Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất: Bước tiến mới
Theo PGS.TS Đặng Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh, việc có bộ SGK về giáo dục thể chất là bước tiến mới.
Sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
SGK về giáo dục thể chất là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện tốt nội dung giáo dục thể chất trong các trường phổ thông. Tài liệu này sẽ giúp cho giáo viên tham khảo để soạn giáo án giảng dạy. Học sinh cũng có thể nắm được nội dung chương trình để có thể tự rèn luyện và tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Văn Dũng cho rằng, SGK chỉ là tài liệu giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình môn học giáo dục thể chất trong các trường phổ thông. Còn việc nâng cao vị thế môn học này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: vấn đề nhận thức về vị trí, vai trò của môn học, sự quan tâm của xã hội, cũng như sự đầu tư về cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục thể chất trong trường phổ thông….
Trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 (Theo thông tư số 32/2018/TT-BGĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).
PGS.TS Đặng Văn Dũng trong buổi giao lưu trực tuyến do báo GD&TĐ tổ chức.
Môn Giáo dục thể chất góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, trọng tâm là: trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khoẻ; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực và tố chất vận động;
Trên cơ sở đó giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, sống vui vẻ, hoà đồng với mọi người.
“Theo tôi, nghề giáo nói chung và giáo viên giáo dục thể chất nói riêng đều được trân trọng. Điều quan trọng là làm sao để cho mọi người nhận thức đúng được vị trí, vai trò của giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Và mỗi giáo viên giáo dục thể chất phải là những tấm gương cho học sinh, đồng nghiệp trong việc rèn luyện thể chất cũng như hoạt động nghề nghiệp” – PGS.TS Đặng Văn Dũng trao đổi.
Video đang HOT
Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Trước yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục thể chất phải góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Theo đó, Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh cũng đổi mới chương trình đào tạo ngành giáo dục thể chất.
Trên tinh thần đó, nhà trường thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa hàng năm để đáp ứng nhu cầu xã hội. Năm 2019, nhà trường đã ban hành 4 chương trình đào tạo: Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Quản lý TDTT, Y sinh học thể dục thể thao.
Chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất hoàn toàn bắt nhịp được những yêu cầu của môn Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi theo học chương trình này, năng lực nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp không những đạt mà còn vượt cao hơn so với những yêu cầu của chương trình mới.
Ảnh minh họa.
“Chẳng hạn, số thời lượng dành cho môn thể thao chuyên ngành được nâng lên 24 tín chỉ, tương ứng với 600 giờ; đồng thời đòi hỏi sinh viên phải đạt tối thiểu ở trình độ đẳng cấp 2 và đẳng cấp 3 ở các môn thể thao khác (Hệ thống phân loại đẳng cấp trong thể thao gồm: Cấp 6-5-4-3-2-1, dự bị kiện tướng, kiện tướng)” – PGS.TS Đặng Văn Dũng viện dẫn.
Thầy giáo thể dục được đề xuất danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
Trong danh sách đề xuất danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) của ngành Giáo dục Nghệ An năm 2020, thầy Ngô Trí Ưng là giáo viên duy nhất dạy bộ môn Giáo dục thể chất (GDTC).
Thầy Ngô Trí Ứng cùng học sinh trong giờ học.
Hơn 25 năm dạy học, thầy vẫn luôn dành hết tâm huyết, nỗ lực và trách nhiệm cho bộ môn mà không ít người cho rằng chỉ là phụ. Gia tài của thầy đến nay là hàng loạt sáng kiến kinh nghiệm, sự công nhận, suy tôn của đồng nghiệp và tình cảm chân thành của bao thế hệ học trò.
Mê viết sáng kiến kinh nghiệm
Khi biết giáo viên duy nhất của Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) được đề xuất danh hiệu NGƯT là thầy Ngô Trí Ưng, dạy GDTC thì không ít người bất ngờ. Tuy nhiên, thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Đó là sự tôn vinh, ghi nhận của cán bộ, giáo viên trong trường đối với thầy Ưng. Dù kết quả xét duyệt như thế nào, thì với chúng tôi, thầy Ưng đã là NGƯT rồi".
Thầy Ngô Trí Ưng tốt nghiệp Khoa Sinh - Thể (Trường CĐ Sư phạm Nghệ An), sau đó về nhận công tác tại Trường THPT Diễn Châu 2 từ năm 1994. Vừa ra trường, thầy giáo trẻ năng nổ, nhiệt tình cả trong dạy học lẫn công tác Đoàn. Ngô Trí Ưng cũng là người đi đầu trong phong trào thể thao cho học sinh và giáo viên trong trường. "Khi đó tuổi thanh niên, tôi đối với học sinh vừa là thầy giáo, vừa như người anh. Vì vậy, các em cũng tích cực tham gia thi đấu, giao lưu thể dục thể thao, dù điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị thời điểm đó còn rất thiếu thốn", thầy Ưng nhớ lại.
Để học sinh hứng thú, đạt được kỹ năng nhất định trong từng phân môn, thầy Ngô Trí Ưng đã sáng tạo, đưa ra những trò chơi để vận dụng. Từ thực tế dạy học, thầy là một trong những giáo viên GDTC sớm bắt tay vào viết sáng kiến kinh nghiệm. Trong đó, sáng kiến đầu tiên vào năm 2006 là "Một số bài tập, tổ chức dưới dạng trò chơi nhằm đạt hiệu quả cao trong giảng dạy chạy tiếp sức lớp 12 THPT".
Khi chuyển công tác về Trường THPT Diễn Châu 3, thầy Ngô Trí Ưng tiếp tục phấn đấu tại môi trường mới. Để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, thầy nhờ đồng nghiệp giúp đỡ và tự cố gắng để thành thạo tin học văn phòng. Thầy cũng sớm hoàn thành chương trình đại học để nâng chuẩn, tham gia thi đạt giáo viên giỏi tỉnh Nghệ An. Từ năm 2007 đến nay, thầy Ngô Trí Ưng tiếp tục hoàn thành 6 SKKN, không chỉ được áp dụng tại Trường THPT Diễn Châu 3, mà được nhân rộng sử dụng ở nhiều đơn vị khác.
Trong đó, các sáng kiến nhằm đạt kết quả cao trong giảng dạy nội dung bóng đá lớp 10, 11; môn nhảy xa; môn bóng chuyền được áp dụng tại các trường THPT trong huyện Diễn Châu và một số nơi ở huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, TP Vinh... "Các sáng kiến của tôi đều xuất phát từ kinh nghiệm dạy học. Mục đích là để quay về thực tiễn, có tác dụng phát triển năng lực thể chất cho học sinh. Có lẽ bởi vậy mà được đồng nghiệp công nhận, ứng dụng rộng rãi", thầy Ngô Trí Ưng nói.
Thầy Ngô Trí Ưng (GV Trường THPT Diễn Châu 3, huyện Diễn Châu, Nghệ An).
Nghị lực của người thầy
Có bề dày thành tích trong công tác đáng nể, nhưng thời gian dành cho tự nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn của thầy Ngô Trí Ưng vô cùng ít ỏi. Mọi việc soạn giáo án, hay viết SKNN của thầy chủ yếu là sau 23 giờ đêm, khi việc nhà xong xuôi, và cậu con trai đầu đã ngủ say, chịu rời vòng tay bố...
Vào ngành một thời gian, thầy Ngô Trí Ưng kết hôn với cô Bùi Thị Duyên - đồng nghiệp trong trường. Năm 2002, con trai đầu lòng sinh ra trong sự chờ đón của hai bên nội ngoại. Nhưng trận sốt co giật khi 6 tháng tuổi khiến đứa bé bị bại não. Từ đó, vợ chồng ròng rã bế con đi khắp bệnh viện, trung tâm trị liệu từ tuyến tỉnh đến Trung ương, cả miền Nam lẫn miền Bắc. Mỗi lần đưa con đi viện là một lần hi vọng, chờ đợi rồi hụt hẫng. Nhưng vợ chồng vẫn không từ bỏ. Vừa chăm con, vừa dạy học, khi gom góp được chút tiền, lại lên đường cùng con chiến đấu với bệnh tật. Cho đến khi đã chạy chữa đủ mọi cách, hết mọi nơi, vợ chồng thầy Ưng dừng lại, chấp nhận sự thiệt thòi số phận của con trai.
"Cũng vì dành thời gian, tiền bạc chạy chữa cho cháu đầu, nên 12 năm sau, vợ chồng tôi mới sinh cháu thứ 2. Lúc đó cũng áp lực lắm. Áp lực về kinh tế, về cả tâm lý. Khi sinh thêm cháu nữa, thì sự quan tâm, chăm sóc dành cho con chắc chắn sẽ bị san sẻ.
Thằng bé dù trí tuệ chậm phát triển, nhưng cũng rất nhạy cảm, sẽ phản ứng như thế nào khi có thêm thành viên mới trong gia đình", cô Bùi Thị Duyên kể lại. Đến khi đứa bé thứ 2 sinh ra khỏe mạnh, bình thường, thấy niềm vui và chạm tay nâng niu của anh trai dành cho em gái, cả gia đình mới thở phào nhẹ nhõm. Năm 2018, vợ chồng thầy sinh thêm được con trai út. Nhưng cũng từ khi vợ bận chăm con nhỏ, thì mọi việc ăn uống, vệ sinh, bồng bế con trai đầu chủ yếu do thầy Ưng lo liệu. Năm nay 18 tuổi, cậu chỉ chịu ngủ khi có bố ôm và nằm bên cạnh.
Sự nhiệt huyết, tận tâm, say nghề khiến thầy luôn được học sinh yêu quý, kính trọng.
Nhưng không bởi vất vả trong cuộc sống gia đình, mà thầy Ưng sao nhãng trong công việc. Dù suốt gần 20 năm qua, thầy chỉ có thể làm việc vào đêm muộn, ngủ ít và dậy dớm để bắt đầu guồng quay việc trường - việc nhà. Với đồng nghiệp, học sinh, chưa bao giờ thấy sự thiếu trách nhiệm hay mệt mỏi của thầy.
Cô Bùi Thị Duyên vợ thầy chia sẻ: "Tôi học được từ chồng sự say mê, tận tụy hết lòng với nghề. Là một giáo viên Lịch sử, dạy cùng trường, nhưng tôi thấy bản thân không phải lúc nào cũng nhiệt huyết được như anh ấy. Những lần tập luyện, đưa học sinh thi đấu Hội khỏe Phù Đổng, tôi lo không biết anh có đủ sức để cáng đáng hay không, nhưng cuối cùng anh ấy vẫn vượt qua".
Để ủng hộ, giúp chồng có thời gian làm chuyên môn, cô lùi về sau chăm lo gia đình, gánh bớt việc nhà. "Để mình cuốn vào công việc, vào học sinh, cũng chính là cách để vợ chồng tìm thấy niềm vui và sự cân bằng trong cuộc sống. Tôi từng cảm thấy thiếu sót với chồng. Vì hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là sinh con ra mạnh khỏe, bình thường, điều đó tôi không làm được.
Nhưng anh vẫn nhẹ nhàng và chưa bao giờ trách móc vợ, chúng tôi cứ bù đắp cho nhau như vậy. Lần đầu tiên gặp anh, dù chưa hiểu gì về nhau, tôi cảm giác "mình có thể đặt niềm tin con người này". Và đến giờ, tôi luôn thấy may mắn, hạnh phúc về lựa chọn của mình", cô Duyên tâm sự.
Sự quan tâm nhẹ nhàng giữa hai vợ chồng dường như ảnh hưởng đến tính cách của con. Cả 3 đứa trẻ đều sống tình cảm, yêu thương, nhường nhịn nhau. Dù vẫn còn nhiều, lo lắng phía trước, nhưng ngôi nhà luôn sạch sẽ, gọn gàng và chưa bao giờ thiếu tiếng cười.
Thầy Ngô Trí Ưng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận.
