắt đầu đưa vào giảng dạy ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.
Các cuốn SGK tập trung thành 5 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo và Cánh diều.
Các Nhà xuất bản sau đó cũng đã công bố giá bán của 5 bộ SGK lớp 1 sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngày 25/3, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá bán của 4 bộ sách giáo khoa lớp 1, trong đó, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (10 cuốn) giá 179.000 đồng; bộ sách Chân trời sáng tạo (9 cuốn) giá 186.000 đồng; bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (10 cuốn) giá 194.000 đồng; bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (9 cuốn) giá 189.000 đồng.
NXB Đại học Sư phạm phối hợp với NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, Công ty CP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam cũng công bố giá bộ sách Cánh Diều (9 cuốn) với giá 199.000 đồng.
Gợi ý, ép buộc mua sách tham khảo: Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm
Thời gian qua, một số phụ huynh (PH) phản ánh tình trạng nhà trường "nhập nhèm" giữa sách giáo khoa (SGK) và tham khảo.
Để làm rõ việc phụ huynh phải mua đầu sách nào, tài liệu là bổ trợ, phụ huynh có quyền mua hoặc không, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) có chia sẻ trên Báo GD&TĐ.
PHHS cần hiểu rõ về các loại sách bắt buộc và sách tham khảo để chọn đúng, mua đủ. Ảnh: Huyền Thương
Xử lý nghiêm "nhập nhèm" SGK và tài liệu bổ trợ
- Giá SGK lớp 1 của Chương trình GDPT mới được các NXB công bố ở mức khoảng 190.000 đồng/bộ. Trong khi đó, một số PH ở TPHCM phản ánh phải mua sách với giá 800.000 đồng. Liệu có việc nhà trường "nhập nhèm" giữa SGK và sách tham khảo, buộc PH phải mua?
- Ở cấp tiểu học do học sinh (HS) còn nhỏ nên việc tư vấn mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới chủ yếu được các nhà trường thực hiện thông qua phối hợp với cha mẹ HS. Đây là việc làm đúng theo chức năng nhiệm vụ của nhà trường.
Theo phản ánh sơ bộ của Sở GD&ĐT TPHCM, danh mục sách vở lớp 1 năm học 2020 - 2021 mà PH cung cấp cho báo chí đúng là danh mục sách trường tiểu học đưa ra để PH tham khảo, tự trang bị cho con em nếu có nhu cầu và thấy cần thiết, không có sự ép buộc PH phải mua thêm sách tham khảo. Ở đây, do việc trao đổi thông tin tư vấn giữa GV và PHHS chưa rõ ràng dẫn tới việc PH nắm thông tin không đầy đủ và trang bị sách vở, đồ dùng học tập cho HS chưa phù hợp.
Sở GD&ĐT TPHCM đã nhắc nhở, yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố cung cấp thông tin sách vở cần trang bị cho HS trong năm học mới tới PH phải đầy đủ, rõ ràng. Trong đó nêu rõ sách nào là bắt buộc phải có, tài liệu nào là tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua theo nhu cầu và thấy thật sự cần thiết cho con em mình.
Sự việc ở TPHCM là bài học kinh nghiệm để nhà trường khi thông tin tới PHHS về việc mua sắm sách vở năm học mới cần rõ ràng, công khai, minh bạch, và cũng rất cần sự giám sát của các lực lượng truyền thông, xã hội.
- Bộ GD&ĐT đã có những quy định gì để ngăn ngừa và xử lý tình trạng nhà trường đưa nhiều đầu sách tham khảo vào bán kèm với SGK rồi buộc HS, PH mua, thưa ông?
- Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo: Công văn số 6176/TH về việc hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp 1 theo CT và SGK mới (chương trình hiện hành theo Quyết định số 16/2006/BGDĐT); Công văn số 6631/BGDĐT-GDTrh về việc sử dụng SGK và tài liệu giảng dạy, học tập đều quy định rõ các cơ quan quản lí giáo dục, các trường không bắt buộc HS mua sách tham khảo, sách bổ trợ, các đơn vị liên quan phải thông báo rõ điều này cho GV, HS và gia đình HS biết.
Điều lệ Trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28. SGK và tài liệu tham khảo cũng quy định rõ SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình GDPT cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của GV; khuyến khích GV sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn của Bộ đã rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm, đúng theo quy định; đề nghị phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT và cơ quan liên quan tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát để nhà trường thực hiện đúng theo quy định.
Trường học nào đưa các loại sách, tài liệu không đúng quy định vào sử dụng hoặc bán cho PHHS là vi phạm. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trên.
Ngoài ra các sở GD&ĐT đã có hành lang pháp lý để kiểm tra, xử lý nên cần tăng cường vai trò, chức năng của mình trong việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm các tài liệu sử dụng trong trường phổ thông đúng quy định, hiệu quả, chất lượng. Làm tốt và đồng bộ những quy định trên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn chặn tình trạng đưa các tài liệu không đúng quy định vào bán cùng SGK.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Đức Trí
Sách giáo khoa lớp 1: 8 cuốn bắt buộc, 1 cuốn tự chọn
- Ông có tư vấn gì với PHHS để việc trang bị SGK, đồ dùng học tập cho học sinh được đúng, đủ, không lãng phí?
- Theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) có 8 cuốn bắt buộc và 1 môn tự chọn gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.
Ngoài các cuốn SGK chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho HS, PH có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Như vậy, ngoại trừ SGK là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế của việc dạy - học và trên tinh thần tự nguyện của PH, HS mà trang bị cho các em; nhà trường, GV không được ép buộc HS mua tài liệu tham khảo. Quy định này, các phụ huynh cần nắm rõ để việc phối hợp với nhà trường trong mua sắm sách và đồ dụng học tập cho con em.
Muốn việc trang bị SGK, đồ dùng học tập cho HS hiệu quả, phù hợp, nhất là với HS tiểu học, cần tăng cường trao đổi giữa PHHS với GV chủ nhiệm/nhà trường để có được sự tư vấn và thông tin cần thiết. Theo đó, các trường học trên toàn quốc cần phối hợp chặt chẽ với PHHS trong việc trang bị sách và đồ dùng học tập cho các em theo hướng cung cấp thông tin minh bạch đầy đủ, đúng quy định, chức năng của mình. Trong thông báo của nhà trường tới PHHS phải nêu rõ những SGK nào là bắt buộc phải có để bảo đảm việc học tập của các em theo yêu cầu của Chương trình GDPT; tài liệu nào là bổ trợ, tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua sắm.
Trên thị trường hiện nay, nguồn cung các tài liệu tham khảo khá đa dạng và cho nhiều đối tượng, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy GV, nhà trường cố gắng cung cấp thông tin một cách chính xác để PHHS trang bị đồ dùng, học liệu học tập cho HS sát nhu cầu, hỗ trợ tích cực việc dạy - học nâng cao hiệu quả, chất lượng.
- Xin cảm ơn ông!
"Ngoại trừ SGK là tài liệu học tập HS bắt buộc phải có, các tài liệu bổ trợ khác có thể trang bị tùy theo nhu cầu thực tế của HS. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo". TS Thái Văn Tài thông tin.
Hiệu trưởng bị phê bình vì thông tin nhập nhèm 23 đầu sách lớp 1 Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong (TP.HCM) bị phê bình sau vụ thông báo cho phụ huynh mua sách lớp 1 giá 800.000 đồng. Phụ huynh được trả lại sách đã mua nếu không có nhu cầu. Trao đổi với Zing, sáng 9/9, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 (TP.HCM), cho biết hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong...