Sách giáo khoa lớp 1 đang được thẩm định như thế nào?
Sau một thời gian chuẩn bị, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông báo nhận các bản thảo SGK thông qua nhà xuất bản từ 1 – 15/7. Kết thúc ngày 15/7 đã có 3 nhà xuất bản nộp bản thảo 5 bộ SGK lớp 1.
Ngày 15/7 đã có 3 nhà xuất bản nộp bản thảo 5 bộ SGK lớp 1. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo lộ trình, năm học 2020 – 2021 Bộ GD&T chính thức thay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&T nói: Nghị quyết 88 của Quốc hội và gần đây Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới quy định những vấn đề cốt lõi nhất. SGK là một trong những tài liệu giáo dục rất quan trọng cụ thể hoá chương trình giáo dục phổ thông. Và theo chương trình mới này học sinh có thể học nhiều bộ SGK.
Sau một thời gian chuẩn bị, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông báo nhận các bản thảo SGK thông qua nhà xuất bản từ 1 – 15/7. Kết thúc ngày 15/7 đã có 3 nhà xuất bản nộp bản thảo 5 bộ SGK lớp 1.
Việc thẩm định 5 bộ bản thảo SGK lớp 1 này diễn ra như thế nào, thưa ông?
Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 33, trong đó có nội dung liên quan việc thẩm định cũng như quy định đối với người biên soạn và xuất bản SGK. Đây là văn bản pháp lý, là khung chuẩn nhất để đánh giá SGK với 5 điều và 13 tiêu chuẩn.
Từ đó, Bộ GD&ĐT đã mời các nhà khoa học, giáo viên đang giảng dạy, các thành phần khác, nghiên cứu những nội dung được quy định trong Thông tư 33 và cụ thể hoá được 40 minh chứng cần đạt cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12.
Bộ GD&ĐT cũng đã tập huấn cho tất cả lực lượng sau này có thể sẽ được mời thẩm định SGK lớp 1. Từ đó, thống nhất đưa ra yếu tố đặc trưng bộ môn cần đạt được, ví dụ môn Toán thế nào, tiếng Anh, Âm nhạc ra sao… Từ đó, những người viết sách sẽ cụ thể thành các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với bộ SGK lớp 1 để khi các thành viên hội đồng thẩm định, nhìn vào bộ minh chứng này không có độ vênh nhau quá lớn.
Video đang HOT
Ông Thái Văn Tài
Năm nay chúng ta viết sách cho lớp 1, năm sau sẽ viết cho từ lớp 2 đến lớp 6. Cho đến thời điểm này, việc chuẩn bị tài liệu, nhân sự cho đến thành lập các hội đồng thẩm định đã hoàn tất. Ngày 15/7, bộ trưởng GD&ĐT đã ký quyết định thành lập 9 hội đồng thẩm định SGK lớp 1.
Thời điểm này các thành viên hội đồng thẩm định SGK lớp 1 đã tiếp cận bản thảo để đánh giá. Theo quy định, mỗi hội đồng có số thành viên lẻ và ít nhất 7 người. Trong số thành viên, có ít nhất 1/3 giáo viên đang giảng dạy trực tiếp tại các vùng miền từ trung tâm, đến vùng sâu, vùng xa. Số thành viên hội đồng thẩm định còn lại là các giảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học…
Ba nhà xuất bản đã hoàn thành 5 bộ sách, những bộ sách này sẽ được các hội đồng đánh giá theo 3 mức: đạt, đạt nhưng phải sửa chữa, bổ sung và không đạt. Bộ sách nào đạt yêu cầu sẽ được công bố, các bộ sách còn lại, có quyền được đề nghị thẩm định lần 2, quy trình thẩm định lần hai có các bước thực hiện như thẩm định lần đầu.
Các hội đồng sẽ công bố những bộ sách đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT có lường trước được tình huống không có bộ sách nào trong 5 bộ SGK lớp 1 này đạt yêu cầu?
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, SGK là sản phẩm có tính tự trọng, tự hào nghề nghiệp rất cao đối với người viết sách. Nhiều nhà khoa học tham gia viết SGK không phải vì lợi nhuận mà mang mục đích cống hiến cho xã hội, cho thế hệ sau những tri thức, tình cảm và tâm huyết của mình. Vì thế, có thể khẳng định, người viết sẽ làm bằng tất cả tâm huyết và tình cảm cá nhân. Những nhà xuất bản cũng tính toán trong việc đầu tư kinh phí, vì đây là công việc cần sự đầu tư lớn. Vậy nên đây là công việc nghiêm túc, có chiến lược chứ không thể hời hợt. Nên tôi tin không có tình huống như trên. Nhưng cũng không phải vì thế mà không có sự chuẩn bị. Vì vậy Bộ GD&ĐT đã khẩn trương và xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, phù hợp để từ tháng 9 năm nay tới năm học sau vẫn còn đủ thời gian thực hiện các tình huống xảy ra theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Các địa phương lựa chọn SGK được quy định như thế nào, thưa ông?
Theo Luật Giáo dục 2019 (sửa đổi) vừa công bố thì UBND các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ lựa chọn SGK. Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng thông tư hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK. Hiện nay, đang trong quá trình soạn thảo thông tư. Dự kiến trong năm 2019 thông tư này sẽ được ban hành.
Các bộ SGK sẽ được tổ chức dạy thực nghiệm ra sao, thưa ông?
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tính toán lộ trình làm việc. Cố gắng trong tháng 9, công bố kết quả thẩm định 5 bộ SGK lớp 1. Bộ SGK nào đạt thì công bố với dư luận rồi thực hiện bước tiếp theo, bộ SGK nào cần chỉnh sửa thì cũng có thời gian sửa chữa. Bộ SGK nào không đạt thì vẫn còn thời gian tiếp thu ý kiến của hội đồng và vẫn còn thời gian để trình thẩm định lại lần thứ hai.
Đối với dạy thực nghiệm, trong quá trình xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng ma trận thực nghiệm phân ra 6 vùng, mỗi vùng như thế có cắt lát cho các đối tượng cụ thể. Song song với việc thẩm định SGK, Bộ đang xây dựng tiếp một hướng dẫn về thực nghiệm những bộ SGK đạt yêu cầu dựa trên chuẩn trước đây thực nghiệm chương trình. Để SGK trước khi đi vào giảng dạy thực tế có tính khoa học nhất.
Cảm ơn ông!
Theo Tiền phong
Bảo đảm tiến độ và chất lượng biên soạn sách giáo khoa mới
Để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) được giao tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD và ĐT cho biết quá trình tổ chức thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc và đề xuất không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn SGK.
Khách hàng mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Ngày 28-11-2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, khẳng định: Khi áp dụng chương trình SGK giáo dục phổ thông mới sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Tuy nhiên, để chủ động triển khai chương trình mới, Bộ GD và ĐT vẫn được giao tổ chức biên soạn "một bộ SGK" trên cơ sở thẩm định, phê duyệt bình đẳng với các bộ SGK khác.
Ngày 27-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông với nguồn kinh phí nhà nước và huy động các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân. Đến tháng 1-2017, Bộ GD và ĐT cùng Ngân hàng Thế giới chính thức khởi động dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, thực hiện đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao kết quả học tập của học sinh, thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực; nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc biên soạn và thực hiện SGK theo chương trình mới, đổi mới đánh giá học sinh. Trong các thành phần của dự án có thành phần biên soạn một bộ SGK và cung cấp 50 nghìn bộ SGK (từ lớp 1 đến lớp 12) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10-2018, Bộ GD và ĐT tiếp tục khẳng định tổ chức biên soạn "một bộ SGK". Việc lựa chọn đơn vị biên soạn được tiến hành theo hình thức đấu thầu rộng rãi nên cần đủ thời gian theo quy định của pháp luật. Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng cho biết tổ chức biên soạn một bộ SGK theo phương án đã thiết kế, phê duyệt từ năm 2016 trên cơ sở thống nhất với Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành liên quan. Ưu tiên chủ biên, tác giả SGK lớp 1 để triển khai quy trình biên soạn từ tháng 3-2019; kịp thời bồi dưỡng giáo viên và cung cấp sách đầy đủ cho học sinh trước khi khai giảng năm học 2020-2021. Tuy nhiên, đến tháng 5-2019, Bộ GD và ĐT cho biết gặp khó khăn trong việc triển khai biên soạn một bộ SGK theo chương trình dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Vì vậy, Bộ báo cáo, đề xuất Thủ tướng: Bộ sẽ biên soạn một bộ SGK mà không sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh chỉ còn một năm học nữa sẽ áp dụng chương trình SGK mới cho lớp 1, Bộ GD và ĐT mới đưa ra khó khăn không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo như phê duyệt ban đầu khiến dư luận không khỏi băn khoăn, đặt dấu hỏi về trách nhiệm trước một khối lượng công việc lớn như vậy. Vì sao, sau một số năm triển khai, Bộ GD và ĐT lại đề xuất biên soạn một bộ SGK không sử dụng ngân sách nhà nước? Tiêu chí nào để lựa chọn biên soạn, xuất bản một bộ SGK không sử dụng ngân sách nhà nước vừa bảo đảm chất lượng, vừa bình đẳng giữa bộ SGK của các tổ chức, cá nhân khác nhau?
Trả lời những vấn đề nêu trên, Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Bộ GD và ĐT đã đề xuất hai phương án tổ chức biên soạn một bộ SGK thuộc dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là: Giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, in và phát hành; tổ chức tuyển chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK. Tuy nhiên, cả hai phương án nêu trên đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và quy định của Ngân hàng Thế giới. Bộ GD và ĐT đã triển khai phương án xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn SGK nhưng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Vì vậy, Bộ GD và ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách nhà nước. Một phần kinh phí thuộc dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông liên quan tuyển chọn tác giả, chủ biên SGK... sẽ chuyển sang nội dung phù hợp theo hướng bảo đảm mục tiêu của dự án; việc cung cấp SGK cho thư viện các trường thuộc vùng khó khăn vẫn được thực hiện theo thiết kế ban đầu.
Để bảo đảm tiến độ, Bộ GD và ĐT đã xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Từ ngày 1 đến 15-7, Bộ GD và ĐT tiếp nhận hồ sơ để thẩm định SGK lớp 1 của các tổ chức, cá nhân. Đối với việc bảo đảm chất lượng và sự công bằng, minh bạch, không độc quyền trong biên soạn, xuất bản, Bộ GD và ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Các thành viên hội đồng được lựa chọn là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa có uy tín, vừa có trách nhiệm, đủ tiêu chuẩn theo quy định. SGK của mọi tổ chức, cá nhân được thẩm định bình đẳng như nhau. Quá trình tổ chức thẩm định sẽ thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký, thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK... Mục đích cuối cùng là phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là những điều mà dư luận, các bậc phụ huynh quan tâm, mong muốn, bởi chất lượng sách giáo khoa đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo, nhất là đối với lớp 1, lớp học đầu tiên trong hệ thống 12 năm của hệ thống giáo dục phổ thông.
GIANG SƠN
Theo Nhan đân
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chạy nước rút... có kịp? Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được giảng dạy ở lớp 1. Do đó, từ ngày 1-15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của các tổ chức, cá nhân... Từ năm học 2020-2021, sẽ bắt đầu triển khai vòng SGK mới....