Để không phụ nghề
Nói về thầy Ngô Trí Ưng, thầy Trần Xuân Mạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 dành sự trân trọng: "Thầy Ngô Trí Ưng là người rất trách nhiệm, lúc nào cũng say nghề, làm việc chỉn chu, cầu toàn. Đặc biệt, công tác chuyên môn của thầy có tính liên tục. Như việc viết SKKN, nhiều thầy cô đến thời kỳ mới viết. Còn thầy Ưng là cả một quá trình tích lũy, chuẩn bị lâu dài của nhiều năm học. Trong khi trình bày, dựng slide, có những thủ thuật không biết, thầy không ngại nhờ đồng nghiệp hướng dẫn. Về phía nhà trường, giao bất cứ việc gì cho thầy Ngô Trí Ưng đều yên tâm thầy sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhất".
Đến nay, thầy Ngô Trí Ưng vẫn quan niệm, "khi đã chọn theo nghề, thì dù có 1 ngày làm giáo viên, thì cũng cống hiến hết sức mình. Bản thân tôi đến giờ vẫn luôn thấy vui khi đến trường. Việc sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện cho học sinh như một nhu cầu của bản thân, mà nếu không viết, không nghiên cứu thì thấy day dứt". Đó cũng là cách trau dồi chuyên môn, để không cũ với học sinh. Và mỗi lần được ghi nhận, thầy lại có thêm động lực để cố gắng hoàn thiện hơn.
Thầy Ngô Trí Ưng cũng thừa nhận, thực tế môn GDTC trong trường phổ thông hiện nay không được như các môn học khác. Nhất là đối với học sinh THPT, các em đang tập trung học văn hóa để đạt mục tiêu tại các kỳ thi chọn HSG, thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, thầy cô phải là người chủ động phát triển phong trào thể dục thể thao, thì học sinh mới bị cuốn theo. Đến nay, trong trường luôn duy trì CLB bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn... Thầy trò chơi thường xuyên mỗi ngày trong tuần.
Ngoài thành tích cá nhân, thầy Ngô Trí Ưng còn hướng dẫn đồng nghiệp ôn thi giáo viên giỏi tỉnh. Những kinh nghiệm trong viết sáng kiến, thầy cũng sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ cho giáo viên trong và ngoài trường. "Tôi muốn cố gắng để người trong ngành thấy rằng, dù hoàn cảnh gia đình có phần thiệt thòi, nhưng mình vẫn vượt qua. Để là người thầy thực sự trong mắt học sinh, để không phụ cái nghề của mình", thầy Ngô Trí Ưng bày tỏ.
Có một điều đặc biệt, là trong suốt 26 năm dạy học, thầy Ngô Trí Ưng chỉ làm công tác chủ nhiệm hơn... 1 tháng, thay cho đồng nghiệp nghỉ phép. Và dù đảm nhận môn học mà không ít người cho là phụ, thầy Ưng vẫn rất đông học sinh. Những năm tháng vợ chồng bế con đi viện đều luôn có học trò cũ tìm đến giúp đỡ. Ngày lễ tết, các thế hệ học sinh cũ - mới không quên đến thăm thầy cô và các em. Đó là tài sản, sự đền đáp lớn nhất của hai vợ chồng.
Thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: "Hiếm có giáo viên dạy GDTC nào được đề xuất công nhận NGƯT mà được sự đồng tình, ủng hộ 100% như thầy Ngô Trí Ưng. Hoàn cảnh gia đình vất vả, gần 20 năm nuôi con tàn tật, nhưng thầy luôn giữ được sự tận tụy, mẫu mực nhà giáo. Sự cống hiến của thầy đã truyền cảm hứng cho giáo viên trong trường. Có những người như thầy Ưng, sẽ có những học trò hạnh phúc, và chúng tôi có một ngôi trường hạnh phúc".
Trong 26 năm dạy học, thầy Ngô Trí Ưng có 4 học sinh được dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Thể dục; nhiều em đạt HSG và đạt giải Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Có 9 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (trong đó 2 lần đạt CSTĐ cấp tỉnh và tương đương); 2 lần nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An.
Bồi dưỡng đội ngũ - chiến lược dài hơi Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong CTGDPT 2018 để giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần. Theo đó, cần tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thể chất đáp ứng yêu cầu đó. Cô trò Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Sỹ Điền Đổi mới phương pháp, hình